Trồng bạt ngàn quả đỏ ruột trên đất bạc màu, làm giàu không khó
Từ đầu tư thử nghiệm trồng cây thanh long ruột đỏ trên vùng đất bạc màu ở xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ ( Nghệ An), đến nay lão nông Nguyễn Văn Hữu ở xóm Vạn Xuân luôn cháy hàng mỗi khi thu hoạch. Vườn thanh long ruột đỏ của ông Hữu hàng năm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Từ vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”
Vùng đất thuộc xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) từ trước đến này là vùng đất bạc màu rất khó canh tác, nhất là đối với các loại cây ăn quả khó cho được hiệu quả kinh tế cao. Bởi khi quan sát vào chất đất có phần pha màu đỏ, nếu gặp trời mưa thì đất nhão choẹt, gặp trời nắng hạn thì đất khô quánh, nhiều đá và sỏi nên cây rất khó hấp thụ chất dinh dưỡng.
Thậm chí cây chủ lực như ngô, lạc trồng đất Giai Xuân cũng kém năng suất. Nơi đây xưa nay người dân chỉ quen trồng cỏ, sắn cao sản, tràm,…những loại cây kém hiệu quả kinh tế, mà chỉ mang tính chất phủ xanh đất trống đồi núi trọc.
Cây thanh long ruột đỏ trồng trên vùng đất bạc màu xã Giai Xuân cho thu nhập cao. Ảnh: Cảnh Thắng
Để tìm hướng đi cho người dân địa phương, nhằm phát triển kinh tế tại vùng đất này theo hướng đi bền vững, được sự nghiên cứu phân tích kỹ lưỡng, hỗ trợ về chuyên môn của Hội làm vườn huyện Tân Kỳ, năm 2015, gia đình ông Nguyễn Văn Hữu ở xóm Vạn Xuân (xã Giai Xuân), bắt đầu thử nghiệm trồng 600 gốc thanh long ruột đỏ đầu tiên với diện tích 0,4 ha.
Quá trình trồng thử nghiệm ban đầu, nhờ học hỏi được kỹ thuật trồng cây thanh long ruột đỏ ở nhiều địa phương khác, sau gần 2 năm chăm sóc 0,4 ha thanh long của gia đình ông bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên được gần 2 tấn, với giá thời điểm này là 22.000đ/1kg thu về gần 44 triệu đồng. Thấy việc trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, chăm sóc lại rất đơn giản nên gia đình quyết định trồng thêm 900 gốc mới, nâng tổng số gốc thanh long là 1.500 gốc trên diện tích là 1 ha.
Năm 2018, vườn thanh long phát triển mạnh hơn, tán cây lớn hơn, nên năng suất cho quả nhiều hơn đạt được 6 tấn,với giá giao động từ 22.000đ đến 23.000đ, thu về 120 triệu đồng.
Vụ thu hoạch năm 20019, dự kiến vườn thanh long của nhà ông Hữu, sẽ cho hơn 10 tấn quả giá hiện nay nhập tại vườn giá giao động từ 28.000 đ đến 30.000đ/1kg, sẽ cho thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Để có được như ngày hôm nay, ông Nguyễn Văn Hữu tâm sự: Gia đình tôi sau một thời gian nghiên cứu, chọn cây giống cho phụ hợp với khí hậu thổ nhưỡng vùng đất nơi mình sinh sống; cuối cùng đăn đo mãi tôi chọn cây thanh long ruột đỏ, loại cây cho thu nhập cao hơn nữa giống cây này phù hợp với vùng đất khô hạn.
Tuy nhiên để trồng được loại cây thanh long ruột đỏ, dù nó phù hợp với vùng đất bạc màu nhưng cũng phải chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, dùng phân hữu cơ vi sinh bón cho cây theo hướng sạch. Ông Hũu xây bể nước ở trên cao, bắt vòi tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, để chủ động nguồn nước, cây trồng không phụ thuộc vào thiên nhiên, luôn đảm bảo độ ẩm và dinh dưỡng cho cây, nên cây phát triển tốt…
Hơn 1h đất bạc màu được trồng cây thanh long ruột đỏ, ông Nguyễn Văn Hữu cho thu nhập hớn 300 triệu/năm. Ảnh: Cảnh Thắng
Video đang HOT
“Từ khi trồng thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ đến nay, kinh nghiệm và tay nghề của tôi ngày một thành thạo. Cây thanh long của gia đình tôi luôn phát triển xanh tốt, năng suất năm sau sẽ cao hơn năm trước, thanh long thu hoạch thường kéo dài từ tháng 5 âm lịch đến tháng 10 âm lịch, nên có thời gian để chuẩn bị cho phân phối thị trường. Nói chung cây thanh long nhà tôi mỗi khi thu hoạch là có người vào thu mua hết, không có để bán lẻ…” ông Hữu hồ hởi cho biết.
Đến thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm
Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Ngọc Sơn – Chủ tịch UBBND xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ cho hay: “Vùng đất xã tôi từ xa xưa là vùng nổi tiếng đất đai cằn cỗi, không hề trồng được cây gì có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao được. Mấy năm trở lại đây, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hữu đã mạnh dạn đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng, thấy cây phát triển tốt và nhiều quả cho thu nhập cao nên cũng mừng. Đây là hướng đi mới, loại cây ăn quả mới được trồng trên vùng đất này. Thời gian tới chúng tôi sẽ khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư trồng loại cây này nhằm xóa đói giảm nghèo cho địa phương.”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hữu thu hoạch thanh long ruột đỏ bán cho thương lái. Ảnh: Cảnh Thắng
Năm bắt được thị hiếu của khách hàng, hàng tháng cứ đến ngày rằm hay ngày mồng một hàng tháng, ông Hữu cũng gia đình bắt đầu thu hoạch quả thanh long. Và cứ thế, các thương lái thường đến tận vườn để đặt mua, ngoài ra ông đóng vào thùng có địa chỉ của gia đình, rồi chuyển xuống xe đi phân phối ở các địa điểm lớn như: TP Vinh, Hà Nội, Huế,… nên sản phẩm của ông ngày khách hàng biết đến càng nhiều, sản xuất được từng nào đếu bán hết và không đủ cung cấp ra thị trường.
Không nhưng là người tiên phong trồng cây thanh long ruột đỏ trên vùng đất bạc màu Giai Xuân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) ông Hữu còn trồng thử nghiệm rất nhiều loại cây trên mảnh đất của gia đình: gồm 0,1ha cam, 0,7ha quýt PQ, trồng mít Thái và thanh long ruột đỏ…
Đánh giá nhận xét các loại cây ăn quả này thì ông Hữu cho hay “Cam trồng trên vùng đất này rất khó có hiệu quả, quýt PQ cũng tạm được, mít thì cây phát triển tốt nhưng chưa có quả nên chưa đánh giá được, còn thanh long ruột đỏ đã cho kết quả cụ thể rồi, nhìn chung thì thanh long cũng dễ có đầu ra nhất, trong thời gian tới tôi sẽ trồng thêm 500 gốc thanh long nữa cho tròn 2.000 gốc, đây là cây chủ lực trong gia đình”.
Mỗi khi thu hoạch, quả thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Hữu được thương lái thu mua ngay tại vườn. Ảnh: Cảnh Thắng
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn Nghệ An, mới chỉ xuất hiện khoảng 4 năm trở lại đây, gồm các địa phương như: Diễn Phú ( Diễn Châu); Xuân Sơn (Đô Lương); Tam Quang (Tương Dương); Giai Xuân (Tân Kỳ),…bước đầu đã đạt được những thành quả và kết quả nhất định, tạo thuận lợi cho loài cây có giá trị kinh tế này phát triển, và nhân rộng mô hình.
Trao đổi vến đề này, ông Nguyễn Thế Thắng – Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An cho rằng: “Thanh long ruột đỏ là loài cây trồng thành hàng hóa, còn khá mới trồng trên đất Nghệ An, chất lượng ngọt, dễ trồng chịu hạn tốt, chăm đúng quy trình kỷ thuật cho năng suất cao, quả thu hoạch kéo dài và thường xuyên nên đầu ra thuận lợi hơn, được khách hàng ưa chuộng, về lâu dài có thể phát triển trên diện rộng, thành cây chủ lực của một số địa phương, tuy nhiên cơ quan chức năng cần định hướng người dân, phát triển trồng cây thanh long ruột đỏ, theo quy hoạch để cân đối cung – cầu, tìm đầu ra cho sản phẩm được tốt hơn, tránh được mùa mất giá”.
Theo Danviet
Trồng thanh long trên đất đồi cằn cỗi, lãi hàng trăm triệu mỗi năm
Sau nhiều năm trồng cây nguyên liệu, trồng chè không đem lại lợi nhuận kinh tế là bao, ông Trần Ngọc Sơn (khu Đồng Cỏ, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) quyết định trồng 200 cây hồng ngâm, làm 3.000 cột trồng cây thanh long, đem về doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm.
Hơn 3.000 cột trồng thanh long được ông Sơn trồng trên đất đồi cằn cỗi. Ảnh Tuấn Trung
Đến xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn, hỏi về ông Trần Ngọc Sơn, chẳng mấy ai là không biết. Bởi lẽ, ông được xem như lá cờ đầu trong làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, cũng như giúp đỡ cho hàng chục hộ gia đình khác khá giả lên nhờ trồng cây thanh long ruột đỏ.
PV Dân Việt có dịp đến thăm vùng đồi trồng thanh long của ông Sơn khi ông vẫn đang cặm cụi bên những cột thanh long, vừa tỉa cành, vừa thu hoạch những quả thanh long đỏ mọng. Ông Trần Ngọc Sơn, giọng vui vẻ, tếu táo nhưng đầy chất nghệ sỹ, trải đời: "Không đơn giản chỉ là làm trụ, để mặc cho cây thanh long bám vào thế nào thì bám. Tôi còn tạo dáng, tạo hình cho cột thanh long phải thật đẹp, như một tác phẩm nghệ thuật vậy".
Việc tạo thế, tạo hình cho cây, được ông Sơn quan tâm và mong muốn nhìn trụ thanh long phải gọn gàng, như một tác phẩm nghệ thuật. Ảnh Tuấn Trung
Kể cho chúng tôi nghe về cái duyên đến với cây thanh long, giọng ông Trần Ngọc Sơn luôn chứa đựng niềm vui, hừng hực khí thế, đam mê về loại cây này như một chuyên gia thực thụ.
Theo ông Sơn, khoảng cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, ông được nhà nước cho thuê hơn 30ha đất đồi, cằn cỗi ở khu Đồng Cỏ, xã Thục Luyện.
"Khi được nhà nước cho thuê, cũng như bao người dân khác ở đây, tôi chỉ biết trồng keo, trồng chè. Nói thật, trồng keo và cây nguyên liệu, mất nhiều thời gian mới được thu hoạch, rồi tiền thuê đất, tiền nhân công cắt tỉa cành, tiền cây giống, phân bón, cuối cùng kinh tế đem lại chẳng đáng là bao. Còn đối với trồng chè, vừa mất nhiều phân bón, lại phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, cũng như tốn công chăm sóc và thu hoạch, dù có kinh tế nhưng cũng rất vất vả", ông Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, năm 2007, khi thấy trên tivi nói về lợi nhuận của cây thanh long ruột đỏ, ông cũng quyết định đi mua giống về trồng 200 trụ.
"Ngày đấy có biết gì đâu, cứ nghĩ là cứ giống thanh long ruột đỏ là được. Vì vậy, tôi đã làm 200 cột rồi mua giống thanh long ruột đỏ Đài Loan về trồng. Không ngờ, cây phát triển chậm, quả bé và rụng nhiều nên ngay năm đầu tiên đã lỗ hơn 100 triệu đồng", ông Sơn nhớ lại.
Sau khi tìm hiểu và được cán bộ Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam tư vấn, ông Sơn đã chọn giống Long Định 1 để trồng trên vùng đất đồi của mình. Ảnh Tuấn Trung
Thất bại, nhưng ông Sơn không nản chí, sau khi tìm hiểu thông tin, ông đã quyết định tìm đến Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam để xin được tư vấn, chỉ cách trồng, chăm sóc, chọn giống thanh long thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương.
"Các cán bộ của Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam không chỉ hướng dẫn cho cách chăm sóc cây thanh long. Sau khi nghiên cứu chất đất, địa hình, khí hậu, các cán bộ của Viện còn tư vấn cho tôi trồng loại giống Long Định 1. Biết kỹ thuật chăm sóc, cộng với giống tốt, hợp với loại đất nên cây thanh long phát triển tốt, ra nhiều quả, có chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi nhanh chóng mở rộng mô hình, trồng hẳn 3ha với 3.000 cột", ông Sơn vui vẻ tâm sự.
Sau nhiều năm trồng thanh long ruột đỏ Long Định 1, ông Sơn rút ra kinh nghiệm quý báu như biết tận dụng cỏ ủ với phân chuồng, kết hợp với chế phẩm hữu cơ để bón cho cây.
"Sử dụng phân bón hữu cơ, đất vừa tơi xốp, giúp cây phát triển tốt và hạn chế được sâu bệnh. Khi thấy sâu bệnh, tôi không dùng thuốc bảo vệ thực vật để phun mà dùng chế phẩm hỗn hợp từ ớt, tỏi... để diệt. Nhờ đó cho ra những quả thanh long sạch, không gây hại cho sức khỏe người dùng. Đặc biệt, do quả thanh long phải có ánh sáng mới đem lại chất lượng tốt, nên đối với những thân nằm sâu bên trong tôi thường cắt bỏ, những thân cây mập, dài tôi mới để cho 2 - 3 quả, còn lại tôi chỉ để 1 quả thôi", ông Sơn cho biết.
Việc sử dụng phân hữu cơ, chữa bệnh bằng chế phẩm từ tỏi, ớt... đã giúp cho cây thanh long phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh và cho ra những quả thanh long chất lượng tốt, sạch. Ảnh Tuấn Trung
Với hơn 3.000 cột, mỗi năm ông thu hoạch được trên 30 tấn quả với giá thành luôn giao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm ông cũng thu về hơn 600 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, ông còn tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên, với mức lương trên 5 triệu đồng khi đã trừ hết tiền ăn, sinh hoạt. Đặc biệt, ông còn cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng cây thanh long cho hơn 20 hộ gia đình ở khu Đồng Cỏ, giúp họ có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng những loại cây khác.
Ông Sơn cũng cho biết thêm, đến tháng 11/2019, ông sẽ trồng thêm 1.000 cột thanh long.
Với khoảng 3.000 trụ thanh long, mỗi năm ông Sơn cũng thu về cho gia đình hơn 600 triệu đồng. Ảnh Tuấn Trung
Ngoài thanh long, ông Sơn còn trồng thêm 200 cây hồng ngâm. Với giá bình quân khoảng 22.000 đồng/kg và sản lượng khoảng 5 tấn quả/năm, ông cũng thu thêm được hơn trăm triệu đồng. Đó còn là chưa kể, hơn 20ha còn lại, ông trồng cây nguyên liệu, cây ăn quả khác và đào ao thả cá, mỗi năm cũng thu về thêm được vài trăm triệu đồng nữa. Theo cách tính của ông Sơn, doanh thu hằng năm của gia đình cũng được cả tỷ đồng. Tuy nhiên, dù diện tích ít, nhưng cây thanh long vẫn là cây chủ lực đem lại nguồn thu lớn cho gia đình.
Theo Danviet
Hai anh em ruột sẩy chân đuối nước Trong lúc hai anh em ruột đi hái ổi, bất ngờ bị sẩy chân xuống ao nước hàng xóm, đuối nước thương tâm. Ngày 20-8, chính quyền xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến hai anh em ruột tử vong. Sự việc xảy ra vào khoảng 15h...