Triều Tiên nhiều tàu ngầm nhất thế giới
CHDCND Triều Tiên được cho là sở hữu từ 78 – 84 tàu ngầm và đang phát triển tên lửa đạn đạo có thể phóng từ loại tàu này.
Một tàu ngầm được cho là thuộc lớp Romeo của Triều Tiên – Ảnh: AFP
Trong số tháng 3 vừa được xuất bản, chuyên san Vantage Point của Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đăng bài phân tích về năng lực tàu ngầm của CHDCND Triều Tiên. Tờ này dẫn lại số liệu của giới tình báo các nước và tổ chức chuyên về thông tin quốc phòng IHS (Mỹ) cho rằng Triều Tiên hiện sở hữu từ 78 – 84 tàu ngầm thuộc các lớp Romeo, Sang-o và Yugo. Với số lượng này, Triều Tiên là nước có nhiều tàu ngầm nhất thế giới hiện nay, vượt qua Mỹ (72 tàu), Trung Quốc (69), Nga (63), đồng thời bứt xa 2 đối thủ chính trong khu vực là Hàn Quốc (13 tàu) và Nhật Bản (16).
Video đang HOT
“Mối đe dọa lớn”
Vantage Point dẫn lời các chuyên gia đánh giá dù kích cỡ và năng lực thua xa tàu cùng loại của Mỹ, Hàn, Nhật nhưng đội tàu ngầm Triều Tiên nếu được nâng cấp vẫn có thể tạo ra “mối đe dọa lớn”.
Trong đó, tàu lớp Romeo 1.800 tấn được cho là lực lượng chính của đội tàu ngầm Triều Tiên. Tàu được đóng với công nghệ Liên Xô, dài 76,6 m, vận tốc tối đa 24 km/giờ, có khả năng chở 54 thành viên thủy thủ đoàn cùng 8 ngư lôi SAET-60 và 28 thủy lôi. Theo một số nguồn tin, Triều Tiên mua 7 tàu lớp Romeo của Trung Quốc trong giai đoạn 1973 – 1975 và tự sản xuất 15 chiếc còn lại với phụ tùng do Trung Quốc cung cấp. Yonhap dẫn lời giới tình báo Hàn Quốc và Mỹ cho rằng hiện có khoảng 20 tàu lớp Romeo phục vụ trong Hạm đội Đông Hải (hoạt động ở vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản) và Hạm đội Tây Hải (hoạt động ở Hoàng Hải).
Trong khi đó, tàu ngầm sản xuất nội địa lớp Sang-o có độ choán nước 281 tấn, vận tốc hơn 16 km/giờ, có thể chở 25 thành viên thủy thủ đoàn và 6 thợ lặn cùng 2 – 5 ngư lôi và 16 thủy lôi. Tàu lớp Yugo cũng do Triều Tiên tự đóng trong giai đoạn 1991 – 1996 theo công nghệ do Nam Tư cung cấp trước đó. Lớp tàu này có độ choán nước 112 tấn, chở được 11 thành viên thủy thủ đoàn, 6 thợ lặn và mang theo 2 ngư lôi.
Phát triển tên lửa đạn đạo
Triều Tiên cũng được cho là đang phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) để nâng cao năng lực tấn công cho lực lượng tàu ngầm. Hồi đầu năm, website 38 North, do Viện Nghiên cứu Mỹ – Triều Tiên thuộc Trường Johns Hopkins (Mỹ) điều hành, loan tin Triều Tiên đã xây một bãi thử mới tại bờ biển phía đông nước này để phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển SLBM. Các chuyên gia viện nghiên cứu trên đã phân tích những hình ảnh chụp từ vệ tinh xung quanh xưởng đóng tàu Nam Sinpho từ tháng 7 – 12.2014. Trong đó, hình ảnh chụp ngày 18.12 cho thấy có vẻ như Triều Tiên đã thiết kế thành công một khoang dài khoảng 4,25 m và rộng 2,25 m để chứa ống phóng tên lửa thẳng đứng, theo chuyên gia phân tích hình ảnh vệ tinh Joseph Bermudez của 38 North. “Việc Triều Tiên phát triển khả năng tên lửa phóng từ tàu ngầm sẽ làm gia tăng nguy cơ đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và các căn cứ của Mỹ ở Đông Á… Những tàu ngầm mang tên lửa sẽ có khả năng tấn công mặt đất từ mọi phía và hoạt động ở khoảng cách xa đáng kể tính từ bán đảo Triều Tiên”, 38 North nhận định.
Hồi tháng rồi, một số quan chức tình báo Mỹ tiết lộ với báo mạng The Washington Free Beacon rằng Triều Tiên đã lần đầu tiên thử thành công SLBM tên KN-11 vào ngày 23.1.2015. Tuy nhiên, tên lửa được phóng từ một bệ nổi trên biển chứ không phải từ tàu ngầm. Đến hôm qua, Tư lệnh Bộ Chiến lược Mỹ Cecil D.Haney khẳng định trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng Triều Tiên đang phát triển SLBM. Đây là xác nhận chính thức đầu tiên của chính quyền Washington về năng lực SLMB của Bình Nhưỡng. Ông Haney còn cho rằng Triều Tiên đã đạt được những bước tiến trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đủ để gắn vào tên lửa. Triều Tiên chưa có phản ứng về những thông tin trên.
Ứng phó của Hàn, Mỹ
Nhằm nâng cao khả năng ứng phó Triều Tiên, hải quân Hàn Quốc hồi tháng 2 lập Bộ chỉ huy tàu ngầm ở thành phố Jinhae, miền nam nước này, theo Yonhap. Cơ quan này có trách nhiệm vận hành đội tàu ngầm gồm 9 chiếc 1.200 tấn và 4 chiếc 1.800 tấn. Bên cạnh đó, hải quân Hàn Quốc dự định đưa vào biên chế thêm 5 tàu ngầm 1.800 tấn từ nay tới năm 2019 và từ năm 2020 sẽ triển khai 9 tàu ngầm 3.000 tấn có khả năng phóng tên lửa đạn đạo. Cũng nhằm ứng phó tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Brian McKeon hôm qua cho biết Lầu Năm Góc có kế hoạch triển khai một loại radar mới tới bang Alaska, đồng thời đang triển khai thêm 14 hệ thống đánh chặn tên lửa tới bang này đến cuối năm 2017.
Văn Khoa
Theo Thanhnien