Trịnh Công Sơn: Phiên bản thanh xuân ngắn gọn và cảm xúc hơn của Em Và Trịnh
So với Em Và Trịnh, Trịnh Công Sơn chỉ tập trung khắc họa tình yêu và những biến cố thời cuộc của người nhạc sĩ tài hoa khi còn trẻ.
Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, một bộ phim ra rạp cùng lúc hai phiên bản là Trịnh Công Sơn và Em Và Trịnh. Trịnh Công Sơn là phiên bản ngắn chỉ 90 phút và tập trung vào khoảng thời gian trai trẻ của người nhạc sĩ đa cảm. Do đó, tác phẩm đã thoát được một số điểm yếu của Em Và Trịnh, đồng thời mang đến một câu chuyện gãy gọn và nhiều cảm xúc hơn.
Khác với Em Và Trịnh, nội dung Trịnh Công Sơn mở màn khi Trịnh Công Sơn (Avin Lu) mê mẩn giọng hát của nữ ca sĩ Thanh Thúy (Nhật Linh) ở Sài Gòn vào cuối thập niên 1950. Anh sáng tác cho người đẹp ca khúc Ướt Mi nhưng vẫn không được cô chấp nhận tình cảm. Lúc này, Trịnh Công Sơn quyết định quay về Huế và đem lòng yêu mến nàng Bích Diễm (Lan Thy). Những tình tiết còn lại không có nhiều điểm khác biệt với phiên bản 136 phút.
Nội dung gãy gọn, cảm xúc
Phiên bản Trịnh Công Sơn đã cắt bỏ hoàn toàn tuyến truyện của Trịnh Công Sơn lúc về già do Trần Lực thể hiện cùng “nàng thơ” người Nhật là Michiko Yoshii (Nakatani Akari). Toàn bộ nội dung phim chính là những đoạn hồi tưởng của nhạc sĩ trong phiên bản Em Và Trịnh được ghép nối lại với nhau và thêm vào những đoạn dẫn truyện. Nhờ đó, tác phẩm thoát khỏi sự lan man khi phải theo dõi hai tuyến truyện cùng diễn ra song song.
Bối cảnh phim và âm nhạc vẫn là điểm nhấn của Trịnh Công Sơn khi xứ Huế thơ mộng những năm 1960 được tái hiện một cảnh nên thơ qua những con đường rợp lá bay hay tòa tháp cổ có tiếng chuông ngân. B’lao (Bảo Lộc) thì hoang sơ, hùng vĩ và buồn miên man như nỗi nhớ nàng Dao Ánh (Hoàng Hà). Sài Gòn chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng thấy rõ được sự xô bồ của thành đô vào những năm cuối chiến tranh.
Đặc biệt, bộ phim có thêm nhiều cảnh quay để nói về nỗi đau và sự cô đơn của Trịnh Công Sơn sau mỗi cuộc tình dang dở. Nếu mỗi ca khúc trong Em Và Trịnh chỉ kéo dài vài chục giây khiến khán giả chưa đủ “đã” thì Diễm Xưa, Mưa Hồng, Còn Tuổi Nào Cho Em có thời lượng dài hơn trong Trịnh Công Sơn với giai điệu da diết và phần hình ảnh nên thơ. Những đoạn dẫn truyện cũng phần nào giúp người xem thấy được sự kết nối trong câu chuyện đời của ông.
Day dứt giữa tình yêu và thời cuộc
Một điểm khác biệt khác giữa Trịnh Công Sơn và Em Và Trịnh chính là phần ý nghĩa phản chiến đã trở nên rõ nét hơn. Nhóm bạn của Trịnh Công Sơn là Ngô Kha (Samuel An), Bửu Ý (Hà Quốc Hoàng), Định Công (Việt Hưng) và Văn Đỗ (Din Phạm) có nhiều đất diễn hơn cho thấy rõ tác động của thời cuộc. Họ từng là nhóm bạn thân thiết để rồi kẻ trở nên điên dại vì trốn quân dịch, người trở thành nhà giáo cách mạng.
Nếu như trong Em Và Trịnh, việc Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ phản chiến chỉ xuất hiện trong lời nói của Akari một cách gượng gạo thì chi tiết đã mang nhiều ý nghĩa hơn trong Trịnh Công Sơn. Phim cho thấy sự day dứt của người nhạc sĩ trước biến động của thời cuộc. Những ca khúc của ông không đứng về phe nào và đề cao hòa bình, lên án sự tàn khốc của chiến tranh, bom đạn.
Hình ảnh Trịnh Công Sơn nhìn thấy đất nước tan hoang, người chết phơi thây ngoài đồng, kẻ sống bồng bế nhau bỏ trốn bom đạn, người Việt giết hại lẫn nhau trên chính quê hương với nền nhạc bi ai của Ngày Dài Trên Quê Hương mang đến nhiều cảm xúc. Ông cũng chính là một trong những nhạc sĩ đầu tiên của miền Nam lên tiếng hòa hợp dân tộc với ca khúc Nối Vòng Tay Lớn trên đài phát thanh.
Thiếu vắng tuyến truyện của Michiko, Trịnh Công Sơn cũng mang đến cảm giác day dứt hơn Em Và Trịnh. Chàng nhạc sĩ trẻ theo đuổi nhiều cô gái, có một mối tình khắc cốt ghi tâm nhưng kết quả vẫn chỉ là cô đơn, buồn tủi. Phim khép lại với những hình ảnh những người anh yêu thương đã có một cuộc sống khác nơi xứ người, còn chàng Trịnh vẫn ở lại một mình với những ca khúc bi ai và nhuốm màu tiếc nuối trần gian.
Vẫn còn đó một vài tiếc nuối
Tuy đã thoát khỏi những điểm yếu của Em Và Trịnh nhưng Trịnh Công Sơn cũng có những điểm chưa tốt riêng. Vì là những cảnh hồi tưởng ghép lại với nhau, phim trở nên rời rạc và như nhiều giai thoại về Trịnh Công Sơn chắp vá lại chứ không phải một câu chuyện hoàn chỉnh. Tác phẩm vẫn chưa thể hiện được hoàn cảnh sáng tác và cảm hứng đằng sau những ca khúc của Trịnh. Những chi tiết bổ sung chưa đủ sức nặng và chiều sâu để khán giả hiểu rõ hơn con người của Trịnh Công Sơn.
Chấm điểm: 3,5/5
Trịnh Công Sơn là một bản dựng ngắn nhưng tập trung thẳng vào vấn đề chính cụ thể. Phim khắc họa rõ hình ảnh Trịnh Công Sơn trai trẻ với những ca khúc kinh điển về nỗi buồn, tình yêu và thời cuộc. Dẫu vậy, Trịnh Công Sơn nên làm sâu hơn nhiều vấn đề và suy nghĩ của người nhạc sĩ thì sẽ tốt hơn nhiều.
Trailer Em Và Trịnh
Trịnh Công Sơn - Em Và Trịnh ra rạp: Khán giả nên xem phiên bản nào trước?
Là dự án điện ảnh hiếm hoi tại Việt Nam sở hữu cùng lúc 2 phiên bản về Trịnh Công Sơn được công chiếu cùng ngày, vậy sức hút đến từ cả hai phiên bản này có thực sự đặc biệt như chính cách nó được giới thiệu?
"Trịnh Công Sơn" - "Em Và Trịnh": Hai phiên bản cho một hành trình trọn vẹn của "chàng Trịnh"
Em Và Trịnh và Trịnh Công Sơn đều xoay quanh về những góc cạnh, những thay đổi trong tâm tư và trong hành trình trong tình yêu - âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cũng như những nguồn cảm hứng đã giúp ông viết nên các ca khúc để đời. Thế nhưng, sự độc đáo làm nên hai bản thể khác nhau cho Trịnh Công Sơn, Em Và Trịnh chính là cách đối thoại và đổi ngôi nhân vật. Nhất là khi xuyên suốt hành trình của cả 2 phiên bản, khán giả không tìm thấy dáng dấp của phim tư liệu. Ngược lại, đó là giao hưởng của tuổi trẻ, tình yêu và nhạc Trịnh.
Trịnh Công Sơn chọn giai đoạn phong trào đấu tranh tại miền Nam diễn ra bùng nổ nhất để khắc họa nguồn cảm hứng và chân dung "chàng Trịnh" trong tình yêu nam nữ, cũng như trọng trách của người nhạc sĩ trẻ trước thời cuộc của Đất Nước. Từ đó, người hâm mộ được nhìn thấy hình ảnh Trịnh Công Sơn chưa từng kể, những niềm ưu tư dành cho những cảm xúc chớm nở trong lòng với Bích Diễm (Lan Thy), Dao Ánh (Hoàng Hà) và người tri âm Khánh Ly (Bùi Lan Hương).
Trong khi đó, Em Và Trịnh lại mang đến những tâm tư khắc khoải và hoài niệm của người nhạc sĩ, về sự trăn trở trong cái tôi âm nhạc. Để suốt gần 135 phút, khán giả được trải qua những thăng trầm và đắm mình trong sự chiêm nghiệm cuộc đời theo góc nhìn của Trịnh Công Sơn. Đó là một Trịnh Công Sơn chúng ta từng say mê với Cho Đời Chút Ơn, Tình Nhớ...
Tổng hòa hai phiên bản, nếu Trịnh Công Sơn đưa người xem về những khoảnh khắc rực rỡ nhất của tuổi trẻ và lắng đọng trong những cảm xúc từ vụng dại đến nồng nhiệt qua gần 300 bức thư Trịnh Công Sơn gửi cho mối tình sâu đậm nhất cuộc đời mình - Dao Ánh, cùng giai điệu bất hủ bước ra từ giọng hát của Khánh Ly, Em Và Trịnh giống như bản giao thoa của người nhạc sĩ tài hoa trước những biến động khi nhắc về mình, về quá khứ, về những nguồn cảm hứng bất tận trong tình yêu giúp ông mở ra các góc nhìn sâu hơn trong các sáng tác sau năm 1975.
Hai phiên bản đều sở hữu nét độc đáo riêng: Một bên dữ dội, nồng nàn và lãng mạn như một cơn mưa rào; một bên dịu dàng, khắc khoải khiến khán giả bồi hồi về những nốt thăng, nốt trầm đan xen của Trịnh Công Sơn. Thế nên, sẽ thật thiếu sót nếu một trong hai phiên bản trở thành bí mật với khán giả điện ảnh nói chung và fan Trịnh nói riêng.
Trịnh Công Sơn hay Em Và Trịnh: Đâu là phiên ưu tiên?
Rất khó để đặt Trịnh Công Sơn so sánh với Em Và Trịnh.
Trịnh Công Sơn tập trung mang đến khúc ca sôi nổi về tinh thần tuổi trẻ trong tình yêu mới nở, hoà lẫn về những trăn trở trước chiến cuộc, trọng trách của người nghệ sĩ yêu hoà bình mạnh dạn cất lên tiếng nói. Đây là thời gian mà những bản nhạc về tình yêu bất hủ cũng như những ca khúc phản chiến nổi tiếng của ông ra đời.
Em Và Trịnh lại mang đến cuộc đời của Trịnh trải dài từ trẻ đến lúc tuổi già, đặc biệt tập trung vào độ tuổi trung niên kể từ khi anh gặp Michiko. Lúc này, người ta thấy một Trịnh Công Sơn - người đàn ông trầm lắng, nhiều tâm tư hơn về cuộc đời, trải lòng hơn về những trăn trở trong cuộc sống: là tình yêu, là gia đình và niềm yêu mến cho âm nhạc.
Đồng thời, đi cùng từng thời kỳ nhạc Trịnh Công Sơn từ thời trai trẻ đến trước khi qua đời, người xem tìm thấy được sự đồng điệu trong chính thế hệ của mình: nhiều lựa chọn, loay hoay trong cái tôi của thực tại và đam mê.
Cuối cùng, liệu có thật sự cần đến 2 phiên bản về Trịnh Công Sơn? Câu trả lời là có. Nếu đã xem Trịnh Công Sơn, bạn không thể bỏ lỡ Em Và Trịnh. Vì 2 phiên bản giúp người xem có thể đứng ở nhiều chiều không gian khác nhau để nhìn và yêu hơn về Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông. Từ đó, chúng ta hiểu rằng vì sao âm nhạc của Trịnh, hình ảnh của Trịnh và tinh thần của Trịnh lại mang đến một giá trị đặc biệt mãi với thời gian.
Nếu có thể bạn nên xem Trịnh Công Sơn trước, với một bức chân dung liền mạch của tuổi trẻ, đầy đặn hơn một chút những nàng thơ, những tiếc nuối, những tự sự. Sự tò mò dang dở của Trịnh Công Sơn sẽ tiếp nối ở Em Và Trịnh khá hiệu quả.
Trailer Em Và Trịnh
Hiện tại, dự án điện ảnh Trịnh Công Sơn và Em Và Trịnh sẽ có những suất chiếu đặc biệt cho cả phiên bản trên toàn quốc từ 19h ngày 10/6/2022 và cả ngày 11 - 12/6/2022 trước ngày ra rạp chính thức vào 17/6/2022.
Phim về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bất ngờ tung 2 phiên bản khác nhau, dân tình hoang mang "xem phần nào trước?" Thông tin về 2 phiên bản khác nhau của Em Và Trịnh khiến khán giả khá hoang mang. Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, bộ phim Em Và Trịnh sẽ chính thức khởi chiếu sau một quá trình dài quảng bá và hứa hẹn nhiều điều thú vị với khán giả. Mới đây nhất, ekip làm phim khiến khán giả không khỏi bất...