Triều Tiên xác nhận đang tái chế nguyên liệu hạt nhân
Việc tái chế này đồng nghĩa Triều Tiên tiếp tục sản xuất plutonium, và không có kế hoạch dừng các đợt thử hạt nhân khi “mối đe dọa” từ Mỹ vẫn hiển hiện, theo Kyodo News.
Triều Tiên xác nhận tái chế plutonium tại khu phức hợp Yongbyon
“Chúng tôi đã tái chế các thanh hạt nhân đã sử dụng từ lò phản ứng điều tiết bằng than chì”, Viện Năng lượng Nguyên tử (AEI) ngày 17.8 trả lời hãng tin Nhật Bản Kyodo News.
AEI là cơ quan có quyền hạn đối với hoạt động của các cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên tại khu phức hợp Yongbyon. Kyodo News cho hay đây là lần đầu tiên AEI trả lời phỏng vấn từ nước ngoài, và nói thêm rằng Triều Tiên đã sản xuất lượng uranium cần thiết cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân và năng lượng “như dự kiến”, dù không đưa ra số liệu chi tiết.
Hồi tháng 6, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Triều Tiên đã mở cửa trở lại lò phản ứng ở Yongbyon để sản xuất plutonium từ nhiên liệu đã qua sử dụng, nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân.
Video đang HOT
Từ năm 2013, Triều Tiên đã tuyên bố tái khởi động các cơ sở hạt nhân của nước này, bao gồm lò phản ứng chính ở khu phức hợp Yongbyon đã đóng cửa trước đó. Hiểm họa về vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên là có thực, nếu xét rằng vào tháng 1.2016, Bình Nhưỡng đã có lần thử hạt nhân thứ tư.
Trong lần trả lời Kyodo News ngày 17.8, AEI cũng khẳng định đã thành công trong việc tạo ra các loại vũ khí hạt nhân “nhẹ hơn và linh hoạt hơn”. Triều Tiên ngoài ra cũng sẽ xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ công suất 100.000 kilowatt để thử nghiệm, theo Reuters.
Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên lâu nay vẫn là tâm điểm chú ý của Liên Hiệp Quốc cũng như các nước liên quan trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và đặc biệt là Hàn Quốc.
Hàn Quốc và Mỹ hiện đã đồng thuận về kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Việc này dẫn tới sự phản đối từ Trung Quốc vì nước này cho rằng THAAD sẽ đe dọa an ninh khu vực, bất chấp Hàn Quốc nhiều lần khẳng định lá chắn tên lửa chỉ nhằm chống lại mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Theo Thanh Niên
Triều Tiên bí mật bán vũ khí cho nước nào?
Sputniknews ngày 18.3 đưa tin Namibia gần đây bị cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt mới của Liên hợp quốc áp đặt lên Triều Tiên vì quốc gia châu Phi bị nghi là gần đây ký nhiều hợp đồng quân sự với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Namibia bác bỏ cáo buộc trên.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) bị rò rỉ tuần này, Phó Thủ tướng Namibia Netumbo Nandi-Ndaitwah đã xác nhận Triều Tiên có thực hiện Dự án đầu tư nước ngoài sở hữu nhà nước mang tên Mansudae tại Namibia tính từ năm 2005. Thông qua Tổng Công ty thương mại phát triển mỏ Triều Tiên (KOMID), công ty con thuộc dự án trên, Bình Nhưỡng đã xây dựng một nhà máy sản xuất đạn dược và vũ khí cỡ nhỏ tại thủ đô Windhoek, Namibia.
Còn theo báo Defense News, Phó Thủ tướng Nandi-Ndaitwah cho biết KOMID gần đây đã ký kết một số dự án với chính phủ Namibia, bao gồm việc xây dựng 2 viện bảo tàng quân sự, 1 đài tưởng niệm các anh hùng dân tộc và 1 nhà khách chính phủ. Phó Thủ tướng Nandi-Ndaitwah giải thích rằng quan hệ hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và Namibia vốn bắt đầu từ cuộc đấu tranh giành độc lập của Namibia vào những năm 1980.
Một loại tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Theo báo cáo trên, chính phủ Namibia đã bác bỏ cáo các buộc nước này vi phạm các lệnh trừng phạt của LHQ áp đặt lên Triều Tiên và rằng nhà máy đạn không thể xem là việc vi phạm các lệnh trừng phạt vì các sản phẩm của nhà máy không nhằm mục đích xuất khẩu.
Phó Thủ tướng Nandi-Ndaitwah còn nhấn mạnh các hợp đồng trên với Triều Tiên không liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, do vậy không vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.
Tuy nhiên, bản báo cáo trên của LHQ không chấp thuận việc lý giải trên của chính phủ Namibia và cho rằng việc xây dựng bất kỳ nhà máy đạn hay khí tài nào đều bị coi là hậu thuẫn cho việc cung cấp, sản xuất và bảo dưỡng các vũ khí khí tài liên quan, vốn bị cấm theo các lệnh trừng phạt.
Năm ngoái, Ủy ban các chuyên gia của LHQ cáo buộc Triều Tiên cung cấp vũ khí hạng nhẹ cho Uganda. Điều này bị xem là vi phạm các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ.
LHQ mới đây áp đặt các lệnh trừng phạt mới, vốn được xem là hà khắc nhất trong 20 năm qua, lên Triều Tiên nhằm đáp trả vụ thử vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng vào tháng 1 và vụ phóng vệ tinh trong tháng 2. Vụ phóng vệ tinh gián tiếp chứng tỏ khả năng phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Trước đó ngày 16.3, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Triều Tiên vì các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo Danviet