Trời nắng nóng nên cẩn thận với căn bệnh viêm da mà ai cũng có thể gặp phải trong mùa hè
Việc tiếp xúc với một số loại trái cây có tính axit mạnh, sau đó lại đi ra ngoài nắng có thể khiến bạn gặp phải trường hợp viêm da nghiêm trọng như cô gái người Mỹ sau.
Mới đây, trang The Sun đã đăng tải thông tin về một cô gái bị bỏng rộp khắp bàn tay sau khi tiếp xúc với ánh nắng mùa hè. Theo chia sẻ, cô gái này tên Courtney Fallon, vừa trải qua kỳ nghỉ dưỡng cùng gia đình ở Florida (Mỹ). Khi đang thư giãn bên hồ bơi, Courtney đứng ở quầy bar và tự pha cho mình một ly đồ uống riêng. Loại đồ uống này theo Courtney chia sẻ cần phải dùng rất nhiều nước cốt chanh nên cô nàng đã ngồi vắt “cật lực” nhiều quả chanh ở quầy bar để hoàn thành ly đồ uống yêu thích.
Tới sáng hôm sau, Courtney thức dậy và thấy bàn tay phải của mình phủ đầy những nốt mụn nước lớn, thậm chí tay của cô nàng còn sưng đỏ và có cảm giác phồng rộp khó chịu. Gia đình Courtney suy đoán có thể do hôm trước cô đi bơi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu nên bàn tay mới bị cháy nắng, gây bỏng nặng như vậy.
Sau khi đi khám, bác sĩ kiểm tra và nhận định bàn tay của Courtney không phải do cháy nắng mà đang mắc một loại viêm da được gọi là viêm da ánh sáng. Tình trạng này xảy ra khi các hóa chất trong một số loại thực vật tiếp xúc với làn da quá lâu, dẫn đến phản ứng sưng viêm khi tiếp xúc tiếp với ánh nắng mặt trời. Cũng từ đây, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân đến từ việc Courtney đã vắt nhiều quả chanh liên tục, sau đó lại đi ra nắng vào ngày hôm trước.
Viêm da ánh sáng là căn bệnh như thế nào?
Viêm da ánh sáng (viêm da Berloque) là một phản ứng viêm xảy ra khi làn da tiếp xúc với hóa chất của một số loại thực vật có chứa những yếu tố khiến da trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng, trong đó có các loại trái cây chứa nhiều axit như chanh, cam, bưởi… Khi làn da tiếp xúc với các loại thực vật chứa những yếu tố này sẽ tương tác với oxy và tạo ra một chất oxy hóa có khả năng gây tổn thương cấp tính ở lớp thượng bì, lớp bì và các tế bào nội mạc của da. Cũng từ đây, bạn có thể gặp phải các biểu hiện viêm như xuất hiện màng đỏ với mụn mủ, mụn nước tại một số vị trí trên cơ thể.
Video đang HOT
Bệnh viêm da ánh sáng thường xuất hiện ở những người hay phải tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời và có tỷ lệ bùng phát mạnh vào mùa hè, thuyên giảm bớt trong mùa đông.
Vậy phải làm gì để phòng tránh bệnh viêm da ánh sáng trong mùa hè?
Viêm da ánh sáng thường rất khó chẩn đoán vì các triệu chứng giống với một số tình trạng như bỏng hóa chất, viêm da, nhiễm nấm… Tuy nhiên, các bác sĩ cũng nhận định rằng, khi bạn gặp phải chứng viêm da ánh sáng, trong trường hợp nhẹ có thể điều trị bằng thuốc chống viêm ibuprofen. Còn với trường hợp nặng, cần dùng tới kem bôi steroid hoặc corticosteroid tại chỗ để giảm sưng viêm.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên bạn nên đeo găng tay khi vắt chanh hoặc nếu không đeo găng tay thì nên rửa tay ngay trước khi bước ra ngoài ánh nắng.
Source (Nguồn): Dailymail, The Sun
Theo Helino
Chăm sóc trẻ bị rôm sảy, mẩn ngứa
Rôm sảy thực chất là một loại viêm da thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè, thường gặp ở những vùng da bài tiết nhiều mồ hôi, như: đầu, mặt, ngực, sống lưng... nhất là với những trẻ hiếu động, hoạt động nhiều.
Rôm sảy ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ
Rôm là những mụn nước trong, kích thước nhỏ, mọc riêng rẽ từng mụn, khiến trẻ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
Trẻ ăn kém hơn, giấc ngủ không sâu làm cho năng lượng đưa vào giảm. Trẻ quấy khóc, càng làm mất thêm năng lượng, dẫn đến sụt cân nhanh chóng. Khi cơ thể không khỏe mạnh, sức đề kháng giảm thì khả năng trẻ mắc bệnh càng cao hơn như bị rối loạn tiêu hóa, bệnh tay - chân - miệng, sốt vi rút... và sẽ phát triển kém hơn so với những trẻ khỏe mạnh khác.
Nếu rôm sẩy không được vệ sinh và xử lý đúng cách sẽ phát triển thành mụn nhọt, đầu đinh. Thực tế cho thấy, nhiều bà mẹ lo lắng khi con bị rôm đã nóng vội tìm mua thuốc bôi, tắm cho trẻ mà không tìm hiểu kỹ gây nên những tình trạng nặng nề hơn về sức khỏe như dị ứng da.
Một số sản phẩm hỗ trợ trị rôm sảy ở trẻ
Phấn rôm: Phấn rôm dùng cho trẻ có thành phần chính là bột talc, muối canxi, muối kẽm, được sản xuất dưới dạng bột mịn, có khả năng thấm hút cao.
Khi sử dụng phấn rôm, cha mẹ chú ý xoa phấn rôm nhẹ nhàng lên da sau khi tắm và lau khô cho trẻ; không sử dụng phấn rôm tại các vùng gần mắt, mặt, các vùng kín như âm hộ của trẻ gái; tránh tình trạng phấn bay vào mắt, mũi, miệng trẻ gây các bệnh liên quan đến đường hô hấp; bay vào các vùng kín có thể gây ung thư.
Trước khi sử dụng phấn rôm, bạn nên thoa một lớp mỏng lên da của trẻ, theo dõi trong một ngày xem có bị dị ứng không, nếu có hiện tượng mẩn ngứa hay nổi đỏ thì không nên dùng sản phẩm đó nữa.
Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ.
Kem chống hăm: Ở một số trẻ do thời gian đóng bỉm lâu, dễ bị mẩn ngứa rôm sẩy... cha mẹ có thể sử dụng một số loại kem chống hăm có corticoid nhẹ giúp kháng viêm, kháng khuẩn, phòng ngừa và giảm nhanh chứng viêm da do đóng bỉm, thúc đẩy quá trình làm lành da, làm thành một hàng rào bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh có thể là nguyên nhân của tình trạng viêm nhiễm.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sỹ vì có thể gây dị ứng và một số tác dụng phụ không mong muốn cho cơ thể trẻ. Bên cạnh đó, cũng không nên bôi các loại thuốc mỡ lên da trẻ vì có thể làm cho lỗ chân lông thêm bít, khó thoát mồ hôi và gây kích ứng da của trẻ.
Cồn: Ngoài ra, khi da trẻ xuất hiện các nốt mụn to, mụn mủ, cha mẹ có thể dùng một số loại cồn có chứa iod hữu cơ để bôi như: betadin, povidone...
Cách chăm sóc trẻ để tránh rôm sảy
Để tránh rôm sảy cho trẻ và ngay cả khi trẻ đã bị rôm sảy, gia đình nên thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ, giữ da sạch sẽ, để tránh làm bít các lỗ chân lông. Sau khi ra mồ hôi, cố gắng lau người cho trẻ.
Đặc biệt là sau khi ngủ một giờ, mồ hôi ra nhiều, các bậc cha mẹ cần chú ý thay quần áo trong cho trẻ. Quần áo mặc cho trẻ vào mùa hè cũng phải chọn loại vải phù hợp, thấm mồ hôi... sẽ mang lại cảm giác mát mẻ, thoải mái, phòng tránh được rôm sảy.
Ngoài ra có thể cho trẻ nghịch nước; dùng gối nước, chiếu mát cho trẻ nằm. Khi sử dụng điều hòa, cần chú ý nhiệt độ vừa phải, không quá lạnh.
Chú ý: Khi trẻ bị rôm sảy, mẩn ngứa, có những thói quen, cách chăm sóc không đúng đã vô tình làm cho tình trạng của trẻ thêm nặng hơn, vì vậy, các bậc cha mẹ cần lưu ý: Không nặn những nốt rôm sẩy trên da trẻ vì làm dịch trong nốt lan ra, làm lây lan bệnh, có thể khiến trẻ bị viêm da; Không được massage cho trẻ, đặc biệt là sử dụng các loại tinh dầu vì có thể làm bít kín lỗ chân lông, khiến tình trạng của trẻ nặng thêm; Không sử dụng sữa tắm người lớn để tắm cho trẻ vì trong sữa tắm người lớn thường có hàm lượng chất tẩy rửa cao, trong khi da trẻ còn non, dễ khiến trẻ bị kích ứng thêm; Không tự ý bôi, sử dụng thuốc cho trẻ khi chưa có chỉ dẫn của bác sỹ.
TS. Nguyễn Ngọc Sáng
Theo Sức khỏe & Đời sống
Vị trí mụn mọc trên mặt ngầm cảnh cáo vấn đề sức khỏe 8 vị trí mọc mụn phổ biến dưới đây báo hiệu một số vấn đề sức khỏe mà bạn không ngờ tới. Giang Nguyên Theo ngoisao.net