Triều Tiên “lắp vệ tinh lên tên lửa hôm nay”
Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức vũ trụ cấp cao Triều Tiên cho biết hôm nay, 10-4, sẽ lắp xong vệ tinh Kwangmyongsong-3 lên tên lửa Unha-3.
Ông Ryu Kum-Chol, Vụ phó Vụ Phát triển không gian thuộc Ủy ban Công nghệ Vũ trụ Triều Tiên, xác nhận với các phóng viên ở Bình Nhưỡng: “Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn tất việc lắp ráp trong ngày hôm nay”.
Cũng theo ông Ryu, các mảnh vỡ của tên lửa khi rơi xuống sẽ không gây bất cứ nguy hiểm nào cho các nước trong khu vực. “Chúng tôi đã chọn một đường đi an toàn cho tên lửa. Tầng thứ nhất sẽ rơi cách Philippines 160 km, tầng thứ hai cách đất liền hơn 190 km. Nhưng nếu xảy ra bất trắc, tên lửa sẽ tự hủy theo điều khiển dưới mặt đất một khi chệch khỏi đường bay” – ông Ryu khẳng định.
Vệ tinh Kwangmyongsong-3 được giới thiệu ngày 8-4. Ảnh: AP
Video đang HOT
Quốc tế tiếp tục phản ứng
Ngày 10-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Kwan Jin đã điện đàm để thảo luận về những hợp tác nhằm đối phó vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng cũng như bảo vệ Seoul.
Còn Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba ngày 10-4 đã lên đường đi Washington để thảo luận các vấn đề lớn mang tính toàn cầu, trong đó có Triều Tiên và Iran, với ngoại trưởng các nước G-8. Hội nghị G-8 dự kiến kéo dài hai ngày, bắt đầu từ 11-4.
Ông Gemba sẽ có cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton để bàn về tái bố trí quân Mỹ ở Nhật Bản và kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên.
Theo một số quan chức, do Trung Quốc không tham gia G-8, nên các ngoại trưởng nhóm nước này sẽ dễ dàng nhất trí lên án hành động khiêu khích của Triều Tiên. Họ có thể ra tuyên bố khẩn cấp nếu Triều Tiên tiếp tục kế hoạch phóng tên lửa.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 10-4 ra tuyên bố kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên chứng tỏ nước này “bất chấp” các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Hãng tin RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nói: “Quyết định của Bình Nhưỡng về việc phóng vệ tinh được Nga coi là một ví dụ về việc bất chấp các quyết định mà Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua”.
Trước đó, ngày 9-4, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice cho biết nếu Triều Tiên vẫn tiến hành vụ phóng vệ tinh, Hội đồng Bảo an có thể sẽ nhóm họp để thảo luận về vấn đề này. Phát biểu trên kênh CNN, bà Rice cho rằng việc Triều Tiên phóng tên lửa mang theo vệ tinh, hay thử hạt nhân theo nghi vấn của Hàn Quốc, rõ ràng đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
“Tôi cho rằng Hội đồng Bảo an sẽ nhóm họp tại New York để thảo luận về vấn đề này và sẽ có phản ứng một cách thích đáng đối với cả vụ phóng tên lửa lẫn bất cứ hành động tiềm tàng nào tiếp sau đó” – bà Rice nói.
Hàng không châu Á “né” tên lửa Triều Tiên
Hãng Philippine Airlines của Philippines, các hãng Japan Airlines (JAL) và All Nippon Airways (ANA) của Nhật Bản đã thông báo thay đổi một số đường bay.
Đường bay dự kiến của tên lửa Triều Tiên. Nguồn: BBC
Theo Philippine Airlines, dự kiến tầng thứ 2 của tên lửa Triều Tiên sẽ rơi xuống ở phía đông đảo Luzon nên tất cả các chuyến bay qua khu vực này từ ngày 12 đến 16-4 sẽ được điều chỉnh. Trong số đó có khoảng một chục chuyến giữa thủ đô Manila của Philippines và Mỹ, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Giới chức Philippines cũng tuyên bố vùng cấm bay và cảnh báo tàu thuyền tránh xa khu vực mảnh vỡ tên lửa có thể rơi xuống.
Còn hãng hàng không JAL cho biết sẽ thay đổi đường bay của các chuyến giữa Tokyo với Manila, Jakarta và Singapore, khiến thời gian bay sẽ tăng lên từ 5-20 phút. Hãng ANA đổi lộ trình của 5 chuyến bay giữa Tokyo với Singapore, Manila và Jakarta nhưng cho biết kế hoạch bay sẽ không bị ảnh hưởng.
Theo NLD