Trốn dịch bỏ phố về rừng sống ở farmstay: Nỗi khiếp sợ ngày nóng mất điện, ngày mưa sợ rắn
Hồ hởi với những ngày giãn cách dịch bệnh sẽ an yên trong ngôi nhà giữa khu vườn xanh mướt, xa xa là dãy núi mờ ảo trong sương, nhưng đó chỉ là giấc mơ ngắn hạn hay bức ảnh đẹp trên mạng.
Thực tế, nhiều người ám ảnh sau thời gian dài trải nghiệm trên farmstay.
Cuộc sống farmstay không giống như giấc mơ trên mạng.
1 tháng trước, ngay sau khi thông tin Hà Nội bùng phát dịch bệnh, chị Ngọc đã nhanh chóng cùng chồng con sắp xếp đồ đạc để chuẩn bị cho chuyến nghỉ dưỡng trong ngôi nhà mới xây 2 tháng. Đây cũng là lần đầu tiên, gia đình chị dự kiến trải nghiệm trên farmstay một thời gian dài.
Mảnh đất hơn 600m2 tại Bà Vì được chị mua từ cuối năm 2019 nhưng phải đến đầu năm 2021 chị mới quyết định xây nhà và chăm chút trồng hoa và cây với kế hoạch biến nơi đây trở thành nơi nghỉ dưỡng cuối tuần mùa dịch. Sau nhiều lần nghỉ dưỡng cuối tuần, chị Ngọc cảm thấy rất hài lòng vì nơi đây không khí trong lành. Một tháng trước dịch, dẫn những người bạn đồng nghiệp về, nghe ai cũng suýt xoa khen farmstay đẹp làm, chị lại càng cảm thấy thích.
Thế nên, lần xác định về rừng trốn dịch, chị và những đứa trẻ khá hào hứng vì nghĩ sẽ có khoảng thời gian tận hưởng giây phút bình yên, trồng hoa, chăm rau, ngắm núi rừng xanh mướt.
Nhưng, thực tế lại chẳng giống như mong ước. Chị tâm sự: “Tôi chỉ mong nhanh hết dịch để về nhà. Ở nơi đồng không mông quạnh nếu ít ngày còn cảm thấy thích chứ ở lâu dài, cảm giác thật sợ.
Video đang HOT
Mỗi tối đến, cứ thấy nhà có ánh đèn, hàng nghìn con côn trùng đậu kín bóng đèn. Đang mùa mưa nên côn trùng rất nhiều. Phấn của mất con côn trùng bay vào nhà, dính vào quần áo hay giường, khiến những đứa trẻ bị mẩn đỏ. Đến tôi cũng phải bôi thuốc chống côn trùng liên tục. Tối đến, chúng tôi phải đóng kín cửa, ăn cơm trong nhà, không phải là cảm giác được nhâm nhi thức ăn, ngắm sao trăng ngoài trời vì cứ có ánh sáng côn trùng lại xuất hiện”.
Thế nhưng, với chị Ngọc, đó chưa phải là hết “ác mộng”. “Có những ngày nóng, đột nhiên bị cắt điện giữa chừng. Do chưa chuẩn bị được máy phát nên cả nhà tôi đành phải ăn tạm gói mì tôm. Dù nơi đây không khí mát mẻ nhưng thời tiết oi lại mất điện, cả nhà trằn trọc mãi không ngủ.
Chưa hết, đợt mưa kéo dài lần trước, có sáng, tôi và con gái ra vườn hái rau. Hai mẹ con sợ chạy vì thấy nhiều rắn bò ngổn ngang. Đến chiều, chơi xung quanh nhà, mấy đứa trẻ cũng sợ hết hồn vì rắn. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thót tim, chẳng dám bước ra vườn nhiều vì sợ lớ ngớ gặp con rắn nào đó”.
Cũng bị “vỡ mộng” như chị Ngọc, chị Minh Trang sau 2 tháng chưa dám một lần trở về farmstay mà chị đã đầu tư tới 3 tỷ đồng. 1 năm trước, thấy dịch bệnh, nhìn xung quanh bạn bè, đồng nghiệp ai cũng xây căn nhà nhỏ giữa rừng núi, chị Trang mạnh dạn rút tiền tiết kiệm mua 1000m2 đất trên Hòa Bình. Sau đó, chị chi đến tiền tỷ để xây nhà và trang trí lại farmstay.
Từ lúc hoàn thiện đến giờ được hơn 7 tháng. Thời gian đầu, chị thường xuyên cuối tuần lại về đó nghỉ dưỡng. Thi thoảng, chị cũng mời bạn bè tới tụ tập và hát hò. Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu khi một lần, cả nhà chị đang nghỉ dưỡng thì chồng chị buộc phải về Hà Nội gấp vì công việc đột xuất.
“Đêm hôm đấy, tôi và con trai phải ngủ lại một mình. Ban đầu hai mẹ con không sợ. Nhưng đến đêm, nghe tiếng ken két ở ngoài hiên, thú thực, tôi “thần hồn bát thần tính”, sợ không ngủ được cả đêm. Đợt sau về sang hàng xóm chơi, nghe các bác ngồi kể chuyện nguồn gốc mảnh đất nhà tôi với mấy chuyện thần bí, tôi sợ hết hồn. Chẳng hiểu sao vì sợ, từ đợt đó, tôi chẳng dám về farmstay nữa. Chỉ cần nghĩ tới cả đêm không ngủ rồi tưởng tượng thêm vài chuyện là tôi sợ. Chắc mỗi lần về chơi phải đông người, tôi mới dám về”, chị Trang kể.
Trào lưu bỏ phố về rừng bùng nổ trong 3 năm trở lại đây. Đặc biệt khi dịch bệnh xuất hiện, làn sóng này ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Thế nhưng, bức tranh hiện thực lại không phải dễ dàng để thích nghi sớm và lâu dài với cuộc sống ở rừng, nhất là đối với những người đang sống quen trong môi trường thành thị. Bởi lẽ, sự khác biệt lớn về môi trường cũng như suy nghĩ giản đơn về cuộc sống màu hồng khi bỏ phố về rừng mà nhiều người như chị Ngọc, chị Trang “tan mộng” vì farmstay.
Bỏ phố về rừng làm farmstay, homestay tiền tỷ của giới nhà giàu Hà Nội
Bỏ phố về rừng làm farmstay đã trở thành một trào lưu, một xu hướng trong xã hội. Nhưng thực tế trào lưu đó không dành cho người đang chật vật mưu sinh định cư ở Hà Nội.
Trào lưu đó chỉ dành cho những người có tiền tỷ, có ô tô và thu nhập lên tới trăm triệu đồng/1 tháng.
Áp lực khói bụi thành thị, những deadline dầy đặc trong công việc cộng hưởng cùng tác động của dịch bệnh và chính sách giãn cách, làn sóng bỏ phố về rừng ngày càng gia tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây. Mua một mảnh đất lớn ở ngoại ô, làm căn nhà nhỏ để nghỉ dưỡng cuối tuần xưa nay vốn chỉ được ví như thú vui của giới nhà giàu hay những người đã bước tới độ tuổi nghỉ hưu, muốn tận hưởng cuộc sống an nhàn. Thì nay, rất nhiều gia đình trẻ, ngay cả những người độc thân cũng "chuộng" xu hướng bỏ phố về rừng.
Với họ, đó là cách để cân bằng lại cuộc sống, tìm lại ý nghĩa của cuộc sống khi được trải mình vào thiên nhiên, buông bỏ sự xô bồ của phố thị. Thế nhưng, dù làn sóng bỏ phố về rừng đang ngày càng trẻ hóa và thu hút đông đảo nhiều người dân thành thị gia nhập thì thực tế không thể phủ nhận: "Phải có tiền mới thực hiện hóa được giấc mơ này".
Hai năm trước, khi mới chỉ 27 tuổi, chị Nguyễn Ngọc Anh (Hà Nội) cùng chồng đã dựng một farmstay tại Quốc Oai (Hà Nội). Trải nghiệm cuộc sống ở núi rừng, đến hiện tại, chị khẳng định, đam mê và yêu thích thôi thì chưa đủ. Muốn bỏ phố về rừng thì buộc phải có tiền. Chị Ngọc Anh cho biết, tổng chi phí mua đất, xây nhà, trồng cây và di chuyển đi lại cho quãng đường từ trung tâm Hà Nội về Quốc Oai cộng với khoản chi phí ăn uống, tụ tập bạn bè trong vòng 2 năm qua lên tới 5 tỷ đồng.
(Ảnh minh hoạ)
Chị Ngọc Anh cho rằng: "Nếu muốn bỏ phố về quê thì có thể không cần một khoản tiền lớn ngay lập tức nhưng muốn thực hiện được kế hoạch về rừng làm farmstay thì không có 1-2 tỷ tiền mặt không thể làm được.
Chị Ngọc Anh đưa ra một bài toán chi phí cụ thể cho một kế hoạch làm farmstay. "Đầu tiên là phải mua đất. Đất ở khu vực như ngoại ô Hà Nội hay các tỉnh như Hòa Bình, Yên Bái dù rẻ nhưng người ta chủ yếu bán hàng trăm m2. Giá rẻ nhất là những mảnh đất 400-600m2 ở vùng sâu tại Hòa Bình có mức giá từ 400-500 triệu đồng. Còn ở các khu vực như Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn (Hà Nội), muốn bỏ phố về rừng phải xác định có trong tay tầm 1 tỷ đồng mới mua được đất.
Thứ hai là chi phí xây nhà, trồng cây ăn quả, rau, nuôi con vật. Không ai có thể ở farmstay để nghỉ dưỡng mà thiếu đi trang thiết bị sinh hoạt cơ bản nhất. Một căn nhà nhỏ với tiện ích đầy đủ cơ bản cũng rơi vào từ 200-300 triệu đồng. Chi phí trồng cây ăn quả, làm vườn cũng mất đến 100 triệu đồng.
Thứ ba là chi phí di chuyển đi lại từ Hà Nội về farmstay. Nếu đi xe bus hay xe máy thì bạn có thể tiết kiệm chi phí. Nhưng với gia đình từ 3-5 thành viên thì tâm lý đi nghỉ dưỡng sẽ thuê taxi. Chi phí taxi mỗi lần đi lại cũng mất 1 triệu. Còn xác định để nghỉ dưỡng thường xuyên, bạn lại phải có ô tô. Một chiếc ô tô rẻ nhất để đi lại ổn định cũng phải 200 triệu đồng, chưa kể chi phí nuôi ô tô hàng tháng. Chỉ tính sơ sơ như vậy để biết rằng, để có farmstay, bạn buộc phải có ít nhất tiền tỷ".
Chung quan điểm đó, chị Trần Minh (Hà Nội) cũng cho rằng: "Ở cơ quan tôi, nhiều anh chị bỏ phố về rừng mua đất làm farmstay đều thuộc nhóm những người giàu nhất, nhì cơ quan. Họ đa phần phải có ít nhất 1-2 cái nhà Hà Nội, có ô tô, có thu nhập 40-100 triệu hàng tháng. Họ còn có khoản tiết kiệm tiền tỷ".
Cũng theo chị Minh, đối với người trẻ mới ra trường hay một đôi vợ chồng trẻ mới lập gia đình từ quê lên Hà Nội, để mua một căn nhà định cư đã không phải dễ dàng, chưa kể là chi phí duy trì cuộc sống. Thế nên, với nhóm trẻ tuổi còn chưa mua nổi nhà Hà Nội hoặc đang chật vật trả lãi vay hàng tháng cho căn nhà đầu tiên, thực sự để mua đất làm farmstay mới chỉ xuất hiện trong giấc mơ và sự ao ước. Thực tế, khi đủ ăn, đủ tiêu người ta mới nghĩ tới nghỉ dưỡng nhiều.
Liên quan đến trào lưu bỏ việc thành thị về rừng là farmstay sống an yên, chị Minh thắng thắng nói, đa phần những người bỏ phố về rừng làm farmstay chủ yếu là nghỉ dưỡng. Thế nên, họ lựa chọn công việc tự do về thời gian nhưng vẫn đáp ứng nguồn thu nhập tốt. Hoặc họ vẫn buộc duy trì công việc hiện có mới đảm bảo được khoản tiền chi phí hàng tháng, tất nhiên là trừ trường hợp đã quá nhiều tiền thì họ xác định chỉ nghỉ dưỡng.
"Tôi không tin vào câu chuyện, lương vài chục, nhưng chấp nhận nghỉ việc về rừng chỉ để sống hòa mình vào thiên nhiên. Để làm trang trại kiếm được tiền nhờ hoa trái không hề dễ dàng vì ngay cả nông dân chuyên chính cũng còn vất vả, nhất là thời điểm dịch bệnh như hiện tại. Nhưng nếu họ xác định bỏ việc để về rừng xây homestay kinh doanh thì đó lại là một định hướng công việc, kiếm tiền khác", chị Minh cho hay.
Trốn dịch, bỏ Sài Gòn về rừng sống, gia đình trẻ được chan hoà với thiên nhiên cây cỏ, nhưng đây mới thực là "nỗi khiếp sợ" khi ở trong Farmstay 2 tháng trời Gia đình chị Huyền Nguyễn (ngụ Tp.HCM) đưa cả gia đình 4 người lên Bảo Lộc - Lâm Đồng sống tại một Farmstay của gia đình từ cuối tháng 5/2021, khi Tp.HCM bắt đầu giãn cách xã hội. Bấy nhiêu thời gian cả gia đình được hoà mình vào không gian thiên nhiên yên bình, tránh được những ngày giãn cách "ngột ngạt"...