Trồng 20 sào vú sữa, mỗi cây thu 1 tạ quả, lời cả trăm triệu/năm
Ở thôn Khúc Giản, xã An Tiến, huyện An Lão, ( TP Hải Phòng) ai cũng biết đến gia đình chị Lương Thị Khanh là gia đình nông dân làm kinh tế giỏi, làm giàu từ trồng vú sữa. Với 20 sào đất trồng vú sữa, mỗi năm gia đình chị Khanh thu lời hàng trăm triệu đồng.
Từ cây “vú sữa tổ” nhân rộng khắp vùng
Từ thời bố chị Khanh còn sống ông đi xin được cây vú sữa từ một người quen mang về trồng trong vườn nhà. Cây vú sữa này có đặc điểm quả có màu xanh trắng, lúc chín vỏ mỏng, vị ngọt và hương thơm đặc trưng. Thấy cây vú sữa quả to, ngon, ông cụ đã chiết cành nhân rộng khắp vườn, thậm chí còn nhân giống cho nhiều nhà trong làng cùng trồng.
Năm 2012, chị Khanh được Hội Nông dân xã động viên, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với chủ chương đưa các giống cây có chất lượng và giá trị kinh tế vào để cải thiện thu nhập cho nông dân. Sẵn có đất rộng, gia đình, chị Khanh đã tập trung đổ đất cải tạo vườn của gia đình để đưa cây vú sữa vào trồng chuyên canh trên diện tích gần 20 sào. Chị tìm tòi ủ hỗn hợp các chất vi sinh, tận dụng rơm rạ ủ mục, phân chuồng, phân gia súc đem bón cho cây để tăng sức đề kháng, phòng tránh sâu bệnh.
Giống vú sữa gia đình chị Khanh trồng vỏ mỏng, thơm, ngọt
Chị Khanh chia sẻ: “Ban đầu gia đình trồng là chỉ là để muốn lưu lại giống vú sữa quý từ thời bố còn sống, sau đó lấy quả cho con cháu trong nhà ăn…”.
Thấy vú sữa chín nhiều ăn không hết chị Khanh đem bán, nhiều người ăn, dễ bán lại được giá. Tính trung bình mỗi gốc vú sữa từ năm thứ 4 trở ra chị cũng thu được 1tạ quả, giá bán từ 35- 40 nghìn đồng/kg. Người dân quanh vùng cũng dần biết, tìm đến mua. Cứ như thế gia đình chị nhân giống và trồng gối thêm diện tích vú sữa nhiều lên hàng năm.
Những năm đầu, do được chăm sóc tốt cây vú sữa cho quả to, chất lượng quả ngon. Từ khâu trồng đến chăm sóc gia đình chị đều làm thủ công bằng chân tay, không phun thuốc gì kể cả thuốc diệt cỏ, chỉ khi vú sữa ra hoa ruồi vàng phá hoại thì gia đình sử dụng hương dẫn dụ ruồi vàng để bảo vệ cho cây nên quả vú sữa ăn rất an toàn.
Vú sữa cho thu hoạch vào tháng 3, quả chín rải rác, không chín đồng loạt, nên thu hoạch kéo dài được hàng tháng.
Ngày trước, khi giáp hạt gia đình chị Khanh còn hái mang ra chợ bán đong gạo. Con cháu trong nhà ghi nhận dấu ấn của loài cây quý này đã đặt cho cây vú sữa thời ông cụ trồng là cây “vú sữa tổ”.
Video đang HOT
Trồng một lần thu hoạch nhiều năm
Theo chị Khanh, cây vú sữa thân gỗ có tán to và cây có khả năng vươn cao trên 10m, nên khi trồng cây nọ cách cây kia khoảng 8m. Để thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch vú sữa, gia đình chị Khanh phải tiến hành tỉa ngọn để khống chế chiều cao chỉ để vú sữa vươn cao tầm 4 m, tạo tán cho vú sữa phủ cành phân bố đều các hướng cho cây không bị cớm nắng.
Vú sữa là cây thân gỗ lâu năm, trồng một lần thu hoạch nhiều năm
Về kinh nghiệm trồng vú sữa, chị Khanh cho biết, trước khi trồng cây cần xử lý đất bằng vôi trong khoảng nửa tháng, sau đó bón lót phân hữu cơ. Nên trồng từ nhánh chiết thay vì trồng từ hột như truyền thống. Phương pháp này có lợi thế là cây nhanh ra trái, trung bình khoảng 3 năm sẽ có thu hoạch nhưng rộ nhất là tử năm thứ 5-6 trở đi, nếu được chăm sóc tốt đều dặn sẽ thu hoạch tới 15 -20 năm mới phải trồng lại.
Cây vú sữa còn có đặc tính là cành giòn dễ gãy nên nhà chị Khanh phải trồng cây chắn gió che chở cho cây, công việc này còn giúp cây thụ phấn và đậu quả nhiều hơn. Rễ vú sữa rất nông, vào mùa nắng dễ bị mất nước dẫn đến chết cây, vì thế cần phải giữ ẩm cho gốc.
Năm 2012, thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới gia đình chị Khanh đã mạnh dạn xin xã đầu tư, nâng cấp nhà máy nước mini, mạnh dạn vay vốn ngân hàng và người thân đầu tư. Hiện nhà máy đang cung cấp nước sạch cho 5000 hộ dân thuộc các xã An Thắng, xã An Tiến, thị trấn An Lão, với công suất 9000m3/ngày đêm, được các ngành chức năng đánh giá chất lượng nước đạt chuẩn nước sạch theo quy định của Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Văn Lập – Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tiến đánh giá cao về mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Khanh. “Cây vú sữa được xếp vào nhóm cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao, bền chắc và khai thác được lâu dài. Ở địa phương bên cạnh sản xuất lúa hội luôn hướng cho hội viên trồng và nuôi những giống chất lượng cải thiện thu nhập cho gia đình nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Theo Danviet
Tràn lan ba kích Trung Quốc nhập lậu, "nhân sâm" Quảng Ninh lép vế
Ba kích là một trong những loại cây dược liệu quý hiếm, được xem như là cây nhân sâm của một số huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ninh. Trong khi củ ba kích đang được xây dựng thương hiệu thì tình trạng thẩm lậu loại dược liệu này từ Trung Quốc đang diễn ra tràn lan tại một số địa bàn biên giới Quảng Ninh.
Ba kích lậu "vượt biên"
Liên tiếp trong những ngày đầu năm 2019, các lực lượng chức năng Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển củ ba kích tươi không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, ngày 15.1, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ hơn 7 tấn củ ba kích tươi không rõ nguồn gốc.
Tang vật và phương tiện vận chuyển 5,1 tấn ba kích. Ảnh: Cục Hải quan Quảng Ninh.
Cơ quan chức năng cho biết, trong khi làm nhiệm vụ tại xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường phát hiện xe ô tô BKS 15C-264.00, do Đỗ Mạnh Cường, sinh năm 1990, trú tại xã An Tiến, huyện An Lão (TP.Hải Phòng) điều khiển đang vận chuyển 7.060 kg củ ba kích tươi.
Chỉ sau đó 2 ngày, vào rạng sáng 17.1, Đội Kiểm soát số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 5,1 tấn củ ba kích tươi. Nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân về việc có một phương tiện xe ô tô tải đang tập kết, vận chuyển hàng hóa nghi vấn nhập lậu tại khu vực bản Pò Hèn - xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Sau khi xác minh nguồn tin, Tổ kiểm soát cơ động thuộc Đội Kiểm soát Hải quan số 1 đã chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh, Đồn Biên phòng Quảng Đức để bắt giữ, kiểm tra, xử lý. Người điều khiển xe ô tô tên là Hoàng Quốc Việt cho biết, hàng hóa trên xe ô tô là 85 bao dứa, có chứa củ ba kích tươi, mỗi bao có trọng lượng 60 kg. Tổng trọng lượng là 5,1 tấn, ước tính trị giá khoảng 500 triệu đồng.
Toàn bộ số hàng nói trên có nguốn gốc từ nước ngoài do ông nhận vận chuyển thuê cho một người đàn ông khoảng 40 tuổi (ông không biết rõ họ tên, địa chỉ) từ khu vực ven đồi thuộc Bản Pò Hèn, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà đến Trung tâm huyện Hải Hà với tiền công 1,5 triệu đồng.
Củ ba kích thu hoạch ở Ba Chẽ có thân nhỏ, nhiều đốt, chất lượng cao hơn so với ba kích Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Quý.
Trước đó, vào ngày 5.9.2018, tại khu vực bản Mốc 13, thuộc xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, Tổ Kiểm soát chống buôn lậu thuộc Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh chủ trì, phối hợp với Trạm Biên phòng Quảng Đức kiểm tra xe ô tô tải BKS: 14C-222.78, do ông Từ Văn Thổ (SN 1984, trú tại thôn Nà Bấc, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên), điều khiển, phát hiện trên xe vận chuyển 900 kg củ ba kích tươi.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Thổ không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số ba kích trên. Ông Thổ khai: vận chuyển thuê số ba kích trên cho một người đàn ông không quen biết từ thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP.Móng Cái về thị trấn Đầm Hà lấy tiền công vận chuyển 1 triệu đồng.
Ngoài một số vụ bắt giữ khác, theo phản ánh của người dân, tình trạng mua bán, vận chuyển nhỏ lẻ củ ba kích nhập lậu từ Trung Quốc vẫn thường xuyên diễn ra trên địa bàn các huyện Tiên Yên, Hải Hà, Móng Cái.
Nguy cơ mất thương hiệu ba kích tím
Theo một cán bộ Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, ba kích là một loại dược liệu phần lớn được thu mua về để ngâm rượu uống. Một số tỉnh miền Đông của Quảng Ninh đang trồng loại cây này và cung cấp ra thị trường nhưng không đủ bán dẫn đến một số thương lái thu mua, nhập lậu từ Trung Quốc về tiêu thụ.
Tang vật bị thu giữ.
Trao đổi với Dân Việt, Ông Triệu Đức Phượng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) cho biết, hiện nay tỉnh và huyện đang rất quan tâm phát triển nhân rộng giống cây ba kích tím. Hiện toàn huyện đã trồng được 65ha. Đây là loại cây không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn là cây dược liệu có giá trị nên trong những năm qua, huyện Ba Chẽ đã tập trung, chú trọng vào việc phát triển vùng trồng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm ba kích tím.
Cũng theo ông Phượng, những năm gần đây một số địa phương ở Trung Quốc cũng phát triển trồng giống cây này, tuy nhiên ba kích của họ chủ yếu là ba kích trắng, chất lượng kém hơn so với loại ba kích tím Ba Chẽ. "Một số cửa hàng ở các địa phương khác đã lợi dụng thương hiệu ba kích Ba Chẽ, trà trộn ba kích Trung Quốc để lừa bán cho khách hàng, làm ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu địa phương" - ông Phượng nói.
Một vườn ba kích tím được người dân trồng tại huyện Ba Chẽ. Ảnh: Nguyễn Quý.
Để phân biệt giữa ba kích Trung Quốc và Ba Chẽ, ông Phượng chỉ ra một số điểm nhận biết, như củ ba kích Trung Quốc to, mập, không xù xì. Củ ba kích của Ba Chẽ rắn chắc, màu vàng đậm đến nâu tím, củ có nhiều đốt thắt, có mùi thơm đặc trưng của cây thuốc (giống nhân sâm). Ngoài ra khi bẻ củ thấy có màu trắng, hoặc nếu là loại ba kích tím Trung Quốc thì cũng có màu tím nhạt, không đậm màu như củ ba kích Ba Chẽ.
Theo Danviet
Mùa vú sữa quê tôi, chẳng hiểu sao lại thích ăn trái chín rụng Cây vú sữa chẳng biết trồng khi nào mà ngay từ những ngày thơ ấu của tôi nó đã xanh um tàn lá. Chơi dưới gốc vú sữa những buổi sớm mai hay những trưa hè nóng bức là một trong những điều thú vị nhất của lũ trẻ chúng tôi... Những bông hoa nho nhỏ, li ti hình cánh sao, màu trắng...