Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm bất ngờ nộp đủ 13 tỷ cáo buộc tham ô
Mặc dù chưa có phán quyết cuối cùng của toà trong vụ Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm tham ô 13 tỷ đồng, trong đó có khoản 4 tỷ mà Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo thuộc cấp đưa cho tiêu Tết, nhưng Thanh cùng đồng phạm đã nộp lại đủ số tiền này cho Cục Thi hành án.
Trịnh Xuân Thanh – “thuyền trưởng” PVC ngày nào – bị cáo buộc cùng đồng phạm tham ô số tiền 13 tỷ đồng và đã khắc phục hậu quả.
Theo thông tin của phóng viên Dân Trí, vào chiều 11.1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, đã nộp thêm 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Tổng cộng 2 lần Thanh đã nộp đủ 4 tỷ đồng – số tiền mà cơ quan tố tụng cáo buộc Thanh tội tham ô tài sản.
Trước đó, sáng 11.1, trả lời phần thẩm vấn của các luật sư xoay quanh cáo buộc của cơ quan tố tụng về Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm đã tham ô số tiền 13 tỷ đồng, tại phiên toà, Trịnh Xuân Thanh phủ nhận việc mình đã ngồi tại phòng làm việc bàn bạc với các thuộc cấp để rút số tiền 13 tỷ đồng đi đối ngoại và tiêu Tết.
Trao đổi với phóng viên Dân Trí, tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp – luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh – cho hay: “Mặc dù chưa có phán quyết cuối cùng của toà án rằng thân chủ tôi – Trịnh Xuân Thanh là người có tội, nhưng ông ấy đã ý thức được trách nhiệm của mình là người đứng đầu PVC nên thông qua gia đình, ông ấy đã nộp đủ nốt 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả”.
Tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp – người bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh.
Luật sư Lê Văn Thiệp cho biết thêm, ngoài Trịnh Xuân Thanh thì nhóm bị cáo bị buộc tội tham ô tài sản cũng đã tiến hành nộp đủ tổng số tiền 13 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Anh Minh – nguyên Phó tổng giám đốc PVC thông qua gia đình nộp đủ số tiền 3,6 tỷ đồng; bị cáo Lương Văn Hòa – nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch đã nộp số tiền hơn 2 tỷ đồng; bị cáo Lê Thị Anh Hoa – Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa đã khắc phục vượt quá số tiền chiếm hưởng gần 200 triệu đồng trên tổng số tiền chiếm hưởng là 770 triệu đồng (Hoa đã bán nhà khắc phục được 980 triệu đồng).
Luật sư Thiệp cho biết, theo đánh giá của VKSND thành phố Hà Nội thừa ủy quyền VKSND Tối cao thì hậu quả của vụ án tham ô tài sản về cơ bản đã được khắc phục…
Tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng, việc đại diện VKSND thành phố Hà Nội đề nghị mức án tù chung thân với Trịnh Xuân Thanh là quá nghiêm khắc so với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…
Từ trái qua phải: Bùi Mạnh Hiển, Nguyễn Đức Hưng, Nguyễn Anh Minh.
Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, Trịnh Xuân Thanh cùng các đồng phạm lập khống hồ sơ, chứng từ thi công 4 hạng mục phục vụ thi công các hạng mục chính của Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch để chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng, trong đó Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng 4 tỷ đồng.Vũ Đức Thuận chiếm hưởng 800 triệu đồng, Nguyễn Anh Minh chiếm hưởng hơn 3,6 tỷ đồng, Bùi Mạnh Hiển chiếm hưởng 400 triệu đồng, Lương Văn Hòa chiếm hưởng gần 760 triệu đồng, Lê Thị Anh Hoa và Nguyễn Thành Quỳnh chiếm hưởng hơn 1,9 tỷ đồng (trong đó sử dụng gần 1,2 tỷ đồng để nộp thuế GTGT). Số tiền 1,5 tỷ đồng còn lại, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển chiếm hưởng sử dụng chung.Về tội tham ô tài sản, chiều 11.1, vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại toà đã đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo: Trịnh Xuân Thanh: tù chung thân; Vũ Đức Thuận: 18 – 19 năm tù; Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC): 18-19 năm tù; Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC): 13-14 năm tù; Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC): 13-14 năm tù; Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, TCT CP Miền Trung): 8-9 năm tù; Lê Thị Anh Hoa (Giám đốc Cty TNHH MTV Quỳnh Hoa): 30-36 tháng tù treo, thử thách 5 năm; Nguyễn Đức Hưng (nguyên Kế toán trưởng Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch): 30-36 tháng tù treo; Lê Xuân Khánh (nguyên Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch của Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC): 30-36 tháng tù treo; Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng Phòng Kỹ thuật Ban ĐHDA Vũng Áng – Quảng Trạch): 30-36 tháng tù treo.
Con số đáng chú ý trong phiên xử ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh. Nguồn: Zing
Theo Tuấn Hợp (Dân Trí)
Luật sư cho rằng ông Đinh La Thăng không phạm tội cố ý làm trái...
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, thân chủ của mình không thỏa mãn các dấu hiệu chủ quan, khách quan cấu thành tội "Cố ý làm trái...". Trong khi đó, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị VKS chỉ ra mức độ giới hạn giữa Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) với Ban giám đốc để xem xét trách nhiệm ông Thăng.
Chiều 11/1, sau khi đại diện VKS đọc bản luận tội, các luật sư bắt đầu tham gia bào chữa. Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng) là luật sư đầu tiên tiến hành bào chữa cho bị cáo.
Luật sư Phan Trung Hoài tiến hành phần bào chữa chiều 11/1.
Luật sư Hoài cho rằng, cơ quan tố tụng cần làm rõ cơ chế đặc thù và sức ép tiến độ tại dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Dù đây là công trình trọng điểm quốc gia được triển khai trong điều kiện cấp bách nhưng luật sư cho rằng ông Đinh La Thăng không chỉ đạo cấp dưới làm trái luật.
Theo cáo buộc, trong quá trình thực hiện Dự án NMNĐ Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng với chức trách là Chủ tịch HĐTV PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban QLDA căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và 1,3 nghìn tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng sai mục đích không đưa vào Dự án NMNĐ Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Về nội dung luận tội của VKS cho rằng ông Đinh La Thăng đã lợi dụng cơ chế đặc thù Chính phủ dành cho PVN để gây lợi ích nhóm, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng như vậy không công bằng cho ông Đinh La Thăng.
Liên quan đến việc PVN chỉ định thầu dự án NMNĐ Thái Bình 2 cho PVC, theo luật sư Hoài, với kết luận của Thủ tướng Chính phủ thì về thẩm quyền, PVN được phép chỉ định các đơn vị thành viên cung cấp dịch vụ để thực hiện các dự án đầu tư của tập đoàn.
Còn năng lực của PVC đã được kiểm nghiệm khi thực hiện một số hợp đồng EPC, xây dựng nhiều nhà máy điện như Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 2.
"Việc PVN đề xuất PVC làm tổng thầu nhằm giảm lệ thuộc công ty nước ngoài, tạo công ăn việc làm. Nếu không có năng lực, PVC không thể tiếp tục dự án đến ngày nay." - luật sư Hoài tiếp tục phần bảo vệ thân chủ của mình.
Về tiến độ của dự án, theo cáo trạng, Chính phủ yêu cầu phải khởi công dự án từ tháng 2/2009. "Ông Thăng đã ép đơn vị cấp dưới của tập đoàn phải bảo đảm tiến độ đề ra, đã đôn đốc, ép tiến độ với cấp dưới nhưng không chỉ đạo các đơn vị này làm trái luật." - luật sư Phan Trung Hoài nói.
Đại diện Viện KSND Thành phố Hà Nội đọc bản luận tội các bị cáo. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Để làm rõ trách nhiệm của ông Đinh La Thăng, luật sư Hoài đề nghị VKS chỉ ra mức độ giới hạn giữa Chủ tịch HĐTV với Ban giám đốc để xem xét trách nhiệm của ông Thăng.
Theo luật sư Hoài, HĐTV của PVN thường xuyên họp giao ban tại công trường cũng như tại PVN để kịp thời giải quyết những vướng mắc, tồn tại và kiến nghị của các đơn vị, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án theo yêu cầu cao về tiến độ của Chính phủ đối với dự án điện trọng điểm này.
Luật sư Hoài dẫn chứng cuộc họp giao ban tại công trường dự án ngày 1/6/2011, trên cơ sở kiến nghị của các đơn vị, ông Thăng đã kết luận giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có nội dung về tạm ứng tiền cho dự án. Như vậy, theo luật sư Hoài, đối với dự án, ông Đinh La Thăng chỉ tham gia chỉ đạo chủ yếu trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Khi bắt đầu triển khai đầu tư thì ông Thăng đã chuyển công tác.
"Thẩm quyền Chủ tịch HĐTV không liên quan tạm ứng tiền.", ông Hoài nói và đề nghị VKS, HĐXX làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của thân chủ mình trong vụ án.
Cùng bảo vệ cho ông Đinh La Thăng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng thân chủ của mình không thỏa mãn các dấu hiệu chủ quan, khách quan cấu thành tội "Cố ý làm trái...". Luật sư Thiệp mong muốn được tranh luận với đại diện VKS về quy kết buộc tội thân chủ mình.
Theo luật sư Thiệp, trong vụ án này, sai phạm không ở chủ trương của HĐTV PVN về việc chỉ định thầu mà nằm ở việc thực hiện. Ông Thăng không phải đối tượng được điều chỉnh bởi Luật Đấu thầu, chủ thể nếu sai phạm xảy ra là chủ đầu tư và nhà thầu. Hành vi sai phạm là hành vi của người thực hành nhưng VKS lại quy kết cho người đứng đầu chịu trách nhiệm chính.
Phân tích kỹ nội dung vụ án, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nhận định ông Thăng có vi phạm trong kiểm tra, đôn đốc, thực hiện các Nghị quyết của HĐTV liên quan chỉ định thầu, triển khai dự án và cho rằng, hành vi của thân chủ mình có dấu hiệu của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" chứ không phải "Cố ý làm trái...".
Trước đó, VKS cho rằng, quá trình thực hiện dự án, lợi dụng cơ chế đặc thù và nhiều ưu đãi khác của Nhà nước với PVN, vì các động cơ khác nhau, trên đó là lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, các bị cáo, trong đó đứng đầu là bị cáo Đinh La Thăng, đã thực hiện hàng loạt các hành vi sai phạm, làm trái các quy định của Nhà nước về lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng để tạo nguồn vốn tạm ứng gây thiệt hại cho PVN số tiền đặc biệt lớn.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm bất ngờ nộp đủ 13 tỉ đồng cáo buộc tham ô Mặc dù chưa có phán quyết cuối cùng của Toà trong vụ Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm tham ô 13 tỉ đồng, trong đó có khoản 4 tỉ mà Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo thuộc cấp đưa cho tiêu Tết, nhưng Thanh cùng đồng phạm đã nộp lại đủ số tiền này cho Cục Thi hành án. Trịnh Xuân Thanh - "thuyền...