Trộm cướp hoành hành – Kỳ 4: Thông tin của dân cực kỳ quan trọng
Trước tình hình trộm cướp liên tục xảy ra, gây bất an cho người dân, thượng tá Trần Văn Ngọc, Phó phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) – Công an TP.HCM, cho biết hiện phòng đang triển khai nhiều biện pháp nhằm trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm trộm cắp, cướp giật trên đường phố.
Ông đánh giá thế nào về tình hình trộm cướp liên tục xảy ra trên địa bàn TP trong thời gian qua?
Theo số liệu báo cáo, số vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên toàn địa bàn TP trong 9 tháng đầu năm 2011 không tăng. Chỉ có một số phường ở Q.1, tội phạm trộm, cướp giật có phương tiện tăng nhưng nhìn chung trên toàn địa bàn Q.1 và toàn TP là giảm. Tình hình cướp ở một số quận, huyện vùng ven có tăng và phức tạp hơn. Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (CSHSĐN) đã tích cực vào cuộc điều tra khám phá băng nhóm dùng kéo gây án, trong đó có 1 nạn nhân bị đâm chết. Kể từ đó, số vụ cướp xảy ra trên Q.Bình Tân cũng giảm hẳn.
Trong khi chờ cơ quan công an ra tay, người dân đã tự phục bắt bọn đạo chích (Trong ảnh: Người dân P.13, Q.3 bắt một đối tượng trộm cắp xe gắn máy) – Ảnh: Minh Nam
Ông nói giảm, vậy thì tại sao tại cuộc họp ngày 12.9 vừa qua, lãnh đạo UBND Q.1 cho rằng tình hình cướp giật ở khu trung tâm TP có tăng và đáng quan ngại? Tại sao số liệu của Q.1 và PC45 “vênh” nhau?
Không có “vênh” mà hoàn toàn khớp. Trong 8 tháng đầu năm, trên địa bàn Q.1 xảy ra 168 vụ phạm pháp hình sự. Thực ra, số vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên địa bàn Q.1 trong 8 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ giảm 34 vụ. Tuy nhiên, theo như tôi biết, vẫn còn việc người bị hại không trình báo hoặc thiếu thông tin về những vụ trộm, cướp cho cơ quan công an.
“”Có một số trường hợp cơ quan công an thiếu nhiệt tình, đùn đẩy trách nhiệm khi tiếp nhận thông tin trình báo của người bị hại”"
Theo ông, vì sao có tình trạng nhiều người bị hại ít trình báo cho cơ quan công an?
Có nhiều lý do. Lý do thường thấy nhất là do người dân không rành địa bàn nơi xảy ra vụ việc để đến cơ quan công an trình báo cụ thể. Một nguyên nhân khác nữa là có một số trường hợp cơ quan công an thiếu nhiệt tình, đùn đẩy trách nhiệm khi tiếp nhận thông tin trình báo của người bị hại. Thông tin cung cấp của người dân cực kỳ quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm. Những thông tin quan trọng này là một trong những yếu tố giúp sức cho cơ quan công an đưa ra biện pháp giải quyết hoặc phá án. Người dân biết nhiều, nhưng kênh thông tin này cơ quan chức năng chưa khai thác triệt để, vẫn còn bị hạn chế. Nhược điểm này cũng được nhắc nhở trong các cuộc họp của Công an TP.HCM để chấn chỉnh.
Tâm lý người dân gọi đến đường dây nóng thường “ngại”, trừ khi bị xâm hại mới gọi báo. Nếu địa phương làm tốt công tác tuyên truyền đến từng tổ dân phố thì người dân chỉ cần báo tổ dân phố, tổ dân phố báo cảnh sát khu vực, báo phường, phường báo quận, thành phố để kịp thời giải quyết vụ việc.
Không ít nạn nhân nói rằng khi họ đến trình báo cơ quan công an, vụ việc vẫn “bặt vô âm tín”. Từ đó khiến người dân thiếu tin tưởng vào công tác phá án, dẫn đến tâm lý ngại trình báo?
Video đang HOT
Hoàn toàn không có chuyện đó. Tỷ lệ khám phá án cướp có phương tiện của chúng tôi chiếm tỷ lệ cao. Năm nào cũng cao, trên 80%. Chỉ có án trộm gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra nên tỷ lệ khám phá thấp.
Theo quy định của ngành, cơ quan công an muốn lấy thông tin của nhân chứng phải xuống tận nhà để gặp trực tiếp dân lấy thông tin, thu thập chứng cứ. Ban ngày người dân đi làm thì tranh thủ ban đêm xuống để thu thập thông tin.
Dư luận thắc mắc, nhiều vụ trộm cướp liên tục xảy ra trên địa bàn TP, nhưng vẫn không thấy “bóng dáng” của CSHSĐN – vốn được xem là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng chống tội phạm trên đường phố? Vậy nhiệm vụ của CSHSĐN là gì?
Cũng theo thượng tá Ngọc, hiện PC45 đã tăng cường lực lượng trực 24/24 để tiếp nhận, xử lý kịp thời những thông tin liên quan đến tội phạm do người dân cung cấp qua đường dây nóng: 08.38387342 – 39207196.
Tiền thân của CSHSĐN là lực lượng săn bắt cướp (gọi tắt là SBC). Sau một thời gian SBC ngưng hoạt động thì tình hình phạm pháp hình sự xảy ra trên đường phố diễn biến phức tạp nên TP mới thành lập lực lượng CSHSĐN. Theo quy chế hoạt động của lực lượng CSHSĐN là chống cướp, cướp giật có phương tiện và các loại tội phạm khác xảy ra trên tuyến giao thông, như: Xâm phạm nhân thân, tài sản của nhân dân hoặc các băng nhóm thanh toán trên đường phố…
Nhưng người dân vẫn lo sợ về tình hình cướp giật trên đường phố. Vậy trách nhiệm của lực lượng CSHSĐN ở đâu?
Thực tế, anh em đã làm hết sức mình không quản nắng mưa với tinh thần trách nhiệm cao. Nhiều lúc trời mưa to, nhưng các chiến sĩ cũng phải mặc áo mưa đi làm. Quân số ở đâu cũng thiếu nhưng không vì thế mà kêu ca được, chúng tôi làm việc chủ yếu tinh thần trách nhiệm là chính. Kể từ khi ra đời, lực lượng CSHSĐN đã khám phá nhiều vụ trọng án và tham gia khám phá nhiều vụ án trộm cướp khác. Ở địa bàn trung tâm, PC45 đã bố trí lực lượng tuần tra rất dày đặc: hằng ngày bố trí 8 tổ, 24 trinh sát cho nên không thể nói CSHSĐN không làm hết trách nhiệm của mình. Ngoài ra, PC45 còn tăng cường lực lượng CSHSĐN tuần tra kiểm soát vào thời gian thường xảy ra cướp (từ 18 – 24 giờ); trộm (từ 0 – 6 giờ sáng).
Hiện nay, dư luận muốn biết là PC45 đã có biện pháp cụ thể ra sao để trấn áp tội phạm trộm cắp, cướp giật, tạo sự yên tâm cho người dân mỗi khi ra đường?
Lãnh đạo PC45 đã chỉ đạo cho các lực lượng CSHSĐN TP tăng cường phối hợp chặt chẽ với CSHSĐN các quận 1, 2, 3, 4, 5 và các quận giáp ranh với địa bàn trung tâm để tăng cường đấu tranh mạnh với số đối tượng nghi vấn xâm phạm tài sản trên địa bàn trung tâm; đặc biệt tại các khu vực có đông khách du lịch lui tới, như Phạm Ngũ Lão, Bến Nghé, Bến Thành… Còn những biện pháp cụ thể thì thuộc về nghiệp vụ, tôi xin không thể tiết lộ.
Người dân bức xúc Trong tháng 8 vừa rồi, tôi cũng bị mất 2 chiếc điện thoại,1 bị giật mất, 1 thì bị cướp giữa ban ngày. Hôm đó thứ sáu, tôi đang đi bộ về nhà lúc 11 giờ 30 sáng thì có 2 tên đi chiếc xe máy màu trắng chạy vòng quanh, gặp tôi giả vờ hỏi đường rồi chúng nắm cổ áo tôi, cầm 2 ống kim chích để ngay cổ tôi rồi lục soát lấy điện thoại, rồi chạy đi mất. Vũ Chí Hiếu
(vuchihi_1987@yahoo.com.vn) Gần đây tình trạng cướp giật diễn ra tại TP.HCM thật đáng sợ. Tôi hiện cư ngụ tại đường Nguyễn Hồng Đào, P.14, Q.Tân Bình. Hầu như ngày nào trên tuyến đường này đều có giật túi xách, máy tính xách tay, dây chuyền, điện thoại. Có hôm lên đến 3 vụ. Điều đáng tiếc là trụ sở Công an phường 14 ngay cạnh chợ Bàu Cát nhưng những người mất tài sản không đến trình báo, cũng không thấy đội tuần tra của phường đi tuần. (phuongthuy2001vn@yahoo.com) Lê Nga
(tổng hợp)
Dân cung cấp hơn 828.000 tin báo tội phạm
Ngày 14.9, tại Hội trường TP.HCM, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm (2001-2011) thực hiện Nghị quyết liên tịch về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới”.
Trong 10 năm qua, người dân TP đã cung cấp hơn 828.000 tin có liên quan đến an ninh trật tự, giúp cơ quan Công an điều tra bắt giữ 89.400 đối tượng liên quan và 20.506 đối tượng phạm pháp quả tang. Qua vận động, tuyên truyền, người dân cũng giao nộp cho công an hơn 3.200 khẩu súng, lựu đạn, trái nổ, hàng chục ngàn viên đạn, vũ khí thô sơ các loại; giáo dục cảm hóa hơn 100.000 đối tượng vi phạm pháp luật, góp phần kéo giảm khoảng 44% số vụ phạm pháp hình sự so với 10 năm trước đó.
Theo Thanh Niên
Trộm cướp hoành hành - Kỳ 3: Người dân treo giá bắt trộm!
Để đối phó với tình trạng trộm cướp ngày càng gia tăng trên địa bàn TP.HCM, nhiều người dân phải tự tìm cách bảo vệ tài sản.
Treo giá bắt trộm cắp tại bãi giữ xe ở Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) - Ảnh: Minh Nam
Ngày 13.9, vừa bước vào bãi giữ xe ở Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), chúng tôi bị thu hút ngay bởi tấm bảng được gắn trên cao, ghi rõ: "Quý khách thân mến. Ai phát hiện, bắt giữ được kẻ gian trộm cắp nón bảo hiểm, phụ tùng xe, chúng tôi xin hậu tạ 5 triệu đồng/lần".
Hỏi ra mới hay thời gian qua tình trạng mất cắp các bộ phận, phụ tùng xe, mũ bảo hiểm của khách ở đây xảy ra liên tục. "Bức xúc vì bị khách phản ánh, nói lời nặng nhẹ, mấy lần báo công an nhưng vẫn chưa có kết quả, nên chúng tôi buộc phải ra giá bắt trộm cắp như vậy", ông Vũ Kim Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Long Vũ (đơn vị kinh doanh bãi giữ xe tại Bệnh viện Thống Nhất - PV), nói.
Theo ông Đức, dù ra giá khá cao nhưng nhiều người, kể cả khách gửi xe lẫn nhân viên giữ xe cũng không dám phát hiện, bắt giữ bọn đạo chích, đơn giản vì sợ chúng trả thù. Ông Đức phải gọi một số người nhà là thanh niên khỏe mạnh ngày đêm mật phục từ trên cao, quan sát từ xa hòng phát hiện, bắt giữ kẻ gian. Sau một thời gian theo dõi, nhóm phục kích đã 2 lần bắt quả tang 2 thanh niên (một nam, một nữ) trà trộn cùng khách gửi xe để trộm cắp phụ tùng xe và mũ bảo hiểm. Cả hai đều là con nghiện.
Ông Đức cho biết thêm, cách tự bảo vệ như trên cũng được áp dụng tại các bãi giữ xe thuộc công ty, như: Bến xe miền Đông, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (Q.Thủ Đức) và rất có hiệu quả.
Thuê vệ sĩ, nuôi chó nghiệp vụ...
Ngày 12.9, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Q.1 về tình hình trộm cướp trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí yêu cầu Q.1 phải đặt nhiệm vụ đảm bảo an toàn, an ninh trật tự lên hàng đầu, đặc biệt khách du lịch là người nước ngoài đến TP du lịch, đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng TP, đặc biệt là ngành công an phải ra tay mạnh mẽ trong phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm trộm, cướp. Lãnh đạo UBND TP cũng yêu cầu Q.1 xây dựng nghị quyết riêng về phòng chống tội phạm, trong đó đề ra phương án cụ thể về đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. (M. Nam)
Anh Phương, một chủ tiệm vàng ở Q.5, cho biết vừa ký hợp đồng thuê 2 vệ sĩ 24/24 giờ để bảo vệ tiệm vàng. "Dù sao, những đối tượng xấu có ý định dòm ngó hay trộm cắp tại các cửa hàng sẽ đắn đo khi thấy vệ sĩ. Nhưng vệ sĩ cũng chưa đủ, tôi còn mua thêm hai con chó nghiệp vụ đã được huấn luyện kỹ để giữ nhà. Vệ sĩ là để bảo vệ vòng ngoài, chó nghiệp vụ trong nhà còn tốt hơn cả hệ thống cửa, khóa, camera hay các thiết bị an ninh khác... Trường hợp vô hiệu hóa được những thiết bị hiện đại, thì bọn trộm cũng bị mấy con chó tấn công ngay lập tức", anh Phương phân tích.
Hiện các giống chó đang được nhiều người săn lùng nuôi trong nhà như một con mắt an ninh, gồm các giống béc-giê Đức như German Shepherd, Rottweller, béc-giê Bỉ và ngao Tạng...
Đủ kiểu bảo vệ xe
Ông Nguyễn Thăng Long, chủ Salon Auto Pesco trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, cho biết mỗi tháng, công ty ông nhập về hơn 20 logo các loại xe, chưa kể các phụ tùng khác, theo đặt hàng của khách, bởi nhiều chủ xe đã tuyên bố "không mua lại đồ ăn cắp".
Ngoài ra, thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng về xe ô tô, các tài xế thường rỉ tai nhau một số cách để tự bảo toàn phụ tùng cho xe, chủ yếu là bắn đinh bảo vệ logo, bọc inox bảo vệ kiếng hậu, thậm chí có người còn khắc biển số xe, số điện thoại của mình lên bề mặt kiếng hoặc vỏ bảo vệ kiếng hậu. "Dù có làm chiếc xe xấu đi phần nào, nhưng kẻ trộm thấy vậy cũng chẳng muốn lấy, hoặc nếu có "xơi" được thì cũng chẳng bán được cho ai!", một thành viên trong CLB ô tô Sài Gòn đúc kết kinh nghiệm.
Mới đây, khi đến một đại lý của hãng Honda để hỏi mua xe máy, chúng tôi được anh nhân viên ở đây tư vấn: "Anh, chị mua xe phải gắn thêm chống trộm từng bộ phận, như: bảo vệ thắng đĩa, nắp nhớt, nắp nước máy và hệ thống chống trộm cho cả chiếc xe".
"Hiệp sĩ" truy bắt trộm, bị mất xe
Chiều 12.9, nhóm "hiệp sĩ đường phố" Nguyễn Văn Minh Tiến, Lê Quang Bình và Châu Minh Quốc đang đi tuần trên đường Nguyễn Cửu Đàm - Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú, TP.HCM) thì phát hiện 2 người đàn ông đi xe tay ga màu đen có biểu hiện khả nghi nên bám theo. Sau đó, hai người này rẽ vào hẻm 17 đường Gò Dầu (P.Tân Quý, Q.Tân Phú), rồi dừng xe cho một người lẻn vào căn nhà 17/37/2 bẻ khóa một chiếc xe máy, tẩu thoát.
Hai xe máy của 3 "hiệp sĩ" rồ ga bám đuổi thì bị tên cầm lái cản đường quyết liệt bằng dây xích sắt. Đến đường Độc Lập (P.Tân Thành, Q.Tân Phú), "hiệp sĩ" Minh Tiến đạp ngã chiếc xe vừa bị trộm. Tên trộm ngã xuống đường, nhưng nhanh chân nhảy lên xe đồng bọn. Quốc ở lại giữ xe tang vật, Tiến và Bình tiếp tục truy đuổi. Khi vào một con hẻm cụt trên đường Nguyễn Sơn, 2 tên trộm dừng lại, dùng dây xích tấn công làm "hiệp sĩ" Minh Tiến ngã xe. Ngay lúc đó, Bình lao thẳng xe máy vào xe 2 tên trộm để hỗ trợ nhưng xe anh cũng bị trượt bánh ngã nhào. Thấy 2 tên trộm tiếp tục lên xe chạy ngược ra tẩu thoát, "hiệp sĩ" Tiến chụp vội xe máy của anh Bình truy đuổi. Khi đuổi kịp chiếc xe 2 tên trộm, anh Tiến chụp áo tên ngồi sau (kẻ trực tiếp vào lấy cắp xe) làm tên này ngã xuống đường, tên còn lại rú ga chạy thoát. Ngay lập tức, anh Tiến quăng xe, lao vào khống chế trước sự tấn công quyết liệt bằng dây xích của tên này. Tên trộm vừa chống trả vừa bỏ chạy được khoảng 100m thì bị anh Tiến bắt giữ. Khi bị bắt, tên trộm khai tên Phạm Hoàng Châu (46 tuổi, ngụ P.15, Q.8), có 2 tiền án trộm cắp.
Khi dẫn tên trộm trở lại lấy xe thì "hiệp sĩ" Tiến phát hiện chiếc xe Wave Alpha anh dùng truy đuổi (BS 54T1-4956) đã "không cánh mà bay". Sau khi giao tên trộm và tang vật cho Công an P.Tân Quý, nhóm "hiệp sĩ" đã đến Công an P.Phú Thạnh (Q.Tân Phú) trình báo về việc bị mất xe.
Giang Phương
Theo Thanh Niên
Trộm, cướp hoành hành - Kỳ 2: Trung tâm TP không bình yên Trước tình hình trộm, cướp liên tục xảy ra, chiều 12.9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí đã có buổi làm việc với UBND Q.1 và các cơ quan chức năng TP, về tình hình an ninh trật tự và phòng chống tội phạm trên địa bàn. Cướp ngày càng táo tợn Tại buổi làm việc, một số phường thuộc khu...