Triều Tiên lên tiếng về nghị quyết của IMO liên quan đến vụ phóng tên lửa
Triều Tiên sẽ không thông báo cho Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) về các vụ phóng tên lửa sắp tới của họ.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiền hồi tháng 1/2022. Ảnh: KCNA
Ngày 6/4, CHDCND Triều Tiên cảnh báo sẽ không thông báo trước cho Hàng hải Quốc tế (IMO) về các vụ phóng tên lửa của mình sau khi Liên hợp quốc thông qua nghị quyết lên án các vụ việc này.
Trong một bài bình luận do hãng thông tấn nhà nước đăng tải, chuyên gia phân tích Kim Myong Chol của Triều Tiên nhấn mạnh: “Khi IMO phản hồi thông báo trước của CHDCND Triều Tiên về vụ phóng vệ tinh bằng cách thông qua một “nghị quyết” chống, chúng tôi sẽ coi đây là một động thái chính thức thể hiện quan điểm rằng những thông báo trước của Triều Tiên không còn cần thiết nữa. Trong tương lai, IMO nên biết và tự mình triển khai các biện pháp phù hợp trong thời gian phóng vệ tinh của Triều Tiên, cũng như tính toán điểm rơi của các vật thể và sẵn sàng chịu trách nhiệm hoàn toàn về tất cả các hậu quả “.
Trước đó, Ủy ban An toàn Hàng hải của IMO đã thông qua nghị quyết lên án các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn của hàng hải quốc tế và kêu gọi tuân thủ các quy tắc, bao gồm thông báo trước về bất kỳ vụ thử tên lửa nào.
Đây là nghị quyết đầu tiên của IMO lên án các vụ phóng của Bình Nhưỡng. Trong các phân loại tài liệu chính thức của IMO, các nghị quyết được coi là khuyến nghị mạnh mẽ nhất đối với các quốc gia thành viên. IMO trước đó đã ban hành các thông tư bày tỏ lo ngại về việc Bình Nhưỡng tiếp tục phóng tên lửa không báo trước vào các năm 1998, 2006 và 2016.
Chuyên gia phân tích người Triều Tiên lập luận rằng IMO đã “đưa ra nghị quyết như vậy” lần đầu tiên trong lịch sử, điều này chứng minh rằng tổ chức này “đã bị chính trị hóa hoàn toàn, từ bỏ sứ mệnh ban đầu là thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh hàng hải”.
Ông Kim Myong Chol nói thêm rằng việc cải thiện khả năng quân sự của Triều Tiên là quyền chủ quyền của đất nước, điều cần thiết để “bảo vệ an ninh quốc gia và người dân khỏi các hành động thù địch quân sự liều lĩnh hơn bao giờ hết của Mỹ và các lực lượng đồng minh và để bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực”.
Video đang HOT
“Đây là quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền được quy định rõ ràng trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế có liên quan”, ông Chol nhấn mạnh.
Chuyên gia này nói thêm rằng Bình Nhưỡng tiến hành các cuộc tập trận bắn thử tên lửa theo “cách an toàn nhất” trong khi tính đến an ninh của các quốc gia khác và “cho đến nay không có thiệt hại nào”. Triều Tiên cũng đã ban hành một cảnh báo hàng hải cho Cơ quan An ninh Hàng hải Nhật Bản và thông báo cho IMO về thời gian phóng và vị trí mà tên lửa có thể rơi xuống, mặc dù không bắt buộc phải làm như vậy.
Hôm 31/5, quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng vật thể bay mà Bình Nhưỡng gọi là “phương tiện phóng không gian” về phía Nam, sau khi nước này đã thông báo kế hoạch trên hồi đầu tuần. Tuy nhiên vụ phóng này đã không đạt được mục tiêu theo sự thừa nhận từ Bình Nhưỡng.
“ Tên lửa đẩy vệ tinh mới, Chollima-1, đã rơi xuống Biển Tây do mất lực đẩy vì động cơ khởi động bất thường ở tầng 2 sau khi tầng 1 tách ra trong chuyến bay bình thường”, Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết.
Mặc dù vậy, vụ phóng tên lửa đẩy vệ tinh này đã khiến cho Hàn Quốc và Nhật Bản phải phát đi cảnh báo
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết vụ phóng xảy ra vào khoảng 6h29 ngày 31/5. Hai phút sau, còi báo động không kích vang lên ở Seoul và một phút sau đó, một tin nhắn văn bản được gửi đi kêu gọi người dân “chuẩn bị sơ tán và cho phép trẻ em và người già di tản trước”.
Sau đó, một tin nhắn khác lúc 6h41 nói rằng các cảnh báo đã được gửi đi do lỗi.
Hôm 29/5, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã cảnh báo họ sẽ phá hủy bất kỳ tên lửa nào của Triều Tiên đi vào lãnh thổ của nước này sau khi Bình Nhưỡng thông báo cho Tokyo về kế hoạch phóng một “vệ tinh” trong khoảng thời gian từ ngày 31/5 đến ngày 11/6.
Mặc dù vụ phóng tên lửa thất bại, nhưng đã gây ra cảnh báo khẩn cấp ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết một nhà ngoại giao cấp cao của nước này đã gọi vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên là một sự việc nghiêm trọng mà Bình Nhưỡng đã lợi dụng công nghệ để vi phạm các quy tắc toàn cầu và làm xói mòn trật tự quốc tế.
Về phần mình, bà Kim Yo-jong, Phó Trưởng ban Tuyên truyền và Thông tin của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, cho biết nếu vụ phóng của Bình Nhưỡng bị chỉ trích, thì Mỹ và tất cả các quốc gia “đã từng phóng hàng nghìn vệ tinh” cũng cần phải bị lên án.
Bà Kim Yo-jong khẳng định Bình Nhưỡng sẽ sớm phóng lại vệ tinh trinh sát quân sự vào quỹ đạo không gian một cách chính xác, sau vụ phóng thất bại vừa qua.
Giới chuyên gia 'giải mã' thiết kế mới của tên lửa Triều Tiên Chollima-1
Các nhà phân tích ngày 1/6 cho biết tên lửa đẩy phóng vệ tinh mới của Triều Tiên dường như là một thiết kế mới và rất có thể sử dụng động cơ được phát triển cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của nước này.
Vụ phóng tên lửa đẩy kiểu mới "Chollima-1" mang theo vệ tinh trinh sát quân sự "Malligyong-1" tại bãi phóng Tongchang-ri, Triều Tiên. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Theo hãng tin Reuters, tên lửa đẩy có tên Chollima-1 đã thất bại trong lần thử phóng đầu tiên ngày 31/5. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin tên lửa đã cất cánh thành công nhưng trong tầng 2 đã xảy ra sự cố trong khi khởi động động cơ nên tên lửa đã bay qua và rơi xuống biển Hoàng Hải.
Trong một động thái hiếm hoi, truyền thông nhà nước cũng công bố những bức ảnh về vụ phóng vệ tinh thất bại, mang đến cho các nhà phân tích quốc tế cái nhìn đầu tiên về tên lửa đẩy mới.
Chuyên gia Ankit Panda, làm việc tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cho biết: "Phương tiện phóng mà chúng tôi thấy có nguồn gốc thiết kế hoàn toàn khác so với loạt phương tiện phóng không gian Unha đời cũ của Triều Tiên. Chollima-1 sử dụng động cơ từng xuất hiện trong một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trước đó của Triều Tiên".
Joseph Dempsey, một nhà nghiên cứu quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cũng kết luận rằng tên lửa mới có thể được cung cấp năng lượng bởi động cơ nhiên liệu lỏng vòi kép giống như động cơ được trang bị cho ICBM Hwasong-15 của Triều Tiên.
Một số chuyên gia đánh giá động cơ đó có nguồn gốc từ dòng động cơ RD-250 của Liên Xô, trong khi tên lửa phóng Unha trước đó sử dụng cụm động cơ có nguồn gốc từ tên lửa Scud.
"Mặc dù luồng khí thải của Chollima-1 có vẻ trong suốt, cho thấy nhiên liệu được cung cấp từ chất lỏng, nhưng nó có đọng cặn màu xám nhạt xung quanh bệ phóng. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này vẫn chưa được xác định", báo viết trên trang mạng 38 North chuyên về Triều Tiên chỉ ra.
Chuyên gia Panda cho biết, không giống như lần gần đây nhất Triều Tiên phóng vệ tinh vào năm 2016, nước này có một chương trình ICBM mạnh mẽ và không cần che giấu các vụ thử nghiệm vũ khí khi phóng vệ tinh.
Chollima-1 là một tên lửa đẩy có lực nâng trung bình nhằm đưa các vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo thấp của Trái Đất. "Ước tính của tôi là tên lửa này có khả năng mang theo một vệ tinh có khối lượng khoảng 200 đến 300 kg", vị chuyên gia người Mỹ nói thêm, đồng thời nhận định mục tiêu cuối cùng của Triều Tiên có thể là phóng nhiều vệ tinh trên một tên lửa và Bình Nhưỡng có thể tung ra một phương tiện phóng lớn hơn trong tương lai.
Hàn Quốc thông báo họ đang nỗ lực thu hồi các bộ phận của tên lửa Triều Tiên, đồng thời công bố những bức ảnh cho thấy một bộ phận được thiết kế để nối hai tầng và một thùng nhiên liệu đẩy lỏng bên trong.
Quân đội Hàn Quốc cho biết các hoạt động tìm kiếm vẫn tiếp tục diễn ra trong ngày 1/6, với các tàu chuyên dụng bổ sung được điều động.
Nếu Hàn Quốc tìm được các bộ phận chính của tên lửa, điều này có thể cung cấp thông tin tình báo hữu ích về tên lửa và quá trình sản xuất của Triều Tiên.
Chuyên gia Panda kết luận: "Chúng tôi ngày càng tin rằng Triều Tiên phần lớn đã xoay sở để tự cung tự cấp với việc sản xuất khung máy, sản xuất phần lớn các bộ phận kết cấu của động cơ, nhưng vẫn có khả năng một số bộ phận được Triều Tiên nhập khẩu từ nước ngoài".
Triều Tiên cứng rắn 'dù Liên Hiệp Quốc áp trừng phạt hàng trăm, hàng ngàn lần' Ngày 4-6, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này chỉ trích Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vì đã tổ chức cuộc họp về vụ phóng vệ tinh gần đây của Bình Nhưỡng theo yêu cầu từ Mỹ. Bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: AP Theo...