Triều Tiên tuyên bố không đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân
Phó Đại sứ Triều Tiên lại Liên Hợp Quốc tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ không đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân chừng nào Washington còn thực hiện chính sách thù địch cũng như đe dọa hạt nhân với Triều Tiên.
Phó Đại sứ Triều Tiên Kim In Ryong (Ảnh: Reuters)
Reuters dẫn thông báo của của phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc ngày 17/8 cho biết lập trường của Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân là “không thể đàm phán” chừng nào chính sách thù địch và mối đe dọa hạt nhân của Mỹ vẫn tiếp tục.
Đây là tuyên bố của phó Đại sứ Triều Tiên Kim In Ryong trong cuộc điện đàm ngày 15/8 với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.
“Chừng nào Mỹ còn duy trì chính sách thù địch và đe dọa hạt nhân, Triều Tiên sẽ không bao giờ mang khả năng tự vệ bằng vũ khí hạt nhân của mình lên bàn đàm phán hoặc chùn bước trên con đường đã chọn, con đường phát triển lực lượng hạt nhân”, ông Kim nói trong cuộc điện đàm.
Ngày 16/8, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres nói rằng, hiện giờ là thời điểm mà các bên cần “giảm bớt những lời lẽ công kích và tăng cường ngoại giao”. Trước đó, ông cũng từng tuyên bố với Nga, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Triều Tiên và Hàn Quốc rằng sẵn sàng làm trung gian trong cuộc đàm phán song phương nhằm mục đích hòa giải.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cảnh cáo Triều Tiên rằng, Triều Tiên sẽ đối mặt với “hỏa lực và sự thịnh nộ” nếu tiếp tục đe dọa Mỹ. Đáp lại, Triều Tiên cho biết đang cân nhắc tấn công tên lửa vào khu vực gần đảo Guam của Mỹ.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đầu tuần này đã hoãn kế hoạch trên trong khi chờ đợi xem Mỹ sẽ làm gì tiếp theo.
Video đang HOT
Ông Kim nhấn mạnh: “Mỹ châm ngòi khiêu khích toàn diện chống lại Triều Tiên trên khắp các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự, nhưng không có gì có thể làm thay đổi ý chí và quyết tâm đáp trả của quân đội và nhân dân Triều Tiên”.
Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua lệnh trừng phạt mới có thể khiến Triều Tiên mất 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm.
Đức Hoàng
Theo Strait Times
Đằng sau quyết định chưa nã tên lửa vào Guam của Kim Jong-un
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tính toán kỹ lưỡng các lựa chọn khi nói "chờ xem Mỹ phản ứng như thế nào" rồi mới quyết định phóng tên lửa.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Theo AP, sau khi leo thang căng thẳng với Mỹ về khả năng nã tên lửa vào đảo Guam, nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại quyết định "chờ xem phản ứng từ Washington".
Nhưng dù có phóng tên lửa hay không, Triều Tiên đã khiến bán đảo Triều Tiên nóng lên trong tuần qua, chọc giận Tổng thống Mỹ Donald Trump và làm hoảng sợ các đồng minh Mỹ.
Đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ còn tiếp tục sử dụng chiến thuật đẩy tình hình lên đến mức căng thẳng rồi lại chủ động hạ nhiệt, né tránh chiến tranh.
Nếu Triều Tiên phóng tên lửa vào Guam theo 4 hướng đông, tây, nam, bắc như kế hoạch, đây sẽ là động thái khơi mào chiến tranh cực kỳ nguy hiểm.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng khéo léo khi chỉ nói phóng tên lửa đến gần Guam chứ không khẳng định sẽ tấn công hòn đảo này và không đưa ra thời gian chính xác. Đó là cách Bình Nhưỡng luôn để ngỏ một đường thoát, theo AP.
"Triều Tiên cố tình tạo ra mối đe dọa theo cách như vậy để giúp nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể rút lui khỏi căng thẳng mà không bị mất mặt", Adam Mount, chuyên gia chiến lược hạt nhân của Trung tâm Tiến bộ Mỹ nói.
Vòng tròn màu xanh là nơi tên lửa Triều Tiên có thể rơi xuống quanh đảo Guam.
"Trên thực tế, lời đe dọa Guam của Triều Tiên phức tạp hơn, đáng tin cậy và có tính đe dọa hơn bất kỳ cảnh báo nào mà Trump đưa ra tuần trước", ông Mount thừa nhận.
Triều Tiên vẫn có thể phóng tên lửa theo quỹ đạo gần với kịch bản tấn công đảo Guam và đảm bảo rằng tên lửa chỉ rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của hòn đảo này.
Nhưng các chuyên gia theo dõi Triều Tiên trong nhiều năm đều cho rằng ông Kim không có gì phải vội vàng.
"Theo quan điểm của tôi, họ đã lên kế hoạch tháo ngòi nổ căng thẳng ngay từ đầu. Tuy vậy, đó không hẳn là lời đe dọa suông, nó cũng chứa đựng nhiều rủi ro", Jeffrey Lewis, chuyên gia tên lửa của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California, Mỹ nói.
Mặc dù đã dịu giọng về căng thẳng, Triều Tiên vẫn có thể tiếp tục thử tên lửa nếu bị gây thêm áp lực hoặc nhằm phản đối cuộc tập trận Mỹ - Hàn vào tuần tới.
Theo các chuyên gia, quyết định phóng tên lửa nhằm vào đảo Guam của Mỹ có trở thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào máy bay ném bom chiến lược B-1b, vốn thường cất cánh từ Guam đến bán đảo Triều Tiên.
Máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1b của Mỹ.
B-1b là một trong những máy bay ném bom mạnh nhất của Mỹ. Sau Chiến tranh Lạnh, B-1b trải qua quá trình nâng cấp để mang theo được nhiều bom đạn hơn và không còn khả năng trang bị vũ khí hạt nhân. Mỹ thường dùng oanh tạc cơ B-1b trong các hành động răn đe Triều Tiên.
Nếu Mỹ ngừng các hoạt động của oanh tạc cơ B-1b, đó cũng là dấu hiệu chiến thắng của Triều Tiên. Nếu Mỹ tiếp tục đưa B-1b cất cánh, Bình Nhưỡng có đủ lý do để phóng tên lửa hoặc tuyên bố kiềm chế để làm điều đó vào một thời điểm khác.
Đối với Triều Tiên, dù Mỹ phản ứng như thế nào trong thời gian tới thì Bình Nhưỡng cũng hoàn toàn có thể tuyên bố chiến thắng.
"Triều Tiên có thể nói việc phóng tên lửa chẳng khác gì cách Mỹ đưa máy bay B-1 đến bán đảo Triều Tiên", Robert Carlin, chuyên gia từng nhà phân tích cho Bộ Ngoại giao Mỹ và CIA nhận định.
Ông Carlin giải thích: "Triều Tiên có thể phóng tên lửa rơi xuống vùng biển cách đảo Guam 25-30km. Máy bay Mỹ áp sát vùng ranh giới phi quân sự khoảng 10km. Nếu Mỹ chưa chạm đến Triều Tiên thì Triều Tiên cũng có thể làm điều tương tự".
Theo Danviet
Chuyên gia đánh giá điểm yếu của tên lửa Triều Tiên Giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên hiện vẫn chưa đạt được thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân cũng như hoàn thiện công nghệ hồi quyển cho tên lửa, dù Bình Nhưỡng tuyên bố tên lửa nước này có thể tấn công bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ. Chuyên gia Hàn Quốc phân tích sóng địa chấn...