Triều Tiên tự nhận là cường quốc hạt nhân
Trong động thái bất ngờ, Triều Tiên đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp theo hướng tự nhận là cường quốc hạt nhân, động thái đã bị Mỹ ngay lập tức lên tiếng bác bỏ.
Được công nhận là cường quốc hạt nhân đang trở thành tham vọng lớn của ban lãnh đạo Triều Tiên.
Hãng tin ITAR-TASS của Nga cho biết việc sửa đổi Hiến pháp đã được ban lãnh đạo Bình Nhưỡng trình lên Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên từ tháng 4. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần thứ hai Hiến pháp của Triều Tiên được sửa đổi, sau lần đầu tiên diễn ra vào tháng 4/1992.
Tuy nhiên, trong phản ứng ngay sau đó, Washington đã lập tức bác bỏ “tham vọng” của Bình Nhưỡng khi khẳng định không bao giờ công nhận Triều Tiên là một nước có vũ khí hạt nhân.
“Mỹ từ lâu vẫn kiên định quan điểm không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định với hãng tin Yonhap.
Video đang HOT
Một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói thêm rằng ban lãnh đạo mới ở Bình Nhưỡng không nên mạo hiểm đặt tham vọng hạt nhân lên trên sự an nguy của người dân.
“Ban lãnh đạo mới ở Triều Tiên cần có sự lựa chọn sáng suốt trong chính sách của mình. Họ phải chấm dứt ngay các hành động khiêu khích, đặt người dân lên trên tham vọng trở thành cường quốc hạt nhân và cuối cùng là quay trở lại hội nhập với cộng đồng quốc tế”, nhà ngoại giao cho biết.
Cũng theo quan chức trên, Triều Tiên cần tuân thủ Thỏa thuận đạt được năm 2005 và các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Trước đây, Triều Tiên từng hai lần tiến hành thử hạt nhân dưới lòng đất vào các năm 2006 và 2009. Hiện tại, theo nhiều nguồn tin cho biết, nước này cũng đang có ý định tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba nhưng chưa rõ thời điểm cụ thể.
Giới phân tích nhận định việc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa Unha-3 mang theo vệ tinh quan sát Trái đất (nhưng thất bại) và nay lại có ý định thử hạt nhân cho thấy ban lãnh đạo mới của Triều Tiên đang “khát khao” tạo ra bước ngoặt mới trong chính sách hạt nhân của mình bằng việc được cộng đồng quốc tế công nhận là cường quốc hạt nhân và có thể làm chủ công nghệ hạt nhân.
Tiềm lực quân sự của cường quốc hạt nhân Israel
Quân đội Israel là một trong những lực lượng hùng mạnh và được trang bị hiện đại nhất thế giới. Về vũ khí thông thường, Israel chủ yếu mua của Mỹ hoặc do ngành công nghiệp vũ khí rất phát triển của nước này sản xuất.
Israel hiện có gần 600 máy bay chiến đấu, 200 trực thăng tấn công, 3.600 xe tăng và hơn 9.000 chiếc xe bọc thép chở quân và 360 tên lửa đạn đạo. Hải quân Israel hiện vận hành 3 chiếc tàu ngầm hạng Dolphin, loại được cho là có khả năng phóng đầu đạn hạt nhân. Với khoảng 200-300 đầu đạn như vậy, Israel được coi là cường quốc hạt nhân thứ 6 trên thế giới và có khả năng dùng tên lửa hoặc máy bay để phóng đầu đạn hạt nhân tới mục tiêu. Hiện, có nhiều nghi ngờ rằng nước này có kho chứa vũ khí hóa học và sinh học.
Trong khi nhiều chuyên gia đều cho rằng Israel sở hữu vũ khí hạt nhân thì không có nguồn thông tin mở nào có thể kiểm chứng được liệu Israel có vũ khí tấn công hóa học và sinh học không. Đang sở hữu một kho vũ khí gồm nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trung, tên lửa hành trình phóng từ trên không, trên biển và trên mặt đất, hiện giờ Israel còn đang phát triển khả năng phòng thủ tên lửa toàn diện và nhiều tầng.
Israel không tham gia bất cứ một hiệp ước lớn nào về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, gồm Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) và Hiệp ước vũ khí độc và sinh học (BTWC). Israel ký nhưng không phê chuẩn Hiệp ước chấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện và Hiệp ước vũ khí hóa học. Tuy nhiên, hiện Israel đang cân nhắc đơn phương gia nhập MTCR và gần đây đã thông qua quy định kiểm soát xuất khẩu vật liệu hóa học và sinh học, ứng với các tiêu chuẩn của nhóm Australia.
Tên lửa
Kể từ những năm 1960, Israel đã phát triển cơ sở sản xuất tên lửa tiên tiến nhất khu vực và hiện giờ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo hiện đại nhất vùng. Israel hiện cũng có một chương trình vũ trụ quốc gia, trước đây chia sẻ công nghệ với chương trình tên lửa. Đứng trước nhiều mối đe dọa xuất phát từ vô số kẻ thù, Israel đã phát triển các phương pháp tiếp cận đa phương, nhiều tầng trong công nghệ tên lửa phòng thủ và tấn công.
Quân đội Israel dường như đã triển khai tên lửa tầm ngắn Jericho 1 vào năm 1973, tiếp sau đó lại triển khai loại tên lửa tầm ngắn tinh vi hơn là Jericho 2 vào năm 1990. Trong khi thử nghiệm tên lửa tầm trung Jericho 3 vào năm 2008, nước này cũng trình diện tên lửa 3 tầng.
Hạt nhân
Israel được cho là sở hữu một kho hạt nhân lớn song nước này vẫn duy trì chính sách không công khai năng lực hạt nhân. David Ben Gurion, Thủ tướng đầu tiên của Israel, đã bí mật thiết lập chương trình hạt nhân vào cuối những năm 1950 với sự hỗ trợ của Pháp, nhằm đáp ứng cái mà Israel cho là những mối đe dọa hiện hữu từ các nước láng giềng Ả rập. Tâm điểm của chương trình này là Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Negev, nằm ở ngoại ô Dimona, nơi lò phản ứng sản xuất plutonium do Pháp cung cấp đã đi vào giai đoạn quan trọng từ đầu những năm 1960.
Israel được cho là đã chế tạo thiết bị hạt nhân đầu tiên vào tháng 5/1967 trước thềm cuộc chiến 6 ngày. Dựa trên ước tính về năng lực sản xuất plutonium của lò phản ứng Dimona, Israel được đánh giá là đã sản xuất đủ vật liệu để chế tạo 100 tới 300 đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, hiện chưa rõ bao nhiêu vật liệu đã được dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Về mặt chính thức, Israel tuyên bố, họ không phải là quốc gia đầu tiên đưa vũ khí hạt nhân vào Trung Đông song vẫn không tham gia NPT. Việc Israel được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân đã khiến các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí Trung Đông rơi vào bế tắc, khi các quan chức Israel cho rằng hòa bình toàn diện trong vùng là điều kiện tiên quyết để Israel tham gia vào khu vực Trung Đông không vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Theo VietNamNet