Trịnh Công Sơn tiên cảm về hòa bình, hòa giải và tự do
Nhìn lại một chặng đường dài của đất nước mới thấy sức tiên cảm của Trịnh Công Sơn về một ngày hòa bình, thống nhất và ước mơ về một sự hòa giải trong tim người Việt Nam.
Trong nhiều ca khúc viết lúc đất nước còn chia cắt, Trịnh Công Sơn viết như lời tuyên xưng đức tin của một người yêu nước bằng hai tiếng “da vàng”, đồng thời kêu gọi mọi người yêu nước và yêu nhau. Cũng là người Việt da vàng, cùng chung dòng máu, nhưng quay mũi súng vào nhau.
Viết Tình ca người mất trí, Trịnh Công Sơn nói về những cái chết của người lính. Ông không nói người lính ở bên phía nào. Dù là phía nào, thì cái chết của họ cũng để lại nỗi đau cho người ở lại. Họ có nhiều tên riêng nhưng họ chỉ có một tên chung – người Việt Nam.
Ông cất tiếng hát gọi cái tên thiêng liêng đó: “Tôi muốn yêu anh yêu Việt Nam. Ngày gió lớn tôi đi môi gọi thầm. Gọi tên anh Việt Nam. Gần nhau trong tiếng nói da vàng”.
Trịnh Công Sơn.
Video đang HOT
Mơ ước hòa bình, mong tìm hòa giải và khát khao tự do là ba mối suy tư lớn của Trịnh Công Sơn. Trong nhiều bài hát, ông nhắc đến quyền tự do, sự tự do cho con người. Ông đòi tự do một cách tha thiết, khẩn thiết và tuồng như, ông lo sợ điều đó không đến, hoặc đến không như mong đợi.
Sự mẫn cảm của người nghệ sĩ thôi thúc ông nhắn gửi với cộng đồng về điều này. Hòa bình, thống nhất phải đi liền với tự do, ông nói lên điều đó trước khi đất nước thống nhất. “Chờ nhìn quê hương sáng chói” không chỉ là chờ có một ngày hòa bình, mà ngày đó cất lên được tiếng nói tự do: “Chờ trống dồn tin mừng khắp phố làng ta. Chờ nghe từ đất dậy tiếng ca tự do”.
Trong Đồng dao hòa bình, ông tin “Đường Việt Nam hôm nay có bước chân tự do“. Ông nhắc nhớ như vậy có lẽ vì ông lo lắng người ta sẽ quên đi điều quan trọng nhất, tự do là một phần không thể thiếu của hòa bình.
Mơ về ngày thống nhất để xây dựng đất nước, xây những con đường cho dân ta đi. Nhưng có một con đường, một căn nhà mà Trịnh Công Sơn kiên trì kêu gọi phải xây cho được, đó là con đường Việt Nam và căn nhà tự do. Căn nhà tự do cũng chính là con đường Việt Nam: “Hòa bình nào vừa bay về trong gió lớn. Rừng núi ta ơi đi dựng lại con đường Việt Nam. Mầm hòa bình nở trên đời dân khốn khó. Cùng đứng lên ta đi dựng lại căn nhà tự do” (Dân ta vẫn sống).
Trịnh Công Sơn đã để lại những ca khúc bất hủ cho nhạc Việt.
Trong ca khúc Huế – Sài Gòn – Hà Nội, Trịnh Công Sơn hai lần nhắc đến “tự do”, ông chờ mong tự do như chờ mong hòa bình. Lòng như lửa đốt chờ đợi một giá trị cao quý nhất dành cho dân mình: “Từ Trung Nam Bắc chờ mong nung đốt. Những bó đuốc reo vui tự do” và “Ngựa bay trong gió lòng reo muôn vó. Cho dân ta bừng lớn trong tự do”. Đúng là chỉ có tự do dân mình mới bừng lớn lên được. Ai nói Trịnh Công Sơn không có nhãn quan chính trị thì quả là sai lầm.
Chỉ có sự tự do, chỉ vì con người, không nhân danh bất cứ thứ gì trên đời ngoài hai tiếng “con người”. Trịnh Công Sơn nhìn cuộc chiến, thấy máu xương của những người anh em cùng con cái của mẹ Việt Nam đã đổ ra vì nhiều thứ nhân danh… Cho nên, ông nhất quyết phải can gián, ông cất lên tiếng gọi hòa bình và tự do, như trong bài Ta đã thấy gì đêm nay:”Dòng máu anh em đã nhuộm mặt trời. Cùng xương khô lên tiếng nói. Đời sống ấm êm nhân danh con người”…
Theo Lê Thanh Phong/Lao Động
Giang Trang lánh mình khỏi showbiz để hát nhạc Trịnh
Giang Trang từng từ chối lời hát trong các đêm nhạc Trịnh Công Sơn vì không muốn xuất hiện với vai trò ca sĩ. Cô chỉ tự nhận mình là một người yêu nhạc Trịnh.
Giang Trang có thể là một cái tên khá xa lạ trong showbiz Việt nhưng lại được nhiều khán giả yêu nhạc Trịnh biết tới. Cô từng cho ra album Lênh đênh nhớ phố, Hạ huyền và mới đây nhất là Hạ huyền 2 gồm những sáng tác của cố nhạc sĩ tài hoa gốc Huế.
Từng có thời gian theo học guitar cổ điển nhưng Giang Trang lại rẽ sang một bước ngoặt khác khi thi đỗ vào trường Đại học Ngoại thương. Trong những năm tháng sinh viên, cô thường hát nhạc Trịnh Công Sơn. Giọng hát của cô có cái thản nhiên và u hoài nên tìm thấy sự đồng vọng với ca từ và âm nhạc của cố nhạc sĩ.
Rời giảng đường, cuộc sống mưu sinh cuốn Giang Trang rời xa âm nhạc. Sau khi lấy chồng sinh con, Giang Trang rơi vào trạng thái trầm cảm. Cô một lần nữa tìm tới nhạc Trịnh để giải tỏa những chất chứa trong lòng. Với Giang Trang, nhạc Trịnh giống như điểm tựa tinh thần. Chính vì thế, khi nghe album Hạ huyền đầu tiên, người nghe thấy nó mang nặng tự sự cá nhân.
Tới Hạ huyền 2, giọng hát của Giang Trang vẫn có nét u hoài nhưng đã nhẹ nhõm hơn. Giang Trang hát các ca khúc nhạc Trịnh với tinh thần của một người dường như đã tìm được sự yên tĩnh trong lòng và nhìn ra thế giới.
Giang Trang chia sẻ mình hát với tâm thế của một khán giả yêu nhạc Trịnh, thế nhưng giọng ca này lại có dịp cộng tác với những tay guitar nổi tiếng nhất Hà Nội như Anh Hoàng, Thanh Phương.
Giang Trang có mối quan hệ khá thân thiết với gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bà Trịnh Vĩnh Trinh - em ruột cố nhạc sĩ - từng nhiều lần mời cô tham gia các đêm nhạc tưởng nhớ anh trai nhưng cô đều từ chối. Giang Trang không muốn xuất hiện với vai trò ca sĩ. Cô cũng không muốn kể về tình thân với gia đình cố nhạc sĩ vì cho rằng, đó là chuyện riêng tư, chưa tới lúc chia sẻ với công chúng.
Sau khi giới thiệu Hạ huyền 2 tới công chúng Hà Nội vào tháng 3, Giang Trang mang sản phẩm âm nhạc mới nhất của mình tới Paris (Pháp) và Munich (Đức) trong đầu tháng 4.
Theo Zing
Đặt dấu chấm lặng vào quá khứ Có những ca khúc mang một đời sống kỳ lạ, đi vào tâm thức của lịch sử, gắn với một giai đoạn và người hát trở thành biểu tượng của thời khắc ấy. Những ca khúc thời chiến cũng không là ngoại lệ, cho dù đứng ở phía nào, nó cũng nói lên cuộc chiến tương tàn, nỗi đau thương mất mát và...