Trình Bộ Chính trị xem xét xây dựng Sân bay Long Thành
Khái quát tổng mức đầu tư toàn bộ Giai đoạn 1 của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khoảng 7,84 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng).
Vấn đề lớn nhất được đặt ra với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vẫn là nguồn tài chính
Ngày 8/10, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bí thư Ban cán sự đảng Bộ GTVT thừa ủy quyền Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, thay mặt Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Văn bản này nêu rõ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông qua Báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành như đề nghị của Ban cán sự đảng Bộ GTVT tại Tờ trình ngày 7/10/2014.
Theo đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được xây dựng từng bước đạt cấp 4F (theo phân cấp của Tổ chức hàng không quốc tế – ICAO), giữ vai trò là Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ và quan trọng của quốc gia. Dự kiến trong tương lai, dự án này sẽ trở thành một trong những trung tâm vận chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.
Quy mô đầu tư nâng công suất khai thác đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm (đến năm 2030). Trong đó Giai đoạn 1 (đến năm 2025) sẽ hình thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển, công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, nhằm hỗ trợ việc quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Video đang HOT
Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến sẽ cần 5.000 ha diện tích giải phóng mặt bằng và được đầu tư xây dựng ngay tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Khái quát tổng mức đầu tư toàn bộ Giai đoạn 1 khoảng 7,84 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng), trong đó phân kỳ Giai đoạn 1 a có tổng mức đầu tư khoảng 5,66 tỷ USD (tương đương 118.910 tỷ đồng).
Như vậy, con số này cao hơn con số mà Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên công bố với báo giới tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra hồi đầu tháng (xấp xỉ 6 tỷ USD).
Được biết, chiều 8/10, tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc trình xin chủ trương đầu tư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, một số ủy viên đã đặt câu hỏi về nguồn tiền đầu tư khi nhu cầu vốn Nhà nước cho dự án này khoảng 84.000 tỷ đồng. Đồng thời, bày tỏ lo ngại, việc phát hành thêm trái phiếu Chính phủ và vay ODA phục vụ dự án sẽ rủi ro cho an toàn nợ công quốc gia.
Sau nhiều tranh cãi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Chính phủ hoàn thiện báo cáo, tờ trình với những giải trình thuyết phục hơn về những vấn đề đặt ra như nguồn vốn, phương án giải phóng mặt bằng, phân kỳ đầu tư, tác động kinh tế xã hội… của dự án trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Bích Diệp
Theo Dantri
Nhà ở bình dân cũng cần hướng đến tiêu chí "xanh", thân thiện
Sáng 9/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã gắn biển Công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô - "Công trình xanh" cho dự án khu nhà ở Thăng Long Number One.
Thăng Long Number One cũng là "công trình xanh" đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận.
Dự án do TCty gốm và vật liệu xây dựng Viglacera làm chủ đầu tư.
Theo giới thiệu của lãnh đạo Viglacera, công trình sử dụng 100% gạch Bê tông khí chưng áp - gạch không nung xây tường ngăn chia căn hộ với ưu điểm cách âm, cách nhiệt, chống cháy, giúp giảm 30% tải trọng của tòa nhà lên móng.
Với tiêu chí "xanh", hệ thống nước nóng trung tâm sử dụng tấm năng lượng mặt trời kết hợp máy bơm nhiệt và hệ thống bơm tuần hoàn đảm bảo khi người sử dụng mở vòi là có nước nóng ngay mà không phải chờ lâu. Việc đầu tư Hệ đun nước nóng trung tâm giúp giảm hơn 40% lượng điện tiêu thụ so với sử dụng các thiết bị đun nước nóng thông thường.
Hệ thống thoát nước cũng được khẳng định sẽ tận dụng tối đa hiệu quả sử dụng, bằng việc đưa toàn bộ nước thải của tòa nhà (nước đen và nước xám) qua trạm xử lý cấp A trước khi xả vào hệ thống thoát nước thành phố một phần được tái sử dụng để phục vụ tưới cây, rửa đường. Với hệ thống này, chủ đầu tư đã tiết kiệm được 30% lượng nước tiêu thụ cần cung cấp cho toàn bộ tòa nhà.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng (thứ 2 từ trái qua), Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn (thứ 2, bên phải) tại lễ gắn biển cho công trình.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng lưu ý, đô thị Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ những năm qua, có nhiều khu đô thị, tòa nhà cao tầng tạo ra điểm nhấn kiến trúc, ngày càng tạo được sự hấp dẫn, hướng đến đưa cuộc sống người dân lên mức tốt hơn.
Tuy nhiên, thực tế những thách thức trong phát triển đô thị còn rất lớn. Nhiều khu nhà ở chưa đảm bảo điều kiện sống cả về chất lượng, hạ tầng, cảnh quan, môi trường, làm giảm chất lượng sống của người dân ngay giữa trung tâm thủ đô.
Đứng trên tiêu chí là làm sao nâng chất lượng cuộc sống của người dân, người đứng đầu ngành Xây dựng nhấn mạnh, đất nước còn nghèo, mỗi đơn vị càng cần nỗ lực để khắc phục những hạn chế, khả năng diễn biến không mong muốn tại đô thị mà nhiều nước từng đi qua giai đoạn phát triển tương tự đã mắc phải, trong đó có vấn đề nhà ổ chuột, đô thị không thân thiện, ô nhiễm và tàn phá môi trường...
Đánh giá cao nỗ lực của Viglacera trong việc phát triển theo hướng hiện đại, tạo ra những sản phẩm cao cấp nhưng Bộ trưởng Xây dựng cũng đề nghị doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào phân khúc các sản phẩm bình dân, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của những người dân có thu nhập thấp.
"Công trình không tốn kém, không đắt tiền vẫn có thể "xanh", thân thiện với người dân, với môi trường" - ông Dũng khẳng định, tiêu chí này cần xem là xu hướng chung, áp dụng cho các khu đô thị mới tại thành phố.
P.Thảo
Theo Dantri
Những địa chỉ lịch sử trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Hà Nội Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954, Thủ đô Hà Nội là địa điểm diễn ra cuộc chiến ác liệt giữa lực lượng của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và quân đội viễn chinh Pháp xâm lược. Ngày 20/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cả nước đứng lên,...