Trinh sát cơ Mỹ-Nhật ‘đánh hơi’ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên
Hàng loạt máy bay trinh sát hạt nhân được Mỹ và Nhật triển khai để đánh giá tính chất vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên.
Chiếc WC-135C hạ cánh xuống căn cứ Kadena. Ảnh: Airliners.
Nhiều trinh sát cơ hạt nhân đã xuất hiện gần Triều Tiên hôm 3/9, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Đây là những phi cơ được trang bị các cảm biến hiện đại nhằm “đánh hơi”, phát hiện bụi phóng xạ trong không khí và đánh giá tính chất vụ thử nghiệm của Triều Tiên, theo Aviationist.
Đầu tiên là “máy bay đánh hơi hạt nhân” WC-135C Constant Phoenix mang số hiệu 62-3582 đóng quân tại căn cứ Kadena trên đảo Okinawa, Nhật Bản. Đây là một trong hai chiếc WC-135C còn trong biên chế không quân Mỹ, sau khi nước này loại biên 8 chiếc hoạt động từ thập niên 1960.
Video đang HOT
Nhiệm vụ của WC-135C là thu thập mẫu không khí, hỗ trợ Hệ thống phát hiện năng lượng hạt nhân của Mỹ (AEDS). Đây là mạng lưới cảm biến giám sát các hoạt động hạt nhân được tiến hành dưới lòng đất, dưới biển, trong khí quyển và ngoài không gian.
WC-135C được phát triển từ nền tảng máy bay vận tải Boeing C-135, có thể chở tối đa 33 thành viên phi hành đoàn và chuyên gia hạt nhân. Tuy nhiên, tổ bay thường được cắt giảm tới mức tối thiểu để giảm nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ.
Hai bên thân máy bay có khoang thu thập mẫu không khí, bộ lọc bên trong sẽ tách các phân tử phóng xạ để phân tích. Thiết bị trên WC-135C cho phép chuyên gia đo đạc dư lượng phóng xạ theo thời gian thực nhằm xác nhận sự xuất hiện của vụ nổ hạt nhân, cũng như thông tin cơ bản về đầu đạn.
Máy bay huấn luyện T-4 của Nhật Bản. Ảnh: Jet Photos.
Bên cạnh chiếc WC-135C, nhiều máy bay huấn luyện T-4 của Nhật cũng xuất kích để thu thập mẫu không khí. Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản duy trì một phi đội gồm 4 máy bay T-4 và một vận tải cơ C-130 làm nhiệm vụ trinh sát hạt nhân. Tất cả đều được trang bị khối thiết bị lấy mẫu không khí gắn dưới cánh. Chúng được biên chế tại ba căn cứ không quân trải khắp Nhật Bản.
Tử Quỳnh
Theo VNE
Mỹ: Bom nhiệt hạch Triều Tiên mạnh gấp đôi đánh giá ban đầu
Đánh giá mới nhất của tình báo Mỹ cho thấy sức công phá của quả bom hạt nhân Triều Tiên vừa thử lên đến 140 kiloton.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tươi cười bên cạnh một thiết bị được cho là bom nhiệt hạch. Ảnh: KCNA.
Trước đó chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản đã đưa ra các đánh giá khác nhau về sức công phá của vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Triều Tiên lần lượt là 50 và 70 kiloton, theo Diplomat.
Nguồn tin chính phủ Mỹ cho biết vụ thử hạt nhân lần này của Triều Tiên liên quan đến một "thiết bị hạt nhân tiên tiến". Thiết bị này có thể là một quả bom phân hạch sử dụng chất đồng vị hydro để nâng sức công phá hoặc một quả bom nhiệt hạch hai tầng như tuyên bố của chính quyền Bình Nhưỡng.
Hiện chưa thể xác định liệu thiết bị này có phải là thiết bị trong các bức ảnh mà Triều Tiên đã công bố vào ngày 3/9, trước thời điểm diễn ra cuộc thử nghiệm hay không.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera ngày 5/9 cũng cho rằng dựa trên cường độ cơn địa chấn sau vụ nổ sức hủy diệt của quả bom Triều Tiên vừa thử có thể mạnh hơn nhiều so với đánh giá ban đầu của chính phủ nước này.
Mỹ và Nhật Bản đều sở hữu những máy bay có khả năng phát hiện phóng xạ và đều triển khai các phi cơ này đến căn cứ Kadena tại tỉnh Okinawa nhằm thu thập dữ liệu phóng xạ của vụ thử bom của Triều Tiên. Tuy nhiên, dường như cuộc thử nghiệm lần này của Bình Nhưỡng đã thành công trong việc ngăn chặn sự phóng thích các chất gây ô nhiễm lên bầu không khí trên mặt đất.
Theo Nguyễn Hoàng (Vnexpress)
Việt Nam phản ứng về việc Triều Tiên thử hạt nhân lần 6 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc Triều Tiên thử hạt nhân đã vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Người dân ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, theo dõi bản tin về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hôm 3/9. Ảnh: AP. Trả lời câu hỏi từ phóng viên về việc Triều Tiên...