Triều Tiên chỉ trích phim Hàn Quốc ‘bịa đặt’
Truyền thông nhà nước Triều Tiên cáo buộc các bộ phim điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc có nội dung bịa đặt, tuyên truyền chống phá nước này.
“Gần đây, chính quyền và các nhà sản xuất phim Hàn Quốc đang cố gắng thúc đẩy chiến lược tuyên truyền khi phát hành các bộ phim điện ảnh và truyền hình dối trá, bịa đặt”, Uriminzokkiri, trang tin của nhà nước Triều Tiên, viết trong một bài xã luận hôm qua.
Uriminzokkiri không chỉ đích danh những bộ phim bị chỉ trích, song hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho rằng có thể trang này đang đề cập đến các bộ phim đình đám gần đây như “Crash Landing On You” (Hạ cánh nơi anh) hay “Ashfall” (Đại thảm họa núi Baekdu).
“Hạ cánh nơi anh” là bộ phim tình cảm về con gái của nhà tài phiệt Hàn Quốc cùng một người sĩ quan Triều Tiên, trong đó khắc họa Triều Tiên là đất nước nghèo nàn, kinh tế lạc hậu. “Đại thảm họa núi Baekdu” kể về nỗ lực của các binh lính Hàn Quốc – Triều Tiên nhằm ngăn vụ phun trào trên núi Baekdu với hình ảnh các ngôi làng Triều Tiên bị tàn phá nghiêm trọng.
Hai diễn viên chính trong “Crash Landing On You”. Ảnh: tvN.
“Chúng tôi không giấu nổi sự kinh ngạc khi thấy chính quyền Hàn Quốc phát hành và ủng hộ những bộ phim có nội dung chống đối, đả kích Triều Tiên để đổ lỗi cho sự sụp đổ của đàm phán hòa bình trên bán đảo, sau khi làm hỏng quan hệ liên Triều bằng cách nghe lời xúi giục của Mỹ và thực hiện các hành động đối đầu quân sự”, Uriminzokkiri viết thêm.
Trang tin này cũng cảnh báo các nhà sản xuất và phát hành những nội dung tương tự sẽ phải “trả giá” vì đã hoàn toàn bóp méo sự thật về Triều Tiên cũng như làm tổn thương tới người dân nước này.
Triều Tiên gần đây liên tục gia tăng áp lực lên Hàn Quốc và Mỹ vì kế hoạch tập trận chung giữa hai nước. Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ không trở lại bàn đàm phán nếu Washington không rút lại chính sách thù địch với nước này.
Video đang HOT
Ngọc Ánh (Theo Yonhap)
Theo vnexpress.net
Bán đảo Triều Tiên: Khủng hoảng có thể xảy ra bất cứ lúc nào
Ngày 25/11, Triều Tiên đã bắn pháo từ một hòn đảo gần biên giới với Hàn Quốc. Động thái này được cho là vi phạm thỏa thuận giữa Bình Nhưỡng và Seoul.
Theo các nhà phân tích, cơ hội ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên đã khép lại và khủng hoảng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu trên đảo Changrin. Ảnh: Reuters
Tập trận tạo sức ép với Mỹ - Hàn
Cuộc tập trận do CHDCND Triều Tiên tiến hành trên đảo Changrin, gần biên giới với Hàn Quốc đã được hãng thông tấn Triều Tiên KCNA thông báo khá chi tiết. Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un cùng Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên Pak Jong-chon đã kiểm tra một trong những đơn vị pháo binh ven biển. Tại trạm quan sát, ông Kim Jong-un ra lệnh nổ súng.
"Những người lính của đại đội pháo binh ven biển đã trình diễn với nhà lãnh đạo cấp cao đáng kính về nghệ thuật bắn súng, làm ông rất hài lòng", KCNA đưa tin.
Theo KCNA, ông Kim Jong-un cũng đã làm quen với cuộc sống của các quân nhân khi ông đến thăm doanh trại, căng tin, kho thực phẩm, nhà kính và nhà tắm. Sau cuộc kiểm tra, ông Kim đã ra lệnh cải thiện việc cung cấp cho binh sĩ thịt, trứng, hải sản, nấm và rau.
Kim Jong-un đặc biệt chú ý đến số lượng và chất lượng nước uống cung cấp cho binh lính cũng như các phương tiện vệ sinh cần thiết và tình trạng sưởi ấm trong doanh trại.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi thổi bùng ngọn lửa của phong trào "Danh hiệu xạ thủ". Ông Kim cũng lưu ý về sự cần thiết phải bảo trì thường xuyên vũ khí, để "bất kỳ đơn vị nào cũng có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu vào bất cứ lúc nào".
Ngay lập tức, Hàn Quốc đã lên án cuộc tập trận ở Hoàng Hải. "Việc bắn pháo ở Bắc Triều Tiên vi phạm thỏa thuận được ký kết bởi lực lượng vũ trang của hai nước vào ngày 19/9/2018" - Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo cho biết.
"Chúng tôi kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các thỏa thuận song phương đã đạt được trước đó và ngay lập tức chấm dứt mọi hoạt động quân sự ở khu vực biên giới, vì nó làm tăng mức độ căng thẳng", bà Choi Hyun-soo nhấn mạnh.
Theo thỏa thuận, các bên đã đồng ý tạo ra ở biên giới một khu vực không có các cuộc tập trận quân sự và pháo binh. Trong khi đó, cuộc kiểm tra của Kim Jong-un về khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội Nhân dân Triều Tiên đã là lần thứ ba trong 10 ngày qua. Vào giữa tháng 11, ông Kim quan sát các cuộc diễn tập của hàng không, phòng không và chỉ đạo các cuộc tập trận của lính nhảy dù.
Căng thẳng tiếp tục leo thang?
Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, những hành động như vậy của Kim Jong-un có thể được hiểu là một nỗ lực gây áp lực đối với Washington và Seoul nhằm nối lại cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa với các điều khoản có lợi cho Bình Nhưỡng.
Ông Kim Jong-un đã đưa ra thời hạn đến cuối năm nay để hoàn thành các cuộc đàm phán về chủ đề này, nhưng không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Tiến trình chính và không thay đổi của Nhà Trắng trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn là yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Không có gì đáng ngạc nhiên, kể từ tháng 5, Triều Tiên đã tiến hành 12 vụ thử tên lửa. Động thái này cho thấy sự thất vọng của họ về thất bại của cuộc gặp song phương Mỹ - Triều tại Hà Nội.
"Sau cuộc gặp không có kết quả giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại Việt Nam, tình hình tiếp tục xấu đi và thời gian khá ảm đạm đang chờ đợi chúng tôi", cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Nga và cũng là cựu Trưởng đoàn đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên Wi Sung Lac cho biết.
Có khả năng, trong bài phát biểu truyền thống nhân dịp năm mới, ông Kim Jong-un sẽ giới thiệu một chiến lược mới dựa trên sự phát triển của tiềm năng tên lửa hạt nhân của CHDCND Triều Tiên - ông Wi Sung Lac nhận định.
Sau các cuộc đàm phán không thành công vào tháng 10 tại Stockholm, mức độ chỉ trích Mỹ của Bắc Triều Tiên đã tăng mạnh. Bình Nhưỡng hoài nghi quyết định của Mỹ và Hàn Quốc trong việc hoãn tổ chức cuộc tập trận chung đã lên kế hoạch vào cuối tháng 11 để ủng hộ mong muốn của Triều Tiên nhằm giải quyết tình hình trên bán đảo.
Theo người đứng đầu Lầu năm góc Mark Esper, quyết định hoãn các cuộc tập trận là một cử chỉ thiện chí và Washington hy vọng sẽ có hành vi tương tự của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, bước đi này được Bình Nhưỡng cho là một "chiến thuật" của Mỹ - Hàn, nó không đủ để thiết lập niềm tin giữa các quốc gia và nối lại các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa. Triều Tiên kêu gọi Mỹ từ bỏ vĩnh viễn các cuộc diễn tập chung với Hàn Quốc.
Không chờ đợi bài phát biểu năm mới của ông Kim Jong-un, Seoul đang nghiêm túc xem xét kịch bản Bình Nhưỡng từ chối đàm phán với Mỹ.
Trả lời phỏng vấn tờ "Nezavisimaya Gazeta", ông Baek Chu Khan, Phó chủ tịch Eurasia 21, một tổ chức phi chính phủ khẳng định: "Cánh cửa ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên đã khép lại", rằng: "Tổng thống Mỹ đã không thể từ bỏ áp lực trừng phạt đối với Triều Tiên và đưa ra các bảo đảm về an ninh trong trường hợp ký kết thỏa thuận phi hạt nhân hóa.
Điều này có nghĩa là một cuộc khủng hoảng mới trên bán đảo Triều Tiên có thể xảy ra bất cứ lúc nào".
Duy Long (TH)
Theo giaoducthoidai.vn
Triều Tiên, tối hậu thư với Mỹ và 3 lý do ít người biết Một trong những gì được thế giới chờ đợi xem vào thời điểm năm 2019 kết thúc và năm mới 2020 bắt đầu là Triều Tiên sẽ có những quyết sách mới nào về chính sách đối với Mỹ. Có 3 lý do khiến cho thế giới bên ngoài biết chắc rằng Triều Tiên sẽ có điều chỉnh chính sách ấy để định...