Triều Tiên triển khai 10 tàu đổ bộ chở lực lượng đặc nhiệm
Triều Tiên đã triển khai các tàu đổ bộ chở lực lượng đặc nhiệm tới tiền tuyến, các nguồn tin quân đội Hàn Quốc ngày 24/8 cho biết, trong bối cảnh Bình Nhưỡng tiếp tục tăng cường sự sẵn sàng chiến đấu, bất chấp các cuộc đối thoại liên Triều đang tiếp diễn nhằm tìm cách giảm căng thẳng quân sự.
Một cuộc tập trận của quân đội Triều Tiên (Ảnh minh họa: KCNA)
Khoảng 10 tàu đổ bộ đệm khí của Triều Tiên đã rời căn cứ tại Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan và tới một căn cứ hải quân, nằm cách Đường giới hạn phía bắc – biên giới trên biển giữa hai miền ở Hoàng Hải – khoảng 60 km, Yonhap dẫn các nguồn tin cho hay.
“Kể từ khi Triều Tiên tuyên bố tình trạng bán chiến tranh, các phương tiện và lực lượng quân sự của nước này đã tích cực di chuyển”, một trong số các nguồn tin nói.
Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên phá hoại đối thoại
Trước đó, Hàn Quốc đã cáo buộc Triều Tiên phá hoại các cuộc đối thoại cấp cao nhằm ngăn chặn một cuộc đối đầu quân sự khi huy động hàng chục tàu ngầm và tăng gấp đôi các đơn vị pháo binh dọc biên giới.
Một phát ngôn viên giấu tên của quân đội Hàn Quốc ngày 23/8 nói rằng 70% tàu ngầm của Triều Tiên – khoảng 50 chiếc – đã rời căn cứ và biến mất khỏi radar quân sự của Seoul.
Động thái triển khai một số lượng lớn tàu ngầm như vậy là “chưa có tiền lệ”, phát ngôn viên nói, cho biết thêm rằng Mỹ và Hàn Quốc đang tăng cường giám sát quân sự để đề phòng.
Video đang HOT
“Con số trên gấp gần 10 lần mức bình thường… Chúng tôi xem tình hình rất nghiêm trọng”, phát ngôn viên cho hay.
Hãng tin Yonhap trích lời các quan chức quân sự nói việc triển khai tàu ngầm trên là lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc.
Triều Tiên cũng tăng gấp đôi số lượng các đơn vị pháo binh dọc biên giới với Hàn Quốc, với mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu.
Động thái trên của Bình Nhưỡng diễn ra khi hai miền Triều Tiên nối lại các cuộc đối thoại nhằm giảm căng thẳng quân sự, sau phiên đàm phán marathon vào đêm trước đó kết thúc mà không đạt được sự nhất trí cuối cùng.
“Triều Tiên đang áp dụng chính sách hai mặt với các cuộc đàm phán đang tiếp diễn”, phát ngôn viên nói.
“Không ai biết liệu Triều Tiên có tấn công các tàu chiến hay tàu thương mại của chúng tôi hay không… Chúng tôi đang huy động tất cả các nguồn lực giám sát để xác định các tàu chiến”, Yonhap dẫn lời một quan chức quân đội.
Triều Tiên được cho là sở hữu hơn 70 tàu ngầm, một trong những hạm đội lớn nhất thế giới, so với khoảng 10 tàu ngầm của Hàn Quốc, theo sách trắng quốc phòng mới nhất của Seoul.
Vào năm 2010, Hàn Quốc đã cáo buộc Bình Nhưỡng dùng tàu ngầm phóng như lối nhằm vào một tàu chiến của Seoul, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Triều Tiên đã bác bỏ cáo buộc này.
Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên đã tăng cao sau vụ đấu pháo qua biên giới hồi tuần trước, sau khi Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đặt mìn tại biên giới khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương. Triều Tiên bác bỏ mọi liên quan.
Seoul đã nối lại chiến dịch tuyên truyền chống Triều Tiên qua loa phóng thanh dọc biên giới hôm 10/8. Bình Nhưỡng đã nổi giận trước động thái này của Seoul và ra tối hậu thư cho Hàn Quốc phải ngừng chiến dịch tuyên truyền vào tháo dỡ các loa phóng thanh trước 17h ngày 22/8, nếu không sẽ đối mặt với hành động quân sự.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tuần trước đã lệnh cho các binh sĩ ở tiền tuyến sẵn sàng chiến đấu kể từ ngày 21/8.
An Bình
Theo Dantri/Yonhap, AFP
Hàn Quốc tố Triều Tiên điều tàu đổ bộ tới sát biên giới
Triều Tiên được cho là đã điều tàu đổ bộ chở lực lượng đặc nhiệm tới gần biên giới trên biển với Hàn Quốc giữa lúc Seoul và Bình Nhưỡng đang đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng quân sự.
Binh sĩ Triều Tiên tập trận cùng tàu đổ bộ tại địa điểm chưa xác định. Ảnh: NK News.
Khoảng 10 tàu đổ bộ đệm khí đã rời căn cứ ở huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan, và tiến về một căn cứ hải quân cách Đường Giới hạn phía Bắc (NLL) khoảng 60 km về phía bắc, Yonhap dẫn các nguồn tin quân sự hôm nay cho biết. NLL là ranh giới trên biển giữa hai nước do phái bộ Liên Hợp Quốc vạch ra sau Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953.
"Các phương tiện và lực lượng của Triều Tiên hoạt động tích cực kể từ khi Bình Nhưỡng tuyên bố tình trạng bán chiến tranh", một trong những nguồn tin nói.
Với nhiệm vụ đưa quân đặc nhiệm lên bờ, tàu đệm khí được xem là một trong ba lực lượng nòng cốt để xâm nhập của Triều Tiên.
Bình Nhưỡng còn điều động hai lực lượng xâm nhập khác, gồm tàu ngầm và pháo binh đặc biệt, tới gần biên giới sau khi tuyên bố tình trạng bán chiến tranh, tăng cường sẵn sàng chiến đấu.
"Mọi động thái của quân đội Triều Tiên đều bị các thiết bị giám sát chung của Mỹ và Hàn Quốc phát hiện", nguồn tin nói.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 21/8 tuyên bố tình trạng "bán chiến tranh", dọa chuẩn bị tấn công "tổng lực" Hàn Quốc trong bối cảnh căng thẳng quân sự giữa hai miền leo thang sau vụ đấu pháo một ngày trước đó. Seoul và Bình Nhưỡng hôm 22/8 tổ chức đàm phán cấp chính phủ để xoa dịu tình hình nhưng vẫn chưa có bước tiến đáng kể nào.
Đường Giới hạn phía Bắc (NLL) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Ảnh: Korea Herald.
Như Tâm
Theo VNE
Quan điểm mới của Hải quân Australia: chiến lược, đổ bộ, xuất khẩu Lần đầu tiên công khai lực lượng đổ bộ trong diễn tập, chuẩn bị bàn giao tàu Adelaide, kế hoạch xây dựng lại hải quân, chiến lược thích ứng hàng hải... Trung Quốc kích thích Australia phát triển quân sự, liên kết ứng phóTàu tấn công đổ bộ lớp Canberra giúp Australia vươn tới Biển ĐôngAustralia mua máy bay tuần tra P-8A sẵn...