Trở lại Hawaii hậu Covid-19 khó khăn và tốn kém hơn
Vô số cuộc xét nghiệm Covid-19, chi phí cách ly đắt đỏ, nhiều dịch vụ đội giá là những gì chờ đợi khách du lịch trở lại thiên đường du lịch Hawaii sớm.
Những khách du lịch đã tiêm chủng có thể sớm được đến Hawaii (Mỹ) mà không cần xét nghiệm Covid-19 hoặc thực hiện cách ly, theo New York Times.
“Do tình trạng sức khỏe cộng đồng của Hawaii được cải thiện, cũng như tình hình kinh tế dần ổn định, tôi đang dần nới lỏng một số quy định khẩn cấp được áp dụng hơn một năm qua”, David Ige, Thống đốc bang Hawai, nói hôm 8/6.
Tuy nhiên, đối với những ai ghé qua Hawaii trong thời gian gần đây, và cả người dân địa phương phải liên tục di chuyển giữa các hòn đảo, kế hoạch của thống đốc là quá muộn.
Khách du lịch sớm được trở lại Hawaii mà không vướng bận các thủ tục xét nghiệm hay cách ly.
Thủ tục xét nghiệm phức tạp
Trong 8 tháng vừa qua, tiểu bang này là nơi có quy tắc nhập cảnh nghiêm ngặt nhất xứ cờ hoa kể từ khi Covid-19 bùng phát.
Hiện, bất kể được tiêm vaccine hay chưa, du khách đều phải xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ đồng hồ trước.
Mỗi lần xét nghiệm như vậy tốn khoảng 200-300 USD. Những người đã tiêm chủng phàn nàn rằng chúng quá tốn kém và không cần thiết.
Nhiều du khách cho biết các quy định xét nghiệm từ đất liền đến Hawaii rất dễ hiểu và rõ ràng trên trang web Du lịch An toàn. Thế nhưng, quy định về việc di chuyển giữa các đảo tại Hawaii lại rất mơ hồ và khó nắm bắt.
Desiree Baker đã sử dụng mạng xã hội để chia sẻ nỗi thất vọng của cô.
Đầu tiên, cô hạ cánh ở đảo Maui, sau đó tới Oahu vài ngày trước khi quay trở lại Maui. Desiree và bạn không thực hiện xét nghiệm trước khi rời Oahu để về Maui.
Do đó, khi hạ cánh, lính Vệ sinh Quốc gia đã có mặt tại sân bay Maui và yêu cầu họ trở lại Oahu để xét nghiệm Covid-19, hoặc ngay lập tức đi cách ly. Desiree bày tỏ mong muốn được cách ly tại căn Airbnb mà họ thuê, nơi hai cô gái để nhiều đồ đạc lại trong thời gian du lịch tới Oahu.
Các thủ tục khai báo y tế và xét nghiệm phức tạp khiến những du khách đến Hawaii gặp nhiều rắc rối.
Video đang HOT
“Tuy nhiên, họ nói rằng việc cách ly tại Airbnb là vi phạm pháp luật. Chúng tôi buộc phải ở tại một trong số các khách sạn trong danh sách với giá từ 300 USD/đêm, đồng thời không được lấy tư trang từ căn Airbnb sang đó”, cô cho biết.
Thay vào đó, Desiree và bạn đành mua tấm vé khứ hồi trị giá 155 USD/người để bay ngược lại Oahu và chi thêm 140 USD để xét nghiệm Covid-19.
Thông tin mập mờ, khó hiểu
Janet Flagg, cố vấn du lịch tại Boost Journeys, một đại lý tập trung khai thác các chuyến nghỉ dưỡng xa xỉ, cho rằng các hãng hàng không nên làm tốt hơn nữa trong việc thông báo cho hành khách biết điều gì sẽ xảy ra khi họ hạ cánh.
“Chẳng hạn, bay từ Boston tới Hawaii mất tới 13 tiếng, tức hành khách đã ‘bị giam cầm’ trong khoảng thời gian dài. Ấy vậy, họ vẫn không được chuẩn bị gì trước khi hạ cánh. Đến lúc xuống sân bay lại xảy ra tình trạng hỗn độn”, cô nói với New York Times.
Nhiều người phàn nàn về chi phí cách ly và xét nghiệm ở thiên đường Hawaii quá đắt đỏ.
Quá trình khai báo y tế ở sân bay cũng diễn ra không mấy suôn sẻ. Ngay cả những người hoàn thành đủ yêu cầu khai báo y tế và đã xét nghiệm âm tính với Covid-19 vẫn có thể bị đưa đi cách ly.
Betsy Blair, một nhà tâm lý học sống ở thành phố Milwaukee (bang Wisconsin), đã du lịch đến Hawaii cùng vợ trong tháng này. Họ đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, bao gồm kết quả xét nghiệm âm tính, trước khi khởi hành.
Betsy và vợ bay đến thị trấn Kailua-Kona ở đảo chính Hawaii mà không gặp bất kỳ rắc rối nào. Sau đó, họ dành vài đêm ở Maui và Hilo trước khi trở lại đảo chính.
Betsy cho biết cô đã nhiều lần hỏi nhân viên khách sạn tại Maui rằng mình và vợ có cần xét nghiệm trước khi quay lại đảo Hawaii không. Câu trả lời họ nhận được là “không”.
Thế nhưng, ngay khi đặt chân xuống đảo Hilo, Besty và vợ bị đưa đi cách ly. May mắn hơn Desiree, họ được ở lại căn Airbnb đã thuê. Tuy nhiên, hợp đồng thuê ôtô của họ lập tức bị hủy, bởi thông tin đặt xe và cách ly của hai người đều được kết nối trên ứng dụng Du lịch An toàn của tiểu bang Hawaii.
Nhiều người Mỹ háo hức sớm được trở lại thưởng ngoạn quần đảo thiên đường Hawaii sau khi tiêm vaccine.
Giá dịch vụ tăng cao
Bên cạnh đó, Cơ quan Du lịch Hawaii cho biết đội xe cho thuê của tiểu bang đã giảm hơn 40% trong thời kỳ đại dịch vì nhiều công ty đã bán bớt ôtô của họ.
Janice Berman, người gần đây du lịch đến Maui, cho biết cô nhận được báo giá 3.000 USD để thuê một chiếc xe trong 12 ngày.
Chi phí đi chung taxi thông qua các dịch vụ như Uber và Lyft cũng tăng rất cao.
Ngoài ra, các du khách phải xuất trình mã QR mà họ nhận được khi tải kết quả xét nghiệm lên website mỗi lần thuê xe, check in khách sạn, đi ăn ngoài nhà hàng hoặc tham gia một số hoạt động khác.
Nhiều người cho rằng yêu cầu nghiêm ngặt đó hoàn toàn không cần thiết. Chỉ cần chứng minh bản thân đã tiêm vaccine trước khi lên máy bay, hoặc xét nghiệm Covid-19 một lần trước khi di chuyển giữa các đảo là đủ.
Tuy nhiên, một số du khách khác, chẳng hạn nhà tâm lý học Besty, thấu hiểu và thông cảm cho những biện pháp phòng ngừa mà chính quyền bang đang thực hiện.
Bản thân họ chọn du lịch tới Hawaii cũng vì biết tiểu bang này đề cao việc phòng chống Covid-19 và họ sẽ được an toàn. Do vậy, những rắc rối họ gặp phải chỉ là cái giá nhỏ phải trả khi du lịch tại thiên đường Hawaii.
7 địa danh nổi tiếng thế giới bị 'xóa sổ' vĩnh viễn
Phần lớn những địa danh này đã biến mất do chịu tác động của điều kiện thời tiết trong suốt thời gian dài.
Vòm đá Darwin (Ecuador)
Giữa tháng 5 vừa qua, vòm đá tự nhiên được đặt theo tên nhà sinh vật học nổi tiếng Darwin có hình dạng cây cầu đã bất ngờ đổ sụp xuống Thái Bình Dương. Nguyên nhân được xác định là do các quá trình ngoại sinh như phong hóa, xói mòn,... Cấu trúc vòm đá này hiện chỉ còn lại 2 cột trụ và phần vòm nối giữa 2 chi tiết này đã sụp đổ.
Vòm đá Darwin - thuộc quần đảo Galapagos, nằm cách bờ biển Ecuador khoảng 1.000 km có chiều cao 43m, dài 70m, rộng 23m, là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận
Sông băng Chacaltaya (Bolivia)
Lần cuối cùng người ta nhìn thấy những dấu vết của sông băng Chacaltaya là vào 26/10/2009. Khi sông băng 18.000 tuổi này tan chảy, khu nghỉ mát có vị trí cao nhất thế giới ở đây cũng buộc phải đóng cửa theo.
Dù được các nhà khoa học dự đoán sẽ tan chảy hoàn toàn vào năm 2015 nhưng sông băng này đã chính thức bị "xóa sổ" vĩnh viễn nhanh hơn dự kiến. Nguyên nhân được cho là nhiệt độ tăng nhanh do biến đổi khí hậu đã đẩy nhanh quá trình tan chảy này
Sông Slim (Canada)
Toàn bộ con sông thuộc Yukon, Canada đã "bốc hơi" chỉ sau một đêm vào mùa xuân năm 2017 do sự thay đổi dòng chảy. Phần nước tan chảy của sông băng Kaskawulsh vốn đổ về sông Slim đã chuyển hướng sang con sông khác. Theo các nhà khoa học, đây được gọi là hiện tượng "cướp sông" đầu tiên trong thời hiện đại.
Những thay đổi này cũng đang thu hẹp hồ lớn nhất của Yukon. Bạn có thể nhìn thấy đường bờ biển rút đi của Hồ Kluane dọc theo Quốc lộ 1 của Alaska và từ các điểm trong Khu bảo tồn và Vườn Quốc gia Kluane
Biển Kaimu (Hawaii, Mỹ)
Khoảng 150 ngôi nhà và bãi biển cát đen Kaimui ở đảo Hawaii đã bị vùi lấp vào đầu những năm 1990 do dòng dung nham từ ngọn núi lửa Kilauea tràn qua làng Kalapana. Nó vẫn tiếp tục phun trào và cho đến nay đã bổ sung thêm hơn 500 mẫu đất mới cho hòn đảo lớn. Hiện tại, địa danh này vẫn thu hút du khách nhờ nỗ lực phục hồi ngành du lịch của người địa phương.
Tảng đá Voi (Canada)
Khoảng 200 tấn đá bất ngờ sụp đổ, biến địa điểm nổi tiếng trên vịnh Fundy (Canada) này trở thành đống đổ nát vào năm 2016. Theo Cottage Life, tảng đá và lối đi ở giữa được hình thành nhờ thủy triều. Qua thời gian, nước thủy triều đã bào mòn tảng đá và tạo cho nơi này hình thù đặc biệt. Lý do của sự sụp đổ này được cho là liên quan đến vấn đề xói mòn
Hầm thân cây (California, Mỹ)
Pioneer Cabin là cây cù tùng nổi tiếng ở Công viên Calaveras Big Trees (California, Mỹ). Gần gốc cây có một hốc lớn, được khoét vào thập niên 1880. Tuy nhiên, vào năm 2017, cây này đã bị đổ do điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa đông
El Dedo de Dios (Tây Ban Nha)
Địa danh nằm trên quần đảo Canary (Tây Ban Nha) là một khối đá tàn dư cao khoảng 30m với phần đỉnh chóp cao như một ngón tay giơ lên từ bàn tay. Bởi vậy mà nó được đặt tên là "ngón tay của Chúa". Năm 2005, cơn lốc xoáy đầu tiên tràn qua đây sau 150 năm đã làm gãy đổ phần đỉnh của tuyệt tác thiên nhiên này và khiến nó rơi xuống biển
Khu nghỉ dưỡng biệt lập gần Hà Nội hút khách mùa Covid-19 Các resort nằm giữa rừng hay tách biệt khỏi khu dân cư thu hút khách gia đình, cặp đôi và thường kín phòng dịp cuối tuần. Quỳnh Trang (Hà Nội) cho biết chị đặt phòng ở một khu nghỉ dưỡng tại Ba Vì vào cuối tuần 28-29/5 nhưng đã được thông báo hết. Chị liên hệ thêm một số điểm khác ở Sóc...