Triều Tiên và những điều bất ngờ tháng Tư
Theo Yonhap, chính quyền Triều Tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong Un dự định sẽ kỷ niệm 2 ngày lễ lớn trong tháng 4.2017 bằng những sự kiện lễ hội chính trị to lớn, ngụ ý về một cuộc diễu binh rầm rộ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Trong tháng này, Triều Tiên sẽ kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành (15.4) và 85 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên (25.4). Nhiều nhà phân tích được dẫn lời cho rằng có nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ thực hiện hành động mang tính khiêu khích trong tháng này, dựa trên tiền lệ là họ đã tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa nhân các dịp lễ lớn.
Giới chuyên gia nước ngoài vẫn theo dõi chặt chẽ những cuộc diễu binh của Triều Tiên với hy vọng có được hình ảnh về các chương trình tên lửa mới nhất cũng như những loại thiết bị mới của nước này. Phản ứng về kế hoạch trên, người phát ngôn Lee Duk-haeng của Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên kiềm chế, không thực hiện các hành động khiêu khích mà hãy có những nỗ lực cải thiện mối quan hệ liên Triều”.
Cũng trong ngày 3.4, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã tổ chức một cuộc diễn tập hải quân chung nhằm chống lại các mối đe dọa tên lửa xuất phát từ các tàu ngầm của Triều Tiên trong bối cảnh lo ngại gia tăng liên quan chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
Cuộc diễn tập kéo dài 3 ngày với sự tham gia của hơn 800 binh sĩ đã được triển khai sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 2.4 cảnh báo rằng Washington sẵn sàng hành động đơn phương để đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên nếu Trung Quốc cho thấy họ không sẵn sàng hỗ trợ.
Cuộc diễn tập diễn ra ở bờ biển phía Nam của Hàn Quốc, gần Nhật Bản, trong đó có nhiều tàu khu trục và trực thăng của hải quân được sử dụng trong tác chiến chống ngầm. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, cuộc diễn tập nhằm “đảm bảo đối phó hiệu quả các mối đe dọa tàu ngầm của Triều Tiên, bao gồm cả các tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm”.
Video đang HOT
Tình hình căng thẳng leo thang trong khu vực sau một loạt vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong những tháng gần đây. Các báo cáo còn cho rằng Bình Nhưỡng có khả năng chuẩn bị tiến hành một vụ thử hạt nhân khác.
Mỹ cho biết đã cạn dần kiên nhẫn với chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẵn sàng “tự giải quyết” nếu Trung Quốc không thể thay đổi được tình hình chương trình hạt nhân ở Triều Tiên. Trung Quốc là nước thân thiết nhất với Bình Nhưỡng nhưng gần đây quan hệ hai bên đang xấu đi.
Bộ Tài Chính Mỹ trước đó cuối tháng Ba cũng đã thông báo quyết định trừng phạt 11 lãnh đạo doanh nghiệp và một công ty Triều Tiên nhằm cô lập Bình Nhưỡng hơn nữa vì vẫn tiếp tục tiến hành các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, bất chấp các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Đa số các lãnh đạo doanh nghiệp bị trừng phạt hiện đang làm việc ở Trung Quốc và Nga cho các công ty chuyên tìm nguồn nguyên liệu, công nghệ và tài chính cho ngành công nghiệp quốc phòng Triều Tiên. Còn công ty Triều Tiên bị trừng phạt là công ty Paeksol Trading Corporation, chuyên xuất khẩu than đá và khoáng sản để lấy nguồn tài chính cho Bình Nhưỡng.
Theo Danviet
Trung Quốc trừng phạt Triều Tiên: 'Thòng lọng' không làm bằng giấy?
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 18.2 thông báo nước này sẽ tạm ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên trong thời gian còn lại của năm 2017, như một trong những biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Tuyên bố trên trang web của bộ trên nêu rõ việc đình chỉ nhập khẩu nhằm thực thi Nghị quyết 2321 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) và sẽ có hiệu lực từ ngày 19.2-31.12.2017.
Thông báo không nói rõ lý do, nhưng hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc tuần trước đưa tin một lô hàng chở than từ Triều Tiên trị giá khoảng 1 triệu USD đã bị từ chối cho nhập cảng Ôn Châu, phía đông Trung Quốc.
Việc từ chối này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Bình Nhưỡng thử một tên lửa đạn đạo tầm trung - vụ thử đầu tiên sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20.1.
Quyết định này nhằm vào Triều Tiên, sẽ khiến nguồn ngoại tệ của nước này cạn kiệt, bởi hàng năm, Bình Nhưỡng thu về khoản ngoại tệ lớn nhất từ xuất khẩu than đá. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10.2016, Trung Quốc, được cho là nước duy nhất nhập than đá từ Triều Tiên, đã nhập 18,6 triệu tấn than của Bình Nhưỡng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước.
Năm ngoái, HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên nhằm phản ứng trước việc Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5 ngày 9.9.2016. Các biện pháp trừng phạt trong nghị quyết 2321 tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu than đá- một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Triều Tiên, với mục tiêu cắt giảm hơn 60% lượng xuất khẩu than đá hàng năm của nước này.
Nghị quyết cũng đưa thêm các loại khoáng sản như đồng, niken, bạc, kẽm vào danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu của Triều Tiên, siết chặt lĩnh vực hàng hải và tài chính của nước này. Ước tính, gói biện pháp trừng phạt mới sẽ khiến nguồn thu ngoại tệ của Triều Tiên thất thu khoảng 800 triệu USD mỗi năm.
Trước đó hồi tháng 1.2017, Trung Quốc công bố một danh sách liệt kê các sản phẩm cấm xuất khẩu sang Triều Tiên sau khi LHQ tăng cường các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng và tân chính quyền Mỹ phàn nàn là Bắc Kinh không gây sức ép mạnh mẽ để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.
Những chiếc xe chở than đá của Triều Tiên ở biên giới Trung-Triều.
Theo đó, Bộ Thương Mại Trung Quốc đã công bố danh sách cấm các sản phẩm có thể giúp chính quyền nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát triển các loại vũ khí nguyên tử, hóa học, sinh học, cũng như chế tạo các loại tên lửa có thể chuyên chở các loại vũ khí hủy diệt này.
Danh sách bao gồm nhiều loại hóa chất, hợp kim hiếm, phần mềm máy tính, máy công cụ, động cơ máy bay ... Bộ Thương Mại Trung Quốc nhấn mạnh là lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, không có bằng chứng cho thấy là danh sách này khác với danh sách các sản phẩm bị cấm vận ghi trong nghị quyết của LHQ được thông qua hồi tháng 11 năm ngoái, sau khi Triều Tiên thực hiện một loạt vụ bắn thử tên lửa hồi tháng 9.2016.
Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng sẽ cứng rắn với Triều Tiên trong các biện pháp trừng phạt, tuy nhiên giới quan sát cho rằng, những gì Bắc Kinh đã làm vẫn chưa đủ mạnh.
Mỹ mới đây đã hối thúc Trung Quốc duy trì sức ép đối với Triều Tiên để quay lại cuộc đàm phán nhằm ngăn Bình Nhưỡng đạt thêm các tiến bộ trong chương trình phát triển vũ khí của nước này, vi phạm các nghị quyết của LHQ.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho rằng Trung Quốc nên hành động nhiều hơn để gây sức ép đối với Bình Nhưỡng. Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Tất cả các quốc gia phải thực thi đầy đủ và rõ ràng toàn bộ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ đối với Triều Tiên. Chúng tôi tiếp tục hối thúc Trung Quốc tận dụng ảnh hưởng của nước này với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng quay lại cuộc đàm phán nghiêm túc về giải trừ vũ khí hạt nhân".
Và, với việc đưa ra quyết định mới nhất ngưng nhập than đá từ Triều Tiên, Trung Quốc cũng muốn tỏ ra là gây áp lực với Triều Tiên vì trong những ngày qua, tân chính quyền Mỹ đã chỉ trích Bắc Kinh không gây đủ áp lực với Bình Nhưỡng. Mặt khác, giới phân tích cho rằng, Bắc Kinh cũng muốn Bình Nhưỡng hiểu rằng, chiếc "thòng lọng" mà Bắc Kinh đưa ra có sức mạnh thực sự, chứ không phải làm bằng giấy.
Trong cuộc điều trần trước Thượng viện vừa qua, ông Rex Tillerson, người được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Mỹ, đã tố cáo Trung Quốc không thực hiện lời hứa và nhấn mạnh là nếu Trung Quốc không tuân thủ các nghị quyết của LHQ trừng phạt Triều Tiên thì Mỹ sẽ xem xét các hành động để buộc Bắc Kinh phải tôn trọng các nghị quyết này.
Theo Danviet
Kim Jong Un sẽ ấn nút thử tên lửa hạt nhân lớn chưa từng có? Triều Tiên dường như đã hoàn tất các thủ tục, sẵn sàng cho vụ thử tên lửa hạt nhân mới nhất, tất cả chỉ chờ lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, báo Anh Daily Star đưa tin. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Theo báo này, giới chức Mỹ tin rằng, Triều Tiên đã chuẩn bị sẵn sàng cho...