Triều Tiên sẽ phản ứng thế nào với cuộc tập trận Mỹ-Hàn?
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc hôm nay 21/8 bắt đầu cuộc tập trận chung kéo dài hơn 1 tuần, một động thái được cho là sẽ khiến Triều Tiên nổi giận và có thể khiến bán đảo Triều Tiên leo thang căng thẳng.
Cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn bắt đầu từ ngày 21/8 đến 31/8. (Ảnh: AFP)
Cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn
Cuộc tập trận thường niên mang tên Người bảo vệ tự do Ulchi giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu từ hôm nay 21/8 và kéo dài đến 31/8.
Đây là cuộc tập trận quân sự quy mô lớn đầu tiên giữa hai quốc gia đồng minh này kể từ khi Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công hai tên lửa đạn đạo liên lục địa hồi tháng 7 và đe dọa bắn tên lửa tầm trung vào gần đảo Guam của Mỹ hồi đầu tháng 8.
Cuộc tập trận năm nay có sự tham gia của 17.500 binh sĩ Mỹ, giảm so với con số 25.000 binh sĩ Mỹ hồi năm ngoái, và 50.000 binh sĩ Hàn Quốc.
Bất chấp những lời kêu gọi hoãn cuộc tập trận nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc vẫn quyết định triển khai theo kế hoạch.
Tuy nhiên, truyền thông cũng đồn đoán rằng, năm nay, Mỹ và Hàn Quốc cũng tránh gây căng thẳng tình hình với quyết định không đưa máy bay ném bom tầm xa và một số khí tài chiến lược khác đến khu vực.
Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng, khả năng cuộc tập trận sẽ “chọc giận” Bình Nhưỡng là khó tránh khỏi, song câu hỏi đặt ra là mức độ phản ứng của Triều Tiên tới đâu?
Triều Tiên phản ứng ra sao?
Triều Tiên đầu tháng này cảnh báo cân nhắc kế hoạch bắn tên lửa vào gần đảo Guam của Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Video đang HOT
Trong thời gian diễn ra cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn năm ngoái, Triều Tiên tuyên bố lần đầu phóng thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, một dấu mốc mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un gọi là “thành công của mọi thành công”.
Không lâu sau cuộc tập trận, Triều Tiên tiếp tục tiến hành vụ thử hạt nhân lần 5 và tuyên bố “chuẩn hóa” đầu đạn có thể gắn vào nhiều loại tên lửa khác nhau.
Hồi đầu năm nay, khi quân đội Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung, Triều Tiên phóng 4 tên lửa tầm trung Scud với tuyên bố diễn tập tấn công căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản.
Đáp trả cuộc tập trận Ulchi đang diễn ra, một số chuyên gia cho rằng, Triều Tiên sẽ vẫn chỉ làm các “phép thử” với Mỹ và sẽ không có bất cứ động thái nào đẩy tình hình đi quá xa.
Theo đó, truyền thông Triều Tiên sẽ lại đưa ra những cảnh báo, hoặc Triều Tiên sẽ có những động thái như tập trận pháo binh hoặc tên lửa tầm ngắn. Triều Tiên cũng có thể thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.
“Triều Tiên đã hai lần thử tên lửa đạn đạo liên lục địa trong năm nay và nhiều khả năng đang nghe ngóng tình hình để đánh giá tác động, và thậm chí đang tìm kiếm cơ hội để đối thoại, thay vì tiến hành một vụ thử khác”, Moon Seong Mook, cựu quan chức quân đội Hàn Quốc, nhận định.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, Triều Tiên có thể coi cuộc tập trận Mỹ-Hàn là cái cớ để tiến hành vụ thử tên lửa liên lục địa tiếp theo hoặc thậm chí có thể bắn tên lửa vào khu vực gần đảo Guam như cảnh báo trước đó để “nắn gân” Mỹ.
Nếu kịch bản này xảy ra, bán đảo Triều Tiên sẽ càng leo thang căng thẳng và nguy cơ đứng trước một cuộc xung đột quân sự.
David Wright, chuyên gia phân tích thuộc Liên đoàn các nhà khoa học, cho rằng Mỹ và Hàn Quốc lẽ ra nên hoãn hoặc cơ cấu lại cuộc tập trận chung để giảm nguy cơ xung đột quân sự.
Minh Phương
Theo CNBC
Bên trong căn cứ Mỹ cận kề với mối đe dọa từ Triều Tiên
Các binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Osan ở Hàn Quốc luôn được huấn luyện với phương châm "sẵn sàng chiến đấu đêm nay".
Căn cứ không quân Osan nằm cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc, khoảng 64 km về phía nam. Đây là một trong những căn cứ mà không quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Với vị trí nằm sát Triều Tiên nhất, Washington thường xuyên điều các máy bay do thám và chiến đấu cơ xuất kích từ đây để sẵn sàng đối phó với những mối đe dọa từ Bình Nhưỡng, theo CNN. Ảnh: AFP.
Mỹ hiện bố trí tại căn cứ Osan một số máy bay Lockheed U-2, hay còn được gọi với cái tên "Quý bà Rồng". Nó có khả năng bay trên 21.000 m so với mực nước biển. Mỹ thường xuyên dùng "Quý bà Rồng" để theo dõi các động thái ở Triều Tiên, từ đó thu thập thông tin giúp ích cho việc phân tích những mối đe dọa tiềm tàng. Ảnh: Business Insider.
Một phi công điều khiển máy bay U-2 chuẩn bị cất cánh thực hiện nhiệm vụ kéo dài 12 tiếng trên bán đảo Triều Tiên.
Trung tá James Bartran, một phi công U-2 giàu kinh nghiệm, chỉ huy Đội Trinh sát số 5 tại căn cứ Osan, cho biết họ hiện tại vô cùng bận rộn vì những căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên. Nhiệm vụ của họ được quy định rõ ràng: "Tập trung tai mắt về phía Triều Tiên".
"Tất cả mọi thứ mà máy bay gửi về hầu hết đều ngay lập tức được chuyển tới những người có thể phân tích, đánh giá và truyền đạt thông tin tới bộ máy lãnh đạo", ông Bartran cho hay. Ảnh: CNN.
Trong ảnh, các binh sĩ không quân Mỹ xếp hàng trước một máy bay do thám U-2 tại căn cứ Osan.
Ông Bartran giải thích sự hiện diện của "Quý bà Rồng" ở bán đảo Triều Tiên nhằm đảm bảo Mỹ có mọi thông tin cần thiết để hành động hay phản ứng trước tất cả những kịch bản khác nhau. Thông tin tình báo mà chiếc phi cơ này chuyển về Washington có thể định đoạt chiến tranh hay hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: CNN.
U-2 có khả năng bay ở độ cao trên 21.000 m nên phi công phải được chuẩn bị giống như các phi hành gia trước mỗi chuyến bay.
Mỹ sử dụng "Quý bà Rồng" từ thời Chiến tranh Lạnh. Về sau, người ta trang bị thêm cho nó nhiều cảm biến và camera mới. Với giá 250 triệu USD mỗi chiếc, U-2 có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ thu thập thông tin khác nhau mà các máy bay do thám không người lái hiện nay khó lòng thực hiện một mình.
Trước bối cảnh Washington và Bình Nhưỡng gần đây liên tục tung ra những lời cảnh báo tấn công "không khoan dung" hay "trút hỏa lực và thịnh nộ" lên đối phương, U-2 càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với Mỹ trong việc phát hiện những mối nguy hiểm tiềm ẩn từ Triều Tiên. Ảnh: CNN.
Đội ngũ nhân viên tại tháp kiểm soát không lưu thuộc căn cứ Osan mỗi ngày theo dõi hàng chục chuyến bay cất và hạ cánh để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát hay tham gia những bài tập huấn luyện đối phó với kịch bản xung đột bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: CNN.
Ngoài các máy bay U-2, căn cứ Osan còn là nơi đồn trú của hai phi đội tiêm kích F-16 Mỹ. Các phi công điều khiển chúng luôn được huấn luyện với phương châm "sẵn sàng chiến đấu đêm nay". Thiếu tá Daniel Trueblood, phi công F-16 thuộc Phi đội 36, miêu tả chúng giống như những chiếc "siêu xe Ferrari trên không". Ảnh: CNN.
Về mặt lý thuyết, trong trường hợp Mỹ quyết định phát động tấn công hay đáp trả lại Triều Tiên, với vận tốc 25 km/phút, các chiến đấu cơ F-16, mang theo bom, tên lửa tầm xa và tầm ngắn, có thể xuất kích từ căn cứ Osan và bay tới không phận Triều Tiên chỉ trong vòng chưa đầy ba phút.
Tương tự phi cơ do thám "Quý bà Rồng", những chiếc "Ferrari trên không" cũng tập luyện hàng ngày trên bầu trời bán đảo Triều Tiên theo những bài tập mô phỏng chiến trận.
"Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra hay mình sẽ được lệnh phải làm gì. Vậy nên, chúng tôi cần đảm bảo luôn sẵn sàng hành động, vào bất cứ lúc nào", ông Trueblood chia sẻ. "Chúng tôi tập luyện mỗi ngày như thể đêm nay là đêm xuất kích". Ảnh: Osan.af.mil.
Trong ảnh, những hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot Mỹ được triển khai tại căn cứ Osan nhằm chống lại các cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên.
"Công việc của chúng tôi là khiến kẻ thù nhắm vào chúng tôi bằng cả vũ khí không đối không lẫn vũ khí đất đối không để bảo vệ những người khác. Vì thế, về cơ bản, chúng tôi muốn họ tấn công chúng tôi", thiếu tá Trueblood nhấn mạnh. "Nhiệm vụ với chúng tôi luôn rõ ràng và cụ thể: Sẵn sàng chiến đấu". Ảnh: CNN.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên không gây hấn khi Mỹ-Hàn tập trận Tổng thống Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên không được viện cớ cuộc tập trận Mỹ-Hàn để tiến hành các hoạt động khiêu khích. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Reuters. "Cuộc tập trận mang tên 'Người bảo vệ tự do Ulchi' là hoạt động phòng thủ thường niên nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đời...