Trộm cắp nông sản náo loạn miệt vườn
Nhiều nhà vườn ở vùng nông thôn thuộc khu vực Đông Nam bộ đang đối diện với nạn trộm cắp nông sản quy mô lớn.
Đưa cả xe ô tô đi trộm cà phê
Chúng tôi đến ấp Sông Xoài 2, xã Sông Xoài, H.Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu); đi đâu cũng nghe người dân bàn tán xôn xao về những vụ trộm cà phê sau khi thu hoạch. Có nhà bị trộm trong đêm đến 40 bao cà phê (loại 50 kg/bao).
Công an không biết Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Công an H.Tân Thành tỏ ra bất ngờ với thông tin trộm cắp lộng hành như nêu trên. Vị lãnh đạo này cho biết sẽ yêu cầu cán bộ công an quản lý an ninh trật tự tại địa phương báo cáo vụ việc để có hướng điều tra, truy bắt các đối tượng trộm cắp nông sản.
Bà Võ Thị Xuyến (53 tuổi, ngụ ấp Sông Xoài 2) bần thần nói: “Chỉ từ 1 giờ đến 3 giờ ngày 22.12 mà nhà tôi mất đến 40 bao cà phê tươi. Lúc 3 giờ, chồng tôi thức dậy, chuẩn bị đón xe đi về quê mà vẫn không biết có trộm đang ở sau vườn”. Đến 7 giờ sáng, người làm thuê của nhà bà Xuyến mới phát hiện cà phê bị mất trộm. Nhà bà có đến 3 con chó rất dữ, nhưng không hiểu sao trộm vào nhà mà chúng không sủa một tiếng nào.
Ông Voòng Văn Trung, Trưởng ấp Sông Xoài 2, bức xúc: “Cuối tháng 11 và những ngày đầu tháng 12, trên địa bàn ấp xảy ra hàng loạt vụ mất trộm cà phê. Bọn trộm mang theo cả xe ô tô. Khoảng 3 giờ ngày 19.12, nghe tiếng ồn ào bên ngoài nên gia đình bà Vòng Và Kíu ở tổ 4, ấp Sông Xoài 2 tìm vẫn không thấy động tĩnh. Vậy mà đến sáng thì phát hiện 19 bao cà phê tươi để bên hiên nhà không cánh mà bay. Từ ngoài đường vào nhà bà Kíu có vết bánh xe ô tô và nhiều hạt cà phê rơi vãi. Trước đó, ngày 11.12, nhà ông Trần Ngô cũng bị bọn trộm vác 20 bao cà phê để trước cửa sổ phòng ngủ. Vợ ông Ngô cho biết: “Con chó cột ngay bên những bao cà phê này nhưng không hiểu sao không sủa. Thậm chí bọn trộm còn dắt chó ra ngoài hiên cột lại”.
Thương lái hóa… trộm cướp!
Video đang HOT
Còn tại Bình Phước, giá tiêu (hồ tiêu) liên tục tăng cao (khoảng 130.000 – 150.000 đồng/kg) nên trộm thường “viếng thăm”. Theo phản ánh của người dân ở huyện Lộc Ninh và Hớn Quản, kẻ gian thường đi 2 – 3 người, đóng vai thương lái mua tiêu. Nếu hộ nào vắng nhà, có tiêu phơi khô hoặc đóng bao để sẵn, bọn trộm lẻn vào vác. Còn gặp người ở nhà, bọn chúng lừa các thành viên trong gia đình là “chủ nhà đã nhận tiền rồi, nay đến lấy tiêu”. Mới đây, lợi dụng chị Nguyễn Thị Tuyết (42 tuổi, ngụ xã Lộc Thịnh, H.Lộc Ninh) vắng nhà, bọn trộm lẻn vào vác 10 bao tiêu khô (khoảng 60 kg/bao). Qua điều tra, công an đã bắt 4 đối tượng.
Nhà ông Trần Ngô để cà phê ngay cửa sổ, sát giường ngủ vẫn bị mất trộm mà không hay biết – Ảnh: Nguyễn Long
Anh Phạm Văn Rần (xã Thanh An, H.Hớn Quản) chưa hết bức xúc: “Lúc vợ chồng tôi vắng nhà, có 2 người đi xe máy ghé quán tạp hóa của gia đình rồi vờ hỏi 2 đứa con nhỏ của tôi để mua tiêu. Sau đó, chúng dùng dao uy hiếp và trói 2 cháu lại để cướp 3 bao tiêu nặng 143 kg và 1 điện thoại di động”. Trên đường chở tiêu đi tiêu thụ, 2 đối tượng đã bị công an bắt giữ.
Cùng với tiêu, nạn trộm mủ cao su cũng có chiều hướng diễn biến phức tạp, xảy ra tại một số nông trường thuộc các công ty cao su quốc doanh.
Theo Thanh Niên
Tây Nguyên điêu đứng vì nạn trộm cà phê
Nạn trộm cắp trở thành bệnh kinh niên tại những vùng chuyên canh cà phê ở Đắk Lắk, cứ đến mùa thu hoạch thì lại bùng lên.
Bẻ cành vặt quả
Ông Lê Văn Bảy trú ở thị xã Buôn Hồ, có rẫy cà phê 3 ha ở xã Cư Pơng, H.Krông Búk (Đắk Lắk) cách nhà gần 20 km. Vào vụ hái quả, đôi mắt ông trũng sâu vì lo lắng. Ngay khi đứa cháu trai trông rẫy cho ông có việc về quê, bọn trộm lập tức tuốt hết trái gần 200 cây, quy ra mất hơn nửa tấn cà phê nhân. Ông Bảy than: "Vẫn biết nạn hái trộm rình rập nhưng mình không ngờ chỉ một buổi về nhà lấy thức ăn quay lại là rẫy đã bị trộm đột nhập. Những vườn cây quanh đây cũng gặp cảnh này, chỉ cần sơ hở vài tiếng đồng hồ là lãnh đủ".
Nạn trộm cắp khiến nhiều nông dân phải thu hái cà phê khi quả còn xanh - Ảnh: Trung Chuyên
Ông Y Rét Niê, Trưởng công an xã Cuôr Đăng, H.Cư Mgar, chỉ cho chúng tôi xem tang vật là bao cà phê quả tươi hơn 10 kg mới thu giữ tối 16.11, đối tượng là Y Ng. ở buôn Cuôr Đăng B bị bắt quả tang khi đang hái trộm tại rẫy nhà ông Ma Hy ở cùng buôn. Y Rét kể: "Kiểu hái trộm vài chục ký như thế này thì công an xã bắt hoài. Do giá trị thiệt hại mỗi lần trộm không lớn nên chúng tôi chỉ răn đe, giáo dục rồi thả về, một vài vụ mới xử phạt hành chính. Đối tượng Y Ng. này do tái phạm mới bị xử phạt 1,5 triệu đồng nhưng gia đình chưa có tiền nộp phạt". Ông Y Rét cho biết năm nào vào vụ thu hoạch cà phê, cả 6 thôn, buôn trên địa bàn xã Cuôr Đăng đều báo có mất cắp trên rẫy. Nạn trộm cắp khiến nhiều chủ vườn không yên tâm, phải hái sớm cà phê đưa về nhà, bất kể còn nhiều quả xanh. Thậm chí cà phê đang phơi trong sân như ở nhà bà H'Loan ở buôn Króa C mới đây cũng bị xúc trộm.
Không ngờ chỉ một buổi về nhà lấy thức ăn quay lại là rẫy đã bị trộm đột nhập..., chỉ cần sơ hở vài tiếng đồng hồ là lãnh đủ "
Ông Lê Văn Bảy, chủ rẫy cà phê
Trộm cũng không chừa những lô cà phê của các doanh nghiệp được bảo vệ nghiêm ngặt. Mới đây, lực lượng bảo vệ Công ty cà phê Ea Pốk đã bắt quả tang Lê Công Nam, 21 tuổi, trú ở thị trấn Ea Pốk, H.Cư Mgar, hái trộm hơn 1 tạ quả tươi, trong đó khoảng 70 kg quả còn nằm trên những cành cây bị bẻ gãy. Vụ trộm này được xem là nghiêm trọng do phá hoại vườn cây, gây thiệt hại cho những vụ sau.
Khó dập tắt
Ông Trịnh Minh Thủy - Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ - cho biết: "Ngay từ đầu vụ, xã triển khai phương án bảo vệ vườn cà phê theo hình thức các thôn thành lập tổ dân phòng để tuần tra. Nhờ đó, nạn trộm cà phê theo kiểu tập thể, càn quét vườn cây không xảy ra như trước đây, nhưng vẫn còn tình trạng hái trộm lẻ tẻ ở những diện tích giáp ranh với các xã lân cận, khó bắt quả tang". Ông Thủy nói thêm: "Xã đã thông báo chỉ thị của tỉnh về việc cấm hái cà phê quả xanh nhưng rất khó ngăn chặn. Chỉ cần một hộ sợ trộm phải tuốt hết quả xanh là những hộ chung quanh làm theo, trong khi xã lại không có thẩm quyền xử lý các điểm kinh doanh thu mua cà phê quả xanh".
Nạn hái trộm cà phê càng diễn ra phức tạp ở vùng sâu vùng xa. Ông Bùi Chiến Tăng, Trưởng công an xã Ea Hiao, H.Ea Hleo, một xã giáp huyện Krông Pa của Gia Lai, cho biết xã có nhiều dân di cư tự do, khó quản lý, đặc biệt có trên 50 đối tượng nghiện hút, chích ma túy, thường làm liều, trở thành đạo chích gây hoang mang cho các chủ vườn cà phê. "Nửa đầu tháng 11, Công an xã Ea Hiao đã xử phạt hành chính 4 vụ trộm cà phê, 5 vụ trộm mủ cao su, còn các vụ hái trộm nhỏ lẻ thì khá nhiều. Khổ nỗi, theo quy định pháp luật, chỉ những vụ trộm cắp có giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên mới khởi tố hình sự, mà các vụ trộm vài chục ký cà phê quả tươi chỉ bị xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe", ông Tăng phân trần.
Ông Y Rét Niê cho rằng: "Người nông dân phải tự mình bảo vệ vườn cây là chính lực lượng công an, dân quân ở cơ sở chỉ hỗ trợ chứ khó có thể làm thay được. Mỗi thôn, buôn chỉ có một công an viên hưởng phụ cấp hơn 400 ngàn đồng mỗi tháng, không đủ tiền đổ xăng xe máy để tuần tra cả ngày đêm quanh các vườn cà phê".
Liên kết nông dân
Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Đắk Lắk, cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 190.000 ha cà phê trong đó 15% diện tích là của các doanh nghiệp, phần lớn còn lại thuộc 180.500 nông hộ tự trồng, chăm sóc, bảo vệ.
Theo ông Sinh, phải vận động nông dân tham gia thành lập các nhóm hộ, CLB, tổ hợp tác hoặc HTX sản xuất cà phê mới, liên kết bảo vệ sản phẩm vào vụ thu hoạch, hạn chế nạn hái cà phê quả xanh do lo sợ mất trộm đồng thời thực hiện các mô hình phát triển cà phê bền vững.
Theo Thanh Niên