Triều Tiên – Đòn bẩy của Bắc Kinh trong đàm phán thương mại với Mỹ
Việc ông Kim Jong Un gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong thời điểm đàm phán thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn sớm đạt thỏa thuận với Washington.
Vào ngày 8/1, phái đoàn Mỹ do Phó đại diện thương mại Jeffrey Gerrish dẫn dầu làm việc với các quan chức Trung Quốc tại trụ sở Bộ Thương mại nước này ở Bắc Kinh. Hai bên hướng tới một thỏa thuận trước thời hạn 1/3, nếu không, Mỹ sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong cùng buổi sáng cuộc gặp của các quan chức Mỹ – Trung diễn ra, chuyến tàu đưa ông Kim Jong Un khởi hành từ đêm hôm trước ở Bình Nhưỡng đã đến ga đường sắt Bắc Kinh. Chuyến đi của ông Kim không được thông báo trước, và diễn ra vào đúng ngày sinh nhật của lãnh đạo Triều Tiên.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc cho biết hai sự kiện này không liên quan, New York Times nhận định chuyến thăm bất ngờ của ông Kim trở thành lời nhắc nhở với Washington về những gì có thể xảy ra trong trường hợp đàm phán thương mại thất bại: Bắc Kinh chắc chắn vẫn có ảnh hưởng quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa bản đảo Triều Tiên.
Cả Trung Quốc lẫn Triều Tiên đều cần đòn bẩy
Phát biểu vào ngày 7/1, Tổng thống Donald Trump cho biết: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc muốn giải quyết điều này. Nền kinh tế của họ đang không tốt. Tôi nghĩ đó là động lực lớn để họ đàm phán”.
Cuộc chiến thương mại không phải là lý do duy nhất khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhưng rõ ràng là nó không làm tình hình trở nên tốt hơn.
Phó đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish (giữa) xuất hiện tại một khách sạn ở thủ đô Bắc Kinh vào ngày 7/1. Ông Gerrish là người dẫn đầu phái đoàn Mỹ đàm phán thương mại với Trung Quốc lần này. Ảnh: AP.
Tại một hội thảo của ngân hàng UBS tại Thượng Hải vào ngày 7/1, ông Fred Hu, nhà sáng lập một quỹ cổ phần riêng ( private equity firm) có trụ sở ở Hong Kong, nhận định: “Cuộc chiến thương mại, bên cạnh tác động trực tiếp (về thuế) của nó, đã tạo ra cảm giác bấp bênh với các nhà nhập khẩu, xuất khẩu, nhà sản xuất, người tiêu dùng, cộng đồng khởi nghiệp và các nhà đầu tư”.
Những nhân vật với quan điểm diều hầu trong chính quyền Tổng thống Trump cho rằng tới lúc này, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra những nhượng bộ hợp lý. Họ muốn gây sức ép với Bắc Kinh để làm rõ những lời hứa mơ hồ của chính phủ Trung Quốc về việc cải thiện bảo vệ tài sản trí tuệ, hạn chế sự ưu ái của chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước và ngừng việc gây áp lực lên các công ty Mỹ đòi chuyển giao công nghệ.
Trong thời điểm căng thẳng này, Triều Tiên sẽ giúp Bắc Kinh có được đòn bẩy cần thiết. Chiến lược chủ yếu của chính quyền ông Trump với Bình Nhưỡng là gây áp lực cao nhất bằng các lệnh trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, để phương án này trở nên hiệu quả lại cần sự hợp tác của Trung Quốc, vì đây là thị trường cho 90% các hoạt động thương mại với nước ngoài của Triều Tiên.
Video đang HOT
Về động cơ của Bình Nhưỡng, chuyên gia quốc phòng Harry Kazianis tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia, một viện chính sách ở Washington, nhận định: “Ông Kim muốn nhắc nhở chính quyền Trump rằng ông ấy có một lựa chọn ngoại giao và kinh tế khác, ngoài những gì mà Washington cùng Seoul đề nghị”.
Ông Kazianis cũng nhắc lại chuyến đi của ông Kim diễn ra ngay sau bài phát biểu năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên, trong đó đe dọa sẽ tìm “một cách mới” để bảo vệ lợi ích quốc gia nếu Washington tiếp tục giữ vững các lệnh trừng phạt.
Nguy cơ phản tác dụng
Trước đây, các quan chức Trung Quốc phủ nhận sự liên quan giữa căng thẳng thương mại và các vấn đề an ninh quốc gia. Một “đòn bẩy” cũng có thể lại rủi ro cho Bắc Kinh. Những cố vấn diều hâu trong Nhà Trắng có thể khiến ông Trump đưa ra những quyết định cứng rắn hơn, nhất là khi tổng thống Mỹ vốn là người khó đoán định.
Chiếc xe được cho là chở lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un rời khỏi nhà khách chính phủ Điếu Ngư Đài. Ảnh: Kyodo.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu vào ngày 7/1, cho biết Triều Tiên và cuộc chiến thương mại là hai vấn đề hoàn toàn tách biệt. Một ngày sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng cho biết cuộc gặp giữa ông Kim và ông Tập không liên quan đến các vấn đề thương mại với Mỹ: “Trung Quốc có rất nhiều hoạt động ngoại giao, và lịch trình ngoại giao của chúng tôi rất dày đặc. Nếu có sự chồng chéo thì đó cũng là điều tự nhiên”.
Mặc dù ông Trump dự kiến sẽ xuất hiện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào tháng này ở Davos, Thụy Sĩ, chính phủ Mỹ đã từ chối những nỗ lực của Bắc Kinh để tổ chức thêm một cuộc gặp song phương ở sự kiện này. Chuyến thăm Mỹ của Phó thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn số 1 về kinh tế của Chủ tịch Tập, dự kiến diễn ra trong tháng này, cũng đã bị dời tới sau ngày 29/1.
Điều này khiến cho những kết quả từ chuyến đi của ông Lưu sẽ không kịp có ảnh hưởng tích cực đến thị trường Trung Quốc vào thời điểm quan trọng nhất: trước Tết Nguyên Đán. Tết âm lịch sẽ bắt đầu vào ngày 4/2, và vài tuần trước Tết thường là quãng thời gian mua sắm bận rộn của người dân.
Vì vậy, chuyến đi của ông Kim cho Bắc Kinh cơ hội để thể hiện với Washington rằng họ có một thứ Mỹ muốn. Cả 3 chuyến đi tới Trung Quốc vào năm ngoái của nhà lãnh đạo Triều Tiên đều liên quan tới quá trình đối thoại với Mỹ, và chuyến thăm Bắc Kinh vào ngày 8/1 cũng diễn ra trong bối cảnh chuẩn bị cho cuộc gặp lần 2 của ông Kim và ông Trump.
Trong một diễn biến khác, cuộc đàm phán thương mại giữa phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tại Bắc Kinh, dự kiến kéo dài 2 ngày từ 7-8/1, đã bất ngờ kéo dài sang ngày thứ ba.
Theo Tintuc
Đàm phán thương mại Trung - Mỹ, Nhà Trắng gây sức ép bằng con bài Biển Đông
Ngày 07.01.2019, một phái đoàn đàm phán thương mại cấp thứ trưởng Mỹ đã đến Bắc Kinh, bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới nhất. Đây là cuộc đàm phán quan trọng mà Nhà Trắng phải thắng, vì vậy chiến hạm Mỹ đi vào vùng nước Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ những năm 1970), tiếp tục gây sức ép địa chính trị căng thẳng lên Trung Quốc.
Khu trục hạm tên lửa có điều khiển USS Campbell của Mỹ trên Biển Đông. Ảnh: Reuters.
Các cuộc đàm phán được tiến hành trong các nhóm khác nhau, nghiên cứu các giải pháp miễn thuế trong những lĩnh vực như: sở hữu trí tuệ, nông nghiệp và thương mại công nghiệp.
Theo các nguồn tin giấu tên và một bức ảnh của Bloomberg, phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tham dự ngày khai mạc cuộc hội đàm. Theo kế hoạch ban đầu, các cuộc đàm phán sẽ chỉ có sự tham gia của các đại diện quan chức cấp thấp hơn từ phía Trung Quốc.
Hãng tin SCMP cho biết, ông Lưu Hạc không tham dự cuộc đàm phán đầu tiên, mà chỉ đến chào đón đoàn Mỹ.
Dẫn đầu phái đoàn thương mại Mỹ là phó Đại diện Thương mại Jeffrey Gerrish. Các bên đặt ra hạn chót là là ngày 01.03.2018 để đạt được một thỏa thuận thương mại. Trong trường hợp ngược lại, Mỹ có thể tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Ngày 04.01.2019, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố, phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ đến Trung Quốc "để có những cuộc thảo luận tích cực và mang tính xây dựng với các đối tác Trung Quốc về hiện thực hóa sự đồng thuận quan trọng, đạt được giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ ở Argentina."
Ngày 06.01.2019, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang tiến triển tốt và "sự yếu kém trong nền kinh tế Trung Quốc là lý do để Bắc Kinh đàm phán, hướng tới một thỏa thuận tốt cho nước Mỹ."
Ông nói: "Các cuộc đàm phán với Trung Quốc đang diễn ra rất tốt. Tôi thực sự tin rằng họ muốn có một thỏa thuận". Theo tổng thống Donald Trump, hàng rào thuế quan Mỹ gây tổn thất nặng cho Trung Quốc. Ông nhấn mạnh:
"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc muốn giải quyết khó khăn này. Nền kinh tế của họ không hoạt động hiệu quả được", ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng. "Tôi nghĩ rằng điều đó khiến họ có động lực lớn để đàm phán".
SCMP dẫn lời phát biểu của Lawrence J. Lau, giáo sư kinh tế tại Đại học Hồng Kông, Trung Quốc, cựu thành viên của cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc, cho biết ông đã dự đoán về một thỏa thuận ngừng cuộc chiến thương mại.
Theo ông, thỏa thuận ngừng cuộc chiến thương mại sẽ làm giảm đi sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vài ngày trước khi có chuyến viếng thăm của phái đoàn thương mại Mỹ.
Tôi tin rằng các bên sẽ nghĩ ra một phương án nào đó có thể chấp nhận được, ông Lau nói. Đây sẽ là một vấn đề cụ thể và cuối cùng nếu có điều chỉnh, thì không nên có bất kỳ mức tăng thuế nào.
SCMP cho biết, kể từ khi thỏa thuận ngừng chiến tranh thương mại tháng 1 được sự đồng thuận giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc đã có một số nhượng bộ, bao gồm lùi việc áp thuế bổ sung đối với các xe hơi Mỹ nhập khẩu, tiếp tục mua đậu nành của Mỹ, giảm thiểu một số nội dung trong chiến lược Made in China 2025, đề xuất sửa đổi luật đầu tư nước ngoài về nội dung chuyển giao công nghệ.
Trong khi cả hai bên đều lạc quan về cuộc đàm phán làm giảm thiểu leo thang chiến tranh thương mại, Mỹ đã tiến hành một động thái, được cho là gia tăng sức ép trên bàn đàm phán với phía Trung Quốc.
Ngày 07.01.2019, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr cho biết trong một tuyên bố gửi qua email đến các phương tiện thông tin đại chúng, khu trục hạm tên lửa có điều khiển USS Campbell của Mỹ thực hiện chuyến hải trình trong khuôn khổ chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải FONOP của hải quân Mỹ trong khoảng cách 12 hải lý thuộc quần đảo Hoàng Sa, thách thức những tuyên bố phi pháp từ phía Bắc Kinh.
Hoạt động này không nhằm đe dọa bất cứ quốc gia nào hoặc được coi là một tuyên bố chính trị, phát ngôn viên McMarr nhấn mạnh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng, hành vi của chiến hạm Mỹ xâm phạm luật pháp Trung Quốc và quốc tế, Trung Quốc đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc nhất và kêu gọi Mỹ chấm dứt các hành động "khiêu khích" này.
Ông Lục Khảng cũng cho biết, Trung Quốc đưa tàu quân sự và máy bay chiến đấu nhằm giám sát và cảnh báo chiến hạm Mỹ. Khi được hỏi liệu hoạt động này có gây khó khăn cho cuộc đàm phán thương mại hay không, ông Lục Khảng nói rằng, cả Mỹ và Trung Quốc đều có trách nhiệm xây dựng bầu không khí tích cực, cần thiết cho đàm phán.
Việc chiến hạm USS Campbell của Mỹ thực hiện tuần tra trong vùng nước lân cận quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, thực tế là một sức ép trực tiếp lên chính quyền Bắc Kinh, cảnh báo một thực tế khắc nghiệp sẽ diễn ra trên các vùng nước thuộc Biển Đông, biển Hoa Đông và là một động thái buộc Trung Quốc phải nhân nhượng trên bàn đàm phán thương mại.
Mặc dù có áp lực lớn, cuộc đàm phán thương mại vẫn đang tiếp tục diễn ra vào ngày 08.01.2019, Nhà Trắng tin rằng Bắc Kinh sẽ nhượng bộ dưới sức ép của Mỹ.
Theo VietTimes
Nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Trung Quốc Ngày 8-1, hãng BBC đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Kim Jong-un cùng phu nhân là bà Ri Sol-ju sẽ ở thăm Trung Quốc đến ngày 10-1. Trong khi đó, hãng Yonhap cho biết, một chuyến tàu nhiều...