Trở về từ xứ người sau 18 năm sống cảnh “nô lệ”
18 năm sống kiếp “nô lệ” ở chốn địa ngục xứ người là quãng thời gian chị Huệ không bao giờ quên. Giờ đây, khi đã trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, những cơn ác mộng vẫn liên tiếp ùa về ám ảnh chị.
Ôm đứa con trai mới 4 tuổi vào lòng, những giọt nước mắt cay đắng tủi hờn cứ lăn dài trên gương mặt chị Nguyễn Thị Huệ ở xóm Đông Triều, xã Quỳnh Dị (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Chị nghẹn ngào chia sẻ về những tháng ngày sống mà như chết nơi xứ người.
Đêm định mệnh
Gia cảnh nghèo khó, bố lại bị mù, chị Huệ đã phải bỏ học từ nhỏ để phụ giúp mẹ nuôi 3 đứa em thơ. Mới lên 10, Huệ đã phải lăn lộn kiếm sống bằng nghề buôn bán vặt ở chợ. Một buổi tối cách đây tròn 18 năm, khi đó Huệ mới 17 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của người con gái, một người bạn là phụ nữ lớn tuổi mới quen rủ chị đi giúp việc kiếm ít tiền rồi “hùn vốn” cùng bà ta đi buôn.
Đang túng thiếu, nghe vậy Huệ cũng muốn đánh liều đi một chuyến mong đổi đời.
Chị Huệ bên đứa con nhỏ ngậm ngùi kể về những ngày tháng cay đắng tủi hờn đã qua của mình.
Gom góp những đồng bạc lẻ dành dụm làm lộ phí, chia tay gia đình, Huệ quyết chí “đi làm ăn xa” với những lời hứa ngọt ngào của người bạn mới quen. Tối hôm đó, người phụ nữ ấy đưa Huệ lên quốc lộ 1A bắt xe chạy ra Bắc. Sáng hôm sau thì xe tới một nơi lạ hoắc, người phụ nữ đưa Huệ vào một nhà trọ. Tại đây Huệ thấy có khoảng 5 – 7 phụ nữ khác.
Mãi sau này chị mới biết nơi chị được đưa đến khi đó là Móng Cái (Quảng Ninh) và những người phụ nữ đang “tụ họp” đó là những người cùng cảnh ngộ với mình, cũng bị lừa đưa đến đó chứ không phải là “bạn làm ăn” như chị tưởng.
Quãng đời tăm tối nơi xứ người
Ngay trong đêm đó, một số đối tượng đã áp giải Huệ cùng những người khác lên một chiếc xe nhỏ đi qua một trạm gác rồi lại chuyển sang một chiếc xe lớn hơn. Đi hết ngày thì tới một nơi khác lạ lẫm và chúng bàn giao chị cho một người đàn bà lạ. Lúc đó người phụ nữ kia tuyên bố: “Tất cả bọn mày đều đã được bán làm vợ cho người Trung Quốc, nếu đứa nào không nghe sẽ bị bán vào nhà chứa và phải làm gái mại dâm… Đứa nào khôn thì nghe lời, số bọn mày còn may mắn chứ nếu gặp người khác thì đã vào nhà chứa gái mại dâm từ lâu rồi”.
Khi đó Huệ mới biết mình cùng những người phụ nữ kia đã bị bán sang Trung Quốc.
18 năm đứa con mất tích là 18 năm người mẹ tảo tần và người cha già mỏi mòn trông ngóng.
“Sau đó em được bán cho một người đàn ông bệnh hoạn hơn em khoảng 20 tuổi. Trước đó hắn đã có 1 vợ và có 1 đứa con nhưng đứa con cũng bị bệnh như hắn nên người vợ đã bỏ đi. Em được bán để làm vợ thế chỗ…”, Huệ bùi ngùi nhớ lại quãng đời tăm tối.
Video đang HOT
Những ngày tháng sau đó Huệ sống như một người nô lệ trong nhà gã “chồng hờ”. “Năm đầu tôi bị nhốt suốt ngày đêm trong buồng, khi nào cũng có người canh chừng, đến bữa ăn họ mang cơm cho ăn, vì sợ tôi bỏ trốn. Đến chuyện đi vệ sinh hay tắm rửa cũng có người đứng trông…”, Huệ kể lại.
Được một thời gian sau, Huệ được chúng áp giải ra đồng làm việc quần quật. Lúc nào cũng phải làm việc, mệt quá ngồi nghỉ một tý là chúng đánh đập. Nhất là người chồng bệnh hoạn suốt ngày rượu chè say lại lôi Huệ ra đánh. Hết ngày này sang tháng khác, Huệ sống như một người câm lặng.
“Được hơn 8 năm thì gã chồng bệnh hoạn chết. Lúc đó cứ ngỡ mình sẽ được giải thoát, nhưng không ngờ còn bị canh gác chặt hơn. Họ canh chừng em cận thận để chờ cơ hội sang tên cho người khác, để lấy lại số tiền mà họ đã mua em về…!”, những giọt nước mắt Huệ lại trào ra.
Cuộc “vượt ngục” và ngày trở về ngỡ như mơ
Không chấp nhận số phận, Huệ quết tâm bỏ trốn. Để thực hiện âm mưu “vượt ngục”, Huệ âm thầm tích góp tiền làm lộ phí, học ngôn ngữ của người dân bản địa. Lợi dụng thời cơ Huệ lẻn đi và cứ thế chạy cho đến lúc đôi chân mỏi nhừ mới dừng lại. Thoát khỏi gia đình kinh sợ đó, Huệ nhờ chút vốn liếng và tiếng bản địa đã phiêu bạt khắp nơi, làm đủ mọi thứ nghề để có thể mưu sinh.
Sau đó không lâu, trong lúc đi làm Huệ quen với một người đàn ông Việt Nam là dân cửu vạn. Hai người có tình cảm và sống với nhau như vợ chồng, có với nhau một đứa con nay đã hơn 4 tuổi.
Đứa con 4 tuổi của chị Huệ cùng bà ngoại.
Thêm 4 năm phiêu bạt cùng đứa con thơ, chị tích góp được ít tiền và khao khát được trở về quê nhà. Huệ dò hỏi, tìm đường và cuối cùng chị đã đặt chân đứng ở khu vực cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam). Nghe những người xung quanh nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, chị òa khóc sung sướng.
Giờ đây đã trở về an toàn trong vòng tay người thân, chị Huệ tâm sự: “Tôi chỉ mong những người phụ nữ đừng nhẹ dạ cả tin như tôi, đừng nghe những lời phỉnh của người lạ. Phụ nữ Việt Nam bị lừa bán sang đó hầu hết là bị ép làm vợ của những gia đình nghèo, bệnh tật, hay những người đàn ông cao tuổi thôi”.
Bà Nguyễn Thị V – mẹ chị Huệ tâm sự: “Hôm con nó về cả gia đình, bà con làng xóm ai cũng không tin đâu. Bởi đã 18 năm rồi con Huệ nhà tôi có liên lạc gì đâu. Anh em, xóm làng ai cũng bảo nó chết rồi. Giờ đưa tay sờ thấy nó và cháu tôi mới dám tin là nó sống trở về đây. Ôi niềm vui này thật vô bờ bến”.
Giờ đây khi đã sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, người thân nhưng trên gương mặt của chị Huệ vẫn vương nét lo âu. Những tháng ngày cơ cực, khổ nhục bên xứ người, chị không thể nào quên.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
Theo Dantri
Nhiều tiền, vàng bị thiêu rụi sau vụ cháy khu tập thể
Sau vụ cháy kinh hoàng, khu tập thể nhà gỗ C8 (Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chỉ còn lại đống đổ nát. Nhiều gia đình trắng tay, mất hết của cải, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn.
Như VTC News đã đưa tin, vụ hỏa hoạn sáng ngày 26/8, đã thiêu rụi hoàn toàn khu tập thể nhà gỗ C8 Chương Dương (Hà Nội). Cụ bà Hoàng Thị Dăm bị tử vong do mắc kẹt trong vụ hỏa hoạn.
Các ngôi nhà bên cạnh cũng bị ngọn lửa táp sang, ảnh hưởng nhiều. Đến nay, công tác khám nghiệm hiện trường và điều tra nguyên nhân vụ cháy đang được tiến hành.
Tan hoang sau cháy
Khu tập thể nhà gỗ C8 nằm lọt thỏm giữa hai phố Hồng Hà và Vọng Hà, lối đi chật hẹp, quanh co, khi vụ cháy quét qua khiến 36 hộ gia đình tại đây trắng tay. Không nhà cửa, của cải bị thiêu rụi, có người chỉ còn mỗi bộ quần áo để mặc. Vụ cháy bất ngờ, ngọn lửa lại lan nhanh do đa phần nhà bằng gỗ, nên người dân chỉ kịp thoát thân.
Cảnh tan hoang của khu tập thể sau vụ cháy.
Tại hiện trường, phóng viên ghi nhận nhiều tài sản có giá trị của người dân như tủ lạnh, bếp ga, điều hòa, tivi và nhiều tiền, vàng đều bị thiêu rụi. Một số hộ gia đình đi vắng, khi nhận được tin quay về chỉ thấy nhà cửa là đống tro tàn.
Không riêng khu tập thể C8, nhiều ngôi nhà quanh khu vực này cũng bị ảnh hường nghiêm trọng bởi tốc độ lan nhanh của ngọn lửa. Nhiều người dân chỉ biết đứng nhìn tài sản của mình bị "bà hỏa" thiêu rụi.
Tài sản của người dân bị thiêu rụi hoàn toàn
Nhiều người dân sống trong khu nhà được làm bằng gỗ thuộc khu tập thể Kiến Trúc B7 cạnh dãy nhà bị cháy cũng bị ảnh hưởng nặng, bức tường bị bong tróc, nứt toác. Ngọn lửa còn ăn sang dãy nhà A9, khiến tầng 2, tầng 3 của nhiều hộ dân cũng bị ảnh hưởng nặng.
Sau vụ hỏa hoạn, chính quyền địa phương đã có những phương án kịp thời hỗ trợ cho những hộ dân bị thiệt hại.
Lo đủ thứ với 6 triệu đồng
Theo chính sách hỗ trợ của quận Hoàn Kiếm, những gia đình chính chủ, thường xuyên sinh sống tại tập thể C8, sẽ được chuyển đến khu tái định cư tại nhà A2 - khu tập thể bao bì, phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội).
Khu tái định cư mới của người dân tại Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội)
Đến thời điểm hiện tại đã có 19/35 hộ dân đủ các điều kiện như có hộ khẩu, sinh sống thường xuyên tại đây có xác nhận của tổ dân phố đã được nhận căn hộ tại khu tái định cư A2 Phú Thượng (quận Tây Hồ).
Chính quyền phường Chương Dương đang tiếp tục rà soát và làm hồ sơ cho những hộ gia đình đủ điều kiện sớm được chuyển đến nơi tái định cư.
Ngày 27/8, các hộ gia đình &'vô gia cư' sau vụ hỏa hoạn đang khẩn trương dọn về nơi ở mới với bao lo toan cho cuộc sống phía trước.
Một số hộ gia đình mất nhà sau vụ cháy chuyển về nơi ở tạm.
Nhiều gia đình chuyển lên khu tái định cư từ tối ngày 26/8, nhưng không có điện, nước, trần nhà thì ẩm mốc rất khó chịu. Chính quyền phường, quận chỉ ủng hộ cho mỗi gia đình trước mắt 6 triệu đồng để ổn định tạm thời cuộc sống.
Được chuyển đến nơi ở tạm nhưng nỗi lo cũng trăm bề. Bởi sau đám cháy, họ hoàn toàn trắng tay, muốn ổn định lại cuộc sống phải sắm sửa đủ mọi thứ vật dụng trong gia đình, từ cái quần, cái áo, cái chiếu để nằm...
Bà Nguyễn Thị Minh (SN 1958) cho biết: "6h tối hôm qua, cả gia đình đang còn lo chỗ ngủ, nhưng cuối cùng được chính quyền sắp xếp cho căn phòng 213 tại khu tập thể A2, phường Phú Thượng. Số tiền 6 triệu được hỗ trợ, giúp đỡ để dành mua những thứ đơn giản nhất đối với cuộc sống sau vụ cháy. Cuộc sống đã khó khăn nay càng khó khăn hơn."
Toàn bộ tài sản bị thiêu rụi, nhiều gia đình lo lắng cho cuộc sống sau này
Nhiều người dân cho biết, nơi ở mới khang trang hơn so với chỗ cũ, nhưng cũng có nhiều bất cập trong việc đi lại, rồi học hành của con cái. Nếu như trước kia đi làm chỉ mất chừng 3km thì nay phải xa hơn 10km nữa.
Bác Bùi Thị Sự (SN 1949) sống tại căn phòng 19, gác 2, khu tập thể C8, Hàm Tử Quan chỉ vẻn vẹn 18m2 nhưng cũng là nơi ở của 4 người trong gia đình (gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con).
Hai vợ chồng về hưu, có tuổi, hàng ngày chỉ bán quán nước vỉa hè kiếm thêm đồng trang trải cuộc sống. Vụ cháy quét qua khu xóm nghèo "ổ chuột", giờ đã bị thiêu cháy tất cả, gia đình không còn gì trong tay.
Được bố trí đến ở tạm căn phòng 310, tầng 3 khu tập thể A2 thiếu thốn đủ thứ nhưng cũng không biết kiếm đâu ra tiền để sắm sửa.
Cuộc sống của các hộ dân khi chuyển đến nơi tái định cư sẽ còn nhiều khó khăn phía trước. Họ mong muốn chính quyền sẽ quan tâm hơn nữa tới đời sống của bà con, cũng như tăng cường những phương án hỗ trợ trong thời gian tới.
Theo VNE
Khung cảnh tan hoang sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng Khu nhà xảy ra hỏa hoạn được xây dựng bằng vật liệu dễ bắt lửa nên hầu như toàn bộ tài sản đã bị ngọn lửa thiêu rụi. Ngọn lửa bùng phát dữ dội đã khiến hàng trăm người dân xung quanh hoảng loạn. Các hộ dân sống tại khu tập thể bị cháy chỉ kịp di dời một số tài sản nhỏ...