Trộm cắp điện ngày càng tinh vi
Đảo sơ đồ đấu dây, “phẫu thuật” bên trong công tơ để làm chậm vòng quay đồng hồ, phá niêm phong kẹp chì rồi chế niêm phong giả… nhiều thủ đoạn đã và đang bị các đối tượng trộm cắp điện thực hiện để “qua mặt” đơn vị quản lý.
Mọi hành vi tác động vào công tơ điện đều có thể gây nguy hiểm
Điều chỉnh công tơ
“Trong nhiều năm qua, đây là lần đầu tiên chúng tôi bắt quả tang trường hợp trộm cắp điện với hình thức táo tợn, tinh vi như vậy. Người ta đã tháo, mang cả công tơ vào nhà để tìm cách tác động, thay đổi chỉ số hoạt động”, ông Nguyễn Văn Đài, Đội trưởng Đội Kiểm tra – Công ty Điện lực Long Biên cho biết. Sự việc diễn ra lúc 21h15 ngày 15-8; thời điểm trên, tổ công tác đội quản lý điện phường Bồ Đề, quận Long Biên trong khi làm nhiệm vụ tại ngõ 22 phố Phú Viên, phát hiện nghi vấn tại số nhà 3A. Khi nhân viên ngành Điện đi kiểm tra phát hiện một nam thanh niên đang tháo lắp công tơ điện. Tìm cách khống chế, giữ nguyên hiện trạng, tổ điện phường Bồ Đề thông tin đến công an phường sở tại. Thanh niên đang tìm cách tác động vào công tơ điện là Nguyễn Ngọc Tú, 31 tuổi, quê Hưng Yên, tạm trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai. Công tơ điện mà Tú tìm cách tác động là của hộ gia đình ông Phạm Hồng Nhật.
Tại CAP Bồ Đề, Nguyễn Ngọc Tú khai nhận làm thợ điện, nước tự do. Tối 15- 8, nhà ông Nhật bị sự cố điện nên nhờ Tú sang sửa giúp. Quá trình sửa chữa điện, Tú khoe với ông Nhật có thể làm cho công tơ điện chạy chậm lại. Nghe vậy, ông Nhật đã nhờ Tú giúp. Tú đã tháo công tơ điện trên cột mang vào nhà ông Nhật để chỉnh sửa. Quá trình trèo lên cột điện để “trả lại nguyên trạng”, Tú bị lực lượng chức năng phát hiện.
Lợi bất cập hại
Việc tìm cách tác động vào công tơ điện không chỉ gây nguy hiểm trực tiếp với đối tượng tác động, mà quá trình sử dụng sau này, hộ gia đình có thể chịu hậu quả chập cháy, do dòng điện thay đổi. Đó là khẳng định của đại diện Công ty Điện lực Long Biên. Theo quy luật, có hai thời điểm mà hiện tượng gian lận sử dụng điện diễn ra nhiều nhất, là trước khi tăng giá điện và mùa hè. Năm 2010, Công ty Điện lực Long Biên phát hiện, xử lý trên 100 trường hợp gian lận điện. Đơn vị này phải “căng” toàn bộ nhân viên kiểm tra, giám sát xuống 14 phường trên địa bàn, cùng cán bộ cơ sở nắm bắt chặt mọi thông số sử dụng điện của các hộ dân. Kết quả tích cực là hai năm 2011 và đến thời điểm này của năm 2012, chỉ có khoảng chục trường hợp gian lận điện bị phát hiện, xử lý.
“Nếu như trước kia, thủ đoạn chủ yếu là đảo sơ đồ đấu dây hoặc đấu tắt cuộn dòng, tức là chỉ tác động bên ngoài công tơ, thì thời gian gần đây, đối tượng trộm cắp điện đã tìm cách thay đổi cả những tính năng hoạt động của công tơ”, ông Nguyễn Văn Đài cho biết. Đồng hồ công tơ của ngành Điện cấp phát đến hộ dân là 450 vòng quay sẽ ra 1 số điện. Nhưng bằng cách “phẫu thuật” bên trong công tơ, đối tượng trộm cắp có thể điều chỉnh lên đến 900 – 1.200 vòng mới thành 1 số điện. Để làm được điều này, đối tượng tác động công tơ điện thường có tay nghề, hiểu biết về lĩnh vực điện.
Theo ANTD
Bị cáo chối tội, ngân hàng phủi tay
Hòng kiếm bộn tiền một cách đơn giản, Nguyễn Thị Đặng (SN 1958, trú ở phố Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP.HCM) đã cấu kết với đồng bọn thành lập công ty, rồi thuê tiền bảo lãnh để chiếm đoạt.
Nguyễn Thị Đặng (bên phải) trên cùng cùng đồng phạm tại phiên tòa
Thủ đoạn tinh vi
Hôm qua (13-8), TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Đặng theo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS. Đồng phạm với Đặng còn có Nguyễn Thị Ngọc Tín (SN 1956), trú ở phường 6, quận 5, TP.HCM và Hoàng Nghĩa Hiển (SN 1972), trú tại phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Liên quan đến vụ án, Trần Thị Tố Oanh (SN 1984) và Vũ Ngọc Quỳnh (SN 1985), đều là nhân viên của Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank - MSB) cùng bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tài liệu cáo buộc các bị cáo tại tòa thể hiện, Nguyễn Thị Đặng thành lập Công ty TNHH Dương Hùng (Công ty Dương Hùng) và đứng tên đại diện pháp nhân. Tháng 12-2009, Đặng, Tín và Hiển thỏa thuận thuê 15 tỷ đồng đưa vào tài khoản của Công ty Dương Hùng với lý do nhằm chứng minh năng lực tài chính trong một hợp đồng mua bán thép. Hiển lo việc làm chứng thư bảo lãnh tại ngân hàng để rút số tiền thuê, Tín chịu trách nhiệm tìm "đối tác" và ứng trước chi phí thuê tiền bảo lãnh. Thông qua một số đối tượng môi giới, Tín đã nhanh chóng thuyết phục được bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (trú ở TP.HCM) chấp nhận cho Công ty Dương Hùng thuê 12 tỷ đồng. Theo cam kết giữa đại diện Công ty Dương Hùng và bà Bích, thời gian thuê tiền là 31 ngày, bên thuê không được rút tiền ra khỏi ngân hàng và mọi giao dịch liên quan đến số tiền đó đều phải có chữ ký của cả Đặng và bà Bích. Ngày 29-1-2009, Đặng và bà Bích đến Ngân hàng TMCP Hàng Hải - Chi nhánh TP.HCM mở một tài khoản mang tên pháp nhân là Công ty Dương Hùng.
Cùng trong khoảng thời gian này, Hiển cũng tìm gặp giám đốc MSB Cầu Giấy đặt vấn đề phát hành chứng thư bảo lãnh trị giá 12 tỷ đồng bằng biện pháp ký quỹ 100% giá trị bảo lãnh. Hoàn tất các thủ tục cần thiết, ngày 3-2-2010, Đặng, Tín và Hiển đến MSB Cầu Giấy rút 3 tỷ đồng trong số tiền thuê của bà Bích để chia nhau. Ít ngày sau, các đối tượng tiếp tục ra MSB Thanh Xuân để rút nốt 9 tỷ đồng còn lại trong tài khoản Công ty Dương Hùng thì bị phát hiện. Để chiếm đoạt được số tiền trên, Đặng cùng đồng bọn đã nhờ đến sự "giúp sức" của một số cán bộ ngân hàng MSB.
Cụ thể Trần Thị Tố Oanh là người tiếp nhận hồ sơ đăng ký mở tài khoản đồng sở hữu của Công ty Dương Hùng nên biết rõ nguyên tắc mọi giao dịch liên quan phải có đủ cả chữ ký của Đặng và bà Bích. Sau khi mở tài khoản, bà Bích đã đề nghị Oanh niêm phong nhưng khi nhận được yêu cầu xác nhận đại diện Công ty Dương Hùng và mở niêm phong tài khoản mà không có sự đồng ý của bà Bích, nhân viên ngân hàng này vẫn chấp thuận. Đối với Vũ Ngọc Quỳnh, mặc dù chưa thẩm định kỹ hồ sơ và chưa xác minh rõ nguồn gốc số tiền, thực trạng tài khoản Công ty Dương Hùng nhưng vẫn lập hồ sơ trình lãnh đạo phê duyệt phát hành chứng thư bảo lãnh.
Cãi cũng không xong
Ở phiên tòa hồi giữa tháng 3 vừa qua (trả hồ sơ điều tra bổ sung), Hiển và Tín đều không thừa nhận vai trò đồng phạm với Đặng. Những cán bộ ngân hàng liên quan thì phản bác cáo trạng truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, tại phiên tòa, đại diện MSB từ chối nghĩa vụ bồi thường số tiền của bà Bích bị các bị cáo chiếm đoạt.
Lý lẽ mà đại diện MSB đưa ra là tiền trong tài khoản được phát hành chứng thư bảo lãnh là của Công ty Dương Hùng do Nguyễn Thị Đặng làm người đại diện pháp nhân. Vì thế, khi ngân hàng xác định rõ chữ ký của chủ tài khoản và con dấu của pháp nhân thì hoàn toàn có thể tiến hành giao dịch. Bên cạnh đó, số tiền bảo lãnh dựa trên hình thức ký quỹ 100% nên không có rủi ro. Bác bỏ quan điểm của MSB, đại diện của bà Bích cho rằng ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại hơn 1,6 tỷ đồng còn lại với lý do tài khoản tuy mang tên Công ty Dương Hùng, nhưng là tài khoản đồng sở hữu và trong hồ sơ mở tài khoản tại MSB TP.HCM đã thể hiện rõ mọi giao dịch liên quan đến tài khoản của Công ty Dương Hùng bắt buộc phải có cả chữ kỹ của bà Bích. "Các bị cáo sẽ không thể chiếm đoạt được tiền của bà Bích nếu ngân hàng thực hiện nghiêm túc quy định và cam kết với khách hàng" - đại diện người bị thiệt hại thực tế khẳng định.
Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho các bị cáo đều cho rằng không đủ cơ sở quy kết Nguyễn Thị Đặng cùng đồng phạm phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi xét về thực tế đây chỉ là quan hệ dân sự và các bị cáo không hề có ý thức chiếm đoạt tài sản từ trước. Tuy nhiên giữ quyền công tố, đại diện VKSND TP Hà Nội vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Từ đó đề nghị HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thị Đặng, Nguyễn Thị Ngọc Tín cùng mức từ 12 - 13 năm tù, Hoàng Nghĩa Hiển từ 9 - 10 năm tù giam cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng Trần Thị Tố Oanh và Vũ Ngọc Quỳnh từ 12 -36 tháng tù (cho hưởng án treo) theo tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Dự kiến, chiều nay (14-8),TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra bản án chính thức.
Theo ANTD
Vạch trần chiêu lừa tình, tiền của những gã "Việt kiều buồn" Điều tra viên Đội nghiệp vụ số 4 Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM chia sẻ, trong nhiều vụ lừa đảo tình, tiền mà anh khám phá có nhiều tình tiết không thể lý giải được, bởi những chiêu lừa quá tinh vi của kẻ gây án. Dù Công an TP.HCM đã lên tiếng cảnh báo...