Triều Tiên đề nghị thống nhất liên Triều, Hàn Quốc nói gì?
Ngay cả khi bán đảo Triều Tiên có xu hướng hạ nhiệt với các cuộc đàm phán và triển vọng thống nhất hai miền, Hàn Quốc cho biết vẫn chuẩn bị sẵn cho “mọi tình huống bất trắc”.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha (Ảnh: Reuters)
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) hôm nay 25/1, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết: “Chúng tôi đang thảo luận các kịch bản có thể xảy ra. Một kịch bản khiêu khích (từ phía Triều Tiên) vẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó chúng tôi theo đuổi các cuộc đàm phán này với chủ trương chuẩn bị sẵn cho mọi tình huống bất trắc để có thể đối phó với mọi kịch bản có thể xảy ra”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kang không nêu chi tiết liệu những kịch bản mà Hàn Quốc chuẩn bị sẵn phương án đối phó là gì.
Bình luận trên được đưa ra giữa lúc bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng với các cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Seoul liên quan đến việc Triều Tiên cử đoàn tham dự Thế vận hội mùa Đông tại Hàn Quốc vào tháng 2 tới.
Triều Tiên hôm qua cũng bất ngờ kêu gọi thống nhất với Hàn Quốc song không muốn có sự can thiệp của các quốc gia khác. Thông điệp của Triều Tiên nhấn mạnh, tất cả người dân Triều Tiên nên “thúc đẩy liên lạc, đi lại, hợp tác giữa Triều Tiên và Hàn Quốc”, đồng thời tuyên bố sẽ “đập tan” tất cả thách thức gây cản trở tiến trình tái thống nhất bán đảo Triều Tiên.
Trong khi giới quan sát tỏ ra hoài nghi với những đề nghị của Triều Tiên, Hàn Quốc tin tưởng rằng Thế vận hội mùa Đông sẽ phần nào giúp hóa giải căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Video đang HOT
“Đây là một cơ hội để gắn kết và gắn kết hòa bình thông qua Thế vận hội, và chúng tôi chỉ cần tận dụng tốt nhất cơ hội này”, Ngoại trưởng Kang cho biết. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh, nếu Triều Tiên tiến hành thêm bất cứ vụ thử nghiệm vũ khí hay các hành động “khiêu khích” tương tự đều “không thể chấp nhận được” và sẽ kéo theo lệnh trừng phạt.
Minh Phương
Tổng hợp
Theo Dantri
Duyệt binh trước thềm Thế vận hội Hàn Quốc, Triều Tiên muốn gửi thông điệp gì?
Việc Triều Tiên dự kiến sẽ tổ chức lễ duyệt binh quy mô lớn vào ngày 8/2, tức chỉ một ngày trước khi Thế vận hội mùa Đông 2018 khai mạc tại Hàn Quốc, được xem là động thái ẩn chứa thông điệp ngầm từ Bình Nhưỡng.
Quân đội Triều Tiên duyệt binh tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Trong những năm gần đây, Triều Tiên đều kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) vào ngày 25/4. Đây là dịp để Bình Nhưỡng phô diễn sức mạnh của các hệ thống vũ khí uy lực mới, bao gồm các tên lửa đạn đạo, trong các lễ duyệt binh có sự tham dự của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tuy nhiên, hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) ngày 23/1 đưa tin Bình Nhưỡng quyết định đổi ngày kỷ niệm thành lập KPA từ 25/4 sang 8/2. Theo đó, ngày 25/4 từ nay sẽ được coi là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Cách mạng Nhân dân Triều Tiên - lực lượng tiền thân của KPA do cố lãnh đạo Kim Nhật Thành sáng lập để tiến hành phong trào chống Nhật vào năm 1932.
Trước khi chuyển sang ngày 25/4, các ngày kỷ niệm KPA vẫn được chọn là ngày 8/2 cho tới năm 1978. Việc Triều Tiên bất ngờ đổi lại thành ngày 8/2 từ năm nay là dấu hiệu cho thấy nước này có thể sẽ tổ chức một lễ duyệt binh quy mô lớn vào tháng tới. Động thái này của Bình Nhưỡng được cho là nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả những người quan tâm tới Thế vận hội do Hàn Quốc đăng cai từ ngày 9-25/2 cũng như những người tò mò về năng lực hạt nhân của Triều Tiên.
Theo KCNA, "chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ tiến hành những bước đi thiết thực để đánh dấu ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên". Hình ảnh vệ tinh mới được công bố gần đây cho thấy các binh sĩ và phương tiện quân sự của Triều Tiên đang diễn tập tại một sân bay gần thủ đô Bình Nhưỡng. Trong khi đó, một quan chức chính phủ Hàn Quốc tiết lộ với hãng tin Yonhap rằng số lượng binh sĩ tham gia lễ duyệt binh năm nay của Triều Tiên sẽ tăng lên.
"Tại sân bay Mirim, 13.000 binh sĩ và khoảng 200 khí tài đã được phát hiện chuẩn bị cho lễ duyệt binh", quan chức Hàn Quốc cho biết.
Giới phân tích nhận định mặc dù quy mô của các lễ duyệt binh thường không đồng bộ và có sự thay đổi theo từng năm, song Triều Tiên vẫn luôn phô diễn và nâng cao tầm quan trọng của các lễ duyệt binh.
"Năm ngoái họ đã trình làng một số tên lửa mới và sau đó lần lượt thử từng quả một. Tôi cho rằng điều này sẽ xảy ra tương tự trong năm nay", Shea Cotton, chuyên gia Triều Tiên tại Trung tâm nghiên cứu chống phổ biến vũ khí James Martin tại California, Mỹ nhận định.
"Họ đã đạt được một số cột mốc khá lớn vào năm ngoái và tôi nghĩ họ muốn thể hiện mình một cách thật đặc biệt dưới sự quan sát của cả thế giới", ông Shea nhận định về lễ duyệt binh năm nay của Triều Tiên.
Toan tính của Triều Tiên
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự một lễ duyệt binh của Triều Tiên (Ảnh: AAP)
Theo chuyên gia Daniel Pinkston tại Đại học Troy ở Seoul, việc Triều Tiên tổ chức duyệt binh có thể nhằm phục vụ mục tiêu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un - người từng tuyên bố muốn cho Hàn Quốc cũng như các khu vực khác trên thế giới và cộng đồng quốc tế thấy năng lực quân sự của Bình Nhưỡng.
Chuyên gia Pinkston cho rằng, việc tổ chức duyệt binh chỉ một ngày trước khi Thế vận hội mùa Đông khai mạc ở Hàn Quốc có thể nằm trong tính toán của Triều Tiên. Lễ duyệt binh được tổ chức trong bối cảnh ngày càng nhiều người Hàn Quốc hoài nghi về việc hai nước bắt tay hợp tác trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Kết quả khảo sát công bố ngày 22/1 cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Moon xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua.
"Tạo ra sự chia rẽ và xáo trộn trong nội bộ xã hội Hàn Quốc, cũng như mối quan hệ giữa Hàn Quốc với Mỹ và các thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, được xem là điều Triều Tiên mong muốn", ông Pinkston nói, đồng thời dự đoán lễ duyệt binh năm nay sẽ được tổ chức với quy mô hoành tráng.
Quan hệ giữa hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu hạ nhiệt từ đầu năm nay khi Bình Nhưỡng nhất trí cử đoàn vận động viên sang Hàn Quốc dự Thế vận hội. Mặc dù đây được xem là cầu nối để đưa Triều Tiên và Hàn Quốc xích lại gần nhau trước khi tiến hành các cuộc đàm phán, song các chuyên gia nghi ngại rằng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ chịu "xuống thang" trong chương trình hạt nhân của nước này. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố không có kế hoạch gặp các quan chức Triều Tiên cả trước, trong và sau Thế vận hội.
Thành Đạt
Theo Dantri
Kim Jong Un có cách ngăn thông tin mật rò rỉ tại Olympic mùa Đông Chuyên gia an ninh châu Á Chris Ogden nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ gửi người giám sát đến Olympic mùa Đông ở Hàn Quốc để tiến hành giám sát liên tục của các cá nhân của đội. Triều Tiên sẽ tham gia Thế vận hội mùa Đông tại Hàn Quốc vào tháng tới. Trên DailyStar, chuyên gia này dự đoán,...