Trợ lý Lê Huy Khoa: “Với thầy Park, chúng ta chỉ có tiến chứ không có lùi”
Cuộc phỏng vấn rất đặc biệt cùng trợ lý ngôn ngữ Ông Lê Huy Khoa
“Trong một thế giới lý tưởng, Tết này với chúng ta sẽ rất vui. Bởi tôi tin các Đội tuyển Quốc gia Việt Nam sẽ gặt hái rất nhiều thành công với lứa cầu thủ này, tinh thần này.
Tiếc rằng mọi thứ đã không diễn ra như nó phải thế, bởi đại dịch Covid-19 khiến các giải đấu phải tạm ngưng.
Một số người lo ngại rằng sau nhiều chiến tích đã đạt được, các cầu thủ sẽ rơi vào tình trạng thỏa mãn. Không, không có sự thỏa mãn nào ở đây. Các cầu thủ vẫn rất máu lửa và thèm khát thành công hơn nữa. Tôi nhìn thấy điều đó ở lần tập trung gần nhất, qua hành động và qua cách họ nói với nhau, rằng “sắp tới còn nhiều việc phải làm”.
HLV Park Hang-seo cũng thúc đẩy học trò bằng nhiều ý tưởng tuyệt vời. Nhằm nhắc lại tinh thần, nâng cao nhận thức mục tiêu cho cầu thủ, ông chia đội tuyển thành ba nhóm. Mỗi nhóm sẽ có một nhóm trưởng, sau đó trình bày mục tiêu trong năm tới và làm thế nào để hoàn thành mục tiêu. Ông cho rằng khi các cầu thủ tự nói ra, họ có trách nhiệm với tuyến bố đó và tư duy liên tục về việc phải làm gì, điều chỉnh ở đâu để cải thiện mỗi ngày.
Tinh thần quyết tâm, khát khao và sự tin tưởng được thấy ở khắp mọi nơi”, ông Lê Huy Khoa nói với Sport5.
Sau khi bước lên những bậc thềm cao dẫn vào văn phòng trường Hàn ngữ Việt – Hàn, đập vào mắt tôi trước tiên là khẩu hiệu bằng mica xanh gắn trên đá marble: “Học thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời”.
Giống như câu nói của đạo diễn người Ý Federico Fellini, rằng “một ngôn ngữ mới mở ra một thế giới mới”, nhiều người nghĩ có một sự phóng đại ở đây. Nhưng họ sẽ phải nghĩ lại nếu biết nơi đây, vài năm trước là một khung cảnh khác. Một kiểu văn phòng điển hình, mà chậu cây xanh hay bình hoa giả cũng không làm giảm sự đơn điệu.
Nhưng bây giờ, nó không chỉ đầy màu sắc mà còn như thể phát ra âm thanh. Những bức hình ghi lại các khoảnh khắc vinh quang của Đội tuyển Quốc gia, U23 và đội Olympic Việt Nam, những tấm huy chương lấp lánh hay chiếc áo đấu căng ra đầy kiêu hãnh, khoe chữ ký các tuyển thủ – Những chiến binh sao vàng… chỉ cần ngắm nhìn, tất cả sẽ nghe thấy tiếng hò reo và sống lại trong tâm trí bầu không khí chiến thắng.
Sự khác biệt được tạo ra bởi Lê Huy Khoa, Hiệu trưởng trường Hàn ngữ Việt – Hàn, thực sự bước vào một thế giới mới, và sống thêm một cuộc đời.
Là một người đam mê bóng đá và có ước mơ đi theo con đường cầu thủ, nhưng những ngã rẽ số phận đưa ông theo hướng khác, trở thành một thầy giáo dạy tiếng Hàn. Lê Huy Khoa không thể biết được rằng, chính công việc này lại dẫn ông trở về giấc mơ ban đầu: bóng đá.
Còn hơn một giấc mơ, ba năm rưỡi qua, với tư cách trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang-seo, Lê Huy Khoa đã được trải nghiệm cuộc sống bóng đá, tận hưởng những thời khắc vinh quang và tự hào là một phần của Những chiến binh sao vàng liên tiếp làm nên lịch sử.
Một sự kết hợp định mệnh? Có thể. Nhưng với Lê Huy Khoa, đó còn là một sự may mắn. Như người ta vẫn nói, “đúng người, đúng thời điểm”.
“Nếu tính là một phiên dịch tiếng Hàn, một fan bóng đá thuần túy, thì tôi có lẽ là người đầu tiên gặp thầy Park”, Lê Huy Khoa nói trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Sport5. “Ông sang Việt Nam vào buổi tối, thì sáng hôm sau gặp tôi trong cuộc phỏng vấn. Ngay từ đầu mình đã cảm nhận được sự gần gũi, trong khi người Hàn Quốc rất coi trọng ấn tượng đầu tiên.
Rồi tôi quay lại TP Hồ Chí Minh, trước khi cùng thầy rong ruổi khắp Việt Nam trong suốt một tháng, khoảng thời gian đủ để cả hai hiểu nhau. Một may mắn khác là tôi yêu bóng đá cuồng nhiệt, lại giữ vai trò trợ lý ngôn ngữ ở độ tuổi đủ để có sự từng trải và kinh nghiệm sống”.
Theo Lê Huy Khoa, công việc phiên dịch ở đội tuyển không hề dễ dàng. “Thầy Park rất tinh tế, và là một chuyên gia tâm lý nên rất cẩn trọng trong việc sử dụng từ ngữ. Tuy nhiên vì sự khác biệt văn hóa đôi khi có thể có thể dẫn tới hiểu nhầm, mình cần xử lý tốt vấn đề đó”, ông nói.
Và đó vẫn chưa phải điều khó nhất. Phiên dịch không chỉ đơn giản là chuyển ngữ, mà phải “truyền được lửa”, là “cầu nối”, cũng là “miếng đệm, người điều tiết cảm xúc”.
“Để làm được điều đó mình phải là một phần của tập thể, cảm nhận và hiểu suy nghĩ của HLV cũng như cầu thủ, trước khi có thể truyền tải chính xác thông điệp cả về ngôn ngữ lẫn tinh thần “Có những cầu thủ, tôi hiểu với tính cách của họ, một số lời lẽ quá mạnh sẽ khiến họ suy nghĩ. Hoặc đôi khi, có những lúc cầu thủ đã gắng hết sức và không nên tạo thêm áp lực”, Lê Huy Khoa chia sẻ, “Tôi nhớ trận Việt Nam gặp Hàn Quốc tại bán kết ASIAD 2018, hết hiệp 1 mình bị dẫn 0-2 và không thể triển khai được bóng.
Trong giờ giải lao, thầy Park và trợ lý Lee Young Jin đã nổi giận lôi đình. Ông quát, tôi hỏi các anh, họ có mấy chân? Không cầu thủ nào trả lời được. Ông tiếp, họ chỉ có hai như chúng ta, vậy tại sao chúng ta không đá được? Khi ấy mình phải đẩy giọng lên cho đúng tinh thần nhưng có những chỗ phải xuống tông một chút”. Và hiệp 2 chúng ta đã chơi tốt hơn rất nhiều.
Lê Huy Khoa nói rằng, kể cả ở cạnh HLV Park Hang-seo khá lâu thì ông và đội ngũ trợ lý cũng không thể đoán trước, liệu trận đấu này ông sẽ sử dụng chiêu tâm lý gì để khích tướng. Bởi, như rất nhiều lần ông mô tả, chiến lược gia người Hàn Quốc là một chuyên gia tâm lý để hiểu rõ, điều đó là cần thiết. Cầu thủ cần phải có động lực. Song không phải lúc nào làm căng cũng tốt.
“Thầy Park rất linh hoạt. Mỗi giải đấu, hay mỗi trận đấu ông đều có bài tâm lý khác nhau”, trợ lý ngôn ngữ 46 tuổi chia sẻ, “Như năm 2018 ở Thường Châu, thầy Park nói trước học trò, ‘mấy năm trước các anh toàn thua, nếu không muốn chìm theo một thế hệ thất bại, bản thân thất vọng và nhân dân thất vọng, thì phải chuẩn bị tinh thần để làm điều gì đó’.
Hồi ASIAD 2018, thầy lại nói, ’sắp tới ngày 02/09 rồi đấy, các anh phải đá làm sao mà khi trở về, người dân đang nghỉ lễ ùa ra chào đón đội tuyển trong niềm vui sướng và tự hào, chứ hôm ấy mà ỉu xìu thì chán lắm’.
Video đang HOT
Lại nữa, tới SEA Games 2019, thầy nói kiểu tưng tửng, ‘các anh chỉ đá một lần này nữa thôi. Lần sau quá tuổi rồi, không được tham dự nữa đâu. 60 năm, cơ hội làm nên lịch sử chỉ đến có một lần thôi. Mà lịch sử này là của các anh, không phải của tôi. Xác định sao thì tùy”.
Có một câu chuyện thú vị chưa bao giờ được tiết lộ, cũng ở SEA Games 30, trước trận chung kết, chuyện thầy Park kể lại cho riêng tôi ( Trợ lý Lê Huy Khoa – PV).
Hôm ấy thấy thầy Park ngồi ủ rũ ở ngoài sân, ra điều lo lắng tột độ, ai cũng thấy thương. “Rồi bỗng thấy Nguyễn Tiến Linh chạy lại hỏi, ‘thầy ơi, thầy sao thế’?
Thầy đáp, mặt đầy lo âu, ‘thầy lo lắm, con xem, 60 năm rồi, trước ngưỡng cửa lịch sử mà không may thua thì làm sao ăn nói với nhân dân? Chưa kể còn mất hết thể diện, dù gì mình cũng là Á quân châu Á (U23) mà lại thua thì ra thể thống gì.
Nghe thế, Tiến Linh hăng tiết bảo, ‘thầy yên tâm, để đó em giải quyết. Rồi cậu chạy đi gọi thêm ai đó, nếu tôi nhớ không nhầm là Đỗ Hùng Dũng thì phải. Hai người tới trước mặt thầy Park tuyên bố chiều nay sẽ ghi bàn để thầy hết đau đầu. Vừa nghe thấy thế, thầy Park bật ngay dậy, nói: con hứa với thầy rồi nhé, ngoắc tay đi, chiều nay làm mấy bàn?”. Tiến Linh nói: sẽ cố gắng ít nhất một bàn.
Đó là cách để đội quân của HLV Park Hang-seo tạo ra hết kỳ tích này đến kỳ tích khác. Những lúc ấy, Lê Huy Khoa nói, không cần phiên dịch. Đây là lúc hãy để cho Thầy và trò giao tiếp bằng sự đồng cảm, bằng con tim chung nhịp đập, bằng sự cảm nhận trách nhiệm đến từ con tim của những người đàn ông. Và theo thời gian, họ càng hiểu nhau hơn.
“Sau 3 năm cầm quân, bây giờ, thầy Park hiểu học trò đến từng chân tơ kẽ tóc, từ ưu nhược điểm đến thái độ, tinh thần của họ, ông hiểu hơn về cách chơi bóng của cầu thủ Việt, hiểu về cách suy nghĩ, cách tư duy bóng đá, đâu là cái cần phát huy và cái cần khắc phục. Ngược lại, các cầu thủ cũng rất hiểu triết lý của thầy, nắm bắt rất nhanh và chính xác mọi thông điệp.
Đôi khi thầy chỉ cần di chuyển quân trên sa bàn chiến thuật, các cầu thủ biết ngay phải làm gì khiến tôi dịch cũng khỏe hơn trước. Đây chính là khác biệt lớn nhất so với cách đây vài năm. Trước khi vào giải U23 châu Á ở Thường Châu, nhiều khi tên cầu thủ thầy còn chưa thuộc hết”, Lê Huy Khoa cho biết.
Vậy mà đã 3 năm rưỡi, chính xác là 40 tháng trôi qua. HLV Park Hang-seo đang trở thành người có thời gian tại vị lâu nhất, vượt qua quãng thời gian 32 tháng của Henrique Calisto. Chưa bao giờ vị thế của ông bị đe dọa.
Chúng ta biết rằng HLV Park Hang-seo đã có một thời gian vô cùng khó khăn sau khi thôi công việc ở Sangju Sangmu. Ông về lại quê hương, làng chài Sancheong. Ở đó, ông giết thời giờ bằng việc câu cá bờ sông Gyeongho và khi đứng lên, sẽ thả hết số cá vừa câu được. Và những đêm muộn, ông xoa dịu tâm trí bằng ly soju trong quán rượu.
Theo một bài viết trên tờ nhật báo JoongAng Ilbo của Hàn Quốc, những người bạn thời thơ ấu của HLV Park Hang-seo gọi ông với biệt danh “cục pin”, bởi nền tảng thể lực đáng kinh ngạc cũng như sự bền bỉ và gan dạ. Ông không bao giờ bỏ cuộc.
Còn với Lê Huy Khoa, sau 3 năm rưỡi, HLV Park Hang-seo là một người “Nhiệt huyết, chính trực, chân tình, thành thực, tận tâm và mọi hành động đều xuất phát từ trái tim”. Những ngày dài buồn chán ở Sancheong càng khiến quyết tâm, khao khát trong ông bùng cháy. Ông tập trung cống hiến hơn 100% tinh thần và sức lực để hoàn thành những gì đã theo đuổi cả đời.
Đó là lời giải thích cho việc tại sao chiến lược gia người Hàn Quốc không những vượt qua hạn mức 8 tháng mà còn gắn bó với tuyển Việt Nam lâu hơn nữa. “3 năm rưỡi chưa phải là dài”, Lê Huy Khoa nhận định, “Tôi hy vọng thời gian của thầy sẽ dài gấp đôi, thậm chí gấp ba con số này”.
Nhưng, bạn biết đấy, không có thành công mãi mãi trong bóng đá. Như cựu HLV huyền thoại Sir Alex Ferguson từng nói, “thành công trong bóng đá mang tính chu kỳ, và mỗi một HLV chỉ có một chu kỳ thành công nhất định”. Vậy HLV Park Hang-seo có sẵn sàng cho điều này?
Lê Huy Khoa đã giải đáp câu hỏi này bằng việc chia sẻ bí quyết thành công của thầy Park, người nổi tiếng thông minh khi đứng thứ ba toàn trường hồi trung học.
“Điểm nổi trội của ông Park là chuẩn bị cực kỳ kỹ càng từng chi tiết nhỏ, kể cả thời tiết hay nhiệt độ của buổi tập. Và Ông luôn theo đuổi kế hoạch dài hơi bằng các mục tiêu ngắn hạn”, trợ lý ngôn ngữ 46 tuổi cho biết, “Thầy không bao giờ nói về ngôi vô địch, mà coi trận đấu lớn nhất là trận tiếp theo. Ông dồn hết tâm trí và cố gắng chiến thắng từng trận một, từng bước trước mắt.
Tất nhiên, HLV Park Hang-seo luôn đề ra mục đích và chiến lược cụ thể, như trận này phải có 3 điểm, trận này ko được thủng lưới. Đồng thời, mỗi trận sẽ có một kịch bản khác nhau và xây dựng các phương án chi tiết, dẫn 1 bàn làm thế nào, dẫn 2 bàn phải chơi ra sao.
Với người bình thường, như tôi chẳng hạn, trước mỗi trận đấu đều lo lắng và nghi ngờ mọi thứ. Thầy Park không thế. Ông có niềm tin sắt đá vào những quyết định của mình. Cái hay của ông chính là dân chủ nhưng cực kỳ quyết đoán, sau khi lấy ý kiến của ban cán sự đội, của trợ lý và cố vấn về trận đấu, ông đã quyết thì sẽ theo đuổi đến cùng . Khi chiến thuật đã được đưa ra, sau đó lên đội hình và họp ban huấn luyện đội, mọi thứ sẽ chỉ tiến hành theo hướng đó. Với ông, chỉ có tiến chứ không có lùi.
Và trong mọi lúc, ông thường nói một câu mà tôi rất tâm đắc: đừng bao giờ đánh mất tâm thế của ngày ban đầu. Lúc nào cũng phải quyết tâm và khát khao mãnh liệt như khi đứng ở vạch xuất phát”.
Trong những buổi chiều câu cá bên bờ sông Gyeongho trước khi kết thúc một ngày dài bên ly soju, HLV Park Hang-seo không bao giờ nghĩ sẽ tới Việt Nam. Nhưng bây giờ, ông rất chắc chắn về những gì sẽ làm để kéo dài thời gian ở đây. “Cục pin” 63 tuổi không bao giờ hài lòng với các thành quả đã đạt được, và cũng tránh gieo suy nghĩ tự mãn vào các cầu thủ.
“Thầy Park luôn nhắc nhở học trò, không được phép xao nhãng dù chỉ một giây, bởi như thế là có lỗi với bản thân, với đất nước, với nhân dân”, Lê Huy Khoa nói, “Trận đá giao hữu với CLB Hồng Koong Kitchee SC ở Trung tâm bóng đá PVF, một trận đấu theo kiểu… vô thưởng vô phạt, nhưng khi sớm nhận ra các cầu thủ thả lỏng bản thân, ông bước vào, quát lớn, các anh chưa đá nhưng tôi đã thấy sự thỏa mãn coi thường đối phương rồi đấy. Thái độ này không xứng đáng với những người đang đại diện cho Tổ quốc, đề nghị phải triệt để, nghiêm túc, tôn trọng đối thủ.
Dịp sang Vũ Hán cũng vậy. Thầy có xem một buổi tập của đội U22. Cuối buổi ông gọi tất cả đến mắng một trận tơi bời. Hôm sau ông lại gom vào phòng xạc thêm trận nữa. Thoạt đầu các cầu thủ sửng sốt ko hiểu tại sao nay thầy nóng thế. Sau thì đã rõ, với thầy, không có khái niệm giao hữu hay thả lỏng. Ra sân là đá chết bỏ trong khuôn khổ cho phép, mà đá là phải thắng. Ông thường cảnh báo tất cả, thua là tôi phát điên, chứ đừng có nghĩ đến chuyện hòa ở đây”.
Điều kỳ lạ là, tuy sợ thầy một phép, song các cầu thủ lại rất yêu mến, tôn trọng thầy. Đó là vì HLV Park Hang-seo rất quan tâm, thương yêu học trò. Ông luôn cân bằng giữa bóng đá và cuộc sống, sẵn sàng tạo điều kiện cho học trò mỗi khi có công việc cá nhân. “Hồi Bùi Tiến Dũng tổ chức đám cưới, trước khi rời đội, trung vệ này đã hỏi nhỏ tôi. Cậu nói, anh Khoa ơi, em rất muốn thầy có mặt mà thầy lại bận. Liệu anh có thể lên nhờ thầy quay một clip chúc mừng em được không? Lúc tôi lên gõ cửa, thầy đang chuẩn bị đi ngủ. Nhưng vừa nghe tôi nói, thầy vui vẻ đồng ý ngay. Thầy Park đối xử với mọi người như nhau, luôn tiếp xúc gần gũi với gia đình mọi thành viên trong đội bóng. Mỗi khi đi đâu, nếu có điều kiện, ông thường ghé vào thăm nhà ai đó gần đấy. Hoặc nhà ai có việc ông đều có mặt nếu điều kiện cho phép”, Lê Huy Khoa cho biết.
HLV Park Hang-seo đủ từng trải và sự lão luyện để hiểu các cầu thủ đang nghĩ gì trong đầu. Và ông cũng có một sự nghiệp đủ dài để biết, bóng đá luôn thay đổi, từ lối chơi, phong cách đến hệ thống chiến thuật. Vì vậy ông luôn tìm cách để giữ cho đội tuyển luôn tươi mới.
Lê Huy Khoa cho biết, như nhiều lần HLV Park đã chia sẻ với báo chí, đó là “Thầy biết rằng chiến thuật đã không còn làm đối thủ bất ngờ, chúng ta đã lộ bài. Phần vì sự phát triển của bóng đá, phần vì đối phương có nhiều thời gian để phân tích kỹ lưỡng. Thế nên ông luôn nghĩ về việc điều chỉnh hệ thống và cố gắng tìm tòi, đưa vào đội hình những nhân tố mới.
Thầy cũng rất hào hứng trước việc các học trò được ra nước ngoài thi đấu, sau đó theo dõi sát sao tình hình của họ. Theo ông, chơi bóng ở nước ngoài luôn mang lại nhiều lợi ích. Cầu thủ có thể không được ra sân nhiều như kỳ vọng, nhưng họ tiếp thu các bài học bổ ích, như hiểu cách vận hành hệ thống tổ chức đội bóng, sử dụng ngoại ngữ, hiểu xu thế bóng đá thế giới, tư duy chơi bóng, kết nối, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam. Khi trở về, họ chia sẻ lại cho những đồng đội, qua đó lan tỏa kiến thức sẽ là những điều quan trọng không thua kém gì một trận ra sân”.
Theo một nghĩa nào đó, nó cũng tương tự như việc “học thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời”. Với bản thân Lê Huy Khoa, ông còn hiểu thêm về cuộc đời.
Sau quãng thời gian chinh chiến bên cạnh chiến lược gia người Hàn Quốc và Những chiến binh sao vàng, ông nghiệm ra rằng, “bóng đá chính là cuộc đời, và 90 phút của một trận đấu là một sự mô phỏng cuộc đời có 90 năm”. Nó có thất bại, có chiến thắng, có cay đắng và có cả vinh quang.
Nhưng điều cốt yếu, lúc nào cũng phải chiến đấu với tâm thế của ngày ban đầu. Đó là cách để chúng ta luôn sẵn sàng với mọi thử thách. Và đội quân của HLV Park Hang-seo sẵn sàng chinh phục đỉnh cao phía trước.
Lê Huy Khoa: 'Dịch cho HLV Park Hang Seo, khó nhất là truyền tải cảm xúc'
Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa cho rằng để phiên dịch cho HLV Park Hang Seo, khó khăn nhất là truyền tải được cảm xúc, tinh thần của ông đến với các cầu thủ.
Cuối năm 2017, ông Lê Huy Khoa đặt vé máy bay ra Hà Nội. Là hiệu trưởng trường Hàn ngữ Kanata, nhưng ông Khoa không đóng vai nhà tuyển dụng ở chuyến đi này.
Cầm trên tay bộ hồ sơ, ông Khoa lần này đóng vai ứng viên xin tuyển dụng. Ông không biết đây sẽ là lựa chọn mang tính bước ngoặt với mình sau này: trở thành trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang Seo, khi ấy cũng mới đặt chân tới Việt Nam.
3 năm đồng hành cùng đội tuyển, nếm cả đắng cay và ngọt bùi, ông Lê Huy Khoa trở thành một trong những nhân tố không thể thiếu của ban huấn luyện. Trong ngày đầu xuân năm mới, trợ lý của HLV Park đã dành cho VTC News những chia sẻ về nghề phiên dịch thể thao, kỷ niệm đáng nhớ khi sát cánh cùng đội tuyển bên cạnh dự định cho năm mới.
Trợ lý Lê Huy Khoa (ngoài cùng bên trái) và ban huấn luyện U22 Việt Nam.
- 3 năm sau ngày U23 Việt Nam tạo nên kỳ tích vào chung kết U23 châu Á ở Thường Châu, cảm xúc của ông vẫn vẹn nguyên như thời khắc đứng dịch câu nói "Không được cúi đầu, chúng ta đã làm hết sức rồi" dưới cơn mưa tuyết chứ?
3 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, tôi được trải nghiệm rất nhiều sự kiện, khoảnh khắc tuyệt vời, nhưng có lẽ khoảnh khắc Thường Châu vẫn sẽ khiến cho tôi hay bất cứ thành viên nào trong đội tuyển luôn phải bùi ngùi, xúc động khi nhớ đến.
Tôi lại càng nhớ hơn nữa vì đó là giải đấu chính thức đầu tiên của tôi với tuyển Việt Nam. Đến giờ, cảnh những hôm gió buốt kinh khủng, cảnh dùng máy sấy tóc để hơ đôi chân cóng không còn cảm giác, cảnh có cầu thủ chảy máu cam vì quá lạnh, hay cảnh tuyết chất như núi, đứng trước mặt ban huấn luyện, cảnh tuyết mịt mù trên sân khiến chúng tôi không nhìn thấy quân ta hay quân mình, nhớ những giây phút nghẹt thở ở loạt đá luân lưu, càng nghĩ lại càng bồi hồi, thỉnh thoảng tôi vẫn mở ra xem lại những ký ức đó. Rất xúc động.
Ký ức về U23 Việt Nam năm 2018 luôn ở trong tâm trí Lê Huy Khoa.
- 3 năm gắn bó với công việc phiên dịch bóng đá, phải liên tục đi đi lại lại và giảm bớt quỹ thời gian cho trường lớp, đã bao giờ ông thấy mệt mỏi, muốn dừng lại?
Bóng đá không giống những ngành nghề khác, không thể nói ngưng là ngưng được, nhưng cũng sẽ có lúc không phải muốn mà cứ tiếp tục được. Tất nhiên khi thành tích đi xuống thì bạn sẽ phải nghỉ để người khác làm. Việc tôi làm nữa hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả của bóng đá Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Tất nhiên tôi vẫn muốn cống hiến cho bóng đá Việt Nam với tư cách là một công dân. Tôi cũng đã hứa với HLV Park như lời ông nói tôi: "Cậu hãy đồng hành cùng tôi cho đến khi nào tôi rời khỏi Việt Nam nhé ".
- Sự nổi tiếng sau khi làm trợ lý ngôn ngữ cho HLV Park Hang Seo có khiến ông gặp "rắc rối" gì không?
Tôi là người học tiếng Hàn sớm ở Việt Nam, lại là giảng viên, giáo viên, người dịch phim, dịch sách viết sách tiếng Hàn nên trong cộng đồng tiếng Hàn cũng quen biết nhiều người. Dù vậy, từ khi đến với bóng đá, có nhiều cái mới, được tiếp xúc nhiều người hơn, quên biết nhiều người hơn, nhất là người hâm mộ.
Tôi chưa thấy phiền toái gì cả. Tôi vui vì được giao lưu với rất nhiều người, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, bởi tình yêu bóng đá là tình yêu thuần khiết, nhiệt huyết và giống nhau. Tôi mong chỉ muốn những người "ngoại đạo" như tôi hiểu hơn về bóng đá Việt Nam.
- Trợ lý người Việt của HLV Park Hang Seo thay đổi liên tục từ giải U23 châu Á 2018 tới giờ, nhưng Lê Huy Khoa vẫn cần mẫn đi cùng đội tuyển, vẫn nhiệt huyết, tươi trẻ như ngày đầu tiên. Động lực nào đã giúp ông tiếp tục với công việc đầy áp lực này?
HLV Park Hang Seo có triết lý, đó là ông luôn muốn làm việc với cùng một ê-kip để luôn có tính kế thừa trong công việc. Việc thay đổi, nếu có, cũng là bất đắc dĩ mà thôi. Ai cũng thế thôi, nếu ê-kip thành công thì không có lý do gì thay đổi cả. Kể cả tôi cũng thế.
HLV Park và trợ lý Huy Khoa.
Tôi làm lâu hơn các anh em khác một chút vì có lẽ tôi thoải mái hơn, có thể tự thu xếp công việc riêng của mình ở trường tiếng Hàn để cùng đồng hành. Còn việc nhiệt huyết thì thực ra công việc ở đội tuyển thì không thể không nhiệt huyết được, ai cũng thế cả, tất cả tất cả.
Gặp cầu thủ, người mới có, người cũ có, họ đều phơi phới háo hức, giải đấu thì không giải đấu nào giống giải đấu nào, mỗi trận đấu là một ẩn số thú vị, bên ngoài thì người hâm một háo hức ngóng chờ, theo dõi. Làm sao mà không nhiệt huyết được chứ.
- Tôi rất ấn tượng với hình ảnh ông đứng dịch "tay bo" đầy lưu loát, không cần giấy bút ghi chép của ông ở SEA Games 30. Khả năng dịch và "đọc" được ý đồ của HLV Park Hang Seo của ông đã đến mức nhuần nhuyễn?
Công việc phải thế thôi, tôi luôn ở cạnh HLV Park, hiểu ông ấy tư duy gì trong đầu, tôi cũng có thể dự đoán được gì ông ấy sẽ nói, người dịch mà nắm được khoảng 80% ý tứ của thân chủ thì coi như thành công.
Tất nhiên là ai quen rồi cũng thế cả, tôi lại đồng hành với HLV Park 3 năm nay, hiểu tính cách, ngôn từ, cách thể hiện, cách phản ứng của ông ấy khi vui sẽ thế nào, khi buồn, hay giận dữ sẽ thể hiện thế nào.
Bạn cứ hình dung xem 24/24 giờ luôn ở với đội tuyển, lại tập trung với nhau cả tháng trời, họp hành, trao đổi ý liên tục giữa các bên, mình lại là người nắm hết nội dung vì mình là người trung gian truyền đạt thì chắc chắn sẽ hiểu thôi.
- Đã khi nào ông rơi vào trường hợp khó xử, tức là câu nói của HLV Park Hang Seo khó dịch, hoặc anh tin rằng nếu dịch thẳng ra, câu nói ấy sẽ không hay?
Cái may của tôi là người nắm được tình hình chung trước khi dịch, vì thế, mọi tình huống mình cũng lường được trước. Cái quan trọng đó là phải hiểu câu nói nó hướng đến mục đích gì, để động viên, để nhắc nhở, hay để cảnh cáo đối thủ, hay đốc thúc tinh thần chiến đấu thì sẽ tìm cách xử lý.
Tất nhiên là nghề dịch là một miếng đệm, dịch hết tuột 100% như cái máy thì sẽ nhiều chuyện không hay, khi nóng quá thì phải làm nguội bớt, nhưng khi cần thì cũng phải tăng thêm nhiệt. Thầy Park nói tiếng Hàn nên ông có thể thỏa thích thể hiện những gì ông muốn nói, đó là cái lợi thế của HLV nói được tiếng bản xứ khi chỉ đạo.
Còn tôi thì cứ làm việc mình đã làm thôi, gắng hết sức. Ngôn từ mà, nó vô cùng, nó vi diệu, nó tuyệt vời lắm, mình dùng nó thể nào cho hiệu quả là điều quan trọng nhất của môt phiên dịch.
Trợ lý Lê Huy Khoa chụp ảnh kỷ niệm cùng tiền vệ Thanh Sơn ở SEA Games 2019.
- Ông từng nói dịch cho HLV Park Hang Seo đôi khi khó hơn dịch cho lãnh đạo cấp cao. Tại sao?
Dịch cho lãnh đạo cấp cao, họ giao tiếp gắn gọn, mục tiêu và nội dung cuộc họp gần như đã biết, nhưng họ cũng không bàn quá chi tiết, lại có quá trình chuẩn bị nên phiên dịch khá chủ động.
Dịch cho thầy Park khó vì bóng đá cứ xảy ra tình huống liên tục không thể dự đoán, mỗi tình huống lại phải sử dụng những ngôn từ, cách diễn đạt khác nhau, tình tiết lại rất nhanh, chỉ cần sai một từ hay sai một chi tiết là không có cơ hội để sửa hay nói lại, bóng đá lại rất quan trọng vấn đề về tâm lý, câu từ phải làm thế nào để truyền đạt được hết cái ý, cái cảm xúc, cái lửa, cái muốn nói, cái tâm, cái tính chiến đấu của HLV đến cầu thủ để họ hiểu và lĩnh hội hết.
Cá nhân ông Park thì lại là người rất cảm xúc, dịch câu từ với HLV Park thì không khó, dịch cảm xúc với HLV Park mới khó, vì phải suy nghĩ xem dùng từ nào, giọng nào, cảm xúc nào để tạo hiệu quả cao nhất.
Bây giờ tôi khỏe hơn rồi, vì 3 năm gắn bó, các cầu thủ họ đã quen, đã hiểu HLV Park, nhìn mặt ông họ cũng hiểu ông muốn gì, họ đã hiểu sơ đồ, hiểu ý tưởng HLV, đỡ hơn cho phiên dịch rất nhiều.
- Xin cảm ơn ông!
"Bí mật" phía sau yêu cầu cực dị của HLV Park Hang-seo ở tuyển U22 Việt Nam HLV Park Hang-seo yêu cầu các học trò phải đổi chỗ liên tục khi dùng cơm để tăng cường sự gắn kết trong đội. HLV Park Hang-seo luôn có những chiêu bài tâm lý hiệu quả Chiều 20/8, trong phần trả lời báo chí trước buổi tập của U22 Việt Nam, thủ thành Nguyễn Văn Toản đã tiết lộ thông tin về việc...