Trở về từ Gạc Ma: Chưa nguôi lòng mẹ
Con trai hy sinh khi làm nghĩa vụ thiêng liêng dù đau đớn nhưng họ vẫn cảm thấy tự hào. Song trong tâm khảm, họ vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi tiếc thương, nhất là khi cuộc sống gặp bộn bề khó khăn.
Phường Hòa Cường, quận Hải Châu – TP Đà Nẵng có 9 chiến sĩ tham gia trận hải chiến ngày 14/3/1988, trong đó đến 7 người đã hy sinh và vĩnh viễn nằm lại giữa trùng khơi. Các anh ra đi để lại cho gia đình nỗi trống trải cha yếu, mẹ già không nơi nương tựa, giờ sống dựa vào khoản tiền trợ cấp liệt sĩ ít ỏi.
Gần đất xa trời vẫn nhọc nhằn
Trong căn nhà đơn sơ ở phường Hòa Cường, bà Phạm Thị Trước, mẹ liệt sĩ Phạm Văn Lợi, dù đã 81 tuổi vẫn phải xoay xở chăm lo cho người con út bị bệnh Down. Lợi hy sinh khi tuổi mới 20, cha anh cũng qua đời sau đó vì bệnh tật. Bốn anh chị còn lại đều lập gia đình nhưng không ai dư dả gì để giúp mẹ già lo cho người em út.
Nhìn người mẹ liệt sĩ gầy nhom, ốm yếu với mái tóc đã bạc trắng chăm chút cho con trai bệnh tật mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Bà Trước cho biết từ khi chồng mất, bà phải làm nhiều việc để kiếm tiền nuôi con. Từ giữ trẻ thuê đến giúp việc nhà, bà đều không nề hà. “Tôi quá già yếu rồi, không ai thuê làm gì nữa. Cuộc sống của mẹ con chỉ dựa vào tiền trợ cấp liệt sĩ của Lợi” – bà buồn bã.
Theo bà Trước, anh Lợi là người con rất có hiếu. “Hôm lên đường ra Trường Sa, nó quả quyết: “Con hoàn thành nghĩa vụ rồi sẽ về lo cho cha mẹ”. Nào ngờ, nó đi luôn… Nếu Lợi còn sống thì có lẽ tôi không phải cực khổ thế này” – bà rơm rớm nước mắt.
Nhà liệt sĩ Phạm Phú Đoàn, con trai duy nhất của bà Huỳnh Thị Kế và ông Nguyễn Điện, cách nhà bà Trước không xa. Khi chúng tôi đến, trên chiếc giường gỗ cũ kỹ, bà Kế đang bón cháo cho chồng. Ông bà đều đã qua tuổi 80, tối ngày thui thủi trong căn nhà tuềnh toàng. Gần 4 năm nay, ông Điện bị tai biến phải nằm một chỗ, không cười nói, cử động gì được. Bà Kế phải gắng gượng chăm sóc chồng từ việc ăn uống đến vệ sinh.
Video đang HOT
Bà Huỳnh Thị Kế, mẹ liệt sĩ Phạm Phú Đoàn, chăm sóc chồng bị tai biến. Ảnh: BÍCH VÂN
25 năm nay, bà Kế chưa ngày nào nguôi ngoai nỗi thương nhớ người con trai một. “Đoàn nhập ngũ năm 19 tuổi và đóng quân tại Sơn Trà – Đà Nẵng. Một năm sau, nó được về thăm nhà để chuẩn bị đi Trường Sa. Hôm nó về, vợ chồng tôi đều đi làm nên không gặp được mặt con. Sau đó không lâu thì chúng tôi nghe tin nó mất ở Gạc Ma. Phải chi bữa đó, vợ chồng tôi kịp về gặp con một lần thì cũng bớt đau đớn…” – bà Kế chua xót.
Hàng chục năm nay, vợ chồng bà dựa vào nhau mà sống. Bà hằng ngày gánh rau quả đi khắp các chợ ở TP Đà Nẵng mua bán, còn ông bán hàng rong cho đến khi mắc bệnh. “Nhìn ông ấy, tôi càng nhớ đến Đoàn vì nó giống cha như đúc. Gần 4 năm nay, ông ấy không nói được lời nào nhưng tôi mong chồng luôn bên cạnh mình cho đến hết cuộc đời này, chứ gia đình còn ai đâu…” – bà Kế ngậm ngùi.
Trong căn nhà trống trải, tấm bằng liệt sĩ của anh Đoàn được treo trang trọng. “Mới đây, khi xem cuốn phim tư liệu về cuộc chiến ngày 14-3-1988, nước mắt tôi cứ chảy dài. Đoàn đã hy sinh hào hùng như thế, tôi cũng không hối tiếc gì vì con trai mình đã đóng góp cho đất nước” – giọng người mẹ già trở nên rắn rỏi.
Sẽ gặp lại con trai…
Ngày 14/3/1988, anh Hoàng Ánh Đông hy sinh khi đối đầu với quân Trung Quốc để bảo vệ đảo Gạc Ma. Một điều trùng hợp là đúng 25 năm sau, ngày 14/3/2013, đám tang của cha anh – ông Hoàng Sỹ – được người thân và hàng xóm tiễn đưa về nơi vĩnh hằng.
Ông Sỹ qua đời ở tuổi 69 vì căn bệnh tim và phổi kéo dài suốt 20 năm nay. Bà Nguyễn Thị Hằng, vợ ông, thẫn thờ bên di ảnh chồng trong căn nhà ở phường 2, TP Đông Hà – Quảng Trị. Cuộc đời bà đã chịu nhiều đau thương, mất mát kể từ ngày nhận được tin con trai hy sinh ở Trường Sa. Lần lượt trong 2 năm 1996 và 2012, 2 người em trai kế của anh Đông cũng nối tiếp qua đời bởi bạo bệnh.
Đám tang của ông Sỹ được tổ chức trong căn nhà cấp 4 vừa được xây xong trước Tết. Đây là căn nhà được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, vài chục triệu đồng còn lại do gia đình vay mượn. Anh Hoàng Ánh Thùy, con trai út của vợ chồng bà Hằng, bồi hồi: “Ngày xây xong nhà, ba tôi mừng rơi nước mắt vì từ đây gia đình không còn ở nơi dột nát, anh Đông có chỗ thờ cúng đàng hoàng”.
Gia đình vốn nghèo khó, để nuôi con, bà Hằng đêm đêm ra ngã ba Cảng dưới chân cầu Đông Hà bán cháo, ông Sỹ may vá tại nhà. “Từ khi nhận được tin Đông hy sinh ở Gạc Ma, chồng tôi suy sụp hẳn, bệnh tim và phổi ngày càng nặng. Cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào gánh hàng rong của tôi. Mỗi lần ông ấy đau nặng, gia đình lại vay mượn tiền đưa đi nhập viện” – bà Hằng tâm sự.
Cách đây vài năm, khi ngã ba Cảng mọc lên một khách sạn khang trang thì gánh cháo của bà Hằng cũng không còn nơi buôn bán. Bà rơi vào cảnh thất nghiệp, trong khi bệnh tình chồng ngày càng nặng thêm rồi đến lúc không qua khỏi… “Ông ấy từng mong khi mất đi sẽ được gặp lại con trai của chúng tôi. Suốt 25 năm nay, chúng tôi luôn khắc khoải vì hài cốt của Đông nơi biển xa vẫn chưa tìm được” – bà Hằng nghẹn ngào.
Cô đơn, vất vả
Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh…, rất nhiều địa phương còn các bà mẹ liệt sĩ Trường Sa già yếu, cuộc sống khó khăn chồng chất. Trong cuộc hải chiến bảo vệ Gạc Ma, Nghệ An có 8 chiến sĩ hy sinh, Hà Tĩnh 3 người. Các anh ra đi để lại sự cô đơn, vất vả cho những người mẹ già ở quê nhà.
Mẹ liệt sĩ Hồ Văn Nuôi, bà Lưu Thị Mỹ, ngụ xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc – Nghệ An, đã 80 tuổi vẫn ở một mình trong căn nhà nhỏ, lại thường xuyên đau ốm. Mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương, bà Hà Thị Liên, ở xã Vương Lộc, huyện Can Lộc – Hà Tĩnh, bùi ngùi: “Tôi sống một thân một mình, tất cả trông chờ vào khoản trợ cấp liệt sĩ của con trai và sự giúp đỡ của bà con lối xóm”…
Theo 24h
Trở về từ Gạc Ma: Chống chọi bệnh tật
Hầu hết cựu binh Trường Sa trở về đều mang trong người những vết thương hoặc di chứng sau trận hải chiến 14/3/1988. Cuộc sống khó khăn, không điều kiện chữa trị, bệnh tình của họ ngày càng trở thành gánh nặng cho gia đình.
Có 2 con trai từng khoác áo hải quân (HQ) nhưng hàng chục năm nay, bà Lê Thị Ty luôn sống trong nỗi đau giằng xé vì ai trở về cũng mang theo những di chứng nặng nề.
Anh con trai lớn đi bộ đội năm 1980, giải ngũ với căn bệnh thần kinh quái ác. Anh con trai thứ 2 là Bùi Văn Thanh, tham gia tàu HQ-505 chiến đấu bảo vệ đảo Cô Lin ngày 14/3/1988, trở về chẳng bao lâu cũng không khác gì người tàn phế.
Gan lì bám trụ Cô Lin
"Năm 1985, Thanh lén gia đình tình nguyện viết đơn đăng ký vào HQ khi mới 17 tuổi. Khi phát hiện, tôi mắng vì không hỏi ý kiến mẹ thì Thanh khóc và bảo trở thành lính HQ là ước mơ lớn nhất của nó. Là con út trong nhà, Thanh thiệt thòi hơn vì mất cha từ trong bụng mẹ" - bà Ty lo lắng.
Vào bộ đội, Thanh được cử đi đào tạo ở Trường Cơ điện HQ - TPHCM để trở thành thợ máy trên tàu của Quân chủng HQ. "Sau một thời gian ở TP, tôi được biên chế thành thợ máy tàu HQ-505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ" - anh nhớ lại.
Anh Bùi Văn Thanh hoàn toàn mất sức lao động, phải sống dựa vào vợ và mẹ. Ảnh: MẠNH DUY
Đại tá - anh hùng Vũ Huy Lễ, hiện đã về hưu ở Hải Phòng, 25 năm nay vẫn không quên hình ảnh "chiến hữu" Bùi Văn Thanh. "Thanh có công lớn trong việc sửa chữa máy, cùng anh em khắc phục sự cố khi tàu HQ-505 bị dính đạn pháo của HQ Trung Quốc (TQ). Nhờ công của Thanh và nhiều thợ máy khác mà tàu HQ-505 vẫn đủ sức lao lên được đảo Cô Lin" - ông Lễ cảm kích.
Theo đại tá Lễ, trên con tàu anh hùng HQ-505, Thanh là một trong những người trẻ nhất - mới tròn 20 tuổi - nhưng cũng là chiến sĩ gan lì nhất. "Cùng với 9 chiến sĩ khác, cậu ấy xin ở lại Cô Lin với tôi sau ngày 14/3/1988. Tháng 6/1988, khi có đoàn khác ra trực giữ đảo thay, Thanh vẫn xin ở lại. Đến cuối năm 1988, cậu ấy mới chịu vào bờ. Thanh là người bám trụ Cô Lin lâu nhất" - ông Lễ cho biết.
"Thời ấy, thanh niên sức vóc như tôi luôn xung phong làm việc nặng. Chẳng hạn, khi tàu HQ-505 lao lên đảo Cô Lin, tôi và 5 đồng đội nhào xuống biển vác mỏ neo cột vào san hô. Việc chống cháy, chống chìm cho tàu hay kéo xuồng đến ứng cứu đồng đội bên đảo Gạc Ma..., chúng tôi đều làm bằng tay" - anh Thanh nhớ lại.
Giai đoạn xả thân, làm việc quá sức nhằm bảo vệ Cô Lin đã để lại di chứng nặng nề. Chẳng bao lâu sau khi xuất ngũ, năm 1997, anh bị bệnh gai cột sống, đi lại hết sức khó khăn và phải điều trị ở nhà đến nay.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở huyện Thủy Nguyên - TP Hải Phòng mà nước mắt của người thợ máy trên con tàu anh hùng năm nào cứ ứa ra vì từng cơn đau hành hạ. "Tôi bị nhiều năm nay rồi nên cũng quen, áy náy nhất là mọi gánh nặng trong gia đình đều dồn lên vai vợ. Từ khi tôi phải ngồi một chỗ, cô ấy cáng đáng hết mọi việc trong gia đình" - anh Thanh ái ngại.
Hồn ở lại Gạc Ma
Nhiều năm nay, hình ảnh một người đàn ông gầy yếu hầu như ngày nào cũng lang thang trên bãi biển Sơn Trà hoặc ngồi bất động đưa mắt thẫn thờ nhìn ra đại dương mênh mông đã trở nên quen thuộc với người dân Đà Nẵng. Đó là cựu binh Phan Văn Đức, một trong những chiến sĩ trên tàu HQ-604 bảo vệ đảo Gạc Ma 25 năm trước.
Hầu như ngày nào anh Phan Văn Đức cũng ra bãi biển Đà Nẵng nhìn ra đại dương... Ảnh: HOÀNG DŨNG
Trưa 14/3/2013, chúng tôi lại bắt gặp anh Đức ngồi lặng lẽ bên bờ biển Sơn Trà, mắt nhìn xa xăm qua sóng nước bao la. "Hơn 10 năm nay, có lẽ ám ảnh bởi cuộc chiến ngày nào nên anh ấy vẫn thường lang thang trên biển như vậy" - chị Lê Thị Bé, vợ anh, cho biết.
25 năm đã trôi qua nhưng Đức vẫn nhớ như in thời khắc sáng 14/3/1988, khi anh và đồng đội dồn sức giữ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma vì bị HQ TQ tấn công. "Không giât được cờ, lính TQ đã nô súng bắn thẳng vào chúng tôi. Tôi bị thương, được đồng đội cứu đưa về đảo Sinh Tồn chữa trị" - anh kể.
Đức cho biết từ ngày trở về, trong giấc ngủ hằng đêm, trận hải chiến Gạc Ma cứ lởn vởn trong đầu anh. Rồi như người mất hồn, anh cứ lang thang ngoài biển. "Lâu nay, anh Đức không làm gì được. Năm 1992, khi tôi sinh đứa con thứ 2 thì cũng là lúc bệnh tình anh ấy trở nặng, khó khăn càng chồng chất. Tôi hằng ngày đi mua từng mớ cá về bán lại kiếm lời lo cho chồng con" - chị Bé tâm sự.
Từ ngày anh Đức phát bệnh, gia đình quyết định bán căn nhà để lấy tiền chữa trị cho anh rồi sang sống nhờ người em vợ. "Bệnh tình của anh Đức vẫn không thuyên giảm. Tôi phải nghỉ bán cá để ở nhà, vừa giữ trẻ thuê cho hàng xóm vừa chăm lo cho anh ấy. Vừa qua, vì không có tiền nên con trai chúng tôi đang học năm thứ nhất đại học đành nghỉ ngang để đi làm công nhân..." - chị Bé buồn bã.
Theo 24h
Trở về từ Gạc Ma: Vật lộn mưu sinh Phụ hồ, bán quán, làm thuê làm mướn... Ít ai ngờ những chiến sĩ kiêu hùng trong trận hải chiến với quân Trung Quốc 25 năm trước giờ vẫn phải tiếp tục chiến đấu để vượt qua đói nghèo. Căn nhà nhỏ ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk của anh Trương Văn Hiền, người tham gia cuộc hải...