Trở lại biệt thự Bình Phước sau ngày xử vụ thảm án
Một ngày sau khi TAND tỉnh Bình Phước tuyên án nhóm sát thủ giết 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ, hàng xóm của đại gia gỗ này vẫn chưa hết bàn tán xôn xao.
Như tin đã đưa, hôm qua (17/12), TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên án đối với 3 bị cáo trong vụ án giết 6 người, cướp tài sản tại nhà ông Lê Văn Mỹ ( xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước).
Theo đó, bị cáo Nguyễn Hải Dương nhận mức án tử hình về tội giết người, 8 năm về tội cướp tài sản, tổng hợp mức án tử hình. Bị cáo Vũ Văn Tiến bị tuyên mức án tử hình, 7 năm tù tội cướp tài sản, tổng hợp tử hình Bị cáo Trần Đình Thoại bị tuyên phạt 13 năm tù tội giết người, 3 năm tội cướp tài sản, tổng hợp 16 năm tù.
Căn biệt thự của gia đình ông Lê Văn Mỹ vào sáng ngày 18/12.
Một ngày sau khi TAND tỉnh Bình Phước tuyên án nhóm sát thủ, chúng tôi trở lại căn biệt thự của gia đình ông Lê Văn Mỹ ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Đây chính là hiện trường vụ thảm án xảy ra vào ngày 7/7.
Những người hàng xóm của gia đình ông Mỹ vẫn chưa hết bàn tàn xôn xao về mức án của những kẻ thủ ác.
Video đang HOT
Ông Hồ Văn Nghĩa (55 tuổi), hàng xóm nạn nhân Lê Văn Mỹ cho biết, từ khi xảy ra vụ thảm án đến nay, căn nhà biệt thự của đại gia gỗ đóng cửa im ỉm, ít ai lui tới. “Chỉ có cha vợ ông Mỹ mỗi chiều thường đến thắp nhang trong nhà rồi về”, ông Nghĩa cho biết.
Cũng theo thông tin từ hàng xóm, sau khi xảy ra vụ án mạng, người thân của gia đình ông Mỹ đã mua nhiều tượng Phật để đặt trong căn biệt thự.
Quan sát căn biệt thự, người ta dễ dàng nhận thấy từ bên trong nhà ra ngoài sân căn nhà, được đặt nhiều tượng phật và bàn thờ phật để cầu bình an.
Công ty gỗ của gia đình ông Lê Văn Mỹ cũng đã được mở cửa hoạt động trở lại từ hai tháng nay.
Ông Nghĩa bảo cho tới giờ ông vẫn còn sợ khi nhớ lại đêm định mệnh mà gia đình ông Mỹ bị sát hại. “Hôm qua khi tòa xử án hung thủ sát hại gia đình ông Mỹ, tôi không đi xem vì biết chắc kẻ thủ ác sẽ phải nhận án tử. Hành vi của chúng man rợ đến thế cơ mà”, ông Nghĩa nói.
Cũng theo người hàng xóm này, bé Lê Thị Gia Linh (tên thường gọi bé Na, 22 tháng tuổi)-con gái út ông Mỹ, đã được người thân đưa xuống Sài Gòn nuôi dương. Bé Na là thành viên duy nhất của gia đình ông Mỹ sống sót sau đêm thảm sát.
“Giờ nghe đâu người nhà ông Mỹ đã đưa cháu Na xuống Sài Gòn chăm sóc và đi học”, ông Nghĩa cho biết.
Người giúp việc cũ cho gia đình ông Mỹ là bà Loan nay đã nghỉ việc đi làm ở một công ty gỗ khác. Thay thế bà Loan là một nữ công nhân cũng làm trong công ty gỗ hàng ngày qua lau dọn nhà, chăm sóc cây và hương khói.
Theo Ngô Bình – Văn Minh (Tiền Phong)
Một vụ án, 8 mạng người
6 nạn nhân đã chết, 2 bản án tử hình là cái giá quá đắt cho một bài học từ vụ thảm án kinh hoàng ở Bình Phước.
Chiều 17/12, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên án tử hình đối với Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến về hai tội danh Giết người và Cướp tài sản. Dĩ nhiên, sau phiên tòa sơ thẩm Tiến và Dương vẫn còn quyền kháng cáo và quyền viết đơn xin Chủ tịch nước ân xá (nếu tiếp tục bị tuyên án tử hình ở Phúc Thẩm).
Thế nhưng, với những hành vi giết người tàn bạo, máu lạnh Dương và Tiến đã gần như "cầm chắc" trong tay bản án "chết".
Những cung bậc cảm xúc được thể hiện qua nét mặt của Nguyễn Hải Dương.
Một vụ án mà có tới 6 người phải ra đi oan uổng. Nay hai người khác lại có nguy cơ phải trả giá cho hành động sai lầm bằng chính mạng sống của mình. Có lẽ, đó là một cái giá quá đắt mà dù muốn hay không muốn những người trong cuộc vẫn phải chấp nhận trải qua.
Nước mắt của thân nhân trong gia đình có 6 người bị sát hại sẽ mặn chát và cay đắng. Nước mắt của cha mẹ Dương, Tiến khi chứng kiến con mình phải lãnh án tử hình chắc cũng không kém phần tủi hờn, đau đớn. Trong lúc ấy, đôi khi người ta ao ước một điều gì đó xảy ra với hai từ ..."giá như".
Phiên tòa ngày 17/12, nhiều người rùng mình chứng kiến một Nguyễn Hải Dương lạnh lùng khi khai rành rọt từng hành vi gây án. Không ai nghĩ, khuôn mặt có vẻ thư sinh ấy lại ẩn chứa và làm nên một tội ác tày trời đến vậy.
Thế nhưng, rủ bản lĩnh đến đâu, lạnh lùng đến đâu, trước bản án tử hình Nguyễn Hải Dương cũng "khụy ngã" và phải nhờ đến sự trợ giúp của lực lượng công an hỗ trợ tư pháp mới có thể đứng vững. Hóa ra, kẻ máu lạnh cũng có lúc run rẩy trước cái chết đang chờ.
Sẽ có rất nhiều bài học được đưa ra sau vụ thảm sát kinh hoàng ở Bình Phước. Nhiều người nói về cách hành xử, về lối sống và cả nhận thức của nạn nhân và các bị cáo. Nhưng chắc chắn khi phiên tòa được đưa ra xét xử công khai, với hai bản án tử hình dành cho Dương và Tiến thì bài học "nhãn tiền" mà ai cũng dễ thấy nhất đó là: Tội ác phải trả giá.
Kết thúc phiên xét xử ngày 17/12, HĐXX đã tuyên bị cáo Nguyễn Hải Dương, mức án tử hình về tội Giết người, 8 năm tù về tội Cướp tài sản. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình. Bị cáo Vũ Văn Tiến, mức án tử hình về tội Giết người, 7 năm tù về tội Cướp tài sản. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình. Bị cáo Trần Đình Thoại 13 năm tù về tội Giết người, 3 năm tù về tội Cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là 16 năm tù. Buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho các nạn nhân tổng cộng 480 triệu đồng, mỗi bị cáo phải bồi thường 180 triệu đồng.
Nhất Phiến
Theo_Người Đưa Tin
Thảm án Bình Phước: Gió giật liên hồi trước lời thủ ác Đất trời phẫn nộ, lòng người oán giận trước những lời khai rùng rợn của các bị cáo trong phiên xử vụ thảm sát Bình Phước. 7h30 sáng này 17/12, TAND tỉnh Bình Phước đã chính thức đưa ra xét xử lưu động vụ án thảm sát kinh hoàng 6 người trong gia đình chủ xưởng gỗ Quốc Anh ở huyện Chơn Thành,...