Triều Tiên, Trung hay Nga mới là bên thắng cuộc trong căng thẳng Mỹ-Hàn leo thang?
Những căng thẳng leo thang giữa hai nước láng giềng Bắc Á đang đem lại nhiều lợi thế cho các đối thủ truyền thống của Mỹ.
Hôm thứ năm (22/8), Hàn Quốc tuyên bố từ bỏ hiệp định chia sẻ tình báo quân sự với Nhật Bản trong vài tháng tới. Đây là động thái mới nhất trong những căng thẳng đang ngày càng leo thang giữa hai nước láng giềng.
Tuy nhiên, theo CNN, quyết định chấm dứt hiệp định là một cú đánh mạnh tới liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Không chỉ góp phần vào quá trình kiến tạo hòa bình tại Đông Bắc Á trong nhiều thập kỷ qua, liên minh này còn giúp đối phó với ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Giới chuyên gia nhận định, tình huống hiện tại là một ví dụ khác về chứng tỏ, thái độ “thờ ơ” của Tổng thống Donald Trump với các liên minh truyền thống đã mở ra cơ hội cho các đối thủ của Washington làm xói mòn những quan hệ trên. Đầu năm nay, căng thẳng giữa Tokyo và Seoul liên về một loạt các đụng độ quân sự cũng đã làm dấy lên những chỉ trích tương tự.
Mối quan hệ giữa hai đồng minh quan trọng của Mỹ tại châu Á là Hàn Quốc Nhật Bản đang rơi vào căng thẳng (ảnh: CNN)
CNN nhận xét, Trung Quốc và Triều Tiên từ lâu đã tìm cách thu hẹp hiện diện quân sự của Mỹ tại Đông Bắc Á thông qua những hành động gây rạn nứt mối quan hệ giữa Washington, Seoul và Tokyo.
Mắt xích yếu nhất trong mối quan hệ tam giác này là giữa Seoul và Tokyo – hai láng giềng từng mất niềm tin nghiêm trọng vào nhau do những tàn dư lịch sử. Giới phê bình chính sách đông bắc Á của chính quyền Trump cáo buộc Tổng thống Mỹ đã cố tình bỏ qua vai trò truyền thống của Washington trong những nỗ lực trung gian giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
“Mỹ là một điểm chung giữa hai liên minh song phương và nó kém hiệu quả hơn nhiều trong việc lưu chuyển thông tin theo cả hai hướng”, tướng nghỉ hưu Vincent Brooks, người từng chỉ huy Lực lượng kết hợp Mỹ – Hàn đánh giá.
Video đang HOT
Ảnh hưởng như thế nào?
Về cơ bản, chấm dứt hiệp định chia sẻ tình báo sẽ khiến mọi thứ chậm lại. Ví dụ như khi Triều Tiên phóng thử một tên lửa tầm ngắn khác – giống như những gì họ đã làm khá thường xuyên trong những tuần gần đây. Dữ liệu tình báo Hàn Quốc có được về vụ thử như tốc độ, quãng đường di chuyển của tên lửa…, có thể hé lộ những chi tiết quan trọng về loại vũ khí. Những kết luận này góp phần giúp Tokyo và Washington chính sửa lại hệ thống phòng thủ để chuẩn bị đối phó với trường hợp xấu nhất.
Ông Abraham Denmark, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Đông Á cho hay, với tình trạng hiện tại, Mỹ sẽ bị buộc phải đảm nhận vai trò người trung gian.
“Nó sẽ làm chậm quá trình ra quyết định, khiến mọi việc thường ngày khó khăn và sẽ đem tới ảnh hưởng nghiêm trọng trong một cuộc khủng hoảng diễn biến nhanh”, ông Denmark cảnh báo.
Căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có thể “làm lợi” cho Triều Tiên và Trung Quốc (ảnh: CNN)
Cùng lúc, căng thẳng Nhật – Hàn cũng đem lại lợi thế cho Trung Quốc. Tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Tokyo vẫn chưa thể dàn xếp trong khi việc Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD cũng vấp phải phản đối từ quốc gia đông dân nhất thế giới.
Sự tiến bộ trông thấy của quân đội Bắc Kinh trong thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho giới chức Mỹ về tham vọng trở thành “một cường quốc ưu việt tại Ấn Độ – Thái Bình Dương” của Trung Quốc.
Để đối phó với tham vọng trên, Mỹ cần gia tăng hợp tác với và giữa các đối tác phòng thủ châu Á. Hôm thứ Sáu (23/8), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Takeshi Iwaya tuyên bố, động thái của Hàn Quốc thể hiện “sự hiểu lầm” đối với tình hình an ninh hiện tại trong khu vực. “Điều đó cực kỳ đáng tiếc và đáng thất vọng”, ông Iwaya nói.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng bày tỏ sự không hài lòng với Seoul, đồng thời hy vọng, Hàn Quốc và Nhật Bản “có thể bắt đầu đưa mối quan hệ quay trở lại vị trí đúng đắn”.
Bất chấp những bất đồng liên quan tới lịch sử, mối quan hệ quân sự giữa Tokyo và Seoul hầu như không bị ảnh hưởng. Một trong những nhiệm vụ truyền thống của Washington được coi là đưa hai nước ngồi chung bàn, giải quyết vấn đề và chỉ ra cho họ những lợi thế của việc đoàn kết khi đối mặt với Bắc Kinh hoặc Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump dường như không quá nhiệt tình với vai trò trên. Ông công khai đặt câu hỏi về giá trị Mỹ nhận được khi đầu tư quá nhiều tiền vào mạng lưới đồng minh trong khu vực, đồng thời yêu cầu cả Hàn Quốc và Nhật Bản bỏ thêm tiền của và công sức hơn nữa trong quan hệ đối tác quân sự với Washington.
Một số chuyên gia nhận định, các đối thủ của Mỹ như Triều Tiên, Trung Quốc thậm chí là Nga gần như chắc chắn đã cảm thấy khe hở. “Đây là một lợi ích cho những ai muốn nhìn thấy sức mạnh của Mỹ tại châu Á giảm sút và các liên minh của họ yếu đi – đặc biệt là Trung Quốc và Triều Tiên”, ông Denmark cảnh báo. “Cả hai đều coi Mỹ là đối thủ chủ yếu và các liên minh của Mỹ là những chướng ngại vật chính cho các mục tiêu chiến lược của họ. Bất đồng giữa các đồng minh của Mỹ – đặc biệt là những nước quan trọng như Nhật Bản và Hàn Quốc – không chỉ được coi là một thách thức cho chiến lược mà còn là một biểu tượng về sự thu hẹp quyền lực của Mỹ tại châu Á”.
Phương Đỗ
Theo toquoc
Quan hệ Nhật-Hàn chạm đáy khi Hàn Quốc rút khỏi Hiệp ước GSOMIA?
Việc Hàn Quốc rút khỏi GSOMIA liệu có khiến quan hệ Nhật-Hàn chạm đáy khi những căng thẳng đã lan sang các vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm?
Ngày 22/8, Hàn Quốc đã công bố quyết định rút khỏi Hiệp ước Chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản (GSOMIA), với viện dẫn có "sự thay đổi lớn" về các điều kiện an ninh do những biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản.
Theo đó, phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, hoạt động trao đổi thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản không đáp ứng "các lợi ích quốc gia" của nước này. Hàn Quốc có kế hoạch thông báo với phía Nhật Bản về quyết định rút khỏi Hiệp ước Chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản trước thời hạn chót vào ngày 24/8 thông qua một kênh ngoại giao.
Căng thẳng Nhật-Hàn đã lan sang các vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm. Ảnh: Nikkei Asian Review
Phát biểu trước báo giới, ông Kim You-geun, Phó Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết: "Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định chấm dứt Hiệp ước Chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản. Chúng tôi sẽ thông báo với chính phủ Nhật Bản thông qua kênh ngoại giao trong thời gian gia hạn theo quy định của thỏa thuận. Nhật Bản đã tạo ra một sự thay đổi nghiêm trọng trong môi trường hợp tác an ninh song phương. Trong tình huống này, chúng tôi đã xác định rằng nó sẽ không phục vụ lợi ích quốc gia của chúng tôi để duy trì thỏa thuận mà chúng tôi đã ký với mục đích trao đổi thông tin quân sự và an ninh nhạy cảm".
Trong khi đó, ngay sau khi Hàn Quốc quyết định rút khỏi Hiệp ước Chia sẻ thông tin tình báo quân sự, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu Đại sứ Hàn Quốc tại Tokyo Nam Gwan Pyo nhằm phản đối Hàn Quốc.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng, quyết định của Hàn Quốc là "hoàn toàn sai lầm" và "cực kỳ đáng tiếc"; đồng thời khẳng định, động thái trên của Hàn Quốc cho thấy "hoàn toàn hiểu sai tình hình an ninh tại Đông Bắc Á trong bối cảnh Triều Tiên gần đây liên tiếp phóng thử tên lửa".
Một quan chức cấp cao của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) cũng nhấn mạnh, quyết định của Hàn Quốc sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả việc ứng phó với các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên, do Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) có hệ thống chia sẻ thông tin vững chắc với quân đội Mỹ. Tuy nhiên, việc Hàn Quốc rút khỏi Hiệp ước chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới việc trao đổi và liên lạc giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và quân đội Hàn Quốc.
Đối với Mỹ, việc Hàn Quốc chấm dứt tham gia Hiệp ước Chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) cũng khiến Mỹ quan ngại, bởi Mỹ rất muốn tăng cường hợp tác với hai đồng minh Đông Bắc Á để thúc đẩy sự ổn định trong khu vực trong bối cảnh mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên vẫn chưa chấm dứt. Hiệp ước Chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) được coi biểu tượng hiếm hoi của niềm tin giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời cũng là nền tảng chính cho hợp tác an ninh ba bên Mỹ - Nhật - Hàn.
Trong một phát biểu, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Dave Eastburn đã kêu gọi Nhật - Hàn phối hợp với nhau giải quyết bất đồng, đồng thời nhấn mạnh, khu vực Đông Bắc Á được an toàn, khi Mỹ - Nhật - Hàn phối hợp trong đoàn kết và hữu nghị. Chia sẻ thông tin tình báo là chìa khóa để phát triển chính sách và chiến lược phòng thủ chung./.
Theo Ngọc Huân/VOV1
Tổng hợp
Vùng Vịnh : Càng đối địch nhau càng bế tắc giải pháp Hồi đầu tháng 7 vừa qua, hải quân Anh bắt giữ con tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở ngoài khơi mỏm đá Gibraltar. Ởkhu vực Đông Bắc Á, Mỹ và Hàn Quốc cho biết sẽ lại tập trận chung trong tháng 8 này và Triều Tiên lại 2 lần phóng tên lửa với mục đích cảnh báo và răn đe Mỹ...