Trở về từ Biển Đỏ, thuỷ thủ kể lại giây phút ‘thập tử nhất sinh’
Trở về nhà sau chặng đường dài, và vừa phải trải qua ‘kiếp nạn’ gặp phải cướp biển, thủy thủ Nguyễn Văn Tảo có chức danh máy hai trên tàu hàng kể lại giây phút thoát nạn.
Sáng ngày 15/3, sau khi nghe tin thủy thủ Nguyễn Văn Tảo (thủy thủ Việt Nam trên tàu hàng gặp nạn ở Biển Đỏ) đã trở về quê nhà Kinh Môn, Hải Dương, nhiều người thân, bạn bè đã đến hỏi thăm và chúc mừng.
“Tôi về nhà từ khoảng 22h tối hôm qua (14/3), mọi người sang hỏi thăm rất nhiều”, anh Tảo cho biết.
Anh đã làm nghề đi biển được hơn 10 năm, cũng thường xuyên đi qua vùng Biển Đỏ nhưng đây là lần nguy hiểm nhất mà anh gặp phải.
“Thời điểm tàu gặp nạn là lúc tôi đang ở trong buồng máy, tôi giật mình bởi tiếng nổ lớn. Sau đó nhận được cảnh báo, chúng tôi đã đi ẩn nấp”, anh Tảo kể lại.
Anh Nguyễn Văn Tảo cùng con gái.
Anh cho biết đã nhiều lần diễn tập về tình huống có cướp biển, nhưng khi gặp thực tế cũng hơi hoảng loạn. “Sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi điểm danh người trên tàu và cấp cứu những người bị thương. Khi thuyền trưởng ra lệnh dời tàu, tất cả đã nhanh chóng thực hiện. Tôi thấy khói đen bốc lên, không kịp cầm theo đồ dùng cá nhân, tôi vội lấy chiếc áo phao và ra phía sau tàu tập trung. Sau đó chúng tôi thả bè cứu sinh và cùng nhau nhảy xuống biển”.
Khi lên bè cứu sinh, thuyền trưởng người Ấn Độ động viên mọi người bình tĩnh. Họ liên tục dùng thiết bị liên lạc chuyên dụng để phát tín hiệu cầu cứu.
“Mọi người động viên nhau, người bị thương được đưa vào giữa, trong đầu chúng tôi tìm mọi cách để sống sót. Dù được diễn tập nhiều thế nhưng vào tình huống thật mọi người cũng không giữ được bình tĩnh”, anh Tảo cho hay.
Theo anh Tảo, trên bè cứu sinh có đồ ăn, thức uống cho 25 người khoảng 1 tuần. Nhưng sau khoảng 2 giờ lênh đênh trên biển, anh rất mừng rỡ thấy lực lượng cứu hộ của quân đội Ấn Độ xuất hiện.
“Chiếc tàu chiến dừng ở xa, họ đưa trực thăng đến trước để cứu chúng tôi. Tàu chiến cũng thả 2 xuồng máy đưa chúng tôi lên tàu”, anh Tảo kể. Lúc tàu chiến đến cứu thì đại phó Đặng Duy Kiên (41 tuổi, ở Hải Phòng), đã bị bỏng nặng, dù được nhanh chóng đưa xuống bè cứu sinh nhưng anh vẫn không qua khỏi.
Ngoài anh Tảo, máy trưởng Phạm Văn Thành (39 tuổi, ở quận Hải An, Hải Phòng) và máy ba Phạm Văn An (33 tuổi, ở Vũ Thư, Thái Bình) đều an toàn.
Video đang HOT
“Mục đích của đội cướp biển là đánh vào tàu hàng, họ không đánh vào tàu chở người. Thế nhưng vẫn có người không may”, anh Tảo nói.
Các thủy thủ Việt Nam may mắn sống sót và thi thể anh Kiên đã được đưa về Djibouti, nhưng toàn bộ giấy tờ tùy thân của họ đều thất lạc.
Nhờ sự hỗ trợ của Đại sứ quán và cơ quan hữu quan, các thuyền viên được trao hộ chiếu mới và 3 thuyền viên Việt Nam đã về nước trong ngày 14/3. Nước sở tại cũng đã làm giấy chứng tử cho đại phó Đặng Duy Kiên, các bên liên quan đang làm thủ tục để sớm đưa thi thể anh Kiên về với gia đình.
“Tôi sẽ nghỉ ngơi ở nhà một vài tháng sau đó lại tiếp tục công việc”, anh Tảo cho hay.
Tàu True Confidence thuộc sở hữu của Công ty Hàng hải Liberia True Confidence Shipping, mang cờ Barbados và đang do Công ty Hy Lạp Third January Maritime vận hành.
Trên tàu có 20 thuyền viên, gồm 15 người Philippines, 4 người Việt Nam và một người Ấn Độ. Ba bảo vệ có vũ trang trên tàu gồm hai người Sri Lanka và một người Nepal.
Ngày 6/3, trên hành trình chở hàng từ Trung Quốc đến Arab Saudi, khi cách cảng Aden, Yemen hơn 90km thì tàu bị trúng tên lửa nên bốc cháy, 3 thuyền viên tử vong.
Vụ tàu trúng tên lửa ở Biển Đỏ: 'Xin đưa bố về với con!'
Gia đình các thuyền viên Việt Nam trên tàu True Confidence bị trúng tên lửa của Houthis (hôm 6-3) mong sớm đưa các thuyền viên về nước.
Năm ngày sau vụ tấn công của Houthis vào tàu True Confidence ở Biển Đỏ khiến một thuyền viên Việt Nam (VN) tử nạn, nỗi lo lắng, đau thương và hoang mang của gia đình các thuyền viên VN vẫn bao trùm.
"Chỉ cần đưa bố về nhà"
Những ngày này, nhiều người thân, bạn bè đã có mặt tại nhà chị Lê Miền, vợ thuyền viên Đặng Duy Kiên, ở phố Trung Hành, là đại phó trên tàu (thường trú tại phường Đằng Lâm, quận Hải An, TP Hải Phòng), để thăm hỏi, chia buồn.
Những ngày qua, chị Miền gầy và suy sụp nhiều. Sau khi nhận tin báo bốn ngày, đến ngày 9-3, gia đình mới làm bàn thờ để thờ anh ở nhà.
Máy trưởng Phạm Văn Thành liên lạc về với gia đình chiều 9-3. Ảnh: NGỌC SƠN
Trong nỗi đau xót, chị Miền tâm sự: "Anh Kiên bắt đầu đi tàu sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Hàng hải VN, đến nay cũng mười mấy năm và đã có bằng thuyền trưởng. Đi làm ăn bôn ba nhưng những dịp quan trọng, anh Kiên đều cố gắng ở nhà cùng vợ. Thế nhưng đến đợt sinh cháu thứ hai, anh không kịp về. Nuối tiếc điều này, anh Kiên quyết định nghỉ đi tàu, quay sang buôn bán bất động sản cùng em vợ để ở nhà bù đắp cho vợ, con".
Cũng theo lời chị Miền, việc làm ăn không mấy thuận lợi, đến cuối năm 2023, anh Kiên xin làm ở Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ hàng hải Hải Phòng (HP MARINE), nhận công việc trên tàu True Confidence chở thép từ Trung Quốc đến Saudi Arabia, giữ vị trí đại phó.
"Trước ngày nhận việc, anh Kiên nói muốn đi làm để có thu nhập, cho các con có cuộc sống tốt hơn, sau này không phải vất vả như bố" - chị Miền kể.
Ngày 30-1, anh Kiên lên máy bay, bắt đầu hành trình. Trong suốt thời gian này, anh Kiên luôn giữ liên lạc với gia đình, người thân.
"Thỉnh thoảng gọi điện về, anh vẫn động viên tôi, nói hè này anh về sẽ phụ em đưa đón các con. Tin nhắn cuối cùng vào đêm 5-3, anh nói chuẩn bị qua vùng chiến sự, hy vọng sẽ an toàn. Vậy mà..." - chị Miền khóc.
Được biết hai con trai của chị Miền rất quấn bố. Nghe tin bố gặp nạn, các cháu khóc rất nhiều khiến chị càng không kìm lòng được, thương anh, thương các con.
"Mấy ngày nay hai đứa nhỏ cứ nhìn ảnh bố, nói: "Con không cần gì cả, chỉ cần đưa bố về nhà"" - chị Miền nghẹn ngào.
Mong sớm đưa các thuyền viên, người tử nạn về
Nguyện vọng của các con cũng là nỗi lòng của chị Miền, mong muốn sớm đưa được thi thể thuyền viên Đặng Duy Kiên trở về với gia đình.
Anh Đặng Duy Kiên, đại phó bị thiệt mạng khi tàu hàng bị Houthis tập kích trên Biển Đỏ. Ảnh: GĐCC
"Đau lòng và sốt ruột lắm. Giờ tôi không biết khi nào mới có thể đón được anh Kiên về. Chỉ biết các cơ quan chức năng nói sẽ đưa anh Kiên về sớm nhất có thể. Tôi chỉ còn biết chờ thông tin" - chị Miền nói.
Cách nhà chị Miền chỉ khoảng vài trăm mét là nhà của máy trưởng Phạm Văn Thành, cùng phường Đằng Lâm, là một trong bốn thuyền viên VN có mặt trên tàu lúc gặp nạn. Anh Thành cùng hai thuyền viên khác ở Hải Dương và Thái Bình đều may mắn bình an sau sự việc.
Chị Phạm Thị Mai, vợ anh Thành, cho biết khoảng 22 giờ 30 ngày 6-3, chị nhận được cuộc điện thoại của Công ty HP MARINE thông báo về việc tàu anh Thành làm việc gặp nạn, tuy nhiên anh Thành may mắn an toàn.
"Họ nói chồng tôi sẽ mất liên lạc vài ngày, nói tôi đừng lo lắng. Thế nhưng đến 2 giờ ngày 7-3, anh Thành sau khi về đến khách sạn đã gọi điện báo tin, tôi mới bớt lo lắng" - chị Mai nói.
Thời gian này, đều đặn mỗi ngày anh Thành đều gọi điện về cho vợ vài lần thông báo tình hình sức khỏe, trấn an vợ.
"Nhưng an tâm làm sao được, anh Thành phải về được đến nhà, tôi mới bớt lo lắng" - chị Mai nói.
Chị Mai kể anh Thành sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Hàng hải VN là bắt đầu đi tàu, đến nay đã khoảng 10 năm. Trước đây, anh Thành hay đi tuyến Đông Nam Á, ba năm gần đây anh mới nhận việc ở Công ty HP MARINE để đi tuyến châu Âu. Vì công việc nên anh Thành thường xuyên xa nhà, chị Mai một mình chăm sóc hai con.
Nhiều lần trong hành trình trên biển, chị Mai được anh Thành quay cảnh tàu chuẩn bị dây thép gai, gia cố lan can khi đi qua các vùng biển có nguy cơ bị tấn công.
"Nhiều lúc còn thấy cả cảnh vệ được trang bị vũ khí nên tôi cũng yên tâm. Không ngờ lần này trúng cả tên lửa. Tôi có nói với chồng tôi sau chuyến đi này về làm ở công ty, giảng dạy lại cho các thuyền viên mới. Nhưng anh Thành nói đã trót yêu nghề đi biển, dù có gian khó, tuy nhiên thu nhập cũng tốt hơn nên vẫn sẽ đi tiếp để lo cho gia đình. Có lẽ sau chuyến này sẽ phải chọn đi tuyến châu Á hay Đông Nam Á để an toàn hơn" - chị Mai kể.
Chị Mai bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng sẽ sớm hỗ trợ, hoàn thành các thủ tục để đưa anh Thành cũng như các thuyền viên VN về sớm nhất có thể.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 6-3, tàu hàng mang tên True Confidence, số IMO 9460784, treo cờ Barbados đang trên hành trình từ Singapore đến Jeddah, Saudi Arabia thì bị trúng tên lửa ở khu vực mạn trái xuồng cứu sinh dẫn đến cháy lớn. Hậu quả là ba thuyền viên trên tàu đã thiệt mạng, trong đó có đại phó Đặng Duy Kiên, nhiều người khác bị thương.
Thông tin với chúng tôi, máy trưởng Phạm Văn Thành cho biết hôm 9-3, nước sở tại đã làm giấy báo tử cho đại phó Đặng Duy Kiên, đồng thời hộ chiếu mới đã được hoàn thành cho các thuyền viên VN.
"Theo thông tin từ đại lý tàu và công ty, đến ngày 13-3, chúng tôi có thể bay về nước" - anh Thành nói.
Truy tìm tàu vận tải biển tông chìm tàu cá ở phía Nam tỉnh Ninh Thuận Thông tin từ UBND xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) cho biết, dù đã huy động nhân lực, phương tiện mở rộng diện tìm kiếm, nhưng đến 17h chiều nay 10/3, vẫn chưa tìm thấy 1 ngư dân mất tích trong vụ tàu cá của ngư dân Bình Định bị tàu vận tải biển tông chìm. Theo Thiếu tá Hà Tiến...