Trở lại phố đường tàu, Kỳ cuối: Vĩ thanh buồn
“Nhà bao việc” mà vẫn phải trở lại phố đường tàu để rồi nặng trĩu. Vì sao vậy…
Thư giãn ngồi đợi tàu, trong cái quán tên là “Sân Ga” . ẢNH: NGỌC TÚ
DƯỚI VÒM CÂY “SỐNG ẢO”
Trưa 16/10, tôi quyết định đến phố đường tàu lần nữa nhưng không phải đoạn có xóm cà phê, mà là con đường dẫn đến vòm cây gần phố bích họa. Vì nghe nói đây là thủ phạm khiến chuyến tàu mang số hiệu LP5 từ Hà Nội đi Hải Phòng phải dừng khẩn cấp 10 ngày trước đó.
Những cây này tự sinh tự lớn, mọc vòng bên này sang bên kia đường tàu. Lâu ngày cây xanh tốt sà xuống, tàu đi xuyên qua tạo thành vòng cung đẹp lãng mạn làm các bạn trẻ đổ xô đến check in (nhiều người nói nặng lời: “sống ảo”). Nghe nói chiều 6/10 đó, tụ tập đông quá mà đoạn này không phải đường dân sinh, không có lối đi xuống (đường tàu cao hơn mặt đường phố khoảng 2 mét), nếu tàu đi qua khách chỉ còn cách nép sát lan can. Chật lại đông cho nên tàu mới phải dừng.
Bây giờ, tin mới là vòm cây không còn mướt mát như trước mà đã bị phạt bớt, xơ xác. Và có leo lên đây mới thấy, bẩn kinh. Từ đoạn Nguyễn Văn Tố nhìn sang cho đến phố bích họa – rác đầy đường ray và dọc hai bên, cả “mìn mo”.
Xóm cà phê đường tàu cũng chỉ mới khá lên thôi. Trước kinh lắm. Xem clip của những người nước ngoài đầu tiên khám phá phố đường tàu, làm cách nay 2 năm, cảm giác của tôi là vừa ái ngại vừa thầm trách sao người dân lại để mình sống trong cảnh nhếch nhác uế tạp như thế mà vẫn chịu được. Nói vui là “bôi bác chế độ”.
Tú và Thủy, cư dân ở đây, thanh minh: Đó là do những người thuê trọ. Vì xóm đường tàu vốn rất nghèo khổ, toàn sống bằng đạp xích lô, chở hàng, bán cơm bình dân, và cho người lao động nghèo ở ngoài đến thuê trọ. Họ cứ giặt giũ, nấu nướng, phơi phóng quần áo dọc đường tàu, bảo không được…
Có phải, cuộc mưu sinh nhọc nhằn khiến chúng ta coi sự sạch sẽ tinh tươm là xa xỉ? Cứ phải sống đã còn thì tính sau? Mà không riêng nơi nào đâu, không chỉ tầng lớp dưới đáy đâu. Tú ở trên kia, nói: “Xóm này tất nhiên chất lượng sống kém nhưng còn hạnh phúc hơn ối nhà phố cổ, 3 đến 5 mét vuông, thay quần áo phải nằm, báo chí vừa viết đấy…”.
Trong khi chờ đời sống khá lên, sao ta không thu vén không gian quanh mình, xóm, phường, quận, thủ đô của mình? Cả Hà Nội ô nhiễm vì bụi và khói chưa đủ sao, mà còn tự tạo những nguy cơ, độc hại chết người khác nữa?
Dù số phận cà phê đường tàu thế nào, tôi hy vọng người dân ở đây không trở lại nếp sống tạm bợ xưa, còn du khách cũng liệu tiết chế. Đến vòm cây, mảnh xanh đầy nhân văn, làm dịu bớt náo nhiệt phố phường và phiền toái tàu xe, mà rồi cũng phải chặt hạ, nếu chỉ vì để khỏi chếch in chếch iếc, thì có đáng?
NHỮNG KIẾN NGHỊ
Video đang HOT
Xóm đường tàu giờ thay đổi chóng mặt dù dấu tích thời bao cấp vẫn còn đó. Nhiều quán xá trang trí rất được. Cao hứng, bà con lắp đèn lồng trông lung linh (giờ gỡ hết rồi).
Tú, chủ quán Sân Ga – quán cà phê đầu tiên ở phố đường tàu, cùng chị em Mai – Thủy ở số nhà 40 cho biết: Nhà họ luôn trang trí hình ảnh Hà Nội cổ, nào tàu điện, Ô Quan Chưởng, cầu Long Biên… Tú kể: Có du khách hỏi về lịch sử đoạn phố này, tôi cho biết nó có từ năm 1902 gắn với lịch sử đường sắt Việt Nam do người Pháp xây dựng. Nghe câu chuyện đường sắt và chiến tranh, đột nhiên người khách Pháp nghẹn ngào.
Những phụ nữ này – Tú, Mai, Thủy, tổng kết: Du khách đến đây, họ không chỉ muốn ăn uống và ngắm tàu thôi đâu. Chính vì thế người nơi khác đến đây bán quán sẽ không thể bằng dân gốc, vốn là cán bộ công nhân viên đường sắt và con cháu họ. Khách muốn nghe chính những người này kể chuyện cuộc sống của mình, kể về lịch sử Hà Nội, lịch sử đường sắt…
Vâng, được thế thì tốt quá. Mỗi người không chỉ là cư dân, làm kinh doanh mà còn là một hướng dẫn viên du lịch. Cả khu phố là những chứng tích, chứng nhân lịch sử. Thậm chí những đại sứ du lịch.
Tàu hằng ngày vẫn phải chạy. Người dân vẫn phải sống, cho nên nhiều chuyên gia đã lên tiếng kiến nghị giải pháp cho nơi này.
Trong khi một số nhà quản lý cho rằng, không nên để mất bò mới lo làm chuồng, và không hút khách Tây bằng mọi giá, thì Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền kiến nghị không nên “xóa hết” mà cần khảo sát vị trí nào có hành lang đủ an toàn thì cho tồn tại quán xá, và phải lấy ý kiến dân chúng cũng như chuyên gia để có hướng xử lý phù hợp. Một chuyên gia giao thông khác, ông Nguyễn Văn Thanh nhận định: “Cố tình cấm sẽ như bắt cóc bỏ đĩa, dân sẽ tiếp tục kinh doanh trong nhà bởi nhu cầu của khách là có. Đây là xu thế phát triển, ta không thể ngăn được”. Phó trưởng phòng Vận tải- An toàn Giao thông, Cục Đường sắt Việt Nam – ông Uông Đình Hùng nêu ý kiến: “Ngoài tuyên truyền vận động dân ký cam kết an toàn đường sắt, có thể làm các đường gom có hàng rào – một hàng rào rất văn hóa chứ không phải rào cấm. Khách có thể đứng bên trong hàng rào ngắm tàu chạy qua”…Vân vân.
THẬP DIỆN MAI PHỤC
Người ta nói mỗi mét đất ở Hà Nội đều là di tích. Thế rồi hằng ngày đi qua các di tích lịch sử, sông hồ, danh lam thắng cảnh, phố xá…, người sống lâu năm ở Hà Nội như tôi thấy ta đang phí phạm ghê gớm cơ hội làm nơi sinh sống của mình khá hơn, du lịch khởi sắc hơn. Để du khách đến đây muốn quay lại chứ không phải là “thử một lần cho biết” như hiện trạng.
Từ việc không quá lớn như xử lý cà phê đường tàu sao cho vẹn đôi đường đã thấy bấn xúc xích, chưa thấy cái khó ló cái khôn. Cái khó của chúng ta, không riêng ai, không riêng phố đường tàu, là: vừa ở giữa muôn trùng vây của cuộc mưu sinh lại phải lo âu tăng trưởng du lịch, và thượng tôn pháp luật…
Thế nên trong bối cảnh không khí thì ô nhiễm, đáng báo động ở hàng “Top” thế giới, lại bồi thêm những vố như vụ phát tán thủy ngân do cháy Rạng Đông, hoặc nước nhiễm dầu khiến ký ức bao cấp một phen ùa về… Đi trên phố đường tàu hôm nay – một mảnh nhỏ Hà Nội, thấy lòng trĩu nặng hơn là hy vọng…
Chị Jackie Jameson, du khách đến từ nước Anh, nhiệt tình góp ý với cư dân khi được hỏi về giải pháp cho cà phê đường tàu nếu được mở lại: “Có thể đặt barie trước các quán. Khi tàu đến, barie tự động kéo và chuông cảnh báo sẽ kêu. Kèm theo đó, hãy thử áp dụng cảm biến tự động khi tàu đến. Nên áp dụng nhiều công nghệ để đảm bảo an toàn, và cũng nên hạn chế số khách tham quan…”.
Du khách Hàn Quốc khoe vét nhẵn đĩa thức ăn. Ảnh: THANH THỦY
DƯƠNG PHƯƠNG VINH
Theo tienphong.vn
Cầu Long Biên chứng tích lịch sử
Hà Nội có cầu Long Biên/Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng/Tàu xe đi lại thong dong/Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi... Từ lâu, cầu Long Biên đã đi vào thi ca Việt Nam như một hình ảnh đẹp và độc đáo về văn hóa, lịch sử do con chính bàn tay con người tạo nên.
Hà Nội là một thành phố bình yên và mang nhiều dấu ấn lịch sử. Đây cũng chính là lý do khiến cho một người con đến từ miền Trung như tôi cảm mến và yêu Thành phố này tha thiết như vậy.Với người Hà Nội, cầu Long Biên không chỉ là cây cầu nối hai bờ sông Hồng mà còn là một chứng tích lịch sử gắn liền với Thủ đô suốt nhiều thập kỷ qua.
Tôi yêu Hà Nội với dòng sông Hồng quanh năm ngầu đỏ màu nồng đậm của phù sa, lúc nước dâng cuồn cuộn hung dữ, lúc lại trôi lờ lững yên bình. Và tôi yêu cả những cây cầu nối liền hai bờ sông ấy.
Cầu Long Biên, chứng nhân lịch sử
Thông thường, cứ khoảng một vài tháng tôi lại vượt sông Hồng đi thăm thú đâu đó cho thỏa thú xê dịch. Hay đơn giản chỉ là dạo xe vài vòng trên những con cầu để vừa ngắm cảnh, vừa mường tượng ra những sự kiện lịch sử về chúng mà sử sách ghi lại.
Xưa nay, cầu bắc qua sông Hồng không hiếm nhưng nếu nói cây cầu mang trong mình nhiều thăng trầm lịch sử, cũng như nét hào hoa của Hà Nội thì có lẽ không cây cầu nào sánh bằng cầu Long Biên. Hơn 100 năm qua, suốt lịch sử hình thành và tồn tại của mình, cầu Long Biên là chứng nhân quan trọng cho những thời khắc không thể nào quên của Hà Nội.
Ngược dòng thời gian, cầu Long Biên là cây cầu đầu tiên được xây vượt sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên bây giờ. Đi qua cầu, bên phía quận Hoàn Kiếm người ta có thể dễ dàng nhìn thấy một tấm biển sắt chạm nổi dòng chữ: 1899 - 1902; Daydé & Pillé, Paris. 1899 - 1902 là năm xây dựng và hoàn thành cây cầu. Còn Daydé & Pillé là tên một công ty xây dựng của Pháp trụ sở ở Paris có bản thiết kế được coi là phương án tối ưu nhất trong 6 công ty của Pháp tham gia đấu thầu xây dựng cây cầu lịch sử.
Ngày 13/9/1889, viên đá đầu tiên đã chính thức được Toàn quyền Paul Doumer đặt xuống tại vị trí mố cầu bên bờ tả ngạn sông Cái. Sau gần 3 năm thi công, ngày 28/2/1902, cầu đã chính thức được khánh thành và đặt tên là cầu Doumer.
Về sự kiện này, trong một lần cùng tôi thong dong dạo ngắm cảnh sông Hồng, PGS.TS Trần Xuân Dung - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, một người yêu thích tìm hiểu lịch sử Thủ đô đã kể lại rằng: Theo sử sách, vào một ngày cuối tháng 2/1902, chuyến xe lửa xuất phát từ ga Hàng Cỏ đưa Vua Thành Thái, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, nhà vua Malaysia, Hoàng gia Campuchia, Đô trưởng Viêng Chăn (Lào) tới làm lễ khánh thành cầu trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân bản xứ.
Báo chí thời ấy có mô tả lại: Cây cầu như con rồng xanh bắc ngang qua dòng nước; như dải cầu vồng đỡ lấy bầu trời, ngắm nhìn mà hoa cả mắt không sao kể xiết được. Từ đây, nhân dân qua lại, bách vật thông thương không còn xa cách.
Đến nay, dù đã hơn 100 năm trôi qua, nhưng mỗi khi đi trên cây cầu thép lịch sử ấy ta vẫn dễ dàng nhận ra một quá khứ hào hoa. Những dầm thép vươn cao đầy tinh tế và khỏe mạnh, kết cấu thép vừa tạo độ vững chãi cho cây cầu, vừa có sự lãng mạn, bay bổng từ bàn tay tài hoa của những kỹ sư đến từ Paris. Có thể nói tất cả những cây cầu xây trên đất Đông Dương thời điểm đó không cây cầu nào đẹp và độc đáo bằng cầu Long Biên.
Với mỗi người dân Hà Nội nói riêng, cầu Long Biên có ý nghĩa rất lớn bởi đó không chỉ là cây cầu nối liền hai thế kỷ, là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với phương Tây mà còn là "chứng nhân lịch sử", là biểu tượng kiên cường, hiên ngang trong chiến tranh.
Vốn do thực dân Pháp xây dựng với ý đồ khai thác thuộc địa lần thứ nhất và phục vụ việc đàn áp các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của người dân Bắc kỳ, chính vì vậy mà cầu Long Biên đã được xây dựng bằng rất nhiều xương máu của người Việt Nam. Cây cầu ấy đã cùng người dân Thủ đô kiên cường, vững vàng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trở thành chứng nhân của lịch sử đồng thời tự mình hóa thân thành lịch sử.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cầu Long Biên đã chứng kiến cuộc rút lui "thần kỳ" để bảo toàn lực lượng anh dũng của Trung đoàn Thủ đô và một bộ phận nhân dân qua gầm cầu vào đêm ngày 17 rạng sáng ngày 18/2/1947. Những ngày tháng sau đó, chiến tranh diễn ra liên miên, cầu Long Biên trở thành huyết mạch chiến lược giao thông phải oằn mình chịu những tàn phá của chiến tranh.
Chiếc cầu này đã từng bị nghiêng vì những dòng chiến xa thực dân điều quân từ trong thành phố sang sân bay Gia Lâm để tăng cường cho chiến trường Điện Biên Phủ. Rồi vào những ngày thu năm 1954, cầu Long Biên lại chứng kiến những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội theo Hiệp định Giơnevơ và cũng từ cầu Long Biên, những khẩu pháo ngạo nghễ cùng sông nước quật cổ lũ giặc trời, cùng cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại đi tới một Điện Biên Phủ trên không chấn động địa cầu.
Sau ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954), Đốc lý Hà Nội - bác sĩ Trần Văn Lai đã đổi tên thành cầu Long Biên. Từ đây, cái tên cầu Paul Doumer đã lùi dần vào dĩ vãng.
Khi sắp bước vào tuổi 70 cũng là thời điểm chiếc cầu huyền thoại phải chịu đựng những thử thách khốc liệt nhất. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ (1965 - 1972), cầu Long Biên bị ném bom 14 lần. Đã có 9 nhịp cầu bị đánh gục và 4 trụ bị hư hỏng nặng, nhưng cầu gãy lại được nối, cầu hỏng lại được sửa ngay để đảm bảo huyết mạch lưu thông. Hơn 1,8 cây số đường cầu dường như chưa bao giờ bị gián đoạn giao thông, cầu chưa bao giờ ngừng hoạt động.
Viết về những ngày ấy, thi sĩ Xuân Quỳnh đã từng thốt lên: Cầu Long Biên - đó là tên cầu cũ/Bắc qua sông bằng sắt thép già nua/Chiếc cầu ấy biết bao lần giặc phá/Không thanh sắt nào không vết đạn bom/Xe vẫn chạy trên chiếc cầu chắp vá/Tàu hỏa, ô tô có đoạn phải chung đường...
Dù mang trên mình không ít ký ức đau thương nhưng suốt những năm tháng khốc liệt ấy, cây cầu đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh phi thường của những người ngày đêm bảo vệ Hà Nội. Đối với các chiến sĩ, bảo vệ cầu Long Biên là một nhiệm vụ thiêng liêng. Nhiều trận đánh dữ dội diễn ra, máu của bao chiến sĩ ngã xuống để cầu Long Biên được đứng vững.
Hòa bình lập lại, chiếc cầu già nua đầy mình thương tích. Nó tiếp tục oằn mình chịu đựng sức nặng ngày càng tăng với sự phát triển của Thủ đô và đất nước cho đến khi hai chiếc cầu mới là Thăng Long và Chương Dương hoàn thành.
Trải qua không biết bao biến động với nắng gió thời gian, chiến tranh tàn phá, cầu Long Biên giờ chỉ còn lại một nhịp kép phía Bắc, một nhịp kép phía Nam cộng thêm với nửa nhịp kép nằm giữa sông là còn giữ được vóc dáng nguyên bản. Các nhịp cầu bị bom đánh đổ đã được thay bằng các dầm bán vĩnh cửu có độ khẩu nắn đặt trên các trụ xây mới. Nhưng cầu Long Biên vẫn nằm đó, vắt ngang dòng sông Mẹ như con rồng xanh ngàn năm vẫn trầm tư ngắm thành phố thân yêu đang đổi thay từng ngày.
Hà Nội của hôm nay hối hả trong dòng chảy của thời đại mới và đã có thêm nhiều cây cầu hiện đại, bề thế. Vai trò huyết mạch giao thông đã không còn, cầu Long Biên giờ chỉ dành cho người đi xe đạp, xe máy và những đoàn tàu, nhưng cây cầu vẫn không mất đi vị trí vốn có của nó trong lòng những người con Hà thành.
Lê Thắm
Theo laodongthudo.vn
Nhật Bản: Lượng du khách Hàn Quốc sụt giảm mạnh Trong năm 2018, du khách Hàn Quốc chiếm gần 25% lượng du khách nước ngoài tại Nhật Bản, chi tiêu tổng cộng 588 tỷ yen (5,5 tỷ USD), và chỉ đứng sau khách du lịch đến từ Trung Quốc đại lục. Nhà ga Shibuya ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo-TTXVN Hình ảnh những du khách Hàn Quốc trẻ đang chụp lại logo được...