Trồng cà chua an toàn sinh học, giá bán cao gấp 15 lần
Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đang triển khai thí điểm xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng cà chua theo hướng an toàn sinh học tại TP.Đà Lạt. Bước đầu, mô hình cho thấy tín hiệu đạt hiệu quả cao.
Giá cao gấp 15 lần
Văn phòng Phát triển bền vững (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam – NDVN) và Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng lựa chọn HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến để phối hợp thực hiện dự án “Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng cây cà chua theo hướng an toàn sinh học tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”.
Mô hình điểm này giao cho 8 thành viên HTX thực hiện, các hộ tham gia được hỗ trợ giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật, sử dụng chế phẩm vi sinh, hướng dẫn canh tác cây cà chua theo hướng hữu cơ, an toàn.
Ông Dương Ngọc Tuân cho biết, trồng cà chua theo hướng an toàn sẽ bán được với giá cao hơn. Ảnh: V.L
Dẫn phóng viên đi thăm khu vườn trồng cà chua, ông Dương Ngọc Tuân (tổ Tây Hồ, phường 11, TP.Đà Lạt) giới thiệu về những cây cà chua mới trồng của gia đình mình. Ông Tuân cho biết, ông cũng là một thành viên của HTX Tân Tiến, tiên phong trồng cà chua sạch, an toàn để cung cấp cho các siêu thị như Co.opmart hay Metro với giá cao, ổn định.
“Gia đình tôi trồng 4.000m2 cà chua theo hướng an toàn sinh học, được HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến tập huấn về kỹ thuật, sử dụng chế phẩm sinh học an toàn, hướng dẫn canh tác. Đặc biệt, chúng tôi được HTX bao tiêu đầu ra cho sản phẩm cà chua. Hiện nay, cà chua sạch trong vườn của tôi được thu mua với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, cao hơn gấp 15 lần so với cà chua trồng ngoài trời ở các huyện lân cận. Như chúng tôi canh tác, giống sẽ được mua từ một công ty nhập trực tiếp từ nước ngoài về, chăm sóc đúng kỹ thuật nên vỏ cà chua rất dày, ít hạt và nước, vì vậy bảo quản được lâu. Đặc biệt là sản phẩm cà chua sạch, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người tiêu dùng” – ông Tuân chia sẻ.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo ông Tuân, đầu tư ban đầu cho việc trồng cà chua theo hướng an toàn sinh học cũng rất cao. Với 1.000m2, các hộ dân trồng được khoảng 4.000 cây (3.000 đồng/cây) thì cần chi khoảng 12 triệu đồng tiền giống. Ngoài ra, việc trồng cà chua áp dụng công nghệ cao sẽ mất thêm chi phí làm nhà kính từ 120 – 180 triệu đồng/1.000m2 và đầu tư hệ thống tưới tiêu như nhỏ giọt, phun sương tùy vào điều kiện của mỗi gia đình. Chính vì vậy, để bán được cà chua giá cao ra ngoài thị trường thì người dân phải đầu tư một số vốn lớn là điều tất yếu.
Cũng là một hộ trồng cà chua như ông Tuân, chị Võ Thị Nguyệt Thu (36 tuổi) cho hay, việc canh tác theo hướng an toàn sinh học khá khó và phải đảm bảo yêu cầu khắt khe, đặc biệt là từ hệ thống siêu thị.
“Khi trồng cà chua đã có thu hoạch, trung bình 1 tuần sẽ có nhân viên của siêu thị đến để kiểm tra nông sản. Tuy nhiên họ đến không báo trước, có thế 1 tuần, nhưng cũng có thể 2 – 3 ngày là họ lại đến. Việc kiểm tra sẽ được lấy mẫu rồi dùng giấy quỳ hoặc mang mẫu đi phân tích sau đó trả kết quả. Nếu mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không đạt hay các chỉ số vượt ngưỡng cho phép, siêu thị sẽ không lấy hàng” – chị Thu cho hay.
Người dân còn ngại
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Mai Văn Khẩn -Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến cho biết, hiện số người tham gia dự án còn hạn chế và quy mô nhỏ do các hộ dân vẫn chưa tin tưởng, chưa dám bỏ một số tiền lớn ra để đầu tư trồng cà chua theo hướng công nghệ cao. Bên cạnh đó, theo ông Khẩn, hiện nay việc siêu thị thu mua số lượng khác nhau vào từng thời điểm nên cũng khó cho người dân, nếu canh tác chỉ để đi hàng chợ thì giá lại thấp hơn, chỉ khoảng từ 18.000 – 20.000 đồng/kg.
Bà Trần Thị Oanh – Chánh văn phòng Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Dự án được Hội Nông dân triển khai nhằm tăng thu nhập cho người dân thông qua việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, dự án hướng tới nâng cao ý thức của người dân trong việc canh tác rau, củ, quả tại địa phương, không nên quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó đảm bảo được sức khỏe cho chính người sản xuất và người tiêu dùng”.
Bà Oanh cũng cho biết, Hội Nông dân trực tiếp đầu tư cho người dân phường 11 và một số hộ nằm trong HTX Tân Tiến thực hiện. Đến nay, Hội Nông dân đã đầu tư khoảng 275 triệu đồng cho các hộ nông dân tham gia dự án, với gần 10ha.
Theo Danviet
Hội NDVNTập đoàn Quế Lâm: Hợp tác phát triển NN hữu cơ
Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững, ngày 4/12, tại Vĩnh Phúc, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) và Tập đoàn Quế Lâm đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác. Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Thanh Vĩnh cùng chủ trì lễ ký kết.
5 nội dung hợp tác quan trọng
Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa T.Ư Hội NDVN và Tập đoàn Quế Lâm gồm 5 nội dung chính. Đó là: Truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hợp tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ và nông dân tham gia thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng dẫn bà con nông dân các tỉnh thành phố sử dụng có hiệu quả các loại phân bón vi sinh, các chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi mang thương hiệu Quế Lâm trong sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam tặng hoa chúc mừng Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn. Ảnh: T.H
Đáng chú ý, 1 trong 5 nội dung quan trọng là 2 đơn vị thỏa thuận hợp tác hướng dẫn, chuyển giao quy trình cho các hộ nông dân, hợp tác xã xử lý các phế phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại vườn, tạo nguồn phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hợp tác, rà soát quy hoạch và lựa chọn các loại cây, con để xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi khép kín sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, các sản phẩm mang thương hiệu Quế Lâm. Hợp tác cung ứng phân bón thương hiệu Quế Lâm cho hội viên, nông dân theo phương thức thanh toán tiền ngay hoặc trả chậm tùy theo điều kiện thực tế.
Hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Phát biểu tại lễ ký kết Phó Chủ tịch Thường trực Lương Quốc Đoàn khẳng định: Hội NDVN đánh giá cao việc hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm - đơn vị đầu ngành về nông nghiệp hữu cơ. Trên cơ sở hợp tác, Hội NDVN mong muốn Tập đoàn Quế Lâm cùng đồng hành với người nông dân xây dựng chuỗi nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ.
Theo đó, Hội NDVN đề nghị Tập đoàn Quế Lâm cung cấp các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học mang thương hiệu Quế Lâm đúng đủ, đảm bảo chất lượng cho bà con nông dân. Đồng thời, chuyển giao quy trình kỹ thuật cho các hộ nông dân, HTX xử lý các phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại vườn tạo nguồn phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ; thu mua phế phụ phẩm đã qua sơ chế.
Về phía Hội NDVN cam kế sẽ tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, xây dựng các chuỗi cửa hàng nông sản hữu cơ mang thương hiệu Quế Lâm; cung ứng phân bón mang thương hiệu Quế Lâm. Hội NDVN cam kết phối hợp cùng với Tập đoàn Quế Lâm rà soát, quy hoạch và lựa chọn các loại cây, con để xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi khép kín; từ đó làm cơ sở tuyên truyền và nhân rộng hiệu quả mô hình.
"Không làm thật, không quyết tâm không được. Chính vì vậy thời gian tới 2 bên đơn vị T.Ư Hội NDVN và Tập đoàn Quế Lâm cần tập trung tuyên truyền trên cơ sở xây dựng các mô hình cụ thể. Trước mắt là mục tiêu mỗi địa phương có 1-2 mô hình, phải làm thật với mục tiêu thay đổi cách thức, thói quen và tư duy người nông dân. Trên cơ sở các mô hình sẽ tổ chức đào tạo tập huấn, lồng ghép thành lập chi tổ hội nghề nghiệp, cho vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, từ đó nhân rộng các mô hình hiệu quả đến nông dân" - Phó Chủ tịch Thường trực Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
T.Ư Hội NDVN giao Ban Kinh tế là đơn vị tham mưu công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát chương trình hai bên và đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho nông dân.
Tại lễ ký kết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam cam kết sẽ luôn sát cánh, hỗ trợ người nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ. "Lễ ký kết hôm nay là khung để có cở sở cho các đơn vị, đặc biệt là các địa phương thực hiện" - ông Lam nhấn mạnh.
Theo Danviet
XK 10 tỷ USD, nhưng chỉ 5% nhân lực ngành gỗ có trình độ... đại học Thị trường xuất khẩu (XK) của ngành gỗ Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ khi XK trực tiếp sang 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đứng trước nhiều cơ hội và thị trường rộng lớn để tiêu thụ sản phẩm, nhưng một cản ngại không nhỏ với ngành này là đang thiếu hụt lao động trầm trọng. Tăng trưởng...