Triều Tiên thử bom H: Khoét sâu vào sự thiếu niềm tin của thế giới
“Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch đã buộc Hàn Quốc – Nhật Bản và Mỹ xích lại gần nhau hơn, tạo lợi thế cho Mỹ gây ảnh hưởng ở khu vực. Điều này vô tình Triều Tiên lại gây bất lợi cho Trung Quốc” – Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an bình luận khi trả lời phỏng vấn NTNN.
Thưa Thiếu tướng, ngày 6.1, Triều Tiên đã tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) có sức công phá lớn hơn nhiều bom nguyên tử thông thường, thông tin này có bất ngờ?
Hình ảnh về khu vực xảy ra cơn địa chấn gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Ảnh: CNN
- Về việc này, theo logic thông thường thì tôi bất ngờ, bởi lẽ cách đây chỉ 6 ngày, trong bài phát biểu đầu năm mới 2016, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kêu gọi cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, kêu gọi Hàn Quốc tôn trọng thỏa thuận đình chiến đã ký giữa hai miền Triều Tiên năm 1953… Những phát biểu này của ông Kim Jong Un đã gieo vào bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á không khí lành mạnh, tốt lành. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người nghiên cứu, nếu hiểu tính cách của ông Kim Jong Un thì tuyên bố thử bom H không có gì bất ngờ. Nhà lãnh đạo trẻ này sẵn sàng làm mọi chuyện khi cảm thấy cần thiết.
Triều Tiên là một quốc gia đang phát triển, đời sống người dân còn nghèo, nhưng tại sao Triều Tiên lại theo đuổi sản xuất bom nhiệt hạch?
- Chương trình hạt nhân của Triều Tiên bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước và cho đến nay, Triều Tiên đã có thế kỷ phát triển công nghệ hạt nhân. Trong điều kiện một nước đang phát triển, đời sống người dân không sung túc, trong khi phát triển công nghệ hạt nhân lại đòi hỏi những nguồn kinh phí khổng lồ, nguồn lực rất lớn.
Sau chiến tranh liên Triều những năm 1950-1953, cuộc đua tranh hai miền Triều Tiên kéo dài đến những năm 90 của thế kỷ trước và không thể phủ nhận trong cuộc đua về kinh tế, Triều Tiên đã thua Hàn Quốc. Về chính trị, Hàn Quốc cũng phát triển theo một hướng hoàn toàn khác, đảm bảo ổn định, Triều Tiên cũng không thể trở thành tấm gương để Seoul học hỏi. Về đối ngoại, trong khi Hàn Quốc mở rộng các mối quan hệ với thế giới, trở thành đồng minh của siêu cường thế giới, trong khi Triều Tiên lại bó hẹp quan hệ với bên ngoài…
Trong điều kiện như vậy, nếu không có hạt nhân, Triều Tiên sẽ không có “con bài” nào trong tay. Với tính cách của người Triều Tiên, họ không chấp nhận bị bên ngoài coi thường. Theo suy nghĩ của người Triều Tiên, chỉ có hạt nhân mới buộc Mỹ, Hàn phải ngồi xuống đàm phán và tôn trọng Triều Tiên. Danh dự đối với người Triều Tiên lớn hơn đời sống vật chất.
Thưa Thiếu tướng, tại sao Triều Tiên lại chọn thời điểm này để tuyên bố thử bom H?
- Trong 10 năm gần đây, Triều Tiên đã từng thử tên lửa tầm ngắn, tầm trung, bom hạt nhân…Thực tế đã cho thấy, mỗi lần nhà lãnh đạo Triều Tiên cảm thấy Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc không quan tâm đến Đông Bắc Á và Triều Tiên bị “bỏ rơi” thì họ lại phải hành động.
Có thể thấy, bức tranh Đông Bắc Á vào cuối năm 2015 có những điểm sáng khi Hàn Quốc và Nhật Bản đạt được thỏa thuận lịch sử về vấn đề “phụ nữ mua vui”, quan hệ Trung Quốc- Nhật Bản cũng được cải thiện, Nhật Bản cũng tăng cường quan hệ với Mỹ, Ấn Độ, Australia… và có vẻ không ai quan tâm đến Triều Tiên họ lại hành động để gây sự chú ý.
Video đang HOT
Vụ thử sẽ tác động đến an ninh của khu vực Đông Bắc Á và thế giới như thế nào, thưa ông?
“Thế giới đã quá quen với những thông tin về hạt nhân của Triều Tiên. Chắc chắn cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục hợp tác với Triều Tiên và một trong những động tác phải làm là khởi động đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên trong thời gian sớm nhất” – Thiếu tướng Lê Văn Cương.
- Tác động của vụ thử mà Triều Tiên tuyên bố sẽ không ảnh hưởng lớn đến thế giới mà chủ yếu khoanh vùng ở khu vực Đông Bắc Á. Trước hết, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nước lo ngại nhất bởi đe dọa trực tiếp đến an ninh của hai quốc gia này. Vụ thử cũng khoét sâu thêm vào sự thiếu lòng tin giữa các nước này và Mỹ đối với Triều Tiên. Và vì thế chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ gặp phải khó khăn hơn.
Vụ thử nói trên là thách thức lớn nhất đối với Hàn Quốc và chắc chắn Seoul sẽ có phản ứng. Trước mắt Seoul sẽ phản ứng qua các kênh ngoại giao, tiếp đến Seoul sẽ phải tổ chức lại lực lượng vũ trang, hệ thống cảnh báo sớm, đặt toàn bộ lực lượng vũ trang ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, bố trí lại hệ thống tên lửa để đối phó với Triều Tiên.
Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ phải hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản, Mỹ để ứng phó với Triều Tiên.
Xét về tổng thể, chính hành động của Triều Tiên đã phản tác dụng ở chỗ buộc Hàn Quốc- Nhật Bản và Mỹ xích lại gần nhau hơn, tạo lợi thế cho Mỹ gây ảnh hưởng ở khu vực. Điều này vô tình Triều Tiên lại gây bất lợi cho Trung Quốc.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Trung Quốc sẽ "nhắm mắt làm ngơ" vụ Triều Tiên thử hạt nhân?
Các chuyên gia quan hệ quốc tế nhận định, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với đồng minh ruột Triều Tiên đang ngày càng yếu đi. Và vì một số lý do, Bắc Kinh sẽ "nhắm mắt làm ngơ" vụ Triều Tiên thử hạt nhân ngày 6.1.
Trung Quốc bất lực trước tham vọng hạt nhân của Triều Tiên
Channel News Asia dẫn lời các chuyên gia phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ không đưa ra hành động đáp trả quyết liệt và mạnh mẽ để trừng phạt đồng minh ruột sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch.
Thậm chí, kể cả khi Bắc Kinh viện đủ mọi phương tiện để gây sức ép mạnh hơn, nhằm kìm chế tham vọng hạt nhân của đồng minh ruột, nhiều khả năng Bình Nhưỡng cũng sẽ không chịu khuất phục.
Người dân Triều Tiên vỗ tay hoan hô khi xem bản tin thông báo nước này thử thành công bom nhiệt hạch sáng 6.1.
Các chính phủ trên toàn thế giới lâu nay vẫn tin rằng, "gã khổng lồ châu Á" có năng lực kìm chế các hành động khiêu khích, liều lĩnh của Triều Tiên, nước láng giềng và cũng là đồng minh ruột của họ.
Niềm tin này dựa trên sự phụ thuộc của Triều Tiên vào nguồn viện trợ kinh tế kếch xù từ Trung Quốc cũng như sự hậu thuẫn lớn về mặt chính trị mà Bắc Kinh dành cho Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã thay đổi và Bắc Kinh ngày càng trở nên bất lực trước tham vọng hạt nhân của đồng minh ruột.
Quan hệ Trung - Triều bắt đầu rạn nứt kể từ khi ông Kim Jong-un (phải) lên nắm quyền cuối năm 2011. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chưa từng tới thăm Bắc Kinh. Trong khi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) cũng chưa một lần công du Bình Nhưỡng dù đã tới thăm Seoul.
Mối quan hệ từng được ví von là "gần gũi, khăng khít như răng và môi" hay "môi hở răng lạnh" giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã rạn nứt kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un lên cầm quyền, thay người cha quá cố của ông chèo lái đất nước cuối năm 2011. Không như cha mình, trong 4 năm cầm quyền, ông Kim Jong-un vẫn chưa một lần sang thăm Bắc Kinh.
Tháng trước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cử nhóm nhạc nữ Moranbong sang Trung Quốc biểu diễn với mục đích đầu là nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Tuy nhiên, ban nhạc Moranbong đã bất ngờ hủy tour diễn, lập tức đáp máy bay về nước ngay trước buổi công diễn đầu tiên tại Bắc Kinh. Sự kiện này đã khiến quan hệ Trung - Triều trở nên "băng giá" hơn.
Và chỉ 4 ngày sau đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặt bút ký lệnh cho phép "khởi đầu năm 2016 bằng âm thanh vang dội của một vụ nổ bom nhiệt hạch đầu tiên".
"Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên đang ngày càng trở nên yếu đi. Nguyên nhân chính là do giới lãnh đạo mới của Bình Nhưỡng không còn nghe lời (Bắc Kinh) nữa", ông Zhu Feng, một chuyên gia về quan hệ quốc tế nhận định.
Theo ông Zhu, Bình Nhưỡng có thể cho rằng, Bắc vốn đang quá bận rộn và đang phải đau đầu tập trung giải quyết căng thẳng ở Biển Đông với các nước láng giềng khác cũng như Mỹ, sẽ "nhắm mắt làm ngơ" các động thái của họ.
Chuyên gia này nhận định, mặc dù có vẻ bị sốc trước tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch của Triều Tiên, Trung Quốc vẫn chỉ phản ứng mạnh... bằng ngôn từ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chỉ đưa ra tuyên bố suông để phản đối động thái của Bình Nhưỡng và một lần nữa, kêu gọi các bên nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên vốn đã bị đình trệ lâu nay.
Các bài bình luận trên báo chí chính thống của Trung Quốc cũng chỉ lên án và chỉ trích vụ thử hạt nhân của Triều Tiên chứ không yêu cầu Bắc Kinh phải có hành động trừng phạt thích hợp nhằm răn đe đồng minh ruột khó lường này.
Cụ thể, một bài xã luận được tờ báo chính thống China Daily đăng tải hôm nay lên án vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng là hành động "nguy hiểm, thiếu thận trọng và vô trách nhiệm", song nhấn mạnh, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cần được giải quyết bằng "sự sáng suốt và quyết định tập thể" của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, bài xã luận cũng không hề đề cập đến các bước phản ứng tiếp theo mà chính phủ Trung Quốc có thể đưa ra.
Trung Quốc sợ Triều Tiên sụp đổ hơn có vũ khí hạt nhân
Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch thành công chỉ 2 ngày trước sinh nhật của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Động thái này nhiều khả năng sẽ khiến nước này phải trả giá đắt do bị Liên Hợp Quốc áp đặt thêm hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn.
Người dân Hàn Quốc xem bản tin về việc Triều Tiên thử hạt nhân qua màn hình TV công cộng gần một nhà ga ở Seoul ngày 6.1.
Nước này đã hứng một loạt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc sai 3 vụ thử hạt nhân trước đó vào năm 2006, 2009 và 2013.
Tuy nhiên, Trung Quốc - một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc luôn nhấn mạnh rằng, đối thoại là cách duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và hạn chế các hành động khiêu khích khó lường của Bình Nhưỡng.
Ông Yanmei Xie, một chuyên gia cao cấp của trung tâm phân tích Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nhấn mạnh, động thái của Trung Quốc phản ánh, mục tiêu cơ bản nhất mà nước này theo đuổi là duy trì chế độ Bình Nhưỡng.
Sự sụp đổ của Triều Tiên được cho là sẽ tạo ra cơn ác mộng tồi tệ với Trung Quốc. Bắc Kinh vốn xem Triều Tiên là vùng đệm quan trọng, che chắn cho Trung Quốc khỏi viễn cảnh bị quân đội Mỹ áp sát sườn. Đồng thời, Bắc Kinh cũng quan ngại viễn cảnh làn sóng người tị nạn Triều Tiên đổ vào biên giới Trung Quốc trong trường hợp chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ.
"Trung Quốc muốn duy trì chế độ Bình Nhưỡng bằng cách viện trợ nhiên liệu, lương thực... hậu thuẫn về mặt ngoại giao. Đối với Bắc Kinh, viễn cảnh Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân là đáng lo ngại. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Bình Nhưỡng còn khiến nước này e ngại hơn", ông Yanmei Xie nhận định.
Theo Danviet
Mỹ sẽ không dám "làm căng" với Triều Tiên? Seoul đang ra sức thỉnh cầu Washington gấp rút đưa vũ khí chiến lược tới bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Mỹ đã mạnh mẽ tuyên bố sẽ sát cánh cùng Hàn Quốc và có thể triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực. Một quan chức quân sự...