Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ: “Phản ứng của quốc tế tác động tới tính toán của Trung Quốc”
Mỹ phản đối các hành vi cưỡng ép, hăm dọa và phi ngoại giao trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ
Hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc tại Biển Đông đã trở thành một tâm điểm của phiên điều trần về ngân sách dành cho chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2015. Tại đây, các nghị sỹ Mỹ đã yêu cầu chính phủ của Tổng thống Barack Obama phản ứng mạnh hơn nữa để ngăn chặn những bước tiến nguy hiểm của Trung Quốc.
Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel: Mỹ không phản đối quyền đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc nhưng phản đối các hành vi cưỡng ép, hăm dọa và phi ngoại giao
Trong phiên điều trần diễn ra tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vào sáng nay (21/5, theo giờ Việt Nam), các nghị sỹ Mỹ đã bày tỏ mối lo ngại đặc biệt trước hàng loạt các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc trong thời gian qua. Ngay trong phần hỏi đáp đầu tiên với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Daniel Russel, nhiều Hạ nghị sỹ đã mạnh mẽ lên án việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu trong vùng biển của Việt Nam và khai hoang trái phép tại bãi đá Gạc Ma.
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel cho biết: “Mỹ đã trao đổi trực tiếp với Trung Quốc về những vấn đề này qua kênh ngoại giao và nói thẳng rằng Trung Quốc phải sử dụng biện pháp ngoại giao thay vì vũ lực. Vấn đề ở đây không phải là tiềm lực của Trung Quốc mạnh như thế nào mà là cơ sở pháp lý của nước này mạnh như thế nào trong các tranh chấp lãnh thổ. Mỹ không phản đối quyền đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc nhưng phản đối các hành vi cưỡng ép, hăm dọa và phi ngoại giao”.
Theo ông Russel, Mỹ đã hối thúc Trung Quốc hợp tác với các nước láng giềng cũng như các nước ASEAN đang đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông tìm kiếm một thỏa thuận về cơ chế ngăn ngừa xung đột hoặc kiểm soát các vụ việc xảy ra trên biển để thúc đẩy quá trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Mỹ không chỉ muốn có quan hệ tích cực và xây dựng với Trung Quốc và còn rất muốn Trung Quốc có quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng.
Toàn cảnh phiên điều trần
Hạ Nghị sỹ đại diện bang California, Ami Bera cảnh báo nếu Mỹ không có phản ứng thích đáng để buộc Trung Quốc phải chùn bước và hành động theo phương thức ngoại giao phù hợp với quy chuẩn quốc tế, Bắc Kinh sẽ tiếp tục áp dụng cách hành xử như hiện nay trong các tranh chấp khác, chẳng hạn như với Philippines. Theo ông Bera, Mỹ cần phải gửi đến Trung Quốc thông điệp rằng hành động của họ là không thể chấp nhận được trong thế giới hiện đại, nơi luật pháp và các quy định quốc tế đang hiện diện.
Về vấn đề này, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel cho biết trong chuyến thăm châu Á gần đây, Tổng thống Obama đã thể hiện bằng cả lời nói và hành động về cam kết của Mỹ đối với ổn định trong khu vực cũng như quyết tâm của Washington trong việc ủng hộ luật pháp, quy tắc và quy chuẩn quốc tế. Ông Russel nhấn mạnh, ngoài kênh ngoại giao của Mỹ thì sự lên án và chỉ trích của cộng đồng quốc tế đối với hành động đơn phương của Trung Quốc chắc chắn có tác động quan trọng tới tính toán của giới lãnh đạo tại Bắc Kinh.
Video đang HOT
Trong khi đó, Hạ nghị sỹ Dana Rohrabacher cho rằng phản ứng của chính phủ Mỹ là chưa đủ mạnh đối với các hành động mà ông gọi là “bạo lực và ngạo mạn” của Trung Quốc. Ngoài vấn đề Biển Đông, các nghị sỹ Mỹ còn tỏ ý quan ngại trước những hành vi của Trung Quốc mà Mỹ cáo buộc là thao túng tiền tệ và tấn công mạng.
Về việc Bộ Tư pháp Mỹ vừa kết tội 5 quân nhân Trung Quốc đột nhập mạng máy tính của các công ty Mỹ để đánh cắp bí mật kinh doanh, Trợ lý Ngoại trưởng Russel cho biết: “Việc kết tội 5 quân nhân Trung Quốc không chỉ là phản ứng của Mỹ đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc mà còn thể cam kết mạnh mẽ của Tổng thống Obama đối với an ninh mạng và chống tội phạm mạng. Mỹ rất quan ngại về những hành động tin tặc do chính phủ Trung Quốc bảo trợ nhằm đánh cắp bí mật thương mại cũng như thông tin nhạy cảm của các công ty Mỹ và chuyển cho các công ty Trung Quốc để phục vụ mục đích thương mại”.
Ông Russel cho biết, chính phủ Mỹ đã đề xuất khoản ngân sách 1,2 tỷ USD dành cho các hoạt động tại khu vực Đông Á-Thái Bình Dương năm 2015, bao gồm hơn 800 triệu USD cho các chương trình hỗ trợ nước ngoài. Mỹ dự kiến sẽ cung cấp 18 triệu USD để tăng cường năng lực của lực lượng tuần duyên Việt Nam trong lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, ứng phó thảm hoạ và các hoạt động khác. Mỹ cũng sẽ tăng hỗ trợ cho chương trình Quản trị vì tăng trưởng trọn vẹn (Governance for Inclusive Growth) nhằm giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quan trọng trong khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo Nhật Quỳnh-Huy Hoàng
VOV
Bài thơ không tên viết trước ĐSQ Trung Quốc ở Australia
Một bài thơ viết ngay sau cuộc mit-tinh phán đối Trung Quốc của DHS Việt tại Canberra gây nhiều ấn tượng mạnh mẽ.
Chiều 18/5, tại thủ đô Canberra (Australia), một cuộc mít-tinh hòa bình phản đối Trung Quốc do Hội SVVN tại đây tổ chức đã diễn ra. Tham gia cuộc tuần hành không chỉ có sinh viên Việt Nam đang học tập tại Úc mà còn có nhiều gia đình người Việt đang sinh sống và làm việc ở xứ sở chuột túi.
Màu cờ đỏ nhuộm cả trời thu Canberra thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của người Việt trẻ nơi này.
Trong buổi mít tinh, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam ở Canberra đã đọc "Tuyên bố" của hội gửi đến Sứ quán Trung Quốc. Tuyên bố nhằm phản đối hành vi vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đề nghị Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, và ủng hộ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam.
Đặc biệt, ngay sau đó, một bài thơ kèm theo những hình ảnh về cuộc mít-tinh được đăng tải lên mạng Internet, đã được du học sinh tại đây liên tục "chia sẻ" trên FB. Theo thông tin Dân trí có được, tác giả bài thơ là một nghiên cứu sinh Việt tại Đại học Quốc gia Australia. Anh đã có mặt trong dòng người đổ về trước ĐSQ Trung Quốc và ứng tác nên những dòng đầy cảm xúc: "Anh kể em nghe một ngày thu Canberra rực đỏ, Sắc cờ sắc áo, sắc đỏ trái tim", khẳng định tinh thần - ý chí của DHS Việt tại đây.
Anh kể em nghe một ngày thu Canberra rực đỏ
Sắc cờ sắc áo, sắc đỏ trái tim
Bao người Việt từ khắp mọi miền
Cùng tuần hành vì chủ quyền đất nước
Lặng im sao được khi Biển Đông réo gọi
Góp chút sức mình những đứa con xa.
Đánh kẻ thù đâu chỉ cần súng đạn
Công lý hô vang đòi chân lý về ta
Trường Sa đó nước Việt Nam là một
Sóng Hoàng Sa xanh sắc quê hương
Và anh hàng xóm tuy to nhưng xấu bụng, "bắt nạt" láng giềng, "Hãy cút khỏi Việt Nam".
Từ bác Việt kiều đến đàn cháu nhỏ
Tay vẫy cờ miệng hát ca ngợi quê hương
Trước Sứ quán Trung Hoa mà lòng về Tổ quốc
Sẽ hy sinh nếu Đất Mẹ cần
Và đây nữa các bạn bè quốc tế
Đứng kề bên một Việt Nam chuộng hoà bình.
Kể sao hết những dòng cảm xúc
Những ánh mắt, nụ cười, tất cả vì Tổ quốc
Người tuần hành hay đất nước "dậy mà đi".
Hải Anh
Theo Dantri
Đối đầu "quái vật 981" - Kỳ 3: Giữa hai hiệp đấu sinh tử "Nhà báo đã quay quắt nhớ đất liền rồi, đúng không?" Cường - kiểm ngư viên phụ trách y tế tàu kiểm ngư 763- khẽ hỏi tôi khi hai đứa cùng mắc võng nằm trên boong và dõi mắt về phía "quái vật 981" trông càng ma quái trong ánh trăng. Im lặng, bởi tôi biết thực ra Cường đang tự hỏi chính...