Trình Thủ tướng phương án “giải cứu” Tân Sơn Nhất vào tuần tới
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện các phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, để báo cáo Thủ tướng phê duyệt ngay trong tuần tới.
Đây là một trong những nội dung được Phó Thủ tướng nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp ngày 22/2 để rà soát các phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn là Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) – Bộ Quốc phòng đã trình bày chi tiết 7 phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.
Chỉnh 1 chi tiết, vốn đội gấp 3 lần
Trước đó, trong số 7 phương án đưa ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phía tư vấn, thiết kế hoàn thiện mô mình 3B cải tạo sân bay để đạt công suất phục vụ 43-45 triệu khách/năm nhưng đầu tư xây dựng ở phía Bắc (khu vực sân golf, một số đơn vị Quốc phòng và nhà dân). Tại cuộc họp hôm nay, ADCC đã có báo cáo chi tiết phương án này.
Phương án 3 và 3B “chênh” nhau hơn 4.000 tỷ đồng.
Cụ thể, thay vì xây dựng nhà ga, các công trình kỹ thuật ở phía Nam như phương án 3, sẽ xây dựng hoàn toàn ở phía Bắc đường lăn, sân đỗ, khu dịch vụ kỹ thuật và nhà ga T4 công suất 20 triệu khách/năm, cải tạo đường hạ cất cánh 25R/07L. Với phương án 3B, công suất của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đạt 43-45 triệu hành khách/năm nhưng sẽ phải giải phóng mặt bằng 276 hécta (trong đó đất dân cư 28,6 hécta, đất quân sự 90,1 hécta và đất sân golf 157,3 hécta) đồng thời phải lo tái định cư cho 6050 hộ dân.
Tổng mức đầu tư của phương án này là 61.590 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với phương án 3. Thời gian hoàn thành cũng dài hơn, mất từ 10-12 năm, trong đó riêng công tác giải phóng mặt bằng đã mất khoảng 5 năm.
Đánh giá về phương án này, đơn vị tư vấn thiết kế cho rằng, việc xây dựng khu hàng không dân dụng phía Bắc sẽ làm giảm đáng kể lưu lượng hành khách ở phía Nam, giải quyết được vấn đề ùn tắc ở khu vực đường Trường Sơn. Tuy nhiên, phương án này sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác khu bay do tàu bay phải cắt ngang đường cất hạ cánh và phải dịch ngưỡng hạ cánh ở đầu 25R, ảnh hướng rất lớn đến quốc phòng, an ninh do phải dịch chuyển và xây dựng mới đồng bộ các đơn vị quân đội bảo vệ Tân Sơn Nhất và TPHCM.
Video đang HOT
Phương án này cũng ảnh hưởng đến quy hoạch của TPHCM do phát sinh giao thông lớn ở phía Bắc sân bay và ảnh hưởng đến số lượng lớn dân cư.
Ngoài ra, việc khai thác khu vực phía Bắc còn đòi hỏi phải xây dựng thêm các công trình kỹ thuật phục vụ máy bay, phục vụ hành khách nên không thể tận dụng tối đa công suất của các công trình đã có ở phía Nam.
Giao doanh nghiệp nhiều hạng mục đầu tư
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành thời gian qua; ghi nhận nỗ lực của ADCC trong việc khẩn trương xây dựng các phương án mở rộng quy hoạch một cách khoa học, bài bản, chặt chẽ. Những phương án này sẽ là cơ sở quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng phân tích, đánh giá để lựa chọn ra phương án tối ưu nhất nhanh chóng khắc phục tình trạng quá tải, ùn tắc hiện nay tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, sau khi đã rà soát, nghiên cứu kỹ các phương án, đã có đủ cơ sở khoa học để lựa chọn phương án 3 là phù hợp, đảm bảo nhu cầu của người dân, thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là phải nhanh chóng giải toả ùn tắc; có tổng mức đầu tư rẻ nhất, có thể xã hội hoá đầu tư ở mức cao nhất, ít sử dung vốn nhà nước nhất. Bên cạnh đó, quá trình thi công vẫn phải đảm bảo an toàn, chất lượng, tăng tính an toàn cho hoạt động của sân bay, cho hành khách, phương tiện.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, tuy phương án 3 là phù hợp, nhưng cần phải hoàn thiện thêm cùng với tất cả các phương án khác để báo cáo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ cho ý kiến trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các yếu tố. Ông yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo đơn vị tư vấn tập trung hoàn thiện các phương án quy hoạch để báo cáo Thủ tướng vào tuần tới.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT tiến hành phân định rõ từng hạng mục để tổ chức lập dự án. Với các hạng mục bên trong sân bay, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị theo chức năng tổ chức lập dự án, dự kiến giao chủ đầu tư. Các nhà ga hành khách T3, T4, sân đỗ ô tô, các công trình phụ trợ khác sẽ được giao cho chủ đầu tư là doanh nghiệp, chủ yếu sử dụng vốn xã hội hoá. Các dự án giao thông kết nối, thoát nước ngoài sân bay, do UBND TPHCM thực hiện.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngay từ thời điểm này cần song song chuẩn bị các công việc thực hiện dự án như thiết kế kỹ thuật, lập dự toán, dự kiến lựa chọn nhà đầu tư để có thể phê duyệt ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt quy hoạch.
“Bộ Giao thông phối hợp với Bộ Quốc phòng, Xây dựng, UBND TPHCM và cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ để có các biện pháp, phương án tổ chức thực hiện mở rộng, nâng cấp Tân Sơn Nhất, chuẩn bị các biện pháp để thực hiện nhanh việc mở rộng, nâng cấp sân bay sau khi Thủ tướng quyết định”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Theo Dantri
Bộ Quốc phòng giao 21 ha đất để mở rộng Tân Sơn Nhất
Sau khi tiếp nhận 21 ha đất từ Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xây thêm đường lăn, sân đỗ tàu bay để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Thượng tướng Trần Đơn - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Thứ trưởng Bộ GTVT khảo sát khu vực đất sẽ bàn giao. Ảnh: Hữu Công
Sáng 21/2, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ký kết biên bản bàn giao 21 ha sân đỗ quân sự tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho Bộ GTVT để triển khai xây dựng đường lăn, sân đỗ tàu bay.
Theo Cục trưởng Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh, sự tăng trưởng nhanh của ngành trong thời gian qua đã khiến Tân Sơn Nhất quá tải nghiêm trọng. Việc thiếu đường lăn, sân đỗ và nhà ga dẫn đến nhiều chuyến bay phải "bay lòng vòng" chờ, gây thiệt hại lớn về kinh tế và đe dọa an ninh an toàn hàng không.
Trong khi đó, sân bay Long Thành mới chuẩn bị triển khai đầu tư (nhanh nhất đến năm 2025 mới có thể hoàn thành) nên việc nâng cao năng lực khai thác Tân Sơn Nhất là giải pháp hiệu quả nhất và cần thiết trong giai đoạn trước mắt.
"Sau khi nhận 21 ha đất quân sự, ngành hàng không bắt tay xây dựng nhà ga T3, T4. Chậm nhất trước năm 2018 sẽ đưa toàn bộ dự án xây dựng nhà ga T4 vào khai thác. Tuy nhiên trong quá trình thiết kế, thi công sẽ đưa dần những hạng mục đã xong và cần thiết để khai thác", ông Thanh cho hay.
Theo lộ trình, Bộ GTVT sẽ tiếp nhận phần đất này, cùng Cục Hàng không Việt Nam (CAA) lập quy hoạch, sau đó bàn giao Cảng vụ Hàng không miền Nam quản lý. Dự kiến, cơ quan này sẽ giao cho các doanh nghiệp như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các hãng hàng không, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ... có nhu cầu sử dụng.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Quốc phòng giao đất cho Bộ GTVT để mở rộng sân bay. Từ cuối tháng 4/2014, gần 8 ha được giao làm khu vực bãi đỗ, sân đậu máy bay nhằm giải quyết tình trạng quá tải. Sau đó, ACV đã đầu tư mở rộng bãi đậu máy bay, đường lăn cho các hãng hàng không khai thác, nâng từ 41 lên 46 vị trí đậu máy bay.
Đến tháng 12/2015, Bộ GTVT tiếp tục đề nghị Bộ Quốc phòng giao thêm 9ha để làm bãi đậu và đường lăn phục vụ hàng không dân dụng và Bộ Quốc phòng đã đồng ý bàn giao luôn 21 ha.
Một góc khu đất của Bộ Quốc phòng được bàn giao. Ảnh: Hữu Công
Theo Cảng vụ Hàng không miền Nam, phần đất mà Bộ Quốc phòng vừa bàn giao nằm chếch về phía tây nam sân bay hiện hữu - là khu vực đậu máy bay vận tải quân sự và trực thăng quân sự thuộc Trung đoàn 917, lữ đoàn 918 thuộc Sư đoàn không quân 370 (Quân chủng Phòng không - không quân).
Khu vực này từ phía đầu đài chỉ huy (cũ) kéo dài đến khu sân bay trực thăng trước đây, hiện là khu đậu máy bay quân đội và khu vực hangar (nhà chứa máy bay). Lâu nay, do thiếu vị trí đỗ máy bay qua đêm nên các cơ quan quản lý nhà nước về hàng không, TIA đã đề nghị phía quân đội cho phép thuê diện tích này để máy bay các hãng hàng không đậu lại qua đêm.
Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ ngày 20/1, phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất do đơn vị tư vấn ADCC thuộc Quân chủng Phòng không Không quân đưa ra được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chấp thuận.
Theo đó, sẽ xây đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; cải tạo đường cất hạ cánh phía bắc hiện nay (đường 25L/07R); xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách một năm, xây dựng nhà ga hành khách T4 công suất tương đương ở khu vực phía nam sân bay.
Phương án này sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên chi phí đầu tư khoảng 19.700 tỷ đồng, thời gian xây dựng 3 năm, đảm bảo công suất từ 43-45 triệu hành khách mỗi năm.
Hữu Công
Theo VNE
Bộ trưởng Giao thông yêu cầu đẩy nhanh việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất Ông Trương Quang Nghĩa cho biết sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng sớm giao đất để xây dựng nhà ga T3, T4, đồng thời trình Chính phủ cho phép chỉ định thầu tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công hai nhà ga. Tại cuộc họp về kế hoạch cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất chiều 6/2, TS Nguyễn Bách Tùng...