Trò lớp 7 đánh bạn và câu hỏi dành cho người lớn
Hôm qua mạng xã hội xôn xao vì clip học trò lớp 7 ở Huế đánh, đạp bạn dã man vì… ghen tuông. Các bạn khác đứng xem, không hề can gián.
Nữ sinh lớp 7 trường THCS Trần Phú (Huế) đánh bạn.
Sau vụ nữ sinh ở Đà Nẵng dùng ống tuýp đánh bạn gây xôn xao dư luận hồi tháng 11, lại đến một vụ nữ sinh đánh bạn mới, ở Huế, mới ngày 11.1 vừa qua bị tung clip lên mạng. Clip này gây chấn động cho phụ huynh học sinh và những người làm giáo dục.
4 nữ sinh lớp 7 trường THCS Trần Phú (Huế) đánh hội đồng một bạn nữ ngay trong hành lang trường học, mức độ tàn bạo có lẽ cũng chẳng khác gì clip học sinh ở Trà Vinh cầm cả chồng ghế đập vào đầu bạn dạo trước. Cô giáo hiệu trưởng cho biết đã run người khi xem clip học trò trường mình đánh nhau.
Rất nhiều người lớn như cô hiệu trưởng, như tôi, như bao bậc cha mẹ học sinh khác, cũng run rẩy khi xem những clip học trò đánh nhau như gấu ó, như một bầy thú hoang như vậy trong trường học. Nhưng hết lần này đến lần khác, hết clip này đến clip khác, bọn trẻ cứ ngày một thú tính hơn, còn người lớn chúng ta, biết làm gì khác ngoài chuyện phẫn nộ, run rẩy và bất lực cùng nhau?
Clip những đứa bé đánh nhau, những đứa bé khác đứng cười, cổ vũ, quay rồi tung lên mạng như một chiến tích đó thật là một điều cay đắng. Lũ trẻ là những tờ giấy trắng, những tấm gương phản chiếu cái hành xử xuống cấp chung của toàn thế giới người lớn mà thôi.
Đầy rẫy những vụ người lớn đánh ghen lột đồ quay clip tung lên mạng, đầy rẫy những thảm án giết người, nhan nhản những vụ dối trá, lọc lừa, tham nhũng, chà đạp lên luân thường đạo lý… Đó là những giọt nước đen đúa mà người lớn đang vấy bẩn lên lũ trẻ.
Người lớn đừng chửi mắng lũ trẻ nữa, đừng chỉ phẫn nộ hay run lên mà không xem lại chính cách hành xử của mình. Xã hội chúng ta qua bao nhiêu năm đã bồi đắp được điều gì cho lũ trẻ? Bây giờ có ai mở miệng nói một lời khuyên răn đạo đức mà không thấy ngượng ngùng, chắc số đó còn rất ít.
Video đang HOT
Chúng ta thỏa hiệp với cái xấu, thờ ơ với cái ác, xem cái ác là chuyện hiển nhiên. Bệnh viện Bạch Mai lớn nhất nhì Hà Nội, mới đây phát hiện ra các bác sĩ đồng ý cho một xưởng chế biến nhựa từ rác thải y tế độc hại hoạt động ngay bên trong bệnh viện.
Một nhóm công an xã và huyện, chặn đường khám xét người dân, thấy có nhiều tiền, bèn xin 90 triệu để bồi dưỡng… và chúng ta cũng chỉ dám bất bình chút xíu, rồi lại cũng quên ngay.
Những cái ác cứ ngày một tăng lên theo cấp độ số nhân, và chúng ta như những “con nghiện”, thấy chừng đó mình vẫn còn chịu được.
Thế đấy, một xã hội mà cái ác đã khiến người ta trơ lì, không còn cảm xúc nữa, thì đương nhiên sẽ đầy rẫy clip những đứa trẻ đánh nhau như thú hoang.
Những đứa trẻ ngay từ bé đã phải quen với giả dối, với sự bất công, với những trò đểu giả ti tiện mà người lớn đối xử với nhau hàng ngày, những phiên tòa không có bóng dáng vị thần công lý, những mẩu tin tức về những vị quan tham bất chấp tất cả để kiếm tiền đầy túi, ký duyệt những dự án hoang phí tới mức vô nhân tính. Những đứa bé ấy, không đánh nhau mới lạ.
Phải làm sao đây để có những thế hệ tương lai biết sống tử tế với hai chữ “con người” đẹp đẽ, biết yêu thương, đứng về lẽ phải để bênh vực kẻ yếu, biết dũng cảm chống lại bạo lực và cường quyền, biết làm những việc nhân nghĩa, cao thượng?
Câu hỏi ấy trả lời thật khó, khi mà chính rất nhiều người trong số những người lớn chúng ta đây, còn chưa biết sống cho ra con người.
Mi An
Theo_Báo Đất Việt
Đường giao thông nông thôn vừa hoàn thành đã mục nát: Lỗi tại dân?
Đường vừa hoàn thành đã hỏng đặt ra những câu hỏi lớn về chất lượng thi công; về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý công trình.
Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường giao thông ở xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai được đầu tư xây dựng khá hoàn thiện, giúp xã hoàn thành tiêu chí đường giao thông trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng hoàn thành chưa lâu, hầu hết các con đường đều đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Thực tế này đặt ra những câu hỏi lớn về chất lượng thi công; đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý công trình, khi sự hư hỏng nhanh bất thường lại được lý giải như một điều bình thường, và lỗi hoàn toàn thuộc về nhân dân.
Đường mới sử dụng vài năm nhưng đã tàn tạ như sau mấy chục năm.
Con đường bê tông của buôn Phu Ama Miêng, xã Ia Rtô, nối Quốc lộ 25 với khu vực sản xuất của hơn 100 hộ trong buôn. Mới hoàn thành 4 năm nay, nhưng mặt đường đã hư hỏng gần như toàn bộ, gây ra bụi bẩn vào những ngày nắng và trơn trượt vào những ngày mưa.
Chị Rah Lan Chuýt, người dân buôn Phu Ama Miêng cho biết: "Nhà tôi đi làm rẫy thường xuyên, ngày nào cũng đi, chở mì chở lúa bị ngã. Đường người ta làm không bảo đảm gì hết, không có đá, cát không, làm bể lung tung hết, chở gì cũng ngã; ngày mưa thì bẩn thỉu, ngày nắng thì bụi.
Trên đoạn đường "bê tông", mặt đường chỉ là một lớp vữa ximăng rất mỏng.
Đường mới hoàn thành đã hư hỏng, xảy ra ở tất cả 4 buôn, 2 thôn của xã Ia Rtô, thị xã A Yun Pa, với đặc điểm chung là lớp mặt bê tông bị vỡ vụn, trơ ra sỏi cát, gây mất an toàn giao thông.
Điều ngạc nhiên là, khi đề cập vấn đề này, một trong những đại diện của chủ đầu tư, ông Phan Tấn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rtô, lập trức trốn tránh thực tế, nói rằng, đường hư hỏng không đáng kể. Đến khi phóng viên đưa ra những hình ảnh làm bằng chứng, ông Sỹ cho rằng, lỗi này thuộc về người dân địa phương: "Nguyên nhân trơ cát và trơ sỏi là do nhân dân dùng xe công nông đi bằng bánh lồng thì buộc lớp xi măng bên trên phải bung lên. Đó là do người dân không quản lý được. Nếu đúng tiêu chuẩn thì buộc nó vẫn phải chóc. Đi từ năm này tới năm kia thì buộc nó phải hao mòn con đường."
Những con đường do chính quyền xã vừa làm chủ đầu tư, vừa là đơn vị giám sát thi công lại tạo nên một bộ mặt nông thôn nhem nhuốc. Còn người dân thì luôn đặt câu hỏi về chất lượng đáng ngờ của những con đường. Anh A Thon, người dân có nhà cạnh con đường dẫn vào buôn Phu Ma Nher, nói: "Bị hư một là do họ làm mà không lấp đất 2 bên, khi nào mưa xuống là trôi đất, lún, xi măng 2 bên bể. Nếu xe bình thường thì đi được, xe công nông chở nặng hơn 1 chút là nó cũng bể. Cái đó là do người làm ấy chứ, do chất lượng làm nó kém".
Phải đợi đến khi cơ quan chức năng thị xã Ayun Pa hoặc tỉnh Gia Lai vào cuộc, mới có thể trả lời chính xác được rằng, giao thông nông thôn ở xã Ia Rtô nhanh chóng hư hỏng, có phải do chất lượng thi công kém hay không. Tuy nhiên, do khâu quản lý, khai thác đầy bất cập thì là điều đã rõ ràng. Trong suy nghĩ của lãnh đạo xã, đường hỏng thì sửa. Đường do dân sử dụng mà hỏng thì dân tiếp tục đóng tiền.
Chất lượng nền đường "nông thôn mới" ở Ia Rtô lộ rõ với lớp ximăng-cát dày chưa tới 10cm.
Ông Phan Tấn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rtô khẳng định: "Kế hoạch là chúng tôi buộc phải sửa chữa tiếp. Nguồn vốn tiếp tục vận động người dân. Nguồn vốn này là nhà nước và nhân dân cùng làm, cũng vận động từ nhân dân mà ra. Nhà nước đầu tư một lần, nhà nước không đầu tư nữa thì vận động nhân dân để mà khắc phục. Bình quân chia ra, trong 1 thôn là bao nhiêu hộ, bao nhiêu nhân khẩu, bao nhiêu lao động, chia ra để người ta cùng nhau xây dựng lại con đường. Dân làm hư thì buộc nhân dân làm sao phải có trách nhiệm làm lại con đường này để đi".
Nhằm chỉnh trang bộ mặt địa phương, hoàn thành các tiêu chí đường giao thông trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ năm 2005 đến nay, bằng vốn ngân sách nhà nước và đóng góp của nhân dân, xã Ia Rtô đã làm hàng chục km đường bê tông dẫn vào các thôn, buôn, với kinh phí nhiều chục tỷ đồng. Đến nay, xã đã hoàn thành 11/19 tiêu chí về nông thôn mới, trong đó, có tiêu chí về đường giao thông. Tuy nhiên, làm đường giao thông rồi phó mặc cho dân, không có biện pháp quản lý, khai thác hiệu quả, như đang diễn ra ở xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa tỉnh Gia Lai sẽ chẳng có con đường nào có thể khai thác được lâu bền. Và với cách nghĩ phó mặc nhân dân như vậy, không biết đến bao giờ mới có một nông thôn mới thật sự được xây dựng ở xã này./.
Nguyễn Thảo
Theo_VOV
14 câu chất vấn chờ Thủ tướng Các câu hỏi tập trung vào chủ đề như bảo vệ chủ quyền biển đảo, tổ chức chính phủ, vị thế của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, quản lý trái phiếu Chính phủ... Từ 10h đến 11h15 sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tân Dung sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trưc tiếp trả lời...