Trọn tình với quê hương
Với nhiều người Việt Nam, nhất là những nhà khoa học, GS Trần Thanh Vân đã quá quen thuộc trong hàng chục năm qua. Ông cùng GS Nguyễn Văn Hiệu sáng lập ra chương trình Gặp gỡ Việt Nam, một hoạt động rất uy tín đối với các nhà nghiên cứu khoa học cơ bản, không chỉ Việt Nam mà còn trên thế giới.
Ông cùng với vợ mình – GS Lê Kim Ngọc, đã góp công lớn xây dựng hệ thống làng SOS dành cho trẻ em mồ côi Việt Nam và đem về Việt Nam chương trình học bổng Odon Vallet đầy ý nghĩa. Đó là một hành trình với sự nỗ lực bền bỉ, của một tình yêu bất tận dành cho quê hương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng vợ chồng GS Trần Thanh Vân trong chuyến thăm ICISE Quy Nhơn của Thủ tướng, tháng 5-2018. Ảnh: ICISE
Từ Gặp gỡ Việt Nam đến ICISE Quy Nhơn
Ý tưởng làm “cầu nối” giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới của GS Trần Thanh Vân hình thành từ những năm 70 của thế kỷ trước và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của GS Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (tức Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hiện nay). Hai người gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1963 tại Hội nghị quốc tế vật lý cơ bản ở Italy và từ đó họ trở thành bạn thân thiết của nhau. Tuy nhiên phải đến năm 1993, Hội nghị Rencontres du Vietnam – Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất mới được tổ chức ở Hà Nội. Cũng từ đó, tổ chức Gặp gỡ Việt Nam do GS Trần Thanh Vân và GS Nguyễn Văn Hiệu đồng chủ tịch chính thức đi vào hoạt động.
Ngay trong lần thứ nhất, Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam đã có sự tham gia của các nhà vật lý nổi tiếng ở hơn 40 quốc gia. GS Jack Steinberger (từng đoạt giải thưởng Nobel về Vật lý năm 1988) cùng nhiều nhà khoa học Mỹ đã “vượt qua” lệnh cấm vận của Chính phủ Mỹ đến Hà Nội dự hội nghị lúc bấy giờ. Khi về nước, GS Jack Steinberger đã gửi điện đề nghị Tổng thống Bill Clinton sớm dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam.
Những hội nghị Gặp gỡ Việt Nam tiếp theo được tổ chức ở TPHCM và Hà Nội, sau này là TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Với uy tín của mình, GS Trần Thanh Vân đã mời thêm được hàng ngàn nhà khoa học thế giới, trong đó có nhiều nhà khoa học nổi tiếng, từng đoạt giải thưởng Nobel đến Việt Nam tham dự. Nhiều nhà khoa học Việt kiều nổi tiếng cũng đã về nước tham gia chương trình theo lời mời gọi của GS Trần Thanh Vân, như: GS Trịnh Xuân Thuận, GS Đàm Thanh Sơn, GS Phạm Quang Hưng, TS Nguyễn Trọng Hiền… GS Nguyễn Văn Hiệu thừa nhận: “Không có anh Vân thì không thể có chương trình Gặp gỡ Việt Nam”. Còn GS Trịnh Xuân Thuận thì khẳng định: “Không phải ai cũng làm được như anh Vân, bản thân tôi cũng vậy. Anh Vân đã làm được rất nhiều việc có ý nghĩa cho quê hương mình”.
Năm 2008, vợ chồng GS Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc “khởi động” việc xây dựng một trung tâm khoa học liên ngành, đạt trình độ quốc tế ở Việt Nam. Sau khi trực tiếp khảo sát nhiều địa điểm, Quy Nhơn được chọn và lãnh đạo tỉnh Bình Định lúc bấy giờ hết lòng ủng hộ. Vượt qua nhiều dị nghị, ông bà mang 2 triệu USD dành dụm riêng từ Pháp về Việt Nam, tiến hành các thủ tục để xây dựng Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE). Với sự ủng hộ nhiệt tình cả vật chất và tinh thần của nhiều tổ chức và bạn bè, cuối năm 2011, công trình được khởi công và năm 2013, ICISE chính thức đi vào hoạt động.
GS Trần Thanh Vân cho biết: ICISE không đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ mà chỉ nhằm giới thiệu những kiến thức cơ bản đã được chứng minh bằng những kết quả nghiên cứu mới nhất trong một vài lĩnh vực khoa học chuyên ngành nào đó, giúp các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam bồi đắp thêm nền tảng hiểu biết vững chắc. Tại đây, các nhà khoa học trẻ có cơ hội làm quen với những giáo sư tiếng tăm. Rất nhiều sinh viên đã được chọn trao học bổng để có thể tiếp tục học tiến sĩ ở Pháp, Đức, Mỹ… Ông tin rằng, nếu được quan tâm, đầu tư thì tương lai Việt Nam sẽ có một đội ngũ các nhà khoa học dồi dào, đầy nội lực góp phần đưa khoa học Việt Nam bay cao, bay xa hơn. Và ông cùng vợ mình, làm tất cả cho quê hương cũng vì điều đó, với một tình yêu mà theo ông là không thể lý giải được!
GS Trần Thanh Vân năm nay 84 tuổi, là người quê Đồng Hới, Quảng Bình. Năm 1953, ông qua Pháp học tập và tốt nghiệp Đại học Paris với 2 bằng cử nhân Vật lý và Toán học; năm 1958, ông bảo vệ thành công luận án thạc sĩ. Đến năm 1966, ông là tiến sĩ về lĩnh vực vật lý hạt cơ bản. Suốt từ đó cho đến lúc nghỉ hưu, ông giảng dạy tại Đại học Paris và là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Ông được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh, được Viện Hàn lâm khoa học Nga bầu làm viện sĩ danh dự. Năm 2012, ông được tặng Huy chương Tate của Viện Vật lý Mỹ dành cho những người có công lao to lớn trong việc tổ chức và lãnh đạo các hoạt động vật lý trên quy mô quốc tế.
GS Lê Kim Ngọc năm nay 86 tuổi, quê ở Vĩnh Long. Cũng như GS Trần Thanh Vân, bà qua Pháp học tập tại Đại học Paris. Chuyên ngành theo học của bà là sinh học phân tử. Bà là người đầu tiên trên thế giới đưa ra khái niệm “lát mỏng tế bào” (Thin Cell Layer) tạo ra bước phát triển cách mạng trong công nghệ sinh học thực vật, được ứng dụng rộng rãi trong nhân giống thuần theo cây mẹ, trong công nghệ ghép gen để tạo giống mới… Tên tuổi của bà được báo chí ở các nước Anh, Pháp nhắc đến rất nhiều vào thập niên 1970. Năm 2016, GS Lê Kim Ngọc được Tổng thống Pháp tặng thưởng Huân chương Bắc đẩu bội tinh vì thành tích đóng góp lớn cho nền khoa học Pháp và công tác thiện nguyện hỗ trợ trẻ em mồ côi.
“Tình yêu đầu tiên” và học bổng Odon Vallet
Năm 1970, vợ chồng GS Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc thành lập Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam ở Pháp và đưa ra sáng kiến vận động chính phủ, các tổ chức từ thiện, nhân đạo Pháp và nhiều nước trên thế giới thành lập, phát triển hệ thống Làng trẻ em Việt Nam SOS nhằm cưu mang những trẻ em mồ côi ở Việt Nam. Để quyên góp tiền xây làng SOS, vợ chồng GS Trần Thanh Vân đã đi bán bưu thiếp vào các chiều cuối tuần ở các quảng trường và nhà thờ nhân dịp Giáng sinh. Từ việc làm của ông bà, cộng đồng người Việt ở Pháp đã nhiệt tình ủng hộ, quyên góp đủ tiền để khởi công xây dựng làng SOS Đà Lạt năm 1972.
Video đang HOT
Sau những thăng trầm chiến tranh, vợ chồng GS Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc lại tiếp tục quyên tiền để xây dựng lại làng SOS ở Đà Lạt, vốn bị xuống cấp trầm trọng. Ông bà vẫn tiếp tục tổ chức bán bưu thiếp và kêu gọi nhiều nơi để cuối cùng có được 1 triệu USD xây dựng lại làng SOS Đà Lạt như hiện nay. Cuối tháng 12-2019, đang ở Pháp, khi biết tin làng SOS Đà Lạt tổ chức kỷ niệm 45 thành lập (1974-2019) và 30 năm khôi phục hoạt động (1989-2019), GS Trần Thanh Vân viết email cho tôi: “Xây dựng làng SOS Đà Lạt là đóng góp đầu tiên của Ngọc và tôi cho Việt Nam. Tình yêu đầu tiên không bao giờ quên được. Lúc còn có sức khỏe, tôi thường về Đà Lạt vào dịp Noel với ông bạn thâm niên Helmut Kutin (Chủ tịch Hiệp hội Làng trẻ em SOS quốc tế) để chia vui cùng các con của mình. Không có ai yêu Việt Nam như ông Kutin. Nhờ ông ấy, Việt Nam hiện nay có 17 làng trẻ em SOS. Các nước châu Á (trừ Ấn Độ) chỉ có một vài làng mà thôi…”.
Đầu những năm 2000, vợ chồng GS Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc dồn sức cho việc xây dựng làng SOS Đồng Hới (Quảng Bình). Ngoài số tiền mấy trăm ngàn USD đóng góp, chính ông bà đã thuyết phục Hiệp hội Làng SOS quốc tế bỏ phần lớn số tiền xây dựng ngôi làng SOS Đồng Hới, khánh thành năm 2006. Vào thời điểm đó, chính ông Helmut Kutin khẳng định, nếu không có những việc làm của vợ chồng GS Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc thì không thể có dự án làng SOS Đồng Hới được. Ngoài 2 ngôi làng trên, vợ chồng ông còn quyên góp xây dựng Trung tâm giúp đỡ trẻ em mồ côi Thụy Xuân, ở TP Huế.
Cũng trong năm này, vợ chồng GS Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc đã thuyết phục được GS Odon Vallet (người Pháp, dùng hơn 100 triệu USD từ tài sản thừa kế lập ra Quỹ học bổng Odon Vallet toàn cầu) dành cho Việt Nam 300 suất học bổng và được trao vào năm 2001. Liên tục hàng năm, từ đó đến nay, tổng số tiền học bổng Odon Vallet trao ở Việt Nam đã hơn 300 tỷ đồng với 37.000 suất học bổng. Năm 2019, học bổng trao cho tất cả địa phương trên toàn quốc là 2.250 suất; sinh viên 18 triệu đồng/suất và học sinh phổ thông 10,5 triệu đồng/suất. Bên cạnh những suất học bổng dành cho những học sinh xuất sắc ở các thành phố lớn thì có một lượng lớn học bổng dành cho những học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa khắp mọi miền đất nước.
GS Odon Vallet, trong dịp về trao học bổng ở Quảng Bình vào đầu tháng 9-2005 cùng vợ chồng GS Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc, đã nói với người viết rằng: “Tôi cảm phục trước những gì mà vợ chồng GS Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc đã làm. Chính họ đã kéo tôi đến đất nước Việt Nam xinh đẹp này. Họ làm tất cả không chỉ chuyện trao học bổng, mà còn là tình cảm của những con người yêu nước luôn hướng về quê hương mình. Nếu không có họ, tôi không thể biết đến, cũng như yêu Việt Nam như bây giờ!”.
Với uy tín của vợ chồng GS Trần Thanh Vân, của chương trình Gặp gỡ Việt Nam, của Gặp gỡ Moriond và Gặp gỡ Blois (những chương trình gặp gỡ khoa học do GS Trần Thanh Vân tổ chức ở châu Âu trước đó), ngay sau khi đi vào hoạt động, ICISE Quy Nhơn đã trở thành điểm hội tụ, trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm của các nhà khoa học hàng đầu thế giới tại Việt Nam. Đây cũng là một “cánh cửa” lớn để giới khoa học Việt Nam, nhất là các nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên có thể tiếp cận với hoạt động khoa học mang tầm quốc tế.
Từ năm 2013 đến nay, ICISE đã tổ chức trên 60 hội nghị khoa học quốc tế, 20 trường khoa học chuyên đề với sự tham dự của khoảng 5.500 nhà khoa học quốc tế; trong đó có nhiều người đoạt giải Nobel khoa học, giải Fields (được coi là giải Nobel trong toán học), giải Kavli (giải thưởng cao nhất ở lĩnh vực thiên văn học) và giải thưởng vật lý Dirac (giải thưởng danh giá nhất trong ngành vật lý lý thuyết)… Năm 2016, tại ICISE đã thành lập Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành thuộc nhóm vật lý lý thuyết (IFIRSE).
TRẦN LƯU (sggp.org.vn)
Ba Năm của những mảnh đời kém may mắn
Ba Năm, đó là cách gọi thân thương, trìu mến từ tận đáy lòng của hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ đã được ông Năm cưu mang.
Tôi hỏi sao gọi là "ba Năm", những đứa trẻ ngày ấy giờ đã là người thành đạt như anh Khang nói: Không biết tự lúc nào mà sâu thẳm trong tận đáy lòng của chúng tôi đã thốt lên tiếng gọi thân thương ấy!
Có lẽ, tấm chân tình của một người đàn ông hào sảng, tấm lòng chân ái đã lay động đến sự cảm mến của chúng tôi. Vậy là tiếng gọi "ba Năm" không chút sượng sùng đã được thốt lên.
Ấp ủ một hoài bão lớn
Người dân trong tỉnh Bến Tre đã truyền tai với nhau về vị nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Huỳnh Văn Cam, người sống mẫu mực, giàu lòng nhân ái, nhiệt huyết và rất có trách nhiệm với xã hội.
Chúng tôi chạy xe máy một mạch về Bến Tre, dẫu đoạn đường từ trung tâm của TP Cần Thơ đến đó không hề gần. Cứ nghĩ sẽ rất dễ tìm nhà ông, nhưng không phải vậy. Ông sống trong căn nhà cấp 4, đường vào là một con hẻm nhỏ nằm trên đại lộ Đồng Khởi, TP Bến Tre. Chúng tôi hỏi tên của ông nhưng chẳng ai chỉ đúng. Đến khi hỏi nhà của ba Năm, hay Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Bến Tre (gọi tắt là Hội), thì rất nhiều người biết. Có người hướng dẫn chúng tôi tỉ mỉ: đi thẳng gần cuối hẻm, nhìn bên tay phải có hàng rào trồng rất nhiều bông giấy là nhà của ba Năm".
Ông Huỳnh Văn Cam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, còn được biết đến với bút danh Lê Huỳnh (là tác giả của vở cải lương nổi tiếng Cây dừa đỏ)
Ông Năm từ trong nhà đi ra, dáng người cao, bước từng bước chân chậm chạp, đôi tay run run. Ông tiếp chuyện chúng tôi bằng giọng trầm ấm: "Mấy nay trong người không khỏe nên ở nhà chứ không là đến Hội".
Hiện có đoàn bác sĩ Thụy Điển đang khám bệnh miễn phí cho bà con nghèo trong tỉnh tại Phòng khám Nhân Thiện (thuộc Hội) mà ông là người tổ chức, kết nối.
Dù nay đã ở tuổi 80, nhưng ông Năm sẽ không vui khi những "đứa con bất đắc dĩ" đang ở nơi nào đó chưa được đưa đi mổ tim giành lại sự sống, hay có được nụ cười rạng rỡ sau khi phẫu thuật hở môi - hàm ếch, hoặc trẻ mồ côi sống lang thang cơ nhỡ, người tàn tật chưa được đưa về tổ ấm của Hội.
"Tôi xuất thân từ gia đình nghèo, ba của tôi bị giặc giết, còn mẹ già bệnh qua đời trong gia cảnh khó khăn. Từ đó, tôi có sự đồng cảm đặc biệt với những người nghèo, kém may mắn cần sự giúp đỡ của xã hội. Từ lúc tham gia kháng chiến, hoạt động trong đoàn văn công của tỉnh cho đến khi kinh qua nhiều vị trí trong chính quyền tỉnh, tôi luôn ấp ủ một hoài bão là cố gắng làm thế nào giải quyết đời sống của bà con nghèo, người kém may mắn được tốt hơn". Vì lẽ đó, đến khi nghỉ hưu, ông tiếp tục làm công tác thiện nguyện.
Kết nối xuyên châu lục
Kể chúng tôi nghe những ký ức chưa trọn vẹn, nhưng qua những ký ức ấy, chúng tôi thấy đâu đó cái duyên của một tấm lòng thiện nguyện xuyên châu lục.
Những ngày ông Năm làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đã xuất hiện mối "lương duyên" giữa ông với bà Akemi Bando, Tổng Thư ký của Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam của Nhật Bản.
Trong một lần về Bến Tre, bà Bando cùng ông Năm đến những vùng quê hẻo lánh của tỉnh. Bà Bando đã vô cùng xúc động khi chứng kiến trong số 9.000 người bị khuyết tật, có đến hơn 2.000 trẻ em là nạn nhân chất độc da cam.
Hình ảnh này tương tự quê hương của bà, nơi cũng gánh chịu một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Bà thốt lên trước khi lên máy bay về nước: "Tôi không có tiền, nhưng tôi sẽ trở lại giúp ông".
Một thời gian sau, bà Bando đã vận động được 9.000USD (một số tiền khá lớn vào những năm 1990). Kể từ đó, Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật đi vào hoạt động. Đây là mái nhà ấm áp của trẻ bại liệt, khiếm thị, khiếm thính, chậm phát triển và trẻ mồ côi lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước đây.
"Từ đó những lớp trẻ em kém may mắn được học tập trong ngôi trường này đã đỗ đạt, thành tài, như thằng Khang, con Thủy... giờ đã là giáo viên, thạc sĩ, tiến sĩ của những ngôi trường danh giá nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long", ông Năm nhớ như in.
Rồi sau những chuyến công tác tại Nhật Bản, ông Năm gặp được ông Nagato Natsume, giáo sư, tiến sĩ y khoa của Nhật Bản (thuộc Hội Hở môi - hàm ếch Nhật Bản). Trái tim nhân ái của 2 người đàn ông đã mở đầu cho một chương trình mổ hở môi - hàm ếch, mang lại nụ cười rạng rỡ cho hàng ngàn trẻ em.
Ông Năm không thể nhớ hết những chương trình thiện nguyện biến ước mơ thành hiện thực mà ông đã làm. Ngập ngừng thật lâu, ông kể, những năm tỉnh còn nhiều hộ nghèo, ông đã vận động xây dựng phòng khám bệnh và chữa bệnh cho trẻ em nghèo, sau này là Phòng khám đa khoa Nhân Thiện (đối diện Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, TP Bến Tre).
Ông đệ đơn xin thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Bến Tre. Hội được thành lập với 10 hội viên là những y, bác sĩ giỏi, có thâm niên, đã nghỉ hưu. Lòng nhân nghĩa của ông Năm đã thôi thúc họ tự nguyện sát cánh cùng ông giúp đỡ những người kém may mắn.
Ông Vũ Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực của Hội, mô tả lại hình ảnh ông Năm sau chuyến đi thực tế tại các vùng quê của tỉnh: "Anh Năm bàng hoàng, đau xót lắm khi có tới hàng trăm trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh cần phẫu thuật kịp thời.
Anh Năm kể cho tôi một trường hợp làm anh ray rứt cho đến tận hôm nay. Đó là cháu Nguyễn Lê Yến Nhi, sinh năm 2003, bị tim bẩm sinh rất nặng vào lúc mới 9 tháng tuổi. Mẹ cháu bế cháu đến Hội kêu cứu, nhưng lúc đó Hội không có tiền. Thế là mẹ con về nhà nằm chờ, rồi khi Hội vận động được tiền để mổ tim thì cháu đã qua đời".
Những năm 1990 đến những năm đầu của thế kỷ 21, Hội đã giúp cho hơn 18.000 người thoát cảnh mù, mờ mắt, phẫu thuật cứu sống 750 người bệnh tim, cấp học bổng cho trên 8.000 sinh viên, học sinh khuyết tật, mồ côi có hoàn cảnh khó khăn... Tổng số tiền lúc đó là hơn 200 tỷ đồng. Ông Năm là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng Itoga của Nhật Bản, vào năm 2002.
Tre già măng mọc
Những gì ông Năm làm đã tác động sâu sắc đến nhận thức của những mảnh đời kém may mắn ngày đó. Anh Đỗ Tấn Khang (xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) là một trong những nhân vật đặc biệt được ông Năm cưu mang, đã vượt lên số phận và đã hoàn thành luận án tiến sĩ tại Nhật Bản vào năm 2017. Hiện anh Tấn Khang đang là Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học và phân tử, Trường Đại học Cần Thơ.
Anh kể, lúc 3 tuổi anh bị bệnh sốt bại liệt, một chân đã mất chức năng sinh hoạt. Sự mặc cảm và bao nhiêu hy vọng như vụt tắt. Tuy nhiên, sau khi vào học tại Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật "ba Năm đã xoa dịu những mặc cảm tự ti và khiếm khuyết của những đứa trẻ bất hạnh như tôi. Ba Năm thật sự như người cha ruột thứ hai sinh ra tôi".
Thành đạt, anh Tấn Khang luôn đóng góp một phần sức mình cho Hội bằng cách vận động quỹ học bổng cho sinh viên, trao học bổng cho những sinh viên là người Bến Tre có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TP Cần Thơ.
Chị Trần Thị Thủy cũng là lứa học sinh đầu tiên của Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Giáo dục đặc biệt, chị Thủy về giảng dạy tại Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật của tỉnh Bến Tre, tiếp tục đóng góp sức mình cho những mảnh đời kém may mắn như chị.
Trong thâm tâm của chị, ba Năm là ân nhân, là người cha, người thầy đã dạy dỗ chị ăn học nên người. Nếu có phép màu, điều ước đầu tiên chị ước là "cầu mong ba Năm được khỏe mạnh, để chúng con được báo hiếu cho ba sau những tháng ngày vất vả vì chúng con".
Ông Huỳnh Văn Cam (ảnh), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, còn được biết đến với bút danh Lê Huỳnh (là tác giả của vở cải lương nổi tiếng Cây dừa đỏ). Ông sinh năm 1940, tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông từng tham gia hoạt động cách mạng, từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, rồi Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre. Ông nghỉ hưu theo chế độ vào năm 2001, đến năm 2003, ông đệ đơn thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Bến Tre. Ngày 7-1-2013, ông Huỳnh Văn Cam được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
TÍN HUY
Theo sggp
Nữ sinh Amsterdam "lội ngược dòng" chinh phục học bổng tại Mỹ 1,2 tỷ/năm Lê Lan Khanh (18 tuổi) - nữ sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chinh phục thành công học bổng tại ĐH danh tiếng của Mỹ với 1,2 tỷ/năm. Chia sẻ về hành trình "lội ngược dòng" để dành học bổng của mình Khanh cho hay: "Qua thời gian tìm hiểu, đắn đo suy nghĩ Khanh quyết định lựa chọn Đại...