Trồng cả cánh đồng mía tím, cây chưa chín mà khách đã đòi mua
Những cánh đồng bạt ngàn mía tím trãi dài ở huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) không chỉ hút ánh mắt của du khách phương xa mà còn giúp hàng trăm hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thoát nghèo, vươn lên khá, giàu…
Ngoài cây bưởi da xanh, sầu riêng, thì cây mía tím cũng đang được khẳng định là cây trồng chủ lực ở huyện Khánh Sơn. Mía tím vừa giúp nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, vừa làm thay da đổi thịt bộ mặt của các bản làng.
Đến huyện Khánh Sơn vào những ngày này mới thấy sự đổi thay của một huyện miền núi, cánh đồng mía tím đang trải dài bạt ngàn. Nhiều nông dân nhận định rằng, cây mía tím rất bén duyên ở địa phương, so với cây lúa nước, thì mía tím cho thu nhập cao gấp 2- 3 lần.
Ông Mấu Quốc Nấm bên ruộng mía tím của gia đình. Với 2 sào mía tím, ước năm nay gia đình ông Nấm thu về vài chục triệu đồng. Ảnh: Công Tâm.
Video đang HOT
Đang chăm sóc vườn mía tím, ông Mấu Quốc Nấm (54 tuổi, người dân tộc Raglai, xã Ba Cụm Bắc vui mừng cho biết, mía tím năm nay tốt lắm, cây phát triển to, cao, đều, đẹp mắt và nghe thông tin giá mía lên cao nên gia đình ông càng phấn khởi hơn. Năm nay, gia đình ông Nấm trồng được 2 sào mía tím. Vườn mía đã được hơn 5 tháng tuổi, dự định khoảng 3 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Mía của ông đã có rất nhiều thương lái đến hỏi mua, nhưng ông vẫn quyết định chưa bán, chờ đúng tuổi mía mới có năng suất hơn.
Ông Nấm chia sẻ: “Trước đây, gia đình trồng cà phê, do cà phê thường xuyên bán với giá thấp nên tôi quyết định chặt bỏ và chuyển sang trồng lúa nước. Tưởng chừng cây lúa mang lại cuộc sống khấm khá hơn, nào ngờ cây lúa cho năng suất quá kém, một lần nữa tôi nghiên cứu trồng cây mía tím. Đầu năm 2002, gia đình đầu tư 6 triệu đồng để mua giống về trồng. Những năm đầu tiên cho lãi từ 4-5 triệu đồng/sào/ vụ, nhưng càng về sau lại càng cho lãi cao hơn…”.
Ông Nấm bộc bạch, nhờ cây mía mà gia đình thoát được nghèo và nuôi được con cái trong gia đình ăn học bài bản. Ông tiết lộ, vụ này chắc chắn sẽ lãi trên 12 triệu đồng/sào. Ảnh: Công Tâm.
Theo ông, trồng mía tím rất khỏe, tiết kiệm được nước tưới, không tốn nhiều công chăm sóc, giá cả luôn ổn định nên gia đình không lo lắng đầu ra. Từ những kinh nghiệm trồng mía thành công, ông cũng hướng dẫn cho một số hộ xung quanh mang lại hiệu quả tương tự.
Còn ông Mấu Văn Hoa (xã Sơn Hiệp)cho hay, 4 sào đất của gia đình trước đây trồng các giống bắp, đậu nhưng hiệu quả không như mong muốn. Thấy bà con trúng mía tím, ai cũng giàu to nên gia đình quyết định làm đất trồng mía tím. Chính mía đang mang lại cho gia đình sung túc hơn. Riêng vụ vừa rồi, ông thu nhập trên 55 triệu đồng và dự định năm đến sẽ nhân rộng thêm diện tích mía tím.
Ông Cao Phạm Cưỡng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn đánh giá, những năm gần đây Hội luôn chủ động tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật tiên tiến cho các hội viên, nông dân áp dụng kỹ thuật vào trong sản xuất và mía tím được bà con quan tâm nhiều nhất. Ngoài ra, Hội còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân và vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH để phát triển mô hình kinh tế gia đình. Theo ông Cưỡng, hiện nay nhiều hộ đồng bào dân tộc Raglai đã có cuộc sống khấm khá từ cây mía tím.
Toàn huyện Khánh Sơn hiện có trên 300ha diện tích trồng mía tím, chủ yếu tại xã Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, Sơn Trung, Sơn Hiệp và thị trấn Tô Hạp. Năng suất mía tím bình quân đạt 2 tấn/sào, giá bán dao động từ 120.000 – 150.000 đồng/bó (12 cây), lãi từ 10 – 25 triệu đồng/sào. Mía tím được bà con nông dân trồng từ nhiều năm nay, vì thế nó không thể thiếu với người nông dân, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương rất phù hợp cho cây mía tím phát triển.
Theo Danviet
Sau 5 năm, số hộ nông dân thu tiền tỷ tăng gấp 5 lần
Năm năm qua (2012-2016), Hội ND các cấp tỉnh Đăk Lăk đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Từ phong trào đã có nhiều tấm gương nông dân sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ SXKD giỏi. Phong trào cũng góp phần tạo nên các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn, thúc đẩy việc hình thành các loại hình hợp tác sản xuất, trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng tiêu hiệu quả của nông dân xã Ea Tóh, huyện Krông Năng. Ảnh: Duy Tiến
Gia đình ông Y Biêng Niê ở buôn Kniêr, xã Tân Tiến (Krông Păk) là một trong những điển hình về SXKD giỏi. Năm 2011, nhận thấy người dân gặp khó khăn khi tìm nhân công, chi phí lại cao... trong việc thu hoạch lúa, ông Niê đã mạnh dạn đầu tư mua 2 máy gặt đập liên hợp về làm dịch vụ thu hoạch lúa cho bà con trong xã. Theo thời gian, thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả cao, nhu cầu của người dân còn lớn nên gia đình ông cải tạo 2 máy gặt trước đó thành máy chuyên chở lúa và tiếp tục đầu tư mua thêm 6 chiếc máy gặt đập liên hợp về làm dịch vụ thu hoạch lúa cho nông dân. Đến nay, với 2ha lúa nước, 1ha cà phê xen tiêu, cộng với dịch vụ thu hoạch lúa, mỗi năm gia đình ông Niê thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm cho khoảng 50 lao động thời vụ; giúp đỡ 3 hội viên, nông dân trong buôn với số tiền 30 triệu đồng không tính lãi để nuôi bò sinh sản...
Các cấp Hội ND tỉnh Đăk Lăk đã tích cực phối hợp Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NNPTNT ủy thác, tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất; tăng cường các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ, tư vấn và tập huấn kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân.
Thông qua phong trào nông dân SXKD giỏi, các cấp Hội trong tỉnh đã trực tiếp và phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng được 160 mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn, trong đó có 18 hợp tác xã, 142 tổ hợp tác về nông nghiệp. Báo cáo của Hội ND tỉnh cho biết, trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm toàn tỉnh có hơn 78.000 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp. Nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, số hộ có mức thu nhập đạt từ 200-900 triệu đồng/năm tăng gấp 2,9 lần; số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gần 5 lần so với giai đoạn 2007-2012.
Theo Danviet
Nông dân giỏi với bí quyết "bắt" vải thiều "đẻ" trên thân Ông Trần Văn Hành, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã nghiên cứu ra giải pháp cho vải thiều ra hoa, đậu quả trên thân... Những năm qua, Hội ND các cấp trong tỉnh Bắc Giang đã triển khai hiệu quả phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo...