Trinh sát viên Canada xuất quỷ nhập thần giữa trại lính phát xít Đức
Nhờ khả năng di chuyển không dấu vết, trung sĩ Tommy Prince cung cấp thông tin chính xác về mục tiêu cho quân Đồng minh và là nỗi ám ảnh với lính Đức.
Tommy Prince (phải) cùng đồng đội. Ảnh: War History.
Tommy Price được coi là một trong những cựu binh có nhiều huân huy chương nhất trong lịch sử Canada, nhờ hành động chiến đấu dũng cảm trong Thế chiến II. Ông nổi tiếng với khả năng di chuyển bí mật, đến mức đột nhập vào trại lính Đức chỉ để ăn trộm một đôi giày, thay vì ra tay giết đối phương, theo War History.
Sau khi Thế chiến II nổ ra ở châu Âu, Prince gia nhập lực lượng công binh hoàng gia Canada năm 1940, rồi sau đó được cử đi học nhảy dù ở Anh. Nhờ tài săn bắn và khả năng lần theo dấu vết, Prince tốt nghiệp loại xuất sắc, được phong hàm trung sĩ khi trở về Tiểu đoàn dù Canada năm 1942. Đây chính là đơn vị kết hợp với đặc nhiệm Mỹ để hình thành Lực lượng Đặc nhiệm số 1.
Sau khi thực hiện một số nhiệm vụ, chỉ huy nhận thấy Prince có kỹ năng lần theo dấu vết tuyệt vời nên đã chuyển ông qua đội trinh sát, chuyên tìm hiểu mục tiêu trước khi đơn vị tấn công căn cứ địch.
Tuy nhiên, phải đến chiến dịch giải phóng Rome, Italy, Prince mới khiến đồng đội kinh ngạc bởi sự dũng cảm của mình.
Trong chiến dịch này, đơn vị của Prince liên tục giao tranh ác liệt với phát xít Đức suốt ba tháng. Đến ngày 8/2/1944, ông tình nguyện một mình thực hiện nhiệm vụ trinh sát hậu phương địch. Prince thông báo cho chỉ huy vị trí đóng quân và di biến động của kẻ thù qua hệ thống dây điện thoại dài 1,5 km, giúp quân Đồng minh tấn công chính xác vào các mục tiêu, phá hủy 4 cứ điểm quan trọng của phát xít Đức.
Trong một lần ở giữa hai làn đạn, Prince không thể liên lạc được với đồng đội. Ông đoán rằng hệ thống dây điện thoại đã bị đứt, nên quyết định thực hiện một trong những hành động dũng cảm nhất trong sự nghiệp của mình.
Prince cởi bỏ quân phục và mặc bộ quần áo mà một người nông dân bỏ lại trong trang trại bỏ hoang. Ông mạo hiểm vác một cái cuốc đi vào lãnh thổ Đức chiếm đóng, giả vờ đang làm việc trong trang trại. Lính Đức không phát hiện ra ông và Prince nhanh chóng lần ra chỗ dây bị đứt. Ông giả vờ cúi xuống buộc dây giày để nối lại đường dây.
Video đang HOT
Loại giày được Tommy Prince sử dụng khi đột nhập trại lính Đức. Ảnh: War History.
Tommy Prince trở về trang trại để quan sát địch và tiếp tục cung cấp thông tin. Những dữ liệu này chính xác đến mức quân Đức buộc phải rút lui chỉ trong một thời gian ngắn. Khi trở về đơn vị, ông được đồng đội đề nghị tặng huân chương vì sự dũng cảm phi thường.
Sau khi giải phóng Rome, Đơn vị đặc nhiệm số 1 được điều đến miền nam nước Pháp. Trong một lần trở lại đơn vị sau nhiệm vụ trinh sát, ông và một đồng đội bị kẹt giữa trận đánh ác liệt của hai phe. Tổ trinh sát hai người chiếm lĩnh vị trí và khai hỏa, bắn hạ nhiều lính đối phương trước khi quân Đức buộc phải rút lui.
Viên chỉ huy người Pháp đã rất sốc khi biết chính Prince và một đồng đội đã khiến lính Đức rút lui. Ông nghĩ rằng hỏa lực dồn dập như vậy chỉ có thể xuất phát từ nhóm 50 binh sĩ Đồng minh.
Prince thường mang theo một đôi giày thổ dân Bắc Mỹ trong túi và đi chúng vào ban đêm để bí mật lẻn vào doanh trại phát xít Đức như chỗ không người, đôi khi làm những việc điên rồ như ăn trộm giày của lính Đức thay vì giết họ, khiến quân Đức gọi Đơn vị đặc nhiệm số 1 là “Lữ đoàn Quỷ dữ”.
Prince được trao thưởng nhiều huân chương danh giá, trong đó có cả huân chương Ngôi sao bạc của Mỹ. Sau chiến tranh, ông đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trong quân đội, trước khi nghỉ hưu và qua đời ở tuổi 62.
Duy Sơn
Theo VNE
Chiến dịch tung hoành của tàu ngầm phát xít Đức khiến Mỹ trả giá
Việc Mỹ không thực hiện biện pháp phòng vệ khiến tàu ngầm Đức hoạt động thoải mái ngay ngoài khơi bờ biển phía đông đất nước.
Tàu ngầm U-123 trước khi tiến hành chiến dịch Drumbeat. Ảnh: Pinterest.
Trong Thế chiến II, phát xít Đức áp dụng học thuyết chiến tranh tổng lực, không tuân theo các quy tắc giao chiến thông thường. Họ tuyên bố áp dụng chiến tranh tàu ngầm không hạn chế, tấn công cả tàu thương mại và vận tải của Đồng minh tiếp tế hậu cần cho Anh, theo War History.
Tàu ngầm Đức thoải mái hoạt động trong giai đoạn 1940-1941, khi tàu Đồng minh thiếu radar và thiết bị dò tìm cao tần, không thể phát hiện tàu ngầm Đức nổi lên và tấn công bằng hải pháo vào ban đêm.
Những chiếc tàu ngầm màu đen lẫn trong màn đêm của Đức trở thành nỗi kinh hoàng cho thủy thủ trên tàu Đồng minh. Người Đức gọi giai đoạn này là "thời gian vui sướng", vì họ có thể thoải mái đánh đắm tàu đối phương mà không bị thương vong.
Đến tháng 12/1941, Karl Donitz, tư lệnh lực lượng tàu ngầm phát xít Đức, phát động chiến dịch Drumbeat quấy rối tàu di chuyển dọc bờ biển Bắc Mỹ. Đức triển khai ba tàu ngầm Type IX tầm xa đến vùng biển ngoài khơi nước Mỹ. Chúng nhận lệnh lặn sâu ban ngày và phục kích tàu buôn trong đêm. Tình báo Anh phát hiện nhóm tàu ngầm từ cảng Lorient, Pháp, sau đó thông báo cho hải quân Canada và Mỹ.
Dựa vào kinh nghiệm trong giai đoạn đầu Thế chiến II, Anh gợi ý Mỹ áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tàu ngầm Đức. Hải quân Anh cho rằng tất cả thành phố ven biển Mỹ nên duy trì tình trạng cắt điện suốt đêm. Bên cạnh đó, các tàu nên di chuyển theo đoàn, tắt hết đèn định vị hàng hải, vì chúng có thể giúp đối phương phát hiện mục tiêu. Ngoài ra, họ cũng khuyến cáo hải quân và không quân Mỹ tiến hành tuần tra bờ biển, hạn chế khả năng di chuyển tự do của tàu ngầm Đức.
Thủy sư đô đốc Karl Donitz. Ảnh: Wikipedia.
Nhưng lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ không nghe theo lời khuyên này một cách nghiêm túc trong vài tháng từ sau khi Mỹ tham chiến. Bộ chỉ huy mặt trận biển phía đông Mỹ tin rằng tàu vận tải an toàn hơn khi di chuyển đơn độc. Lệnh tắt nguồn sáng không được đưa ra, mà chỉ có các thông báo tới cộng đồng ven biển, không bao gồm các thành phố lớn như New York.
Lực lượng này cũng không được trang bị vũ khí chống ngầm hiệu quả. Họ chỉ sở hữu một số tàu pháo từ năm 1905, một vài tàu tuần tra cổ lỗ đời 1919, 4 thuyền buồm hoán cải. Phương tiện duy nhất có khả năng chống tàu ngầm Đức duy nhất của họ là 7 tàu tuần tra bảo vệ bờ biển.
Cuộc tấn công đầu tiên diễn ra ngày 14/1/1942, khi tàu ngầm U-123 Đức đánh đắm tàu chở dầu của Na Uy và Anh. Trong đợt đầu tiên của chiến dịch Drumbeat, Đức đã đánh đắm 23 tàu, khiến quân Đồng minh mất khoảng 100.000 tấn hàng hóa và hàng trăm binh sĩ. Báo cáo của hải quân Đức cho biết các con tàu hoàn toàn có thể được nhìn thấy nhờ ánh sáng từ phía bờ, tạo điều kiện cho tàu ngầm nhận dạng mục tiêu.
Sau thành công ban đầu, Donitz ra lệnh tấn công lần hai, với sự tham gia của tàu ngầm hạng trung. Họ thậm chí đã sử dụng bể chứa nước ngọt trên tàu ngầm để đựng dầu diesel nhằm kéo dài thời gian hoạt động cho tàu. Tham vọng của Donitz là đánh đắm thêm nhiều tàu hơn nữa. Người Đức gọi chiến dịch này là "thời gian vui vẻ thứ hai", hay mùa săn tàu Mỹ.
Mỹ quá tập trung vào cuộc chiến với người Nhật hòng trả thù cho trận Trân Châu Cảng, nên lơ là ở ngay trên sân nhà. Trước cái giá phải trả quá đắt, Mỹ bắt đầu chú trọng đối phó với tàu ngầm Đức.
Cho tới tháng 4/1942, tình hình bắt đầu thay đổi. Các thành phố ven biển bắt đầu tắt điện vào ban đêm, trong khi tàu chở hàng chỉ di chuyển ban ngày với lực lượng hộ tống vũ trang. U-85 trở thành tàu ngầm Đức đầu tiên bị đánh đắm bởi hải quân Mỹ.
Tàu hàng Mỹ bị tàu ngầm Đức đánh chìm. Ảnh: War History.
Biện pháp này làm giảm tổn thất cho tàu Đồng minh ngay lập tức. Thủy sư đô đốc Donitz buộc phải rút tàu ngầm để tìm kiếm mục tiêu dễ tấn công hơn. Quân Đồng minh phá hủy 9 tàu ngầm Đức trong năm 1942, khiến Donitz phải cân nhắc về việc đi săn, nhất là khi "con mồi" không còn bất lực như trước. Tháng 8/1942, "thời gian vui vẻ thứ hai" của phát xít Đức kết thúc.
Giai đoạn này được các nhà sử học gọi là "Trân Châu Cảng thứ hai". Hàng nghìn lính đã thiệt mạng vì sự không cẩn trọng, đánh giá thấp đối phương của Mỹ. Tổng cộng có 609 tàu bị đánh đắm, hơn 3,1 triệu tấn hàng hóa chìm dưới Đại Tây Dương, thay vì đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của Anh.
Hòa Việt
Theo VNE
Trung tá 'điên' xách gươm bắt sống 42 lính phát xít Đức Trung tá đặc nhiệm John Malcolm Churchill nhiều lần khiến binh lính phát xít Đức hoảng sợ dù chỉ dùng gươm và cung tên khi chiến đấu. "Jack Điên" cầm gươm dẫn đầu lực lượng đổ bộ trong một đợt diễn tập. Ảnh: Wikipedia. Ngày 27/12/1941, lực lượng phát xít Đức đồn trú trên đảo Vagsoy, Na Uy rất ngạc nhiên khi chứng...