Trinh sát kể chuyện – Kỳ 3: Người mê săn bắt cướp
Đang công tác “ngon lành” ở Đội CSGT, Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM), đại úy Lâm Tiến Đức (36 tuổi) tự nguyện xin về Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, bởi máu mê săn bắt cướp.
Không thích việc nhẹ nhàng
Nhìn thấy anh lên xe chuẩn bị cho trận chiến mới, chúng tôi thầm nghĩ: dường như anh sinh ra là để săn bắt tội phạm
Tôi với anh Đức biết nhau khá lâu từ lần anh tham gia giao lưu gương điển hình phố phường, được truyền hình trực tiếp. Niềm đam mê, yêu nghề của anh luôn làm mọi người thán phục. Đức vốn là con một, bố mẹ là giáo viên. Vừa tốt nghiệp phổ thông, anh nộp đơn xin vào ngành công an. Hiểu tính con, bố mẹ cũng chiều anh.
Không ít lần tôi làm về khuya thấy anh đi lang thang một mình trên đường với bộ đồ cũ kỹ, trông chẳng khác người chạy xe ôm. Anh cười nói: “Buồn quá, ngủ không được nên rảo xe đi tuần cho vui”. Nếu ai không biết công việc của anh thì chắc chắn họ nghĩ anh là người không bình thường. Cũng giống như đồng nghiệp thường trêu đùa anh bị… “khùng”, vì đang công tác ổn định, công việc nhẹ nhàng bên Đội CSGT lại chuyển qua cảnh sát hình sự đặc nhiệm (CSHSĐN – Công an Q.Bình Thạnh), vốn cực khổ và đầy hiểm nguy. Chuyển qua môi trường làm việc mới, chuyện lái xe, bắn súng đối với anh không khó, nhưng anh phải mất nhiều thời gian để học hỏi cách nhận dạng nghi phạm tra cứu hồ sơ, lý lịch của các băng nhóm, từng đối tượng cụ thể…, để phục vụ tốt hơn cho việc SBC. Công việc của điều tra viên phải tốn nhiều thời gian điều tra, truy tìm chứng cứ khám phá án còn lính SBC trong chớp nhoáng phải lên kế hoạch triệt phá ngay trên đường lúc đeo bám, cách thức vây bắt, giao nhiệm vụ cho từng người truy đuổi truy bắt…
Một tên cướp bị anh Đức và đồng đội bắt “ nóng”, giao công an phường xử lý – Ảnh: Đàm Huy
Video đang HOT
Sinh ra để săn bắt tội phạm
Nhắc đến thành tích bắt cướp của anh Đức, nhiều đồng đội tỏ ra nể phục. Dù là CSHSĐN cấp quận, nhưng đồng đội ở cấp TP và các quận, huyện khác đều biết tên tuổi anh. Mỗi năm trung bình anh bắt hàng trăm tên tội phạm các loại và anh đã chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần trong lúc truy bắt tội phạm đầu, tay chân, mặt mũi đều bị sứt mẻ. Có lần anh cùng đồng đội đi tuần tra ngang qua siêu thị Co.op mart Đinh Tiên Hoàng, phát hiện 2 tên cướp giật dây chuyền của một phụ nữ vừa từ siêu thị đi ra. Anh liền quay xe đuổi theo, nhưng bọn cướp cứ tưởng anh là người đi đường nên tỏ ra xem thường. Chúng cứ huơ sợi dây chuyền cướp được trước mặt hòng chọc tức anh. Thấy Đức vẫn lì lợm đuổi theo, tên ngồi sau rút dao ra đe dọa, rồi ngoắc tay thách thức. Đến chợ Bà Chiểu, Đức rút súng bắn chỉ thiên, lúc này chúng mới biết anh là hình sự nên lấy bột tiêu ra ném tới tấp. Dù nước mắt nước mũi chảy ra, cay xè, nhưng anh vẫn cố truy đuổi và tóm được chúng. Điều khiến đồng đội nể phục anh nhất là một khi có băng nhóm tội phạm nào vào địa bàn Đức gây án là những ngày hôm đó anh cảm thấy khó chịu, thường xuyên rảo xe trên đường để truy bắt cho bằng được thì mới yên lòng. Điển hình, cuối năm 2010, băng cướp dàn cảnh đánh lộn, dùng mũ bảo hiểm tấn công nạn nhân cướp xe tẩu thoát hoành hành nhiều nơi. Mỗi lần gây án, chúng đi ít nhất khoảng 10 người. Khi phát hiện con mồi, chúng dàn cảnh, ùa đến la lối um sùm, cự cãi lôi xe nạn nhân lại giả vờ chia 2 phe xông vào đánh nhau. Người đi đường nhìn vào cứ tưởng 2 bên mâu thuẫn đang đánh lộn nên không ai dám đến can ngăn, rồi chúng cướp xe của nạn nhân tẩu thoát. Băng nhóm này đã gây ra hàng chục vụ trên địa bàn các quận: 2, 7, 9, Thủ Đức, Bình Thạnh (TP.HCM) Bình Dương Biên Hòa (Đồng Nai)… Ban Giám đốc Công an TP.HCM chỉ đạo công an các quận, huyện tăng cường tuần tra kiểm soát triệt phá. Liên tục 3 tháng, anh Đức cùng đồng đội hầu như lúc nào cũng xuống đường tuần tra mai phục truy bắt. Sau nhiều ngày, một hôm tổ tuần tra phát hiện chúng dùng mũ bảo hiểm tấn công một thanh niên đi xe Future Neo ở gần cầu Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) cướp xe nhưng bất thành. Do lực lượng quá mỏng, anh cùng một trinh sát bám theo về hang ổ chúng nhưng đến Q.9 thì mất dấu. Không nản chí, anh và đồng đội tìm hiểu mọi thông tin dù nhỏ nhất về băng nhóm này… Tưởng dịp tết chúng nghỉ ngơi, nhưng không ngờ mùng 2 tết chúng tiếp tục gây án ở Q.Bình Thạnh. Anh cùng đồng đội mai phục ở cầu Bình Triệu. Bốn ngày sau, trinh sát phát hiện 2 thanh niên đi trên 2 xe gắn máy về hướng Thanh Đa có nhiều biểu hiện khả nghi. Một tên mang xe vào bãi giữ xe ở gần chợ Thanh Đa gửi, tên còn lại đứng đợi ở ngoài. Đoán chắc chúng vừa mới “ăn hàng” mang xe vào đây gửi để đi gây án tiếp, anh cùng đồng đội ập đến khống chế đưa về công an phường gần đó đấu tranh. Với những chứng cứ thuyết phục, 2 tên cướp này đã cúi đầu nhận tội. Sau đó, anh cùng đồng đội tiếp tục đón lõng, bắt giữ thêm 14 nghi phạm liên quan và thu giữ hơn 20 chiếc xe gắn máy mà chúng cướp được. Chúng khai gây ra tổng cộng 44 vụ, trong đó có 36 vụ cướp táo tợn dùng mũ bảo hiểm tấn công nạn nhân, số còn lại là cướp – hiếp dâm và trộm cắp tài sản. Với thành tích này, đại úy Đức được Bộ Công an và Công an TP.HCM vinh danh.
Đó chỉ là một trong hàng trăm chiến công của anh. Nhưng mỗi khi nhắc tới, đại úy Đức cười nói: “Đó chỉ là công việc bình thường của lính SBC”. Nhìn thấy anh lên xe chuẩn bị cho trận chiến mới, chúng tôi thầm nghĩ: dường như anh sinh ra là để săn bắt tội phạm.
Theo TNO
Trinh sát kể chuyện - Kỳ 2: Cao thủ taekwondo bắt cướp
Từng đoạt giải vô địch taekwondo toàn quốc, huy chương bạc Cúp taekwondo đội mạnh toàn quốc..., nhưng những vinh quang ấy không thể giữ được trung úy Phạm Quốc Cường gắn bó với con đường võ thuật.
Từ võ sĩ taekwondo...
Lúc chúng tôi hẹn gặp trung úy Phạm Quốc Cường (30 tuổi, trinh sát của Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (CSHSĐN) Công an TP.HCM) là lúc đứa con gái 5 tháng tuổi của anh bị sốt cao đang nằm viện. Thu nhập của 2 vợ chồng ít ỏi nên phải tiết kiệm bằng cách ở nhờ nhà bố mẹ Cường. Cuộc sống chật vật nhưng cả gia đình luôn hạnh phúc. Anh thường né tránh khi nhắc đến thành tích của mình, vì dường như đối với anh đó là việc làm bình thường của một trinh sát săn bắt cướp (SBC).
Cường (người khom lưng bên phải hình) trong một lần truy bắt được tên cướp giật - Ảnh: Đàm Huy
Từ nhỏ, Cường đã đam mê võ thuật. Vừa tốt nghiệp trung học, Cường nộp đơn dự thi vào Trường đại học TDTT T.Ư 2 (TP.HCM). Môn chuyên ngành mà Cường chọn là taekwondo. Thành tích lúc chưa tốt nghiệp đại học cũng đã khiến nhiều võ sĩ chuyên nghiệp khác mơ ước: năm 1999, Cường dự thi và đoạt giải vô địch taekwondo toàn quốc, huy chương bạc Cúp taekwondo đội mạnh toàn quốc năm 2002, vô địch taekwondo TP.HCM... Mặc dù đã hạ gục không biết bao nhiêu đối thủ tên tuổi trên võ đài, nhưng nhìn Cường lại rất hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ.
Năm 2006, Cường tốt nghiệp đại học rồi về nhà phụ giúp gia đình mua bán một thời gian. Thời gian này, Cường không ít lần tận mắt chứng kiến cảnh cướp giật tài sản của người đi đường khiến anh vô cùng bức xúc. Kể từ đó, Cường mơ ước được làm trinh sát SBC.
Khi được gia nhập vào lực lượng CAND, Cường xin về Đội SBC (nay là Đội CSHSĐN Công an TP.HCM) vào đầu năm 2008. Những ngày mới vào nghề, Cường chưa biết cách "nhìn" ra đối tượng nghi vấn. Ngồi sau xe trinh sát đàn anh, nhiều lúc quay đầu xe truy bắt cướp mà Cường cứ tưởng quay xe đi về. "Mới đầu tôi nhìn cướp cũng giống như người đi đường, nhưng đi với anh em một thời gian tôi nhanh chóng học nghề và tự mình đi SBC", Cường tâm sự. Chỉ sau 5 tháng vào "nghề" với lòng quả cảm và võ thuật cao cường, Cường trở thành vị khắc tinh của các băng cướp giật chuyên nghiệp.
...đến "khắc tinh" của bọn cướp
Một khi Cường đã quyết tâm truy bắt thì bọn cướp hầu như hết cơ hội thoát thân. Trình độ SBC của Cường thuộc hạng cao thủ của Công an TP.
Mới đây, Cường đối mặt với băng cướp giật, trộm cắp chuyên nghiệp và rất hung dữ. Lúc đó trời tối, tổ trinh sát của Cường phát hiện 4 tên đang đi 2 xe gắn máy trên đường Nguyễn Trãi (Q.5) là những tên nằm trong chuyên án của Công an TP đang truy xét. Vừa thấy Cường phóng xe lên ép đầu xe, chúng bung ra chạy tán loạn. Cường đuổi theo chiếc xe đi đầu chở 2 tên cướp mặt mày bặm trợn. Cuộc rượt đuổi diễn ra như trong phim hành động, qua nhiều tuyến đường. Khi đến giao lộ Trần Quốc Thảo - Lý Chính Thắng (Q.3), Cường cho xe áp sát xe 2 tên cướp, thì bất ngờ tên ngồi sau rút roi điện ra chích vào người Cường khiến tay lái anh loạng choạng, suýt tông vào trụ điện bên đường. Không nao núng, Cường vẫn chắc tay lái, đuổi sát bọn cướp. Đến gần giao lộ Lý Chính Thắng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cường tung cú đá khiến xe bọn cướp ngã lăn ra đường. Chỉ bằng một thế võ, Cường dễ dàng khống chế, tước được roi điện của tên ngồi sau.
Chưa hết, đầu năm 2012, Cường cùng đồng đội đang tuần tra trên đường Trường Sơn (Q.10) thì phát hiện 2 tên cướp đi xe máy giật ĐTDĐ của một người nước ngoài thì lập tức truy đuổi. Vừa áp sát xe 2 tên cướp, tên ngồi sau bất ngờ dùng bình xịt hơi cay xịt thẳng vào mắt Cường. Cường buộc phải nhắm mắt lại, đồng thời đạp thắng suýt tông vào xe tải lưu thông chiều ngược lại. Mặc dù mắt cay xè, nhưng anh không bỏ cuộc, cuộc rượt đuổi tên cướp qua nhiều tuyến đường vẫn tiếp tục. Đến giao lộ Sao Mai - Bành Văn Trân (Q.Tân Bình), thấy đường vắng, Cường cho xe mình lao thẳng vào xe 2 tên cướp, khiến cả 2 xe ngã ra đường. Lập tức, tên cầm lái rút dao xông vào đâm Cường. Phản xạ của một võ sĩ, nhanh như chớp, Cường tung cú đá hiểm khiến tên cướp văng vào bức tường nhà dân gần đó nằm bất động. Thấy đồng bọn bị hạ dễ dàng, tên còn lại biết mình không phải là đối thủ của Cường nên quăng dao bỏ chạy, nhưng sau đó đã bị đồng đội của Cường đến hỗ trợ bắt giữ.
Trong những lần đuổi bắt cướp trên đường phố, không biết bao nhiêu lần, Cường đã đối mặt với lưỡi hái tử thần. Tai nạn khiến anh nhớ mãi là vào cuối năm 2008, Cường chở một trinh sát truy đuổi cướp trên đường Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú). Khi đến giao lộ Lũy Bán Bích - Lương Minh Nguyệt, một thanh niên say rượu đi xe gắn máy lưu thông cùng chiều chạy phía trước đột ngột băng qua đường. Trong tình huống quá bất ngờ, Cường không thể xử lý kịp nên tông vào xe người thanh niên này. Cả hai trinh sát bị văng ra xa. Đầu xe của Cường bị bể nát, lốp xe nổ, niền xe cong queo. Song, may mắn, Cường và đồng đội chỉ bị trầy xước, bung gân chân, còn người thanh niên kia thì không hề hấn gì.
Trong tất cả các cuộc truy bắt cướp, Cường chưa bỏ nửa chừng vụ nào, ngoại trừ một số ít vụ anh gặp tai nạn bất ngờ. Với những thành tích trên, trung úy Phạm Quốc Cường đã được UBND TP.HCM, Công an TP, chính quyền địa phương mà Cường thường xuyên tuần tra SBC trao tặng nhiều bằng khen. Những lần được nhận bằng khen này, Cường nói, anh cảm thấy vui hơn hẳn những lần lên khán đài nhận Cúp vô địch taekwondo.
Trinh sát tiêu biểu
Nhận xét về trung úy Cường, một lãnh đạo của Đội CSHSĐN, Công an TP.HCM nói: "Khi rượt đuổi cướp, phân khối xe chỉ là một yếu tố góp phần thành công điều quan trọng nhất vẫn là sự dũng cảm và kỹ thuật chạy xe điêu luyện của người trinh sát. Đa số bọn cướp là những tay "đua" xe chuyên nghiệp và được tập luyện thường xuyên. Biết rõ nếu bị bắt thì sẽ đi tù, nên bọn cướp thường chạy bạt mạng để trốn tránh sự truy đuổi của trinh sát. Vì thế, trinh sát nào yêu nghề và có lòng quả cảm mới làm nghề này được mà Cường là một trong những chiến sĩ tiêu biểu".
Theo TNO
Trinh sát kể chuyện: SBC đẹp trai Họ là những trinh sát quả cảm, luôn chiến đấu bằng tinh thần thép và không bao giờ ngần ngại đối mặt với tội phạm, hiểm nguy, chỉ với mục tiêu mang lại bình yên cho xã hội. Thượng úy Nguyễn Hữu Hoàng Minh (28 tuổi, Tổ trưởng tổ CSHSĐN, Công an Q.1, TP.HCM)) là một người như thế. Làm quen tốc độ...