Trở về để truyền cảm hứng sáng tạo, khám phá
Khán giả TP.HCM vừa có buổi thưởng thức và trải nghiệm âm nhạc thú vị, mới mẻ cùng 2 nghệ sĩ gốc Việt.
Vân-Ánh Võ (Vanessa Võ) – người mang âm nhạc dân tộc VN đi khắp thế giới, đoạt giải Emmy năm 2003; và nghệ sĩ trumpet Cường Vũ – 2 lần đoạt giải thưởng âm nhạc Grammy.
Nghệ sĩ trumpet Cường Vũ – Ảnh: AMBERSTONE MEDIA
Trong buổi diễn hôm 16.1, nghệ sĩ (NS) Vân-Ánh Võ cùng dàn nhạc Blood Moon với những nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, đàn T’rưng… và đặc biệt cùng rapper, vũ công breakdance, tạo nên những màn biểu diễn đầy tương tác. Chị còn chia sẻ với khán giả những câu chuyện gắn liền với bài chuyển soạn hay sáng tác của mình, như huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ, hình ảnh cây tre VN, vì sao có điệu lý dành cho cây đa…
NS trumpet Cường Vũ đưa khán giả đến một thế giới mới với âm nhạc trong đêm Cường Vũ Trio Live hôm 18.1.
Hai NS đã dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện về niềm đam mê, sáng tạo và khát khao truyền cảm hứng cho giới trẻ qua âm nhạc họ biểu diễn cũng như mang về VN.
Góp tay xây những chiếc cầu kết nối văn hóa
Trước khi về nước biểu diễn cũng như giữ vai trò giám đốc nghệ thuật của Jazz through time (với anh Cường Vũ) hay Hear the world (với chị Vân-Ánh Võ), anh/chị đã tìm hiểu về nhu cầu thưởng thức âm nhạc của giới trẻ VN, nhất là với thể loại không “đại chúng” như jazz, world music?
NS Cường Vũ: Thật ra tôi cũng không nghe jazz, tôi chỉ nghe những nghệ sĩ nổi tiếng đã làm nên tên tuổi của dòng nhạc này. Gần đây tôi tìm về quá khứ và nghe nhạc cổ điển như Bach, Beethoven… Tôi cũng có tìm hiểu và nghe thử âm nhạc đương đại, những thể loại âm nhạc giới trẻ hiện nay hay nghe để xem những chất liệu nào đang được yêu thích, dòng chảy âm nhạc hiện nay như thế nào. Với Jazz through time, tôi hy vọng người trẻ, những người luôn khát khao khám phá, có thể cùng lắng nghe, cảm nhận và biết đâu sẽ được truyền cảm hứng từ đây.
NS Vân-Ánh Võ: Tôi nghĩ dự án mang world music về VN nhiều thử thách. Chúng ta đang sống trong nhịp đập nhanh, dùng internet chỉ chờ 2 – 3 giây chưa hiện lên thông tin tìm kiếm đã thấy sốt ruột. Mà ngôn ngữ của nhạc dân tộc VN thì không thể như thế, chúng ta phải lắng xuống một chút để tìm hiểu thì mới cảm nhận được nét đẹp của nó. Tôi nghĩ, khi đã muốn làm thì sẽ có cách để thu hút người nghe. Âm nhạc dân tộc VN hay và đẹp nhưng là ngôn ngữ không phải dễ học, tuy vậy cũng không quá khó.
Nghệ sĩ Vân-Ánh Võ – Ảnh: ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Anh/chị sẽ “trò chuyện” như thế nào với khán giả TP.HCM cũng như VN, để xây dựng và phát triển cộng đồng nghe từ thể loại âm nhạc vốn kén người nghe này?
Video đang HOT
NS Cường Vũ: Tôi sẽ tiếp tục mời những người bạn, những NS từng hợp tác cũng như các đồng nghiệp đến VN trình diễn và chia sẻ kinh nghiệm. Ngược lại, tôi hy vọng khán giả VN cũng sẽ có sự phát triển trong việc tìm tòi và có gu thưởng thức âm nhạc, tìm đến những tác phẩm có thể không quen thuộc nhưng lại hấp dẫn, vì tôi muốn mang đến VN những NS thực sự cá tính và táo bạo hơn sau mỗi chương trình.
NS Vân-Ánh Võ: Tôi muốn không chỉ chia sẻ văn hóa VN mà còn giúp các bạn trẻ hiểu được nét hay, nét đẹp đằng sau đó, hiểu rồi sẽ yêu hơn. Tôi sẽ góp tay xây những cây cầu để kết nối, từ những việc làm rất nhỏ. Khi có chiếc cầu, người ta sẽ đi và có thể tìm được những điều thú vị ở bên kia sông… Tiêu chí của tôi là phải kết hợp được nhạc dân tộc VN với các điệu nhạc, các thể loại nhạc khác. World music phải thể hiện nét đẹp và sâu sắc nhất của nhạc dân tộc VN, đồng thời đưa đến nhịp đập và nét mới của âm nhạc hôm nay, vừa nói lên tiếng nói và suy nghĩ của thế hệ trước nhưng đồng thời cũng thể hiện được thông điệp của thế hệ hôm nay.
Vân-Ánh Võ cùng ban nhạc biểu diễn tại TP.HCM vào tối 16.1 – Ảnh: ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Muốn đi xa phải đi cùng nhau
Là NS gốc Việt hoạt động trên thế giới, với đặc trưng thể loại âm nhạc dân tộc mình, anh/chị có những trở ngại hay thuận lợi gì trong phát triển sự nghiệp?
NS Cường Vũ: Khi nhắc đến jazz, người ta thường tưởng tượng đến những nghệ sĩ da đen hoặc chí ít cũng là da trắng. Còn nói đến châu Á, mà là VN nữa, thì nghe có vẻ lạ lẫm. Về nhạc jazz, nói đến châu Á, người ta chỉ biết đến người Nhật. Vì thế, họ sẽ luôn ngạc nhiên khi nghe sản phẩm âm nhạc và nói rằng “ồ đây là tác phẩm của một NS jazz đến từ VN à”… Nếu nói rằng có thuận lợi hay không thì chắc có lẽ là không.
NS Vân-Ánh Võ: Khi bắt đầu bất cứ công việc nào, tôi chỉ tập trung vào việc cứ phải làm trước đã, làm hết sức của mình. Vùng vịnh San Francisco nơi tôi sống là nơi đa chủng tộc nhất của Mỹ, nên tôi được gặp và học hỏi lẫn được chia sẻ văn hóa từ nhiều NS các nước. Tôi nghĩ tại sao mình không chia sẻ lại những nét hay nét đẹp của văn hóa Việt với họ? Tôi đã làm, bằng nhiều cách, như dạy nhạc dân tộc cho các em là người Việt sinh ra ở Mỹ, dạy những người có nguồn gốc khác nhưng yêu văn hóa VN. Khi sáng tác, tôi dùng nhiều chất liệu của nhạc dân tộc VN trong các bản nhạc của mình. Tôi vừa biểu diễn và đến nghe các chương trình hòa nhạc, tiếp cận các nhạc sĩ đang sống ở Mỹ, tìm cơ hội chia sẻ thêm về âm nhạc cổ truyền VN, vì phần lớn người Mỹ biết VN qua cuộc chiến tranh.
Nghệ sĩ Cường Vũ trò chuyện cùng khán giả – Ảnh: ẢNH: AMBERSTONE MEDIA
Trong buổi biểu diễn tại Nhà Trắng, chị đã “chia sẻ” câu chuyện âm nhạc dân tộc mình như thế nào?
NS Vân-Ánh Võ: Chương trình diễn ra tháng 2.2016 nhưng tháng 1.2015 tôi đã nhận lời mời. Buổi diễn tại Nhà Trắng là kỷ niệm với nhiều sự xúc động, vì tôi nghĩ có lẽ đây là niềm tự hào không chỉ cho bản thân mà cho văn hóa VN, khi văn hóa VN đã đến được nơi sâu nhất, tận trái tim nước Mỹ.
Tôi chọn trình diễn một bài hát ru. Với tôi, văn hóa VN có nét đặc biệt. Hầu như chúng ta sinh ra đều được nghe lời hát ru từ mẹ, từ bà. Khi chúng ta gặp khó khăn nhất, để được an ủi hay cần sức mạnh, chúng ta thường tìm về những điệu hát ru, về cội nguồn. Tôi muốn chia sẻ những gì sâu sắc nhất về văn hóa VN với người Mỹ.
Với anh Cường Vũ, có kỷ niệm nào khiến anh muốn chia sẻ khi từng hợp tác với nhiều NS nổi tiếng thế giới?
NS Cường Vũ: Tất cả những gì có thể nhớ là tôi đã từng đi đến nhiều nơi với các thành viên trong nhóm nhạc và chúng tôi đã có những khoảnh khắc âm nhạc tuyệt vời. Cả việc trở về VN cũng vậy. Tôi hy vọng và mong rằng sẽ có thêm những quỹ đầu tư để hỗ trợ nghệ thuật, để các dự án âm nhạc như Soul Live Project đang làm sẽ tiếp tục phát triển, để những người trẻ sẽ tiếp tục được hưởng những lợi ích và có những trải nghiệm âm nhạc có giá trị.
Anh, chị có dự định hợp tác với NS nào trong nước dịp này?
NS Cường Vũ: Chuyện kết hợp trong âm nhạc cũng giống việc đi tìm một người bạn, một người bạn đời. Không thể cứ đến nói rằng “mình làm bạn nhé” là được, mà cả hai phải có một sự kết nối nhất định. Tôi muốn là “một công dân âm nhạc thân thiện”, tôi rất mở lòng với những sự kết hợp trong âm nhạc, nhưng đó phải là đúng với màu sắc âm nhạc của mình.
NS Vân-Ánh Võ: Với tôi, thử thách rất cao và cũng là nhiệt huyết là làm sao chuyển tải tiếng đàn bầu, đàn tranh vừa mạnh nhưng vẫn có sự duyên dáng. Và khán giả vừa nghe vừa cảm thấy tôn trọng nét đẹp của âm nhạc dân tộc VN nhưng vẫn phải nghe được nhịp thở mới mà Vân Ánh và Blood Moon mang đến. Tôi nghĩ cả nhóm đang đi đúng trên con đường này nên sự hòa quyện hết sức thú vị. Như tối 16.1, chúng tôi thấy khán giả cảm nhận, hưởng ứng khi thưởng thức khiến tôi chơi say sưa đến đứt cả dây đàn (cười). Tôi từng nghe thành ngữ, nếu muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì đi cùng nhau. Tôi muốn đi xa hơn nữa, đến những nơi tuyệt vời hơn thì chắc chắn tôi phải tìm những người đồng nghiệp như các thành viên trong nhóm.
Theo Thanh Niên
Nhạc sĩ Bảo Chấn trở lại trong album Vol.4 của Nguyễn Hải Yến
Sau nhiều năm gần như 'đoạn tuyệt' hẳn với đời sống nhạc Việt, nhạc sĩ Bảo Chấn vừa bất ngờ xuất hiện trở lại trong dự án âm nhạc mới nhất của ca sĩ Nguyễn Hải Yến: Album vol.4 'Nguyễn Hải Yến & Những tình khúc Bảo Chấn' nằm trong dự án Top Hits 90-2000 của cô.
Gần một năm chuẩn bị kỹ lưỡng từ phòng thu cho tới khâu thiết kế, CD vol.4 với những sáng tác của nhạc sĩ tài hoa Bảo Chấn đã sẵn sàng đến với khán giả người hâm mộ giọng hát của Hải Yến nói riêng và "cha đẻ" ca khúc "Nỗi nhớ dịu êm" nói chung.
Nguyễn Hải Yến rạng rỡ trong ngày ra mắt album
CD vol.4 là sự chắt lọc cẩn thận 9 nhạc phẩm của nhạc sĩ Bảo Chấn được Hải Yến yêu thích nhất như: "Giấc mơ tuyệt vời", "Nơi ấy bình yên", "Cho anh ngủ trong trái tim em", "Và cơn mưa tới", "Một ngày mùa đông", "Chiếc lá vô tình", "Biết em còn chút dỗi hờn", "Phố mùa đông" và "Về với em".
Nhạc sĩ Bảo Chấn nhận được sự quan tâm khá nhiều của báo giới
Với mục đích lôi cuốn người nghe có thể thưởng thức liên tục từ đầu đến cuối album, biên tập âm nhạc Huỳnh Quốc Huy đã khéo léo sắp xếp và đặt để vị trí các bài hát theo những cung bậc cảm xúc của người phụ nữ trong suốt chặng đường yêu. Lúc thì ngây thơ tình tứ trong "Giấc mơ tuyệt vời"; day dứt nỗi nhớ với "Nơi ấy bình yên"; rộn ràng tươi sáng với "Cho anh ngủ trong trái tim em"; đôi lúc lại mãnh liệt đợi chờ trong ca khúc "Và cơn mưa tới"...
Nguyễn Hải Yến bày tỏ lòng biết ơn đối với nhạc sĩ Bảo Chấn
Đó là những thể loại khán giả đã rất quen thuộc với Nguyễn Hải Yến từ trước giờ, tuy nhiên trong album này, Nguyễn Hải Yến đã làm nét hơn, tốt hơn rất nhiều trong việc dẫn dắt cảm xúc khán giả trên những chất liệu âm nhạc quen thuộc.
Ở nửa sau album, khán giả sẽ thấy được sự bứt phá của Nguyễn Hải Yến khi thử sức ở những giới hạn mới. Cô mạnh dạn trong việc đưa Jazz vào "Chiếc lá vô tình" một cách "đậm đà", bản phối thú vị và cách xử lý phóng khoáng đã khoác lên cho ca khúc một tấm áo mới tinh tế và thú vị hơn nhiều.
Cô dành tặng ông một bức tranh
"Biết em còn chút dỗi hờn" lần đầu tiên được phối khí lại trên chất liệu Chillout khác lạ, mang lại cảm giác ma mị và thư giãn cho người nghe. Hai track cuối gồm "Phố mùa đông" và "Về với em" được xem là hai nốt lặng để lấy lại sự cân bằng cho album: 1 bản Acoustic, 1 bản ballad sâu lắng, khắc khoải giúp cho đường đi cảm xúc của câu chuyện tình liền mạch.
Điều đặc biệt trong album lần này của Hải Yến có tới 2 track "Một ngày mùa đông", nguyên nhân được Hải Yến và Huỳnh Quốc Huy giải thích rằng, đây là bài hát rất quen thuộc với bao thế hệ yêu nhạc Bảo Chấn nên tìm một điều mới cho nó mà vẫn đảm bảo được liền mạch cảm xúc của một album thực sự là một điều không dễ, cuối cùng ê-kíp quyết định dùng version (phiên bản) Canto Pop cho phần âm nhạc chính và bonus (tặng kèm) thêm version Blue để khán giả có thêm màu sắc để lựa chọn thưởng thức.
Cô cũng có phần trình diễn thăng hoa các ca khúc trong album mới
Nhạc sĩ Huỳnh Quốc Huy, người chịu trách nhiệm biên tập toàn bộ album, chia sẻ: "Hoàn thiện album đã là một bài toán rất khó và chờ đợi giây phút khán giả phản hồi còn cảm thấy khó thở hơn. Các sáng tác của nhạc sĩ Bảo Chấn "lớn tuổi" hơn cả tuổi hiện tại của Huy và nhà sản xuất Tuấn Nhật nên không tránh khỏi những lo lắng, những căng thẳng khi chờ đợi giây phút phản hồi của khán giả, của các anh chị trong giới chuyên môn... Huy cùng ê-kíp chỉ biết hoàn thiện dự án này bằng cả sự yêu mến cho không chỉ riêng tác phẩm mà cho cả chính tâm hôn nghệ sĩ của nhạc sĩ Bảo Chấn trong từng giai điệu và mỗi ca từ. Hy vọng khán giả sẽ yêu mến và ủng hộ album này".
Ê-kíp thực hiện cho biết, với sự cố vấn nhiệt tình từ phía tác giả cùng với sự trân trọng, yêu mến đối với từng tác phẩm của nhạc sĩ Bảo Chấn, album "Nguyễn Hải Yến & Những tình khúc Bảo Chấn" sẽ đảm bảo được giá trị cốt lõi, phần hồn cảm xúc bài hát, chỉ sáng tạo về phương thức hòa âm, cách thể hiện để khán giả vẫn nhận ra "chất" của nhạc sĩ Bảo Chấn cũng như màu sắc mới từ ê-kíp sản xuất trẻ thông qua giọng hát đặc trưng của ca sĩ Nguyễn Hải Yến.
Nói về album, nhạc sĩ Bảo Chấn chia sẻ khá dung dị: "Bao nhiêu năm trong nghề, vốn bài hát của tôi không nhiều. Vẫn sa vào chuyện hay dở, bài này bài kia. Lý trí quá, nhiều khi quên mất con người nghệ sĩ trong tôi. Rồi một ngày kia, tôi nghe Nguyễn Hải Yến hát, những bài hát cũ, đã từng qua những giọng hát cũ, những giọng hát thời vàng son. Tuy nhiên, mọi so sánh trong tôi không còn nữa. Cái còn lại duy nhất đó là: hoài niệm! những bài hát ngày xưa tôi hát ru con gái út của mình. Có tiếng sóng, có tiếng chim, có tiếng chuông ngân, có hoa lá, cỏ cây... Cả một ngày xưa cũ thế vọng lại, từ từ, chậm chậm... Tôi đã bỏ quên một giá trị rất lớn: Khoảnh khắc! 40 năm từ khoảnh khắc ngân nga điệu tâm hồn mình để ru con... đến khoảnh khắc nghe lại những thanh âm cũ từ giọng hát bằng tuổi con mình, tôi hiểu giá trị của cảm xúc. Khoảng khắc có cảm xúc riêng, khi nó đánh thức mình, sẽ khiến lòng ta xao động vô cùng".
Theo Báo Mới
Con trai diễn viên Quốc Tuấn biểu diễn cùng dàn nhạc từng phục vụ Tổng thống Mỹ Sau khi hoàn thành ca phẫu thuật, bé Bôm lần đầu tiên có cơ hội trở thành nghệ sĩ trong một chương trình quy tụ nhiều tên tuổi lớn của dòng nhạc Jazz từng có dịp biểu diễn cho tổng thống Donal Trump trong chuyến thăm của ông tới Việt Nam. Sáng 23/11, đêm nhạc "Jazz & Friends" có buổi gặp gỡ báo...