Triều Tiên “nổi đóa” với Mỹ – Hàn trước thềm thượng đỉnh
Triều Tiên ngày 3/6 đã lên án quân đội Hàn Quốc vì tham gia hai cuộc tập trận với Mỹ, đi ngược lại với tinh thần của tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 (Ảnh: Korea Times)
Nhật báo Minju Joson của Triều Tiên ngày 3/6 cho biết quân đội Hàn Quốc đã triển khai 3 tàu chiến, các máy bay chiến đấu và hơn 700 binh sĩ tới tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) ở vùng biển ngoài khơi Hawaii, Mỹ từ ngày 27/6-2/8.
Theo báo Triều Tiên, Hàn Quốc cũng thông báo sẽ tiến hành cuộc tập trận chung thường niên Người Bảo vệ Tự do Ulchi (UFG), dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới.
“RIMPAC là cuộc tập trận chuẩn bị cho chiến tranh nhằm vào Triều Tiên được tổ chức hai năm một lần từ năm 1971″, bài viết trên Minju Joson cho biết, đồng thời nhấn mạnh việc tìm cách đối đầu quân sự “là đi ngược lại với mong muốn chung của tất cả người dân trên bán đảo Triều Tiên cũng như xu thế của thời đại”.
Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, cũng chỉ trích hai cuộc tập trận RIMPAC và UFG của quân đội Mỹ – Hàn. Tờ báo này cho rằng Hàn Quốc đang đi ngược lại với tinh thần của Tuyên bố chung Panmunjom do hai nhà lãnh đạo Hàn – Triều ký kết tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4.
Video đang HOT
“Hàn Quốc và Triều Tiên đang đối mặt với một sứ mệnh vĩ đại là giảm thiểu căng thẳng quân sự và xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên bằng cách chân thành thực thi Tuyên bố Panmunjom. Đối thoại và đối đầu, hòa bình và tập trận không bao giờ có thể đi cùng với nhau”, bài viết trên Rodong Sinmun nhấn mạnh.
Hải quân Mỹ ngày 30/5 thông báo 26 quốc gia, 47 tàu nổi, 5 tàu ngầm, 18 lực lượng bộ binh quốc gia, hơn 200 máy bay và 25.000 binh sĩ sẽ tham gia cuộc tập trận RIMPAC. RIMPAC được đánh giá là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới.
Chủ đề của tập trận RIMPAC năm nay là “Năng lực, Thích ứng, Đối tác” và do Phó Đô đốc John D Alexander, Chỉ huy Hạm đội 3 của Mỹ, dẫn đầu. Các quốc gia tham gia tập trận sẽ phô diễn nhiều khả năng và thể hiện sự linh hoạt của lực lượng hải quân.
Phản ứng của Mỹ – Hàn
Liên quan tới các cuộc tập trận, Yonhap dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 3/6 cho biết Hàn Quốc và Mỹ có kế hoạch duy trì các cuộc tập trận chung thường kỳ nhưng ở mức độ không quá lớn nhằm duy trì bầu không khí hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Theo nguồn tin trên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã nhất trí với kế hoạch trên trong cuộc hội đàm ở Singapore hôm 2/6.
Giới chức quốc phòng Mỹ, Hàn nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung ngay cả trong giai đoạn đối thoại với Triều Tiên, bất chấp những lời đe dọa ngày càng tăng của Bình Nhưỡng. Tuy vậy, Seoul và Washington cũng thống nhất sẽ không cho phép hoặc hạn chế cho phép truyền thông đưa tin về các cuộc tập trận quy mô lớn này vì không muốn Bình Nhưỡng coi đây là cái cớ để quay lại các hành động khiêu khích quân sự.
Ngoài ra, Mỹ và Hàn Quốc cũng nhất trí “giảm tới mức tối thiểu” việc triển khai các khí tài chiến lược tới bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn hòa dịu với Triều Tiên. Các thông tin về tập trận được đưa ra khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ gặp mặt tại Singapore vào ngày 12/6.
Thành Đạt
Theo Dantri
Diễn biến mới nhất về các cuộc đối thoại Hàn Quốc - Triều Tiên
Các cuộc thảo luận cao cấp giữa Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ được nối lại sau ngày 25.5, một khi cuộc tập trận chung giữa Washington và Seoul kết thúc.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ngày 27.4.2018. Ảnh: Getty Images
Ông Yoon Young-chan, phát ngôn viên Tổng thống Hàn Quốc nói với các phóng viên tại Washington sau cuộc họp ngày 22.5 tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Tuần trước, Triều Tiên hủy bỏ vào giờ chót một cuộc họp với các giới chức cao cấp Hàn Quốc để phản đối cuộc tập trận chung giữa Seoul và Washington, coi đây là một hành động khiêu khích và chuẩn bị cho chiến tranh xâm lược. Bình Nhưỡng còn dọa hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều chưa từng có trước đây giữa ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Triều Tiên sau đó cũng kịch liệt phê bình về phát biểu được cho là "liều lĩnh" của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton sau khi ông này đề nghị Bình Nhưỡng có thể theo "mô hình Libya" về phi hạt nhân. Mô hình này đưa tới kết cục là cái chết của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Tuy nhiên rồi chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đứng ra trấn an rằng: "Mô hình Lybia không phải là mô hình mà chúng tôi muốn thực hiện. Điều này sẽ chỉ diễn ra, nếu ông Kim không chấp nhận thỏa thuận. Trái lại, nếu ông Kim đồng ý thỏa hiệp, thì tôi chắc chắn là ông Kim Jong-un sẽ rất, rất vui".
Triều Tiên cho biết họ sẽ bắt đầu tháo dỡ địa điểm thử nghiệm hạt nhân trong tuần này, trong một buổi lễ được các nhà báo nước ngoài tham dự.
Các nhà báo từ phương Tây, Nga và Trung Quốc đã đến tham dự lễ tháo dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
Các nhà báo Hàn Quốc lẽ ra cũng đã được mời tham dự, nhưng sau sự cố Hàn Quốc tập trận với Mỹ, Bình Nhưỡng đã quyết định không chào đón các phóng viên này.
Theo các nhà báo, con đường di chuyển đến Punggye-ri rất khó khăn và tốn nhiều công sức. Đây cũng là cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên và là địa điểm thử nghiệm hạt nhân duy nhất đang hoạt động trên thế giới.
SONG MINH
Theo Laodong
Đàm phán với Triều Tiên không bao giờ dễ dàng với Mỹ Thế giới đang khấp khởi về một cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên thì bất ngờ Triều Tiên bóng gió về khả năng hủy thượng đỉnh với Mỹ. Triều Tiên đã hủy cuộc họp cấp cao với Hàn Quốc (dự kiến tổ chức vào ngày 16/5), đồng thời đe dọa rút khỏi hội nghị thượng đỉnh với Mỹ...