Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo từ khu vực đặt căn cứ tàu ngầm
Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết Bình Nhưỡng vừa phóng đi ít nhất một tên lửa đạn đạo gần địa điểm Triều Tiên đặt đội tàu ngầm.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Yonhap).
Yonhap dẫn thông báo của quân đội Hàn Quốc cho hay, Triều Tiên ngày 19/10 đã phóng ít nhất một tên lửa đạn đạo vào vùng biển phía đông. Tên lửa được phóng từ một địa điểm gần Sinpo, tỉnh Nam Hamgyong, theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS). Vụ phóng tên lửa diễn ra lúc 10h17 sáng theo giờ địa phương.
Theo Reuters , Sinpo là nơi Triều Tiên đặt đội tàu ngầm và các thiết bị phục vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng từng phóng nhiều loại tên lửa khác từ khu vực này.
JCS cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và trong tình trạng sẵn sàng nhằm chuẩn bị cho việc Triều Tiên có thể phóng thêm tên lửa.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, nước này đã phát hiện ra 2 tên lửa đạn đạo trong vụ phóng hôm nay. Ông Kishida cho rằng, việc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa trong các tuần gần đây là “đáng tiếc”.
Giới quan sát nhận định, vụ phóng lần này cùng với các vụ thử tên lửa trong vài tuần qua được xem là động thái của Bình Nhưỡng nhằm gây áp lực lên Mỹ và Hàn Quốc trong bối cảnh việc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn đang bế tắc trong vài năm qua.
Sau khi cuộc đàm phán với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump không thành công 2 năm trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cam kết sẽ củng cố năng lực răn đe hạt nhân. Bình Nhưỡng tới nay vẫn từ chối đề nghị tái khởi động đối thoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhấn mạnh rằng Washington trước hết phải từ bỏ “chiến lược thù địch”.
Trong những tuần qua, Triều Tiên đã thử tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa phóng từ tàu hỏa và một vũ khí mà họ mô tả là đầu đạn tên lửa siêu vượt âm.
Chuyên gia Park Won-gon từ đại học Phụ nữ Ewha cho biết, các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên phù hợp với kế hoạch 5 năm của Bình Nhưỡng nhằm xây dựng năng lực vũ khí chiến thuật.
Vụ phóng tên lửa hôm nay diễn ra trong bối cảnh giới chức tình báo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản dự kiến sẽ gặp gỡ ở Seoul để bàn bạc về vấn đề Triều Tiên, theo Yonhap .
Triều Tiên tố Mỹ 'lá mặt lá trái'
Triều Tiên cáo buộc Mỹ "lá mặt lá trái" khi chỉ trích Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo, nhưng im lặng trước hoạt động tương tự của Hàn Quốc.
"Hành vi này của Mỹ là trở ngại trong cách giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên và chất xúc tác khiến căng thẳng leo thang", bình luận viên quốc tế Kim Myong-chol viết trong bài xã luận đăng trên hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 17/9.
Kim Myong-chol chỉ trích Mỹ "lá mặt lá trái" khi giữ im lặng về vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLMB) của Hàn Quốc, song lại lên án Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu hỏa. "Đây là lý do chính xác của bế tắc trong các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ", bình luận viên này viết.
Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu hỏa ngày 15/9. Ảnh: KCNA .
Hàn Quốc ngày 15/9 công bố 4 video thử các loại tên lửa hành trình và đạn đạo, trong đó có một SLMB phóng từ tàu ngầm Dosan Ahn Changho. Vài giờ trước vụ phóng của Hàn Quốc, Triều Tiên phóng thử hai tên lửa đạn đạo từ tàu hỏa, các quả đạn sau đó rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Triều Tiên đang chịu loạt lệnh trừng phạt ngặt nghèo của quốc tế vì chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Triều Tiên tuyên bố các chương trình vũ khí của họ nhằm mục đích tự vệ trước nguy cơ bị Mỹ tấn công.
Các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên lâm vào bế tắc, sau khi cựu tổng thống Donald Trump khước từ đề xuất của lãnh đạo Kim Jong-un về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng trên tàu hỏa ngày 15/9. Video: KCTV .
Chính quyền Joe Biden nhiều lần cho biết sẵn sàng đối thoại ngoại giao với Triều Tiên. Sung Kim, đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên, cho biết nước này nhiều lần đề xuất gặp gỡ mà không cần điều kiện tiên quyết.
Tuy nhiên, bình luận viên Kim Myong-chol nhấn mạnh "thuật ngữ phi hạt nhân hóa sẽ không bao giờ được đặt lên bàn đàm phán, trừ khi Mỹ từ bỏ chính sách thù địch nhằm vào Triều Tiên".
Vì sao Triều Tiên thử tên lửa hành trình nhưng lại gọi là 'vũ khí chiến lược' Khi Mỹ gặp các đồng minh ở Tokyo, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa hành trình, vốn là "vũ khí chiến thuật", và tuyên bố đây là "vũ khí chiến lược quan trọng". Triều Tiên phóng thử tên lửa hành trình tầm xa mới. Ảnh: AFP/KCNA Sáng 13/9, các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin Bình Nhưỡng...