Triều Tiên từng đặt điều kiện phi hạt nhân hóa trong họp kín với Mỹ
Một chuyên gia từng tham gia những cuộc họp kín giữa Mỹ và Triều Tiên hồi năm 2013 cho biết Triều Tiên đã cân nhắc rất nhiều về tiến trình phi hạt nhân hóa khu vực. Họ thậm chí còn chuẩn bị những kế hoạch bài bản và công phu về việc này.
Hình ảnh mà truyền thông Triều Tiên nói rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un trực tiếp thị sát một quả bom nhiệt hạch trước vụ thử vào ngày 3/9/2017. (Ảnh: Reuters)
Chuyên gia Joel S. Wit của Trung tâm Stimson, người sáng lập ra tổ chức chuyên giám sát các hoạt động của Triều Tiên 38 North (Mỹ), là một trong số ít người được tham gia những cuộc họp tối mật giữa giới chức Bình Nhưỡng và Washington hồi năm 2013. Đây là những cuộc thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa mà theo ông Wit, Triều Tiên dường như đã bỏ nhiều tâm sức để chuẩn bị những kế hoạch rất rõ ràng về lộ trình này.
Những cuộc gặp kín xảy ra vào khoảng 5 năm trước vào thời điểm nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang trong những năm đầu tiên tiếp quản vị trí của người cha, cố lãnh đạo Kim Jong-il. Vào thời điểm năm 2013, ông Kim vẫn đang chủ trương đi theo chiến lược “byungjin”, có nghĩa là Triều Tiên sẽ phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân làm lá chắn phòng vệ và đồng thời hiện đại hóa nền kinh tế.
Theo lời giải thích của giới chức Triều Tiên thì ông Kim cho rằng Triều Tiên cần phát triển vũ khí hạt nhân để tăng sức mạnh ngăn chặn Mỹ. Bình Nhưỡng không chỉ lo ngại về tình hình khu vực leo thang cuối năm 2012 đầu 2013 hay Mỹ điều máy bay ném bom bay qua bán đảo Triều Tiên, mà họ dường như còn cảm thấy “bất an” vì nghĩ Seoul và Washington có thể “bắt nạt” họ trong quá trình chuyển giao quyền lực ở Triều Tiên. Một quan chức Bình Nhưỡng khi đó nói rằng “hạt nhân” có nghĩa là “sinh tồn”.
Tuy nhiên, một số quan chức khác lại nỏi rằng đó chỉ là định hướng cho “tình hình hiện tại” và Triều Tiên có thể thay đổi nếu quan hệ Mỹ – Triều tốt hơn.
Đó là lý do vì sao tháng 6/2013, Triều Tiên nói rằng nước này cởi mở về quá trình phi hạt nhân hóa. Trong một cuộc gặp kín, giới chức Bình Nhưỡng nói rằng đây là ý kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và nó phản ánh mong muốn của ông Kim trong việc cải thiện quan hệ với Mỹ. Họ nhấn mạnh phi hạt nhân hóa có thể được đưa vào chương trình nghị sự trong các cuộc đàm phán song phương hay đa phương. Triều Tiên chỉ đưa ra một điều kiện duy nhất rằng Mỹ không được đặt ra điều kiện tiên quyết để những cuộc đàm phán này có thể xảy ra.
Video đang HOT
Vào thời điểm đó, yêu cẩu của Triều Tiên dường như không khiến chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa lòng. Mỹ cảm thấy chưa thể “nguôi ngoai” vì hiệp định Ngày nhuận (Leap day) sụp đổ sau khi Triều Tiên dùng tên lửa tầm xa bắn vệ tinh vào quỹ đạo hồi năm 2012. Vào thời điểm đó, Washington chủ trương mở ra các cuộc đàm phán nhằm thuyết phục Triều Tiên dừng thử tên lửa và thể hiện quan điểm “chân thành” với cam kết phi hạt nhân hóa. Nhưng Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng đã không thực hiện được điều đó và kết quả những cuộc gặp chưa đi tới đích cuối dù Triều Tiên đã trình bày bản kế hoạch rất chi tiết về tiến trình phi hạt nhân hóa trong những sự kiện đó.
Kế hoạch của Triều Tiên
Ngoại trưởng Mike Pompeo và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc gặp hồi đầu tháng bàn về việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều ngày 12/6 (Ảnh: Reuters)
Yêu cầu mà Triều Tiên đưa ra là Mỹ phải từ bỏ chính sách “thù địch”. Điều này có vẻ nghe mơ hồ, nhưng thực tế Bình Nhưỡng đã liệt kê ra các tiêu chí rõ ràng: Mỹ phải dừng việc đối đầu về chính trị, kinh tế và an ninh để đổi lấy việc Triều Tiên loại bỏ kho vũ khí hạt nhân.
Về mặt chính trị, Mỹ phải thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia có chủ quyền thông qua việc thiết lập quan hệ ngoại giao. Bình Nhưỡng cho rằng việc họ là một trong số ít những quốc gia không được Mỹ thừa nhận là một dấu hiệu cho thấy Washington có ý định lật đổ chế độ. Về mặt an ninh, Triều Tiên muốn Mỹ góp phần giúp chấm dứt tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật trong khu vực kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953, cụ thể họ mong muốn một hiệp định hòa bình vĩnh viễn. Về mặt kinh tế, Bình Nhưỡng yêu cầu Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận, lệnh trừng phạt họ đã và đang phải hứng chịu trong nhiều thập niên.
Triều Tiên đã lên kế hoạch cụ thể, chia các lộ trình này theo 3 giai đoạn. Họ thậm chí tính đến việc tháo dỡ các cơ sở hạt nhân và loại bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân ở thời điểm đó.
Tiến trình mà Triều Tiên đưa ra thoạt nghe rất khả quan, nhưng lại tồn tại nhiều vấn đề. Đầu tiên, Triều Tiên yêu cầu Mỹ phải thực hiện trước việc loại bỏ toàn bộ chính sách “thù địch” rồi Bình Nhưỡng mới bắt đầu đóng băng chương trình hạt nhân. Mỹ dĩ nhiên không đồng tình vì họ mong muốn 2 bên cùng thực hiện song song những cam kết đưa ra. Thứ hai, vấn đề kiểm tra và xác nhận liệu Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân hay chưa là rất khó khăn. Bản thân khi Washington thắc mắc về vấn đề này, Triều Tiên cũng không thể đưa ra được một cơ chế xác minh toàn diện vào thời điểm đó.
Trong cuộc gặp năm 2013, Triều Tiên cũng yêu cầu Mỹ phải gỡ bỏ sự “bảo vệ” cho Hàn Quốc bằng việc rút quân Mỹ đồn trú và các khí tài quân sự khi hiệp định hòa bình được ký kết. Washington và Seoul vào lúc đó không đồng ý với đề xuất này.
Theo ông Joel S. Wit, bối cảnh 5 năm trước đây đã khác trước rất nhiều khi hiện tại Bình Nhưỡng sở hữu năng lực hạt nhân mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, đây là kịch bản rõ ràng nhất nhằm giúp cho giới quan sát có thể hình dung được về Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 12/6 tới giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Kế hoạch này rõ ràng khác hẳn với “mô hình Lybia” mà cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump John Bolton từng nhắc tới. Ông Bolton đề xuất Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân trước và Mỹ sẽ thực hiện những cam kết sau. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, ông Wit cho rằng Mỹ dường như sẽ không đẩy cuộc đàm phán vào tình thế rủi ro với cách tiếp cận cứng nhắc như ông Bolton đưa ra mà họ sẽ có phương pháp cụ thể và mềm mỏng hơn.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Triều Tiên bắt đầu tháo dỡ bãi thử hạt nhân
Một tổ chức chuyên giám sát các hoạt động Triều Tiên thông báo Bình Nhưỡng dường như đã bắt đầu tháo dỡ các cơ sở dùng để thử hạt nhân, động thái cho thấy Triều Tiên đang thực hiện các cam kết trước đó trong tiến trình phi hạt nhân hóa khu vực.
Hình chụp vệ tinh bãi thử Punggye-ri (Ảnh: Reuters)
Theo tổ chức 38 North chuyên nghiên cứu về Triều Tiên có trụ sở tại Mỹ, các hình ảnh vệ tinh chụp từ ngày 7/5 dường như đã cung cấp "bằng chứng rõ ràng" rằng việc tháo dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri "đang được tiến hành".
Tháng trước, Triều Tiên tuyên bố sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân cũng như dừng việc thử tên lửa và vũ khí hạt nhân trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 6.
Tuần tới, Bình Nhưỡng sẽ tháo dỡ các cơ sở này trước sự chứng kiến của các nhà báo quốc tế.
"Một số tòa nhà hỗ trợ các hoạt động vận hành chính nằm ở phía bắc, tây và nam đã được tháo dỡ khi so với hình ảnh vệ tinh chụp trước đây. Một số đường ray cho các xe khai mỏ dẫn từ các đường hầm ra ngoài dường như cũng đã được tháo bỏ. Thêm vào đó, một số xe đã không còn hoạt động và một số nhà kho nhỏ xung quanh địa điểm này đã bị san bằng", báo cáo của 38 North viết.
Ngoài ra, một số tòa nhà vẫn còn nguyên và lối vào đường hầm vẫn mở. Theo 38 North, đây có thể sẽ là khu vực mà Triều Tiên sẽ kéo sập trước sự xác nhận của giới truyền thông quốc tế.
Trước những động thái từ phía Triều Tiên, giới quan sát tỏ ra khá lạc quan với tình hình khu vực cho tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, theo ông Thae Yong-ho, một cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2016, lại tỏ ra hoài nghi về thiện chí của Bình Nhưỡng.
"Hiện giờ còn quá sớm để dự đoán, nhưng tôi cho rằng Triều Tiên sẽ hướng tới mục tiêu tháo dỡ hoàn toàn, có thể kiểm chứng, không thể đảo ngược, nhằm giảm thiểu các mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân chứ không phải là phá hủy hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID)", ông Thae nhận định.
Nhà cựu ngoại giao cho rằng mục tiêu của Triều Tiên là trở thành quốc gia hạt nhân. Ông Kim Jong-un cũng phát biểu rằng vũ khí hạt nhân là "cây kiếm và thanh gươm" bảo vệ sự thịnh vượng vĩnh cửu và hạnh phúc cho các thế hệ mai sau. Do đó, ông Thae cho rằng Bình Nhưỡng sẽ không dễ dàng từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Tù nhân Mỹ tiết lộ thời gian bị bắt giam khổ sai ở Triều Tiên Ngay sau khi được Triều Tiên phóng thích, 3 công dân Mỹ đã tiết lộ về quãng thời gian của họ bên trong nhà tù khổ sai của Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania đích thân ra sân bay đón 3 công dân được Triều Tiên phóng thích. (Ảnh: Reuters) Gần 3h sáng ngày 10/5, máy...