Trở thành teen văn minh trong dịp Tết
Vui hết cỡ với những cuộc vui bạn bè đầu xuân mới nhưng teen đừng quên đi lại an toàn trong những ngày đầu năm An toàn Giao thông nhé!
Năm 2011 qua đi nhưng nỗi đau về những cái chết của các bạn trẻ vi phạm An toàn giao thông trong năm qua vẫn chưa nguôi ngoai. Theo số liệu tổng kết của phòng Cảnh sát giao thông, đường sắt – Công an thành phố Hà Nội, trong năm qua có hai vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh điển hình.
Hồi 20h30 ngày 5/2/2011 tại khu đô thị Văn Quán, Hà Đông xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe mô tô 30 L6 – 2630 trên xe có 3 bạn P.T.A (sinh năm 1996), V.T.H (sinh năm 1997), N.T.H (sinh năm 1996) đều ở Hà Đông. Ba bạn trẻ này điều khiển xe không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, không làm chủ tốc độ đã lao xe lên vỉa hè, đâm vào gốc cây làm một bạn bị chết, 2 bạn bị thương phải đi cấp cứu ở bệnh viện.
Những hình ảnh không ai mong muốn khi tham gia giao thông
Video đang HOT
Hồi 11h30′ ngày 12/9/2011 tại Km 33 950 Quốc lộ 6A thuộc Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô và xe mô tô trong đó hai người ngồi trên mô tô là Đ.K.N (sinh năm 1996) và K.T.N (sinh năm 1996) đều ở Chương Mỹ điều khiển xe vượt không đảm bảo an toàn. Vụ tai nạn đã khiến Khánh bị chấn thương sọ não, Nam bị đa chấn thương được đưa đi cấp cứu và chết tại bệnh viện.
Qua phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn, phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an thành phố Hà Nội cho thấy có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan tới học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông.
Các lỗi cơ bản mà học sinh, sinh viên thường mắc phải là: Điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ lạng lách, đánh võng, đi vào đường cấm, đường ngược chiều.
Ngoài ra phần đông học sinh đi học bằng xe đạp thường đi không sát phần đường bên phải, đi dàn hàng ngang nói chuyện gây cản trở giao thông, sử dụng ô, điện thoại di động gây mất an toàn giao thông. Độ tuổi dưới 18 tuổi gây tai nạn giao thông chiếm tỉ lệ cao.
Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Vi phạm các quy định về pháp luật giao thông; đua xe, cổ vũ xe đua trái phép…. tại địa bàn Hà Nội những năm qua vẫn thường xảy ra tình trạng một số thanh niên, trong đó có học sinh tụ tập nhau tổ chức đua xe trái phép tại một số tuyến phố ở trung tâm thành phố.
Hoạt động này thường diễn ra vào các dịp lễ hội, Tết,… Công an thành phố đã bắt giữ, xử lý hình sự 8 vụ, 67 bị can về các hành vi đua xe, gây rối trật tự công cộng, trong đó có 24 học sinh tham gia”.
Ngày Tết, nhiều gia đình dễ dãi thường cho con thoải mái sử dụng xe máy. Cũng có nhiều bạn, chưa được sự đồng ý của bố mẹ nhưng tự ý lấy xe máy đi chơi. Chưa có bằng lái xe, không hiểu rõ luật, lại thêm sự hiếu thắng của tuổi mới lớn, mật độ tham gia giao thông đông đúc những ngày Tết dễ dẫn tới nhiều sai lầm đáng tiếc.
Không khó để teen có thể hạn chế tối đa những tai nạn, thương tích giao thông đáng tiếc như những trường hợp kể trên.
Đi xe đạp vừa văn minh, đảm bảo an toàn GT lại vừa giữ gìn môi trường đấy
Cùng với sự phối hợp thường xuyên của các lực lượng chức năng và nhà trường trong những ngày thường, trong dịp Tết này người trực tiếp cung cấp, quản lý phương tiện là cha mẹ có trách nhiệm trong việc sử dụng xe máy của con cái. Nghiêm khắc với những đòi hỏi thái quá của con là việc mà các bậc phụ huynh nên làm để đảm bảo an toàn cho con và những người tham gia giao thông.
Bản thân các bạn học sinh, sinh viên trên cả nước nên thể hiện sự văn minh bằng việc không sử dụng mô tô, ô tô trong trường hợp chưa có giấy phép lái xe và nghiêm túc chấp hành luật giao thông đường bộ. Đặc biệt, tránh những hành động kích bác nhau gây ra hậu quả đáng tiếc, đặc biệt là những lời kích động từ phía các bạn khác giới.
TS. Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý học, Viện Tâm lý học có chỉ ra rằng: “Điều đáng lưu ý, trong nhiều trường hợp, sự có mặt của bạn khác giới là động lực thúc đẩy hành vi không bình thường của các em. Biểu hiện này được thể hiện rất rõ qua hành vi đua xe trái phép của thanh niên. Trong những trường hợp các nam thanh niên đua xe, nếu có bạn nữ ngồi sau cổ vũ thì mức độ nguy hiểm sẽ lớn hơn nhiều so với trường hợp không có sự cổ vũ của giới khác”.
Tham gia giao thông an toàn mới là cách teen cho mọi người thấy mình đã chín chắn chứ không phải thể hiện mình bằng những hành động quá khích, thể hiện đẳng cấp bằng đua xe tốc độ cao một cách liều lĩnh,…
Theo Dân Trí