Trở lại Hồ Gươm, rùa sẽ… sốc và đói?
Ngày bủa lưới đưa rùa lên bờ, không có con cá nào mắc lưới, Hồ Gươm gần như không còn cá. Ngoài ra, việc sống trong bể điều dưỡng sạch sẽ, có thể làm rùa bị sốc khi trở lại tự nhiên.
Sáng qua, bên cạnh việc tiếp tục chăm sóc vết thương cho rùa, các thành viên tổ chữa thương bàn biện pháp đưa rùa trở lại Hồ Gươm, trong khi thức ăn tự nhiên của rùa gần như không còn.
Rùa Hoàn Kiếm sẽ thiếu thức ăn khi được trở lại hồ
Ngày bủa lưới đưa rùa lên bờ, không có con cá nào mắc lưới. “Có ý kiến cho rằng, do mắt lưới to nên cá lọt ra ngoài. Nhưng cũng lưới với kích cỡ mắt như vậy, khi diễn tập ở hồ Đồng Mô, chúng tôi bắt được từ cá vài chục cân đến cá bé bằng mấy ngón tay”, TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản, nói.
Theo nhiều nhà khoa học, Hồ Gươm gần như không còn cá dù việc cấm đánh bắt được thực hiện nhiều năm nay. “Phải thả cá lại hồ. Nhưng thả loại nào, phải bàn”, TS Vĩnh nói.
Có mặt trong buổi chữa trị cho rùa sáng 13.4, TS Bùi Quang Tề (Viện Nuôi trồng Thủy sản) và nhiều thành viên tổ chữa thương nhất trí cần có một hội thảo về vấn đề này.
Video đang HOT
Chiều 13.4, nhóm điều trị trình các đề xuất lên UBND TP Hà Nội để nhanh chóng xây dựng lộ trình đưa rùa Hồ Gươm trở lại tự nhiên.
Sáng qua, trong bóng râm của bể điều dưỡng, rùa không tỏ ra sợ sệt khi có người tới gần. Tất cả hoạt động chữa trị diễn ra suôn sẻ vì rùa tỏ ra khá hiền lành.
TS Nguyễn Văn Vĩnh, thành viên tổ chữa thương, nói: “Nếu cứ để rùa ở trong bể thời gian nữa, rùa sẽ quen với điều kiện nuôi nhốt, dạn với người, quen được cho ăn, kẻ xấu có thể dễ dàng tiếp cận khi rùa nổi lên gần bờ”, TS Vĩnh nhận định.
Trong khi đó, ngay cả khi đã lành bệnh, rùa Hồ Gươm không thể sớm trở lại hồ và việc cải tạo hồ chưa xong. Theo các thành viên Ban Quản lý Hồ Gươm, việc cải tạo hồ, vớt dị vật và hút bùn lòng hồ sẽ kéo dài 2 – 3 tháng nữa, dù việc hút bùn dự kiến áp dụng công nghệ Đức từng thử nghiệm năm 2009.
Nếu đợi cải tạo xong hồ mới đưa rùa xuống thì nguy cơ bị thuần hóa, quen với nuôi nhốt là rất cao, tổ chữa thương nhận định. Ngoài ra, việc sống trong bể điều dưỡng sạch sẽ, nhưng thiếu các vi chất tự nhiên trong bùn có thể làm rùa phát sinh bệnh mới hoặc bị sốc khi trở lại tự nhiên.
Một trở ngại nữa là bể điều dưỡng bằng thép rất nóng vào buổi chiều. Nhóm chữa thương đang đề xuất làm thêm mái che tại khu điều dưỡng, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Theo Tiền Phong
Rùa Hồ Gươm là 'cụ bà' hay 'cụ ông'?
Rùa Hoàn Kiếm vừa được mang lên chữa trị rất có thể là "cụ" bà, TS Bùi Quang Tề, Viện Nuôi trồng Thủy sản, trưởng nhóm chẩn đoán và chữa bệnh cho Rùa Hoàn Kiếm, nhận định. Trong khi đó, ông Hoàng Văn Hà, cán bộ chương trình Bảo tồn rùa châu Á cho biết, trong trường hợp chỉ có 1 cá thể thì việc xác định giới tính là không thể.
TS Tề cho biết, đã bôi thuốc lên các vết thương trên cổ và mai rùa, cho tắm bằng thuốc betadine, hay còn gọi là iod hữu cơ - loại vẫn dùng chữa cho người. Cá tiếp tục là món ăn được Rùa lựa chọn. "Sức khỏe của "cụ" không quá tệ, nhưng do đã quá già nên việc phục hồi sẽ khá chậm" - TS Tề cho biết.
Cũng theo TS Tề, rùa được bắt lên chính là cá thể rùa bị thương nặng mà báo chí thời gian qua đã thông tin. "Cụ" Rùa không bị mất móng, vết màu trắng trên chân phía trước và trên cổ là do giảm sắc tố da sau khi vết thương đã thành sẹo. Đáng lo ngại nhất là nguy cơ bệnh viêm phổi. Các thành viên trong tổ chữa trị đã lấy mẫu bệnh phẩm để tìm tác nhân gây bệnh, phân loại hình thái, xác định giới tính.
Các nhà khoa học chưa đưa ra được kết luận cụ rùa đang là "bệnh nhân" mang giới tình gì - Ảnh: Hoàng Long
"Nhóm đã thu mẫu ADN, dự kiến cuối tuần này có thể đưa ra kết luận về bệnh trạng, giới tính của Rùa Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, dựa vào đặc điểm hình thái mà chúng tôi quan sát được, có thể khẳng định 90% là "cụ" bà!", TS Tề nói.Tổ chữa thương cho Rùa Hoàn Kiếm thêm một lần khẳng định có hơn hai cá thể Rùa Hoàn Kiếm. TS Tề cho biết, đã nhìn thấy cá thể rùa khỏe mạnh hơn. Do khỏe hơn nên cá thể rùa này ít nổi hẳn lên mặt nước. TS Tề phủ nhận việc có thông tin cho hay trong buổi đưa Rùa Hoàn Kiếm lên bờ, tổ lai dắt còn bắt được một cá thể rùa con "có thể là hậu duệ của Rùa Hoàn Kiếm".
TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản, cho rằng có ít nhất ba cá thể rùa khổng lồ tại Hồ Gươm. Trong số đó, có một cá thể rất khỏe, mai dài hàng thước màu xanh đen, rất lanh lợi chứ không chậm chạp như cá thể đã bắt được.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, cũng cho rằng, khả năng Hồ Gươm có trên một cá thể rùa với diện tích hồ đủ rộng thế này.Theo TS Tề, để xác định tuổi, phải lấy được xương của cá thể. Thời điểm hiện tại, chỉ tập trung chữa bệnh và tăng cường dinh dưỡng chứ chưa có cách nào lấy được mẫu xương rùa. Do đó công việc này sẽ được tiến hành sau. Các chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn rùa Châu Á cũng cho biết, đến nay, chưa có cách nào xác định được tuổi của loài rùa mai mềm.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Hà, cán bộ chương trình Bảo tồn rùa châu Á cho biết, trong trường hợp chỉ có 1 cá thể thì việc xác định giới tính là không thể.
Ông Hà giải thích, việc xác định giới tính rùa được thực hiện dựa trên 3 phương pháp: Thứ nhất dựa trên độ dài và to của đuôi. Đuôi của con đực to và dài hơn đuôi của con cái cùng loại. Thứ hai là xác định vị trí của hậu môn. Hậu môn của con đực nằm xa gốc đuôi hơn so với con cái. Cuối cùng là sự khác nhau của yếm. Con đực trưởng thành có yếm lõm, con cái có yếm phẳng (tiêu chí này áp dụng cho một số loài).
Về vấn đề xác định tuổi, việc xác định tuổi của rùa mai cứng khá dễ dàng, giống như việc đếm những vòng gỗ, có thể đếm số vòng sinh trưởng trên mai rùa để biết số tuổi. Tuy nhiên, với loài rùa mai mềm phức tạp hơn nhiều.
Các chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn rùa châu Á cho hay, đến nay chưa có cách nào xác định được. Công nghệ gen chỉ có thể nêu ra được những đặc tính khác về loài. Người ta có thể sử dụng các đồng vị phóng xạ để xác định niên đại của động vật. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ sử dụng cho những mẫu vật có niên đại rất lớn.
Theo PGS.TS Lê Quang Huấn, trưởng phòng Công nghệ Tế bào Động vật, Viện Công nghệ Sinh học, việc xác định tuổi và giới tính của rùa bằng công nghệ là rất khó. Công nghệ gen chỉ có thể đọc được đó là loài nào, tên gì, có giống với các loài rùa trước đây hay không.
Không đơn giản như việc xác định giới tính ở người hay các loài động vật có vú khác, giới tính ở rùa vốn không rõ ràng, lại là loài động vật hoang dã nên vô cùng khó khăn. Nếu làm thì phải tiến hành nghiên cứu rất kỹ các loại công nghệ cũng như phương pháp xác định khác nếu có.
Theo Vietnamnet
Đếm... kịch tính cuộc lai dắt cụ Rùa Điểm lại những hồi gay cấn trong hơn 7 tiếng đồng hồ vây bắt cụ Rùa, niềm an ủi lớn sau những "chưng hửng" khi cụ Rùa vọt cả 2 vòng lưới là độ "sung" của cụ. Không ít nụ cười rạng rỡ khi tận mục khoảng lưới bị đục thủng... Từ sáng sớm, các đơn vị tham gia đã tập kết chuẩn...