Trộm cắp trên máy bay: Đề nghị Bộ Công an vào cuộc
Cục Hàng không Việt Nam vừa đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra các vụ ăn cắp trên các chuyến bay do nghi vấn đây là đường dây ăn cắp chuyên nghiệp hoạt động theo băng nhóm.
Cục Hàng không Việt Nam vừa đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra các vụ ăn cắp trên các chuyến bay do nghi vấn đây là đường dây ăn cắp chuyên nghiệp hoạt động theo băng nhóm.
Các phần tử trong các nhóm này là người nước ngoài, trong đó phần lớn là người Trung Quốc.
Hành khách Trung Quốc bị bắt quả tang lấy cắp 710 USD của một hành khách châu Âu trên chuyến bay VN594 từ TP.HCM đi Hong Kong ngày 31/3.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – Lại Xuân Thanh cho biết trong cuộc họp với Ủy ban An ninh hàng không quốc gia mới đây, cơ quan này đã đề nghị Bộ Công an vào cuộc, điều tra các vụ ăn cắp trên các chuyến bay khi nhận thấy có nghi vấn đây là đường dây ăn cắp chuyên nghiệp hoạt động theo nhóm của các phần tử là người nước ngoài. Theo ông Thanh, các hãng hàng không nhận thức đây có thể là hình thức tội phạm ăn cắp mới vì những hành khách này mua vé lên máy bay để ăn cắp là chủ yếu chứ không phải ngẫu nhiên nảy sinh chuyện ăn cắp. Chính vì vậy đã cảnh báo cho các tiếp viên để có thể theo dõi, giám sát chặt chẽ, hạn chế tình trạng này.
Cũng theo ông Thanh, những trường hợp người nước ngoài bị các tiếp viên, hành khách bắt quả tang và chuyển giao cho cơ quan công an lập biên bản xử phạt, trục xuất khỏi Việt Nam gần đây đều là người Trung Quốc, các vụ ăn cắp chỉ xuất hiện trên một số đường bay quốc tế đi/đến TP.HCM, Hà Nội. “Những người khách này thường đợi khi máy bay đã bay bằng, hành khách tranh thủ nghỉ ngơi, chợp mắt thì ra tay lục giỏ của những hành khách họ đã quan sát từ trước. Đồ bị ăn cắp thường là tiền và đồ vật có giá trị của khách” – ông Thanh cho biết.
Hàng loạt vụ ăn cắp trên máy bay bị phát hiện
Trên chuyến bay mang số hiệu VN257 của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) từ Hà Nội đến TP.HCM chiều 30/4, sau khi máy bay cất cánh, hành khách Trung Quốc Wang Xin Gao ngồi ghế 30C đã lục trên khoang hành lý để lấy túi xách của vị khách ngồi ghế 30A rồi mang xuống hàng ghế 38D để lục lọi trộm đồ. Toàn bộ hành vi này của Wang đã bị một hành khách cũng là tiếp viên hàng không phát hiện và dùng điện thoại ghi hình, rồi báo cho nhân viên phi hành đoàn. Tổ tiếp viên đã lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị hành khách ngồi ghế 30A kiểm tra lại tài sản, tư trang trong chiếc túi vừa bị lục lọi.
Sau khi máy bay hạ cánh, tổ bay đã làm thủ tục bàn giao Wang cho Cảng vụ hàng không Tân Sơn Nhất, công an quận Tân Bình (TP.HCM) xử lý. Theo công an quận Tân Bình, do chiếc túi của vị khách bị Wang Xin Gao lấy trộm có tài sản trị giá không tới 2 triệu đồng, mức tối thiểu để có thể xử lý hình sự về hành vi trộm cắp tài sản nên công an phường 2, quận Tân Bình chỉ ra quyết định xử phạt hành chính với mức 1,5 triệu đồng và tiến hành trục xuất khỏi Việt Nam.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Lực lượng an ninh hàng không xác định có một nhóm người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) khoảng 10 người chuyên đi trên các chuyến bay của VNA để trộm cắp tài sản. Từ đầu năm đến nay, năm hành khách Trung Quốc bị bắt quả tang ăn cắp trên máy bay VNA. Mới đây nhất, hôm 18/3, trên chuyến bay VN594 đang chuẩn bị cất cánh từ TP.HCM đi Hong Kong, Dong Jiayi (35 tuổi) cũng bị bắt giữ khi trộm đồ của hành khách.
Ngày 3/5, ông Lê Trường Giang, người phát ngôn VNA, cho biết tình trạng trộm cắp tài sản của hành khách trên các chuyến bay của VNA diễn ra trên một số chặng bay khu vực Đông Nam Á, đặc biệt đối với đường bay đi/đến Thái Lan, Indonesia, Singapore, Lào, Campuchia và một số đường bay nội địa như Cam Ranh, Phú Quốc. Thống kê của VNA cho thấy trong năm 2012 đã xảy ra 28 vụ khách bị mất tài sản trên chuyến bay, năm 2013 có 15 vụ và từ đầu năm 2014 đến hết tháng 4/2014 đã xảy ra 11 vụ hành khách bị ăn cắp tài sản ngay trên máy bay.
Trước đó, các hãng hàng không trong khu vực đã nhiều lần cảnh báo hành khách đi trên các chuyến bay của mình về tình trạng tiền, đồ có giá trị bị ăn cắp trên các chuyến bay. Đầu tiên là một số chuyến bay đường dài của Hãng Cathay Pacific từ Hong Kong đi châu Âu, sau đó là các hãng hàng không Trung Quốc, Đài Loan có đường bay đến Hong Kong đều có hành khách khai báo mất tài sản cá nhân trên chuyến bay.
Video đang HOT
Tài sản mất thường là tiền hoặc đồ vật giá trị như laptop, máy tính bảng, điện thoại… tập trung chủ yếu trên các đường bay của các hãng hàng không đi/đến Hong Kong. Từ phản ảnh của hành khách, cảnh sát Hong Kong đã theo dõi, bắt giữ thủ phạm trộm cắp và gửi khuyến cáo cho các hãng hàng không có đường bay đến Hong Kong áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
Năm 2013, tám “đạo chích” người Trung Quốc đã bị tòa án Singapore phạt tù với các mức án từ 9-16 tháng tù giam vì đã ăn cắp tiền, hành lý của hành khách trên các chuyến bay của hai hãng hàng không Tiger Airways và Silk Air. Trong năm 2013, đã có 47 người nước ngoài bị bắt tại Singapore vì tội ăn cắp hành lý, đồ đạc có giá trị trên các chuyến bay đi/đến Singapore của các hãng Singapore Airlines, Tiger Airways và Silk Air, trong đó có 41 người đến từ Hà Nam (Trung Quốc). Quản lý sân bay Changi cũng cho biết trong năm 2012, 36 người bị bắt vì ăn cắp trên máy bay, trong đó có 29 người Trung Quốc.
Kết quả điều tra của cảnh sát Singapore cho thấy thủ phạm là những nhóm khách (đi cùng chừng 3-4 người/chuyến bay) người Trung Quốc, tuổi từ 30-50, thường ra tay lúc hành khách đã ngủ hoặc đi vệ sinh. Mục tiêu là các vật dụng có giá trị, tư trang, tiền bạc, laptop để trong túi xách đặt trong các ngăn hành lý. Sau khi lấy, bọn chúng chuyền cho đồng bọn để ngay cả khi bị phát hiện, có khám xét cũng không thể tìm thấy đồ đã đánh cắp.
Cẩn trọng với hành lý có tài sản giá trị
Đại diện VNA cho biết đã triển khai cho các bộ phận liên quan quy trình phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối tượng trộm cắp trên chuyến bay, trong đó có các bước nhận biết đối tượng trộm cắp từ mặt đất và phát hiện trên máy bay.
Đồng thời VNA khuyến cáo các hành khách cẩn thận với đồ đạc quý giá trong hành lý xách tay, phải luôn để trong tầm quan sát được. Không để túi xách có đồ quý giá trên ngăn hành lý, hạn chế để hành lý có giá trị lại ghế ngồi để đi vệ sinh. Nếu mất đồ đạc trong hành lý, hành khách nên báo ngay cho tiếp viên để họ có thể báo cáo với cơ trưởng và cơ trưởng báo cáo xuống mặt đất phối hợp tìm kiếm đồ đã bị đánh cắp khi máy bay hạ cánh.
Theo Zing/TT
Vụ máy bay MH 370: Mất tích và mất lòng tin
Nếu ai đó cho rằng qua vụ máy bay MH370 đã bộc lộ lỗ hổng phòng không của các nước trong khu vực là hơi vội vàng.
Có thể phải mất một thời gian lâu hành tung đầy bí ẩn của máy bay MH370 của Malaysia sẽ được phơi bày, nhưng, mất lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực qua sự kiện này lại hiện hữu rất rõ ràng trước mắt.
Ngày 24/3, chính phủ Malaysia, Thủ tướng Najib Razak ra thông báo: "Dựa trên phân tích dữ liệu mới của công ty vệ tinh Inmarsat và Cơ quan điều tra tai nạn hàng không Anh (AAIB) đã kết luận rằng máy bay MH370 đã bay dọc theo hành lang phía Nam, và vị trí cuối cùng của nó là ở giữa Ấn Độ Dương, phía tây thành phố Perth, thủ phủ bang Tây Australia. 239 hành khách và phi hành đoàn đã không còn sống sót".
Vậy là bức màn bí ẩn về vụ mất tích chiếc máy bay MH370 của Malaysia hơn một tháng nay đã được hạ. Nói là "được hạ" bởi cuộc tìm kiếm là vô vọng khi hộp đen đã hết pin hơn tuần nay và giả sử có tìm ra chăng nữa thì dư luận cũng chỉ có thể được biết (vì có "bằng chứng" từ hộp đen được công bố của nhà chức trách) rằng, đây là sự cố kỹ thuật mà thôi.
Thông tin về chuyến bay MH370 giờ đây đã dừng lại ở diễn biến: Sau khi đột ngột đổi hướng bay sau một giờ cất cánh, hệ thống thống liên lạc của máy bay bị ngắt có chủ ý. Tiếp đó máy bay tiếp tục bay thêm hơn 7 giờ nữa theo hành trình ngược hẳn với dự kiến và cuối cùng lao xuống vùng biển cách bờ tây nước Úc khoảng 2.500 km cùng với 239 hành khách và phi hành đoàn.
Thiêt bi lăn Bluefin-21, niềm hy vọng cuối cùng để tìm thấy hộp đen của MH 370 bị vụt tắt khi nó phải trồi lên vì nước quá sâu
Máy bay rơi vì kỹ thuật hay vì mưu đồ nào khác?
Kể từ khi chính phủ chính thức thông báo đến nay, vệ tinh các nước như Thái Lan, Pháp, Anh, Nhật Bản...đã phát hiện, định vị hàng trăm mảnh vỡ quanh khu vực đó (nhưng những mẫu lấy được thì không phải từ máy bay MH370), rồi nghe thấy tín hiệu của hộp đen... chứng tỏ việc máy bay MH370 rơi ở Ấn Độ Dương có xác suất rất cao. Và, giả thiết về máy bay MH370 còn đâu đó đem đến hy vọng sống sót cho hành khách và sự lo ngại bị quân khủng bố dùng nó tấn công tự sát là không còn cơ sở.
Với trình độ khoa học của thế giới ngày nay, rồi người ta sẽ tìm ra vị trí chiếc máy bay rơi giữa biển khơi, nhưng vì sao nó rơi, tức là nó rơi vì bị bắn hạ hay rơi vì hết nhiên liệu là câu hỏi mà dư luận thế giới sẽ không bao giờ được biết câu trả lời chính xác.
Vì sao máy bay rơi? Trả lời được câu hỏi này thì phải giải thích rõ ràng tại sao máy bay lại đột ngột đổi hướng bay trở lại, hay, máy bay bay trở lại vì nguyên nhân gì, lại là vấn đề rất nhạy cảm, có khi trở thành tuyệt mật tầm quốc gia.
Một phi công hạng nhất người Canada là Chris Goodfellow, người duy nhất giải thích sự quay lại đột ngột này không mang tính chính trị.
Ông cho rằng có ngọn lửa xuất hiện trên MH370, buộc phi hành đoàn phải chuyển hướng đến sân bay gần nhất để hạ cánh khẩn, nhưng họ đã không kịp (Báo VNEXPRESS ngày 23/3/2014). Theo ông ấy thì có 2 tình huống xảy ra hỏa hoạn, một là do bị chập điện thường không lan nhanh, mạnh và khói có thể gây ra bất tỉnh, hai là do khói khi lốp máy bay bốc cháy đã vô hiệu hóa tổ lái.
Giải thích của phi công dày dạn kinh nghiệm rất logic, nhưng trong trường hợp đầu, ông ấy không cho biết khi hỏa hoạn trên máy bay đã ở mức độ phi công phải lo dập lửa chứ không có thời gian rảnh để liên lạc thì sau bao lâu máy bay sẽ nổ tung? Chẳng lẽ phải sau hơn 7 giờ đồng hồ, có hợp lý không?
Trong trường hợp sau, khi khói ở lốp máy bay cháy rất độc đã vô hiệu hóa tức khắc tổ lái sau 2 phút, máy bay bay theo chế độ tự động và rơi khi hết nhiên liệu. Rất thuyết phục và mong sao như vậy để cho linh hồn của tổ lái được siêu thoát, nhưng ông ấy cũng không cho biết khi lốp máy bay bị cháy thì có ảnh hưởng gì với máy bay trong 7 tiếng đồng hồ hay là cháy hết thì thôi, máy bay vẫn bay?
Tiếc thay, giả thiết sự quay lại đột ngột của máy bay MH370 có mục đích chính trị cũng có sức thuyết phục không kém. Chẳng hạn, sau một giờ bay để "hoàn thành thủ tục" bắt cóc, khống chế...máy bay bay trở lại để ra điều kiện với chính phủ Malaysia. Điều kiện mà chúng nêu ra chính phủ không thể chấp nhận được, nó quá đắt so với 239 hành khách trên máy bay và thế là...rơi xuống biển khi hết nhiên liệu, thế thôi.
Rốt cuộc, bất luận giả thiết nào xảy ra thì 239 con người đã thiệt mạng và càng đau buồn, công phẫn hơn nếu như khi họ chết chỉ vì họ là con tin.
Lòng tin bị mất cùng với máy bay MH370
Nếu ai đó cho rằng qua vụ máy bay MH370 đã bộc lộ lỗ hổng phòng không của các nước trong khu vực là hơi vội vàng.
Malaysia dù là một quốc gia có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nhưng tính chất, mức độ chưa căng thẳng, gay gắt, thế nhưng, Radar quân sự của họ đã phát hiện MH370 đổi hướng sau một giờ bay. Điều đó chứng tỏ họ theo dõi, trực canh 24/24. Huống chi những quốc gia có lực lượng vũ trang luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở mức độ thường xuyên thì ít nhất cũng không kém quân đội của Malaysia. Vì thế, hành trình của máy bay MH370 chỉ bí ẩn với cơ quan không lưu nhưng với giới quân sự thì không.
Lúc đầu, những người có chút kinh nghiệm rất ngạc nhiên là Việt Nam dùng trực thăng tìm kiếm cả ở rừng U Minh, nó không giống với những gì họ đã từng chứng kiến, hiểu biết về radar của Vùng 5 HQ...nếu thế thì hệ thống Radar quân sự Việt Nam tại vùng biển phía Nam chả nhẽ lại như tuyên bố của Ấn Độ, rằng "không khởi động vì tốn kém vì khi hướng đó không quan trọng"?
Cũng như Trung Quốc thông báo về sự phát hiện của radar quân sự ở vùng phía Tây là "không thấy gì hết", Việt Nam cũng "không thấy gì hết" nhưng tin bạn, vì bạn, và biết đâu có khi nó có bay vào mà lại không thấy thật, nên đã hết sức tìm kiếm dù cuộc tìm kiếm "bổng chốc" trở thành một cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn quy mô, lực lượng, lớn nhất từ trước tới nay của Việt Nam.
Tìm kiếm cứu nạn là hoạt động nhân đạo, là khả năng tiềm lực, mức độ sẵn sàng, tổ chức thực hiện... của một quốc gia đối phó trước thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên gây ra hậu quả khôn lường bất cứ lúc nào.
Việc Trung Quốc sử dụng một lực lượng hùng hậu về hải quân, không quân, vệ tinh để tìm kiếm với lý do người Trung Quốc trên máy bay bị nạn đông nhất cũng không ngoài mục đích đó. Thông qua cuộc tìm kiếm, Trung Quốc muốn chứng tỏ cho dân châu Á biết khả năng, thực lực và vai trò của mình là điều cần thiết. (Nhưng trong cơn bão tàn phá Philipines thì Trung Quốc không thể hiện gì ngoài ủng hộ tiền "ăn sáng" 100 ngàn USD, bị thế giới lên án, coi thường)
Tuy nhiên, lợi dụng hành động nhân đạo để phô trương sức mạnh, răn đe và có những hành vi mờ ám khác đã làm cho thái độ cảnh giác, đề phòng của các quốc gia trong khu vực tăng lên và khiến cho hành động nhân đạo mất hết ý nghĩa.
Phải kể đến đầu tiên là cư xử của Ấn Độ với Trung Quốc.
Ấn Độ từ chối lực lượng tìm kiếm cứu nạn Trung Quốc đến vùng biển Andaman với lý do họ đủ năng lực làm mà không cần Trung Quốc. Ai cũng hiểu Ấn Độ không tin Trung Quốc đến đó chỉ "tìm kiếm cứu nạn". Ấn Độ quá cảnh giác đến mức 'sợ' Trung Quốc, nên thực hiện phương pháp "không quản được thì cấm". Tại sao không qua đó tạo điều kiện cho radar Ấn Độ nhận dạng được mục tiêu cất vào dữ liệu để khi cần thì dùng?
Sự tổ chức, quản lý chặt chẽ của Việt Nam cùng với lực lượng nước ngoài tham gia tìm kiếm trong vùng biển Việt Nam khẩn trương, nhiệt tình, trên cơ sở bảo vệ an ninh chủ quyền được thế giới ca ngợi. Dĩ nhiên bị nhiều kẻ quá khích cay cú chỉ trích là Việt Nam muốn "đứng đầu khu vực"...nhưng thực ra Việt Nam chỉ thực hiện quyền làm chủ chủ quyền của mình.
Cuối cùng là lòng tin giữa 2 quốc gia Malaysia và Trung Quốc sau vụ máy bay MH370.
Lẽ ra chuyện thường tình khi cả 2 đều bị nạn thì họ sẽ trở nên đồng cảm, chia sẻ những mất mát đau thương, cùng nhau khắc phục hậu quả mà không ai muốn. Thế nhưng, Trung Quốc và Malaysia thì không, quan hệ giữa 2 nước từ chỗ Malaysia là quốc gia trong khối ASEAN thân Trung Quốc nhất đã trở nên căng thẳng trong phút chốc.
Việc Malaysia không cung cấp thông tin đầy đủ cho Trung Quốc, không mời Trung Quốc cùng điều tra tìm kiếm...để Trung Quốc thể hiện vai trò "cảnh sát châu Á", để Trung Quốc muốn tìm kiếm đâu cũng được...đã làm cho Trung Quốc nổi đóa.
Không kể những lời than trách của thân nhân người mất tích, hàng ngày các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng dồn dập những bình luận sỉ nhục chính quyền Malaysia, chính phủ Malaysia bị lên án bằng nhiều từ ngữ nặng nề. Họ cho phép biểu tình trước ĐSQ Malaysia lên án chính phủ Malaysia là "đao phủ', là "sát nhân", là "dối trá"...
Tại sao Malaysia không tin vào Trung Quốc? Nói như Bộ trưởng quốc phòng Malaysia khi phản bác lại các nhà báo Trung Quốc rằng, "Vệ tinh Trung Quốc cũng cung cấp thông tin không chính xác trên Biển Đông..." xem ra chưa hết.
Theo Báo Đất Việt
Xử phạt phụ nữ dựng màn kịch mất 900 triệu trên máy bay Sau khi thẩm định các nguồn tin, cơ quan điều tra đã xác định những trình báo của chị T. là sai sự thật. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, chị T. đã phải thừa nhận câu chuyện trên là do mình dựng lên. Theo báo cáo của CA phường 2, quận Tân Bình thì vào 12h30 ngày 8/4 cơ quan...