Triều Tiên thay đổi dưới thời Kim Jong-un
Dưới sự dẫn dắt của Kim Jong-un, quốc gia khép kín Triều Tiên đang có những thay đổi lớn và ngày càng mở cửa với văn hóa phương Tây, đây có thể là cách thức của nhà lãnh đạo trẻ để củng cố quyền lực.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một chuyến thăm quân nhân. Ảnh: KCNA
Triều Tiên có sự cởi mở rõ rệt dưới sự cầm quyền của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Ông cho phép những biểu tượng văn hóa của phương Tây và Mỹ như chuột Mickey và cựu ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman xuất hiện ở nước mình. Đây là những người và nhân vật nổi tiếng ở phương Tây, nhưng gần đây mới được biết đến rộng rãi ở Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un, kể từ khi lên nắm quyền thay người cha quá cố hơn hai năm trước, đã nới lỏng việc kiểm soát thiết bị công nghệ cao và hàng hóa tiêu dùng tại Triều Tiên. Trước đó, nếu người dân sở hữu những vật này, họ có nguy cơ đi tù hoặc lĩnh hình phạt mạnh hơn.
Khoảng 2,4 triệu người Triều Tiên hiện dùng điện thoại di động, theo Orascom Telecom Media & Technology Holding của Ai Cập, hãng cung cấp dịch vụ di động ở đây. Kể từ giữa năm 2014, những chiếc điện thoại chứa trò chơi công nghệ cao và tiểu thuyết lãng mạn đã “cập bến” thủ đô Bình Nhưỡng. Người Triều Tiên hiện có thể sở hữu điện thoại thông minh được cài đặt sẵn 30 trò chơi nước ngoài, chẳng hạn như Talking Tom và Plant vs Zombies, tuy rằng truy cập vào mạng Internet và 3G vẫn còn hạn chế.
“Tôi chơi với ứng dụng Talking Tom mỗi khi tôi buồn”, CSMonitor dẫn lời Park, một sinh viên mới ra trường hiện đang làm hướng dẫn viên cho biết. Anh Park tin rằng chiếc điện thoại “Pyongyang Touch” có kích cỡ màn hình 4,7 inch anh đang dùng là một chiếc Samsung được đổi tên, và chiếc “Arirang” của đồng nghiệp anh vốn là một chiếc Sony. Điện thoại di động của một số hãng Trung Quốc nổi tiếng cũng được bày bán trong thành phố.
Video đang HOT
Ông Kim Jong-un cho phép bán một số những sản phẩm bị cấm trước đây cho nhiều người trong giới thượng lưu và con cái họ tại đô thị. Những mặt hàng cơ bản trong văn hóa tiêu dùng phương Tây và Trung Quốc như máy ảnh kỹ thuật số, thẻ tín dụng, và mỹ phẩm đã xuất hiện ở Triều Tiên. Các nhà phân tích cho rằng viện trợ và thương mại từ nước láng giềng Trung Quốc là nguồn của cải và hàng hóa quan trọng của Bình Nhưỡng.
Những sản phẩm ngoại trước đây chưa từng có ở nước này như bia, dầu gội đầu, kem đánh răng Đức và mayonnaise Nhật Bản ngày càng được bày bán rộng rãi. Cà phê trở thành một thức uống phổ biến, thậm chí một số nhà hàng còn phục vụ cà phê từ máy pha espresso của Italy.
“Sau nhiều năm cải cách kinh tế và trao đổi với thế giới bên ngoài, chính phủ không còn có thể kiểm soát tư tưởng của người dân nghiêm ngặt như trước đây”, Zhang Yushan, chuyên gia Triều Tiên tại Học viện Khoa học Xã hội Cát Lâm ở Trung Quốc nói. Ông cho rằng người Triều Tiên ngày càng đòi hỏi nhiều hơn.
Đối với con em của giới thượng lưu Triều Tiên, máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại di động là những phụ kiện phải có và thường được chọn làm quà sinh nhật. Park cho rằng những thiết bị này là cơ hội nếm trải cuộc sống hiện đại, đồng thời tượng trưng cho hy vọng và tiến bộ. Máy ảnh kỹ thuật số Park dùng được sản xuất tại Trung Quốc và có giá 100 USD.
Cuộc sống hàng ngày của người dân Triều Tiên đang được cải thiện. Cùng với sự hỗ trợ từ Trung Quốc, dự án phát triển ngành công nghiệp nhẹ do cố lãnh đạo Kim Jong-il khởi xướng đã có bước tiến rõ rệt.
Hồi năm 2007, các nhà máy ở Triều Tiên không có phụ tùng cần thiết để sản xuất những mặt hàng cơ bản như bánh kẹo, mì ăn liền và nước soda. Hiện nay, những cơ sở này đã có thể sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn như bánh bao, xúc xích đông lạnh, giày thể thao và mỹ phẩm. Các mặt hàng mỹ phẩm cũng ngày càng đa dạng, với những loại kem xóa vết nhăn và làm trắng da.
Hệ thống thẻ ghi nợ, một dịch vụ thiết yếu trong thế giới tài chính hiện đại được Triều Tiên áp dụng từ năm 2011 cũng có sự thay đổi. Thẻ “Narae” hiện được chấp nhận tại các khách sạn, nhà hàng và cửa hàng tại Bình Nhưỡng, Wonsan và Kaesong.
Các kênh truyền hình chính thức Triều Tiên hiện chiếu nhiều chương trình nước ngoài hơn, như phim hoạt hình phương Tây, phim điện ảnh hoặc phim truyền hình Trung Quốc. Nam diễn viên trong một bộ phim Trung Quốc về tình báo nhận được nhiều tình cảm từ khán giả nữ vì nhân vật của anh sẵn sàng giúp vợ làm việc nhà.
“Bộ máy tuyên truyền Triều Tiên nhấn mạnh đất nước phải đổi mới và thích ứng với một số tư tưởng và thực tiễn nước ngoài cụ thể”, Geoffrey See, Giám đốc quản lý của tổ chức phi lợi nhuận Choson Exchangem, chuyên cung cấp giải pháp đào tạo về kinh tế và pháp lý của Triều Tiên, cho biết.
Sự nới lỏng này mang ý nghĩa quan trọng vì cố lãnh đạo Kim Jong-il từng không cho phép quan chức và người dân có thời gian thư giãn. Ông Kim Jong-il coi quân sự là ưu tiên hàng đầu và luôn đặt đất nước trong tình trạng cảnh giác cao để đề phòng tấn công từ Mỹ và Hàn Quốc. Còn dưới thời Kim Jong-un, người Triều Tiên đã có các kỳ nghỉ.
Văn hóa tiêu dùng đang ngày càng nảy nở ở Bình Nhưỡng và Wonsan với các dịch vụ như máy làm kem tươi và các loại bánh sinh nhật. Hiện có hơn chục vị kem đá ở Triều Tiên, trong khi hồi năm 2000, loại kem này chỉ có một vị duy nhất.
Tác động của những thay đổi này đến sự ổn định của chính quyền Triều Tiên vẫn còn là một vấn đề cần nghiên cứu. Georgy Toloraya, một chuyên gia về Triều Tiên tại Russkiy Foundation của Nga, cho biết nhiều người Triều Tiên đã bỏ ngoài tai những lời tuyên truyền của nhà nước. “Rất nhiều trong số họ đã thôi đọc Rodong Sinmun, nhật báo tuyên truyền của Triều Tiên”, ông Toloraya nói.
Tuy có nhiều đổi mới, Triều Tiên vẫn lâm vào tình trạng thiếu lương thực và năng lượng. Khoảng cách giàu nghèo giữa những người khá giả tại đô thị và những người khó khăn ở nông thôn ngày càng lớn hơn. Hầu hết người dân Triều Tiên bình thường không thể mua nổi máy ảnh. Xe tải chạy bằng hơi nước đốt củi vẫn còn được sử dụng ở bên ngoài Bình Nhưỡng. Nhiều người dân không có xe nên thường phải đi bộ hoặc xin đi nhờ khi cần di chuyển.Trong nhiều trường hợp, Bình Nhưỡng vẫn tăng cường kiểm soát thông tin và các sản phẩm văn hóa nước ngoài.
Củng cố quyền lực
Theo BBC, những thay đổi ở Triều Tiên có thể nhằm giúp ông Kim Jong-un nhận được sự ủng hộ từ thế hệ mới của nước này, đồng thời là một cách tưởng thưởng cho những người trung thành với ông Kim.
Jean Lee, một người Mỹ gốc Hàn và là nhà báo nước ngoài đầu tiên mở văn phòng tại Triều Tiên, nhận định những thay đổi này chính là những bước đi của ông Kim để thiết lập nền tảng quyền lực của riêng mình.
Lee từng có mặt trong đám đông khi ông Kim Jong-un lần đầu tiên được giới thiệu với người dân Triều Tiên tại một cuộc diễu hành quân sự. “Khi ông ấy bước ra, những người dân ở quảng trường hoàn toàn bị sốc và bất ngờ. Họ chưa từng nhìn thấy ảnh của ông trước đó. Họ chỉ chính thức biết về sự tồn tại của ông một vài tuần trước đó”, cô kể lại.
“Người dân thật sự sốc khi thấy một người còn quá trẻ sẽ trở thành nhà lãnh đạo mới. Ông Kim Jong-un không phải là con trai cả, vì vậy, việc ông lên nắm quyền không hề được dự đoán từ trước. Rõ ràng cha ông đã nhìn thấy ở ông tố chất nào đó, nên đã chọn ông Kim làm người tiếp nối vị trí của mình”, Lee nói tiếp
Lee cho rằng ông Kim đã dùng những thay đổi này để chứng minh năng lực và thu phục lòng dân. “Một trong những điều mà tôi để ý trong vài năm qua là việc xây dựng các sân trượt băng. Các công viên trượt ván và khu nghỉ trượt tuyết cũng được mở cửa vào năm ngoái. Ông Kim vẫn còn trẻ, nếu ông muốn nhận được sự ủng hộ từ thế hệ tương lai của Triều Tiên, những người sẽ trở thành nền tảng quyền lực của ông thì ông phải tìm cách giành được lòng trung thành của họ. Những thay đổi này là một phần của nỗ lực đó”, Lee nói. “Ông Kim Jong-un đang đầu tư vào tương lai”.
Phương Vũ
Theo VNE