Trinh sát cơ quần thảo bầu trời thủ đô Mỹ
Máy bay trinh sát RC-26B bay nhiều vòng trên bầu trời thủ đô Washington, trong bối cảnh biểu tình chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Trinh sát cơ RC-26B mang mã hiệu 92-0373 của Vệ binh Quốc gia Mỹ đang hoạt động trên bầu trời thủ đô Washington. Một máy bay tiếp dầu KC-135R mang hô hiệu Decee 01 cũng đang xuất hiện ở không phận phía nam thành phố”, tài khoản Twitter Status-6 chuyên theo dõi hoạt động hàng không tại Mỹ hôm qua cho biết.
Tài khoản này đăng kèm ảnh thể hiện bản đồ đường bay, cho thấy chiếc RC-26B quần thảo nhiều vòng trên bầu trời thủ đô Mỹ vào tối 2/6. Vệ binh Quốc gia Mỹ chưa bình luận về thông tin này.
Chiếc RC-26B mã hiệu 92-0373 làm nhiệm vụ hồi năm 2018. Ảnh: Flickr.
Một tài khoản Twitter khác đăng ảnh chụp trực thăng Bell 412 làm nhiệm vụ dò tìm các dấu vết phóng xạ của Cơ quan An toàn Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA) cũng bay nhiều vòng trên bầu trời thủ đô. Thông tin này làm dấy lên suy đoán rằng NNSA có thể lo ngại nguy cơ người biểu tình sử dụng “bom bẩn”, loại thiết bị nổ trộn chất phóng xạ, ở Washington.
Tuy nhiên, NNSA khẳng định đó là chuyến bay kiểm tra sau bảo dưỡng và không liên quan tới những cuộc biểu tình đang bùng phát ở Washington.
RC-26B là dòng trinh sát cơ hạng nhẹ được phát triển trên nền tảng máy bay chở khách Fairchild SA-227 Metroliner hai động cơ. Vệ binh Quốc gia Mỹ đang vận hành đội bay 11 chiếc RC-26B với nhiệm vụ chính là chống tội phạm ma túy và hỗ trợ ứng phó thảm họa tự nhiên.
Chiếc 92-0373 là một trong 5 máy bay RC-26B Block 20, được trang bị cụm cảm biến quang – điện tử và máy quay hồng ngoại dưới thân. Tổ lái có thể truyền dữ liệu video độ nét cao tới binh sĩ dưới mặt đất gần như trong thời gian thực thông qua thiết bị cầm tay tiếp nhận video từ xa (ROVER) hoặc đường truyền dữ liệu Dragoon dành riêng cho phi đội RC-26B.
6 máy bay còn lại trong lực lượng là phiên bản Block 25R được tối ưu cho nhiệm vụ trinh sát điện tử. Cụm cảm biến quang – điện tử và hồng ngoại bị loại bỏ, thay bằng các hệ thống có khả năng nghe trộm và định vị thiết bị liên lạc của đối phương.
Video đang HOT
Đường bay của chiếc RC-26B trên bầu trời thủ đô Washington hôm 3/6. Ảnh: Twitter/Status-6.
Phong trào biểu tình kêu gọi công lý cho George Floyd, người da màu bị cảnh sát ghì chết tại thành phố Minneapolis, khởi phát từ cuối tháng 5, sau đó lan tới ít nhất 140 thành phố của Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Một số phần tử quá khích và cơ hội tại Mỹ đã lợi dụng biểu tình để cướp bóc, đập phá các cửa hàng, đốt xe và các tòa nhà.
Ít nhất 40 thành phố của Mỹ áp lệnh giới nghiêm để đối phó với các vụ bạo động. Hơn 20.000 lính Vệ binh Quốc gia được triển khai để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật ở Washington D.C. và 28 bang.
Một số người biểu tình gần Nhà Trắng không ra về sau giờ giới nghiêm 19h của thủ đô Washington, dù lực lượng hành pháp cảnh báo có thể phản ứng mạnh. Đám đông tỏ ra bình tĩnh và lịch sự, la ó phản đối khi một người biểu tình leo lên cột đèn tháo biển báo giao thông.
Tuy nhiên, một số vụ đụng độ vẫn xảy ra ở thủ đô Washington và thành phố Portland khi người biểu tình ném pháo hoa và chai lọ, khiến cảnh sát đáp trả bằng hơi cay và lựu đạn choáng.
Lý do biểu tình Mỹ biến thành bạo lực
Tâm lý kích động và quan điểm của người biểu tình rằng bạo lực là chính đáng, phù hợp với hoàn cảnh đã góp phần đẩy căng thẳng lên đến đỉnh điểm.
Lệnh giới nghiêm đã được ban bố trên hàng loạt thành phố Mỹ do biểu tình và hỗn loạn đang lan rộng sau khi George Floyd, một người da màu ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, tuần trước bị cảnh sát ghì cổ đến chết.
Một số cuộc biểu tình bắt đầu trong ôn hòa nhưng sau đó biến thành bạo lực. Người biểu tình đụng độ với cảnh sát, đốt phá, cướp bóc các cửa hàng, phương tiện, buộc chính quyền các bang phải huy động Vệ binh Quốc gia Mỹ để đối phó.
Xe cảnh sát bị đốt trong cuộc biều tỉnh ở Atlanta, Georgia, ngày 29/5. Ảnh: Reuters.
"Những sự việc như cái chết của Floyd có thể trở thành ngòi nổ bởi đối với nhiều người, nó là hình ảnh biểu trưng cho mối quan hệ giữa cảnh sát và cộng đồng da màu", giáo sư Clifford Stott, chuyên gia về hành vi đám đông và chính sách trật tự công cộng tại Đại học Keele, Anh, nhận định. Các tình huống đối đầu sẽ có nhiều khả năng nảy sinh ở những nơi tồn tại bất bình đẳng trong cấu trúc xã hội, ông nhấn mạnh.
Năm 2011, bạo loạn cũng nổ ra tại Anh sau khi một người đàn ông bị cảnh sát bắn chết. Những người phản đối ban đầu tổ chức biểu tình ôn hòa, nhưng căng thẳng liên tục leo tháng, cuối cùng biến thành 4 ngày hỗn loạn với vô số cửa hàng bị cướp phá.
Stott nhận thấy bạo loạn lan rộng ở Anh hồi năm 2011 bởi người biểu tình tại những thành phố khác nhau đã tập hợp lại vì tìm thấy điểm chung là sắc tộc và cùng chia sẻ sự căm ghét với cảnh sát. Khi cảnh sát xuất hiện dấu hiệu lạm quyền, những thành phần gây bạo loạn cảm thấy họ có nghĩa vụ, trách nhiệm phải hành động.
Biểu tình bạo lực ít khi xảy ra nếu cảnh sát có mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng địa phương, nhưng cách họ phản ứng với người biểu tình cũng rất quan trọng, chuyên gia đánh giá.
"Bạo loạn là sản phẩm của sự tương tác, đa phần bắt nguồn từ cách cảnh sát đối xử với đám đông", giáo sư Stott nói. Trong đám đông biểu tình lớn, căng thẳng sẽ bắt đầu leo thang khi một nhóm nhỏ đụng độ với cảnh sát. Tuy nhiên, cảnh sát thường phản ứng với toàn bộ đám đông. Nếu người biểu tình cảm thấy cảnh sát đang sử dụng vũ lực không chính đáng, điều này sẽ làm gia tăng tâm lý "chúng ta đối đầu với họ".
"Cảm nhận của mọi người về bạo lực và đối đầu có thể vì thế mà thay đổi, chẳng hạn, họ sẽ bắt đầu cảm thấy rằng bạo lực là chính đáng trong hoàn cảnh đó", Stott cho biết thêm.
Darnell Hunt, trưởng khoa khoa học xã hội Đại học California, tin rằng cảnh sát Mỹ đã "gia tăng những hành động quyết liệt" vào cuối tuần qua, trước làn sóng biểu tình.
"Huy động Vệ binh Quốc gia, sử dụng đạn cao su, hơi cay, bom khói, những chiến thuật này của cảnh sát đều có thể làm trầm trọng thêm một tình huống vốn đã căng thẳng", Hunt cho hay.
Tâm lý đạo đức cũng có thể giúp lý giải các cuộc biểu tình hóa bạo lực, theo Marloon Moojiman, phó giáo sư về hành vi có tổ chức tại Đại học Rice. Ý thức đạo đức của một người là yếu tố trung tâm hình thành nên cách nhìn nhận của họ đối với bản thân, vì thế "khi chúng ta nhìn thấy điều gì đó vô đạo đức, nó sẽ tạo ra những cảm giác mãnh liệt, bởi chúng ta cảm thấy nhận thức về đạo đức của mình cần được bảo vệ".
"Cảm nhận này có thể lấn át những suy nghĩ về việc phải giữ mọi việc trong khuôn khổ" bởi "khi bạn nghĩ toàn bộ hệ thống đã bị phá vỡ, bạn sẽ thực sự muốn làm điều gì đó quyết liệt để cho thấy đó là điều không thể chấp nhận được", Moojiman cho biết.
Nghiên cứu cho thấy mạng xã hội cũng có khả năng khiến mọi người dễ chấp nhận bạo lực hơn nếu họ nhìn thấy hành vi bạo lực xuất hiện ở những người cùng quan điểm đạo đức với mình.
Tại Mỹ, hàng trăm cơ sở kinh doanh đã bị người biểu tình đập phá, cướp bóc. Theo giáo sư Stott, mọi người thường cho rằng những hành vi này bắt nguồn từ sự hỗn loạn và suy nghĩ chưa thấu đáo của đám đông biểu tình. Nhưng thực tế, đây là hành vi hoàn có chủ đích, bắt nguồn từ yếu tố tâm lý.
"Về mặt nào đó, cướp bóc là một cách thể hiện quyền lực, những người da màu có thể cảm thấy họ bị lép vế trong mối quan hệ với cảnh sát, nhưng trong bối cảnh một cuộc bạo loạn, những kẻ gây bạo loạn lại trở nên mạnh mẽ hơn cảnh sát", Stott nói.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng những địa điểm bị cướp phá thường liên quan tới các doanh nghiệp lớn và hành động cướp phá "thường liên quan đến cảm giác về sự bất bình đẳng trong xã hội tư bản", ông cho biết thêm.
Tuy nhiên, cả giáo sư Stott và giáo sư Hunt đều lưu ý rằng căn nguyên của hành vi cướp bóc, hôi của trong biểu tình, bạo loạn rất phức tạp. Đôi khi, có những người cướp đồ chỉ để thỏa mãn lòng tham cá nhân hay là thành viên của các tổ chức tội phạm.
Theo các chuyên gia về trật tự công cộng, cách tốt nhất để ngăn chặn bạo lực là cảnh sát phải cho thấy họ hành động đúng luật và nỗ lực thuyết phục người biểu tình đối thoại.
Giáo sư Lawrence Ho, chuyên gia về chính sách và quản lý trật tự công cộng tại Đại học Giáo dục Hong Kong, thừa nhận đàm phàn là chìa khóa giúp ngăn chặn bạo lực, nhưng khó khăn nằm ở chỗ rất nhiều cuộc biểu tình không có người dẫn dắt. "Nếu bạn không thể tìm thấy người đứng đầu, bạn không thể đàm phán với họ", ông nói.
Nhìn chung, các chính trị gia có thể khiến tình hình tốt hơn hay tệ hơn phụ thuộc vào lựa chọn đối đầu hay đối thoại của họ. Tuy nhiên, sau cùng, các cuộc bạo loạn có thể là biểu hiện của những mối căng thẳng sâu rộng và những vấn đề phức tạp vốn không có giải pháp dễ dàng.
Giáo sư Hunt cho rằng phong trào biểu tình đang diễn ra ở Mỹ là nghiêm trọng nhất từ năm 1968 đến nay, sau khi Martin Luther King bị ám sát.
"Sự việc của George Floyd không phải nguyên nhân, nó giống như giọt nước làm tràn ly hơn. Ta có thể nói rằng hành vi giết hại dân thường của cảnh sát là triệu chứng còn nguyên nhân sâu xa nằm ở tư tưởng da trắng thượng đẳng, nạn phân biệt chủng tộc cùng những vấn đề khác mà Mỹ chưa thể xử lý một cách căn cơ", ông bình luận.
Vệ binh Quốc gia - 'Cây gậy' Trump dùng ứng phó biểu tình Vệ binh Quốc gia được Trump tin là công cụ hiệu quả để nhanh chóng giải quyết biểu tình bạo lực, dù đây không phải lực lượng hành pháp. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/6 tuyên bố các thống đốc, thị trưởng để xảy ra biểu tình bạo lực trong nhiều ngày sau vụ George Floyd, người đàn ông da màu bị...